Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Người gác đèn biển - Henryk Sienkievich (Ba Lan)


Truyện ngắn này viết dựa theo một chuyện có thật mà J.Horain đã kể trong một bức thư gửi từ Mỹ về.

1
Một lần xảy ra chuyện người gác đèn biển ở Axpionan - một nơi không xa Panama - bị mất tích. Chuyện đó xảy ra trong cơn bão nên người ta cho rằng kẻ xấu số kia đã bị sóng cuốn đi khi lần ra mép nước của đảo đá đặt tháp đèn. Điều đó càng có vẻ có lý, vì ngày hôm sau người ta không thấy chiếc xuồng con mà ông ta vẫn thường xuyên buộc ở kẽm đá. Cần phải tìm ngay người thay thế chân gác đèn bị khuyết, bởi ngọn đèn biển này có ý nghĩa không nhỏ đối với giao thông trong vùng, cũng như đối với tàu bè chạy từ New York đến Panama. Vịnh Muỗi vốn lắm doi cát và bãi cạn, tìm luồng lạch ban ngày còn khó, huống hồ ban đêm, nhất là giữa những lớp mù thường bao phủ vùng biển nhiệt đới bị mặt trời liên tục hun nóng nơi đây. Khi ấy đối với số đông tàu bè, ngọn đèn biển trở thành người chỉ đường duy nhất.
Mối lo tìm người gác đèn thay thế đổ xuống đầu viên lãnh sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở Panama, mà đó là mối lo chẳng nhỏ nhoi gì, bởi lẽ thứ nhất là phải tìm bằng được người thay thế trong vòng 12 tiếng đồng hồ, thứ hai, người thay thế phải là người đặc biệt mẫn cán, không phải ai cũng có thể nhận được, và sau nữa, hiện chẳng có ma nào tình nguyện ứng cử vào chân ấy. Cuộc sống trên tháp đèn vô cùng khắc khổ, chí ít cũng chẳng hấp dẫn gì với dân miền Nam rỗng tuếch vốn ưa thích tự do phiêu lãng. Người gác đèn biển chẳng khác chi tù nhân. Trừ chủ nhật, anh ta không được phép rời khỏi cái đảo đá của mình. Mỗi ngày một lần, thuyền từ đảo Axipinoan chở ra đảo lương ăn và nước uống rồi lại rời đi ngay, và khi ấy, cả cái đảo đá rộng chừng một mẫu ấy không còn một bóng người nào khác. Người gác đèn sống ngay trong lòng tháp đèn và tự lo liệu lấy. Ban ngày trông theo phong vũ biểu mà treo cờ hiệu các màu để báo thời tiết, đêm thì đốt đèn. Kể ra, đó cũng không phải công việc nặng nhọc gì, nếu như không phải ngày vài lần leo những hơn bốn trăm bậc trên cái cầu thang cao ngất trôn ốc lên đỉnh tháp. Nói chung, đó là cuộc sống như trong tu viện, mà còn tệ hơn cả tu viện, bởi lẽ người gác đèn chỉ trần mỗi một thân một mình.
Vì vậy, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ngài lãnh sự Fancônbritgiơ lo nghĩ không biết tìm đâu cho ra người gác đèn thay thế cho kẻ bạc phận, và cũng dễ hiểu niềm vui sướng của ngài khi ngay trong ngày hôm ấy tự nhiên có một người tìm đến xin nhận chân gác đèn. Đó là một ông lão tuổi ngoài 70, song nom vẫn quắc thước khỏe mạnh, lưng vẫn thẳng, dáng dấp có vẻ con nhà binh. Tóc ông lão đã bạc trắng, nước da bánh mật như người Krêôn song cứ theo màu đôi mắt mà suy thì chắc chắn ông không phải là người phương Nam. Vẻ mặt ông trầm ngâm, đầy u ẩn, nhưng trung hậu. Thoạt trông, ngài Fancônbitgiơ đã thấy hài lòng, nhưng ngài vẫn có nhiệm vụ thẩm tra người xin việc, vì vậy đã diễn ra cuộc đối thoại sau đây:
- Quê ông ở đâu?
- Thưa, tôi người Ba Lan.
- Từ trước tới nay ông làm nghề gì?
- Thưa ngài, tôi đi tìm việc.
- Người gác đèn phải là người thích ngồi yên một chỗ kia đấy.
- Thưa, chính tôi cũng đang cố tìm một chỗ yên thân.
- Ông đã đi lính bao giờ chưa? Ông có chứng nhận phục vụ trung thành với Chính phủ chứ?
Ông lão rút trong túi hầu bao một mảnh vải lụa nhàu nát, nom như một mẩu cờ cũ kỹ. Lão vừa mở vừa nói:
- Thưa, chứng nhận đây ạ. Huân chương chữ thập này tôi được thưởng năm 30. Cái thứ hai là Huân chương của Tây Ban Nha, tôi được thưởng trong cuộc chiến tranh Caclixtô. Cái thứ ba là Huân chương của Pháp, cái thứ tư tôi nhận được ở Hunggari. Rồi tôi đánh nhau ở Hoa Kỳ chống lại các bang miền Nam, nhưng ở đó người ta không tặng huân chương, chỉ phát có mẩu giấy này.
Fancônbitgiơ cầm lấy tờ giấy và bắt đầu đọc.
- Hừm, Xkavinxki? Họ của ông đấy à? … hừm. Tự tay đoạt được hai lá quân kỳ trong một trận đấu lê… ông đã từng là một người lính dũng cảm!
- Tôi sẽ là một người gác đèn mẫn cán, thưa ngài!
- Ngoài ấy phải leo lên tận tháp đèn ngày một vài lần cơ đấy, liệu chân ông có còn đủ cứng không?
- Thưa, tôi đã từng đi bộ qua cả miền đồng bằng.
- All right! Ông có biết qua loa nghề biển chứ?
- Tôi đã làm việc ba nằm liền trên tàu săn cá voi, thưa ngài.
- Ông qua cũng nhiều nghề gớm nhỉ?
- Thưa, tôi chỉ chưa tìm đuợc chốn yên thân.
- Sao vậy?
- Cái số tôi nó thế…
- Theo tôi, để làm nghề gác đèn thì ông hơi quá già đấy.
- Sir, - ông lão chợt thốt lên bằng giọng đầy xúc động.- Tôi đã mệt mỏi, đã chịu đựng quá nhiều rồi. Ngài cũng thấy đấy, đời tôi đã trải qua bao đận. giờ tôi chỉ mong sao có một chỗ yên thân. Tôi già rồi, tôi chỉ cần yên tĩnh! Tôi muốn được tự nhủ với mình rằng: mày sẽ ngồi yên tại chốn này, đây đã là bến cảng của mày. Ôi, sir, việc này chỉ có phụ thuộc vào mỗi một mình ngài mà thôi. Khó lòng có cơ hội thế này lần nữa. may mắn làm sao đúng lúc này tôi lại có mặt ở Panama kia chứ… Tôi van ngài… thề có Đức Chúa lòng lành, tôi như con tàu sẽ bị đắm chìm nếu không tìm được bến cảng. Xin ngài rón tay làm phúc cho thân già này… Xin thề với ngài là tôi ngay thực, nhưng… tôi ngán cảnh lang thang này lắm rồi…
Đôi mắt xanh của ông lão biểu lộ lời cầu khẩn tha thiết đến nỗi ngài Fancônbritgiơ - vốn có tấm lòng nhân hậu và chất phác - cũng xúc động.
- Well.- ngài nói.- tôi đồng ý nhận ông vào chân gác đèn.
Nét mặt ông lão bừng lên lòng biết ơn khôn tả.
- Xin đa tạ ngài.
- Thế liệu hôm nay ông đã có thể ra tháp đèn được chưa?
- Thưa, đã.
- Vậy thì goodbye!… À, thêm một điều nữa, chỉ cần trễ nải một lần là ông sẽ bị thải hồi ngay đấy!
- All right!
Ngay chiều hôm đó, khi mặt trời chìm vào làn nước biển đêm sập xuống sau một ngày đầy nắng gần như không hề trải qua hoàng hôn, người gác đèn mới đã nhận việc, ngọn đèn biển đã lại chiếu ánh sáng chói lọi trên sóng nước. Đêm vô cùng thanh tĩnh, một đêm điển hình của vùng nhiệt đới, đầy ắp sương mù màu sáng, làm thành một chiếc quầng rộng rực sắc cầu vồng, với đường viền mềm mại không rõ nét chung quanh mặt trăng. Chỉ riêng biển là xôn xao bởi thủy triều dâng lên mạnh. Ông lão Xkavinxki đứng trên ban công, ngay cạnh ngọn đèn to tướng. Trông từ phía dưới lên, nom ông lão như một chấm đen bé xíu. Ông đang cố gắng tập trung suy nghĩ về tình cảnh mới của mình, xong những cảm xúc mãnh liệt chưa cho phép ông suy nghĩ mạch lạc. Ông lão có cái cảm giác của một con thú bị săn đuổi, cuối cùng tìm được một chỗ náu thân trong một khe đá hay một cái hang nào đó, nơi không một ai tới được. thế là rốt cuộc thời yên tĩnh cũng đã tới với ông. Cảm giác của sự an toàn khiến tâm hồn ông tràn ngập một niềm hoan lạc không thể diễn tả thành lời. Vậy là rốt cuộc, trên cái đảo đá này, ông có thể quên đi cuộc sống lang bạt đã qua, những nỗi bất hạnh, những thất bại của ngày qua. Ông lão giống như một con tàu bị bão tố bẻ gãy cột buồm, xé rách tả tơi cánh buồm, dứt đứt tung dây leo, ném từ cao mây trời xuống tận đáy vực biển sâu, con tàu bị những làn sóng sủi tung bọt trắng đánh cho tơi tả, song cuối cùng cũng tìm được vào bến cảng. Bức tranh của cơn bão tố lướt nhanh qua đầu óc ông, đối lập với tương lai yên ả sắp bắt đầu. Thực ra ông lão chỉ mới kể cho Fancônbritgiơ nghe một phần nhỏ những bước đường trôi nổi của mình, bỏ qua hàng ngàn nỗi thăng trầm khác. Bao giờ ông cũng chỉ gặp toàn bất hạnh. Cứ mỗi lần ông hạ trại, nhóm lửa lên ở một nơi nào đó với ý định sinh cơ lập nghiệp lâu dài thì tại đó y như rằng gió bão lại nổi lên, giật tung cọc trại, thổi tan tành đống lửa, xô đẩy ông bước tiếp vào chốn phong trần. Giờ đây, từ ban công đèn nhìn xuống những làn sóng loang loáng ánh sáng, ông lão bồi hồi nhớ lại những gì đã trải qua. Ông đã từng đánh nhau khắp bốn phương trời, và trong cuộc đời phiêu bạt của mình đã thử làm qua hầu như tất cả mọi nghề để kiếm sống. Cần cù và trung thực, hơn một lần ông dành dụm được chút vốn liếng, nhưng chỉ để rồi sau đó lại bị mất trắng, mặc dù đã hết sức cẩn trọng đề phòng. Ông đã từng đào vàng ở Oxtralia, tìm kim cương ở Châu Phi, làm xạ thủ ở Đông Ấn. Đã có thời ông lập nông trại ở California, song lại bị hạn hán khiến cho phá sản. Ông cũng đã từng thử nghề buôn bán với các bộ lạc nguyên thủy sống sâu trong vùng lục địa Braxin, song chiếc bè của ông bị vỡ tung trên sông Amazon, còn ông - gần như trần truồng, không hề có lấy một tấc sắt trong tay - phải lần mò suốt mấy tuần lễ liền trong rừng thẳm, sống cầm hơi bằng quả dại, bao phen suýt làm mồi cho thú dữ. Ông đã từng mở xưởng rèn ở Hêlena, ở Arcanxox, song rồi xưởng bị thiêu trụi trong một nạn cháy lớn bao trùm cả thành phố. Sau đó ông bị rơi vào tay dân Idian trong rặng Thạch Sơn, được các xạ thủ Canada cứu thoát. Ông cũng từng làm thủy thủ trên chiếc tàu thủy chạy tuyến Bahia-Boocđô, rồi lại làm thợ săn trên tàu đánh cá voi, song cả hai chiếc đều gặp nạn. Ông đã từng là chủ một nhà máy xì gà ở La Habana, để rồi bị kẻ chung lưng cuỗm mất tất cả vốn liếng đúng vào lúc ông nằm liệt giường vì bệnh vômitô. Cuối cùng ông phiêu dạt tới Axpinoan, và nơi đấy hẳn sẽ là ranh giới chấm dứt những chuyện không may mắn của ông. Liệu có còn gì có thể theo đuổi ông ra tận cái đảo đá này cơ chứ? Cả nước, cả lửa, cả con người! Thật ra, nói cho cùng, thì từ phía con người ông lão Xkavinxki cũng không phải nhận quá nhiều điều bất hạnh. Trong đời, ông đã gặp được nhiều người tốt hơn kẻ xấu.
Ngược lại, dường như tất cả bốn thứ hung thần của thiên nhiên đều thi nhau săn đuổi ông. Những người quen biết ông lão đều nói rằng ông không có phúc, họ dùng điều ấy để giải thích cho nỗi bất hạnh của ông. Bản thân ông rốt cuộc cũng đâm ra hơi mê tín. Ông tin là có bàn tay độc ác và hằn thù nào đó cứ bám theo ông khắp nơi, trên mọi vùng đất, mọi vùng biển. Song ông không thích nói đến chuyện ấy. Thảng hoặc, khi có người hỏi xem đó là bàn tay nào, ông lão chỉ trỏ tay kín đáo về phía sao Bắc Đẩu, ra hiệu là nó từ phía ấy đến…
Quả thực sau những điều không may của ông lão xảy ra thường xuyên đến lạ lùng, dễ khiến cho người ta thoái chí, nhất là những kẻ đã từng phải nếm trải chua cay. Song ông có được sức đề kháng lặng thầm nhưng mạnh mẽ bắt nguồn từ lẽ phải của con tim, cùng tính kiên nhẫn của người Idian. Hồi ở Hunggari, ông đã từng bị chọc mười mấy nhát lê cũng chỉ vì không thèm bám lấy cái bàn đạp chân được người ta ném cho để xin cứu mạng mà lại kêu lên: Pardon! Cũng tương tự như thế, ông không chịu hàng phục những tai ương của cuộc đời. Nhẫn nại như một con kiến, ông cứ bò dần lên. Một trăm lần bị đạp nhào xuống, ông lại bình thản leo tiếp lần thứ một trăm lẻ một. Ông lão là một loại người kì dị theo một kiểu riêng biệt. Người lính già ấy, người mà họa chỉ có Chúa hay đã từng bị thiêu trong bao nhiêu ngọn lửa, đã từng tôi luyện trong bao nỗi cơ hàn, từng bị đánh đập và cùm kẹp, song vẫn mang một trái tim non trẻ. Trong thời gian bệnh dịch hoành hành ở Cuba, ông bị nhiễm bệnh cũng chỉ vì đã nhường toàn bộ số thuốc kí ninh khá nhiều của ông cho những người bệnh, chẳng giữ lại cho mình lấy một mảy may.
Ở ông lão còn một điều kì lạ nữa là sau ngần ấy chuyện đau lòng, ông vẫn không bị mất hi vọng, vẫn tràn đầy niềm tin rồi đây mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Cứ khi mùa đông đến, ông lại hoạt bát hẳn lên, và háo hức đón đợi những sự kiện trọng đại, những sự kiện mà ông hằng sống cùng chúng suốt những năm tháng dài đằng đẵng… Song những mùa đông cứ nối tiếp nhau trôi đi, ông lão chỉ thu được mỗi một đièu là mái tóc dần bạc trắng. Ông già đi và mất dần sinh lực. Tính kiên nhẫn của ông ngày càng gần với sự nản lòng. Sự bình tâm xưa nay ngả dần thành khuynh hướng tự thương thân, và người cựu chiến binh phong trần nọ biến thành kẻ mau nước mắt, có thể xúc động vì bất cứ cớ gì. Thêm vào đó, thỉnh thoảng ông lão lại bị dày vò bởi một nỗi hoài vọng sâu thẳm được gợi lên chỉ do những khung cảnh không đâu: một cánh én chao ngang, một đàn chim lông xám trông giống chim se sẻ, một làn tuyết trên đỉnh núi, hay chỉ là một âm điệu thoáng qua nghe tựa như làn điệu mà ông nghe từ thuở nào… Cuối cùng, chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chế ngự ông lão, ý nghĩ về sự yên nghỉ, ý nghĩ đó chiếm lĩnh ông lão một cách hoàn toàn, nó cuốn hút mọi ước muốn và hi vọng khác. Kẻ lang thang vĩnh hằng ấy không còn khát vọng nào mãnh liệt và nhiều ý nghĩa hơn là một được một cái xó yên ả nào đó, nơi có thể nghỉ ngơi mà chờ đợi kết cục cuối cùng. Có thể một sự kì lạ nào đó của số phận đã ném ông qua hết thảy mọi đại dương và mọi miền đất, không cho ông kịp nghỉ lấy hơi, để giờ đây ông cho rằng đối với kiếp sống con người không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc không phải phiêu bạt. Quả thực, ông hoàn toàn xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, song đã quá quen với những điều không may, ông chỉ dám nghĩ về niềm hạnh phúc ấy theo kiểu người ta ước đến một điều gì đó không sao đạt tới. Thậm chí, ông lão không dám ước điều đó nữa, ấy thế mà, đột nhiên, chỉ trong vòng mười hai tiếng đồng hồ, ông lão tìm được chính việc làm mà dường như ông đã chọn cho riêng mình trong số tất thảy mọi công việc trên cõi đời. Vì vậy, không có gì lạ, là khi đêm xuống, đốt ngọn đèn biển lên rồi, ông lão vẫn cứ bàng hoàng tự hỏi: phải chăng đây là sự thật? Và vẫn chưa dám khẳng định: phải, đó là sự thật! Trong khi đó thực tế thuyết phục ông bằng những chứng cớ không thể bác bỏ nổi. Và thế là giờ nọ nối giờ kia trôi qua, ông lão vẫn cứ đứng thần người ra trên ban công. Lão nhìn ngắm, tận hưởng và tự thuyết phục mình hãy tin vào sự thật. Dường như đây là lần đầu tiên được trông thấy biển, bởi lẽ trong những chiếc đồng hồ lớn ở Axpinoan đã điểm chuông nửa đêm từ lâu mà lão chưa chịu rời cái cao nguyên trên không trung của mình, vẫn đứng ngắm mãi. Biển ầm ì dưới chân ông. Thấu kính của ngọn đèn pha quét vào đêm những luồng sáng khổng lồ, bên ngoài những luồng sáng ấy mắt ông lão ngập chìm trong một chốn thẳm thẳm tối tăm, đầy những điều huyền bí khủng khiếp. Song dường như chốn xa thẳm thẳm kia cũng đang chạy dần về phía ánh sáng. Những làn sóng dài từ trong bóng đêm nhô ra, réo lên à à, ùa vào chân đảo, và lúc ấy có thể nhìn rõ những cái bờm đầy bọt của chúng lóng lánh sắc hồng trong ánh sáng ngọn đèn pha. Thủy triều lên cao mãi, nhấn chìm dần những doi cát. Tiếng thì thầm huyền bí của đại dương từ khơi xa vọng về mỗi lúc một mạnh lên, ồn ã hơn, lúc nghe tựa tiếng súng đại bác gầm, lúc như tiếng xạc xào của những rừng cây khổng lồ, lúc lại nghe tiếng huyên náo của bao giọng nói chuyện hòa vào nhau. Đôi khi tất cả lại bặt đi. Sau đó vọng đến tai ông vài tiếng thở dài não nuột, tiếng nức nở nghẹn ngào, rồi lại những tiếng nổ dữ dội. Sau rốt, gió xua tan sương mù, song lại dồn về những đám mây đen rách tả tơi che khuất cả vầng trăng. Gió tây thổi mỗi lúc một mạnh. Những con sóng cuồng loạn nhảy chồm lên bờ đá dốc đứng, bọt liếm mãi lên cả vách tường xây. Cơn giông tố ì ầm phía xa. Trong khoảng không gian tối tăm xao động, chợt sáng lên những ngọn đèn màu xanh lá mạ treo trên đỉnh các cột buồm. Những đốm sáng màu lục ấy nhô lên, lúc chìm xuống, lúc lắc lư sang trái sang phải. Ông lão đi xuống căn phòng của mình. Giông tố bắt đầu nổi lên ở ngoài kia, trên những con tàu, con người đang phải vật lộn với đêm sâu, bóng tối, sóng biển, nhưng căn phòng này vẫn yên ả và tĩnh mịch biết bao.
Thậm chí, ngay cả hồi âm của cơn giông bão cũng bị yếu đi nhiều khi xuyên qua các bức tường dầy; chỉ có tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ như ru đưa ông lão đã quá mệt mỏi vào giấc ngủ miên man.

2
Giờ tiếp giờ, ngày nối ngày, tuần theo tuần, cứ thế trôi đi. Dân biển thường kể rằng, thỉnh thoảng, khi biển cả gầm gào dữ dội, họ nghe như có tiếng ai đó gọi tên họ giữa đêm khuya tăm tối. Khi con người già đi, một thứ vô biên khác, tối tăm hơn và huyền bí hơn, cũng đã lên tiếng gọi. Con người càng mỏi mệt vì cuộc đời bao nhiêu thì đối với họ những tiếng gọi kia càng trở nên trìu mến bấy nhiêu. Song để có thể nghe tiếng gọi ấy cần có sự yên tĩnh. Thêm nữa, tuổi già thường thích cô đơn, dường như lúc ấy con người ta đã cảm nhận được hơi hướng của nấm mộ. Không gì đơn điệu hơn nữa khi chóng hay chầy những người trẻ tuổi cũng sẽ bỏ mà đi. Chính vì thế, người gác đèn thường là những người có tuổi, trầm lặng và kiệm lời. Giá có phải rời cây đèn của mình ra đi kiếm sống giữa đồng loại, người gác đèn sẽ ngơ ngơ ngác ngác như kẻ mới vừa bị đánh thức giữa giấc ngủ say. Trên tháp đèn thiếu đi mọi thứ ấn tượng vặt vãnh tạo nên vóc dáng của đời thường. Hàng ngày, người gác đèn tiếp xúc với toàn những mênh mông, không hình thù nhất định. Trời là một, biển là hai, còn giữa hai thứ vô biên ấy là một hồn người cô đơn, ấy là kiểu cuộc sống, trong đó sự suy nghĩ biến thành một nỗi trầm tư miên man. Không có gì, thậm chí cả công việc, có thể đánh thức người gác đèn khỏi nỗi trầm tư đó. Ngày nọ giống ngày kia như hai hạt cườm trong cùng một chuỗi hạt, và sự thay đổi thời tiết là thứ duy nhất thay đổi. Song ông lão chưa bao giờ thấy hạnh phúc đến thế. Lão thường dậy sớm, điểm tâm, lau chùi thấu kính của đèn pha, rồi sau đó ngồi mãi ở ban công nhìn đăm đắm ra khơi xa. Ông lão ngắm không biết chán những cảnh tượng diễn ra trước mắt. Trên cái phông màu xanh thẳm của biển cả thường nổi lên hàng đàn cánh buồm no gió phồng căng, chói lọi trong ánh mặt trời, khiến ông lão phải nheo mắt lại. Đôi khi, những chiếc tàu thuận mậu dịch phong giăng thành một dây dài nom giống hệt một chuỗi chim hải âu bay hải bằng. Những cái phao tiêu màu đỏ đánh dấu luồng lạch khoan thai lắc lư theo sóng. Hàng ngày, vào chính ngọ, giữa những lá buồm, thấp thoáng hiện ra một cột khói khổng lồ màu xám. Đó là chiếc tàu thủy chở hành khách và hàng hoá chạy từ New York đến Axpinoan, để lại sau đuôi một dải nước ngầu bọt. Từ phía bên kia ban công, ông lão nhìn thấy thành phố Axpinoan rõ như trên lòng bàn tay, với cái bến cảng náo nhiệt của nó, với một rừng cột buồm và những chiếc tàu thuyền lớn bé. Xa hơn nữa là những ngôi nhà màu trắng toát và các đỉnh tháp nhọn hoắt của thành phố. Nhìn từ đỉnh tháp đèn, những ngôi nhà nhỏ xíu hệt như những tổ chim hải âu, thuyền bè nom như những con bọ sừng, con người thì giống những chấm nhỏ li ti di dộng trên mặt đường lát đá màu trắng. Sáng sớm là gió đông nhẹ thổi, mang tới tai ông những tiếng còi tàu trầm bổng… Vào chính ngọ là giờ nghỉ trưa, toàn bộ khu cảng như ngừng hoạt động, những con chim hải âu ẩn trên bờ, trên biển, cũng như trên tháp đèn, bao trùm một giây phút im lặng tuyệt đối. Những bờ cát như những đồ vật bằng vàng ròng đặt trên mép nước, cột tháp nổi bật trên nền trời dội từ trên cao xuống mặt nước, xuống bờ cát và vách đá dốc đứng. Khi ấy, ngay cả ông lão cũng như chìm vào một sự mệt mỏi đầy dịu ngọt. ông cảm thấy được nghỉ ngơi một cách tuyệt diệu, và khi nghĩ rằng cảnh đời ấy sẽ còn kéo mãi thì ông chẳng thiết điều gì khác nữa. Ông lão thỏa mãn với niềm hạnh phúc của mình. Song bản tính con người thường mau quen với số phận khi nó tốt đẹp hơn, nên lòng tin của ông lão càng ngày càng lớn lên; ông nghĩ rằng nếu con người còn biết xây nhà an dưỡng cho các cựu chiến binh, lẽ nào Chúa chẳng dành cho ông lấy một chỗ? Thời gian trôi đi, ông lão ngày càng tin vào điều đó. Ông sống đằm thắm, với những cồn cát và nỗi cô đơn. Ông quen với những con chim hải âu thường chao liệng trên bãi đá và chiều chiều tụ họp trên nóc tháp đèn. Ông lão thường ném cho chúng những mẩu thức ăn thừa, chúng nhanh chóng quen thuộc với ông, đến nỗi về sau, mỗi khi ném thức ăn cho chúng, ông như bị vây bọc giữa một cơn bão những cánh chim trắng toát. Lão đi giữa bầy chim như mục đồng đi giữa đàn cừu của mình. Khi thủy triều xuống, ông lão thường lần ra các cồn cát để tìm bắt những con ốc biển ngon lành và nhặt những chú trai ngọc bị sóng đánh dạt vào. Ban đêm, dưới ánh trăng và ánh sáng ngọn đèn biển, ông lão đi kiếm cá vốn rất sẵn có ở ven các bãi đá. Ông yêu hòn đảo đá trần trụi của mình, hòn đảo chỉ mọc lưa thưa những loài cây bé nhỏ, thân đẫm nhựa đặc quánh. Sự cằn cỗi của đảo được phong cảnh vùng quanh đấy bù đắp lại. Vào những giờ ban trưa, khi bầu không khí trở nên trong suốt, từ đây có thể nhìn thấy thấu toàn bộ vùng eo đất hẹp suốt sang tận Thái Bình Dương, một vùng đất trù phú mọc đầy cây cỏ tốt tươi. Những lúc ấy, ông lão tưởng như trước mắt là một khu vườn lớn. Những chùm dừa và sao sao khổng lồ kết thành những vòng hoa đầy đặn đến ngon lành, nằm tiếp sau các ngôi nhà của Axpinoan. Xa hơn nữa, vùng giữa Axpinoan và Panama có thể thấy cả một khu rừng bạt ngàn, trên đó nổi bật lên những đám mây đỏ rực rỡ vào sáng sớm hay hoàng hôn. Đó là 1 khu rừng nhiệt đới thật sự, với làn nước lặng lẽ sát bên chân, dây leo quấn chằng chịt, với những cây sứa, cọ, thiết mộc, cao su, phong lan, rì rào không ngớt.
Qua chiếc ống nhòm công vụ của mình, ông lão không chỉ nhìn thấy các thân cây to, những tàu lá chuối rộng bản, mà còn thấy hàng đàn khỉ, đàn chim và hàng đàn vẹt chốc chốc lại đột ngột bay vụt lên như một đám mây ngũ sắc bên trên khu rừng. Ông lão biết rõ những khu rừng như thế, bởi sau khi chiếc bè của ông bị vỡ tung trên sông Amazon, ông đã từng lặn lội nhiều tuần lễ liền trong vòng cây cối rậm rì xanh thẳm đó. Ông hiểu rõ biết bao mối nguy hiểm, bao nhiêu cái chết ẩn náu duới tán lá tuyệt vời trông như tươi cười kia. Trong những đêm lần mò giữa rừng sâu, ông lão từng nghe tiếng vượn hú thảm thiết cùng tiếng beo gầm gào. Ông đã từng gặp những con trăn khổng lồ vặn vẹo thân mình dài ngoẵng trên cây, ông biết rõ những cái hồ vẻ ngái ngủ trong rừng song trong lòng chứa đầy cá sấu và cá đuối điện. Ông lão hiểu rõ lắm kiếp sống cơ cực của những con người trong những khu rừng hoang vu thăm thẳm ấy, nơi có những chiếc lá rộng gấp hàng chục lần thân người, nơi dày đặc những đàn muỗi khát máu, nhung nhúc những con vắt háu đói và những con nhện độc khổng lồ. Chính ông đã từng trải qua, từng nếm phải, từng chịu đựng tất cả những thứ đó, nên giờ đây, khi từ trên cao nhìn xuống cái địa ngục ấy, ông cảm thấy niềm sung sướng của một con người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó mà không bị một mối nguy hiểm nào đe dọa. Cái tháp đèn bảo vệ cho ông tránh được mọi sự dữ. Cũng chính vì vậy, ông chỉ rời chân tháp đèn của mình vào sáng chủ nhật mà thôi. Khi ấy ông thắng bộ lễ phục màu xanh thẫm với những chiếc khuy bạc, gắn lên ngực áo các loại huân chương, và mái đầu màu ngà ngẩng cao trong một niềm tự hào. Khi ra nhà thờ ông nghe tiếng xì xào tán thưởng của đám người Krêôn: “Chúng ta có 1 tay gác đèn bảnh thật!”. “Mà ông ấy chẳng hề ra vẻ chút nào, mặc dù là dân Mẽo”. Sau lễ mixa, ông lão quay về với tháp đèn, đầy hạnh phúc, bởi ông vẫn chưa dám đặt lòng tin vào đất liền. Cũng thường vào chủ nhật, ông đọc tin tức ở một tờ báo tiếng Tây ban Nha mua trong phố, hoặc tờ “Diễn đàn New York” mượn của ngài Fancônbritgiơ, và tỉ mẩn dò tìm những mẩu tin về châu Âu. Ôi, trái tim già tội nghiệp! Ở trên ngọn tháp đèn tít tận bán cầu xa xôi này vẫn đập nhớ về quê hương… Đôi khi, lúc chiếc thuyền chở thức ăn và nước uống ra đảo cho ông, ông lão từ tháp đèn lần xuống chuyện gẫu với gã Giônx, người canh gác cảng. Nhưng rồi một thời gian sau đó, ông có vẻ trở nên hoang dã dần đi. Ông thôi không còn lai vãng vào phố, thôi đọc báo chí và cũng thôi những câu chuyện thời thế với gã Giônx. Hàng tuần liền chẳng ai nhìn thấy ông, mà ông cũng chẳng gặp người nào. Dấu hiệu duy nhất chứng tỏ ông vẫn còn sống là số lương thực người ta để lại trên bờ đá cho ông đã được lấy đi và ánh sáng cây đèn biển vẫn được đốt lên một cách đều đặn như mặt trời xứ này đều đặn nhô lên từ mặt biển. Hình như ông hoàn toàn dửng dưng với cuộc đời. Nguyên nhân của sự dửng dưng đó không phải là nỗi hoài vọng cố hương, mà ngay cả nỗi hoài vọng kia giờ cũng nhuốm màu tuyệt vọng. Giờ đây, đối với ông, cả thế giới bắt đầu và kết thúc chính ngay trên hòn đảo này. Ông vui sướng với ý nghĩ là cho đến lúc chết sẽ không bao giờ phải rời khỏi tháp đèn, ông hầu như quên hết thảy mọi thứ khác trên đời ngoài tháp đèn của mình. Ông trở nên mê tín, cặp mắt xanh hiền hậu của ông ngày càng giống mắt trẻ thơ, cứ nhìn đăm đăm vào một chốn xa xăm nào đó. Trong cảnh cô đơn triền miên, sống giữa quanh cảnh vừa rất mực hoang sơ vừa vô cùng khoáng đạt, ông mất dần đi cảm giác về bản thân mình, ông gần như thôi không còn tồn tại như một cá thể độc lập nữa, mà ngày càng hòa nhập, càng tan lẫn vào vào môi trường chung quanh. Thực ra ông cũng chẳng ý thức được điều đó mà chỉ cảm nhận nó, song rốt cuộc, đối với ông cả bầu trời, mặt nước, hòn đảo đá, ngọn tháp đèn, những cồn cát vàng óng, những cánh buồm no gió căng phồng, cả lũ chim hải âu cùng làn nước thủy triều lên xuống… tất cả hòa thành một khối duy nhất, mênh mông, một linh hồn bao la, huyền bí và chính ông cũng đắm trong sự huyền diệu ấy, linh hồn sống động và ủi an. Ông lão chìm đắm, tự ru ngủ trong lãng quên và hoài cảm. Và chính trong cảnh sống đặc biệt ấy, chính trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê ấy, ông lão tìm thấy cho mình một nỗi yên tĩnh vô biên, nỗi yên bình của một kẻ đã gần đất xa trời.

3
Nhưng rồi sự thức tỉnh vẫn cứ đến.
Hôm ấy, khoảng một giờ sau khi chiếc thuyền chở thức ăn và nước uống cập đảo, ông lão Xkavinxki mới lần từ tháp đèn xuống lấy hàng, và ông chợt nhận thấy ngoài các thứ thường ngày, còn có thêm một món nữa. Trên mặt vải thô dây bọc bên ngoài có đóng dấu bưu cục Mỹ, và nổi bật địa chỉ: “Ngài Xkavinxki”. Ngạc nhiên, ông rọc lần vải bọc ngoài và trông thấy mấy quyển sách. Tay run run, ông cầm lên một quyển nhìn lướt qua rồi lại thẫn thờ đặt xuống. Ông lấy tay dụi mắt, dường như không thể tin vào chính mắt mình, ông ngỡ như mình đang mơ - bởi vì đó là một cuống sách tiếng Ba Lan! Chuyện gì thế này? Ai có thể gửi sách cho ông cơ chứ? Thoạt đầu ông lão không thể nhớ ra được là một lần nọ - ngay từ hồi đầu cuộc đời gác đèn biển của mình - ông đọc trong tờ “Diễn Đàn” mượn được, tin về việc thành lập Hội liên hiệp kiều bào Ba Lan tại New York, và ông đã lập tức gửi ngay nửa tháng lương của mình cho Hội (thực ra ngoài tháp đèn, ông lão cũng chẳng biết dùng tiền vào việc gì). Hội liên hiệp cảm cái ơn ấy nên đã gửi sách biếu ông. Sách được chuyển theo cách thức thường nhất, song thoạt tiên, vì choáng váng, ông lão không nhớ ra chuyện ấy. Đối với ông, những quyển sách tiếng Ba Lan ở Axpinoan, trên cái tháp đèn của ông, trong nỗi cô đơn vô bờ của ông - là một chuyện siêu phàm, một việc thần kỳ nào đó, giống như truyện cổ tích. Như những người thủy thủ nọ nghe thấy tiếng gọi của biển giữa đêm sâu thăm thẳm, giờ đây ông lão ngỡ như nghe thấy một tiếng nói yêu thương lắm, gần như đã bị lãng quên rồi, lên tiếng gọi mình. Ông lão lặng người đi, nhắm nghiền mắt, ông tin chắc rằng khi mở mắt ra thì giấc mơ nọ sẽ tan biến. Nhưng không! Cái gói bị rọc vẫn đang hiển hiện nguyên vẹn trước mắt ông kia, nhuộm ánh hoàng hôn, và trên đó là quyển sách mà ông đã mở ra. Giữa sự im lặng mênh mông của chung quanh, ông lão nghe rõ tiếng đập gấp gáp của trái tim mình khi chìa tay cầm lấy quyển sách. Đó là một tập thơ. Phía trên là tiêu đề in bằng thứ chữ lớn, còn phía dưới là tên tác giả, cái tên không hề xa lạ với ông lão Xkavinxki. Lão biết đó là tên một nhà thơ lớn, nhà thơ có tác phẩm mà ông lão đã từng đọc ở Pari hồi sau năm ba mươi. Rồi sau đó, trong những ngày chiến đấu ở Angieri và Tây Ban Nha, ông nghe các bạn đồng hương bàn tán về danh tiếng ngày càng lớn của nhà thơ vĩ đại ấy, song hồi đó, tay ông lão quen với khẩu súng đến nỗi ông chẳng hề mó tới sách vở bao giờ. Năm bốn mươi lăm, ông lão sang Mỹ, và trong suốt quãng đời dọc ngang sau đó của mình gần như ông không hề gặp được một người đồng hương nào, cũng chẳng thấy một quyển sách Ba Lan nào cả. Chính vì thế, giờ đây trái tim ông đập dồn dập hơn và bàn tay ông càng lẩy bẩy hơn khi lật trang đầu sách. Trên đảo đá cô đơn của ông hình như đang diễn ra một điều gì đó hết sức trọng thể. Giây phút ấy mới thanh bình và yên tĩnh làm sao. Các đồng hồ lớn ở Axpinoan điểm chuông 5h chiều. Bầu trời trong sáng không một gợn mây, thoáng vài cánh hải âu chao lượn trong sắc xanh thăm thẳm. Đại dương đưa ru dìu dặt. Những con sóng, khe khẽ rì rào lan trải êm dịu theo ven bờ cát. Phía xa nổi bật những ngôi nhà màu trắng chói lọi của Axpinoan và vút cao lên những khóm cọ đẹp tuyệt vời. Quả có một cái gì đó trọng thể, trang nghiêm và lặng lẽ. Giữa cái yên tĩnh của thiên nhiên chợt vang lên giọng run run của ông lão: ông đọc thành tiếng những vần thơ, dường như để có thể thấm thía hơn ý nghĩa của chúng.

“Hỡi Litva! Tổ quốc ơi! Người như sức khỏe,
Ai đánh mất rồi mới hiểu Người quý giá dường bao
Hôm nay con ngợi ca Người, diễm kiều và rạng rỡ
Con tưởng thấy Người trong nhung nhớ khát khao”

Ông lão Xkavinxki nghẹn ngào. Những dòng chữ nhảy múa trước mắt ông. Trong ngực ông dường như có thứ gì đó chợt bục ra và một làn sóng từ trái tim như dâng lên, dâng cao mãi, khiến ông nghẹn lời… Mãi một lúc sau ông mới trấn tĩnh lại và đọc tiếp:

“Hỡi thánh nữ đồng trinh, xưa Trenxtôkhôva từng che chở,
Và cổng thành Oxtra từng chiếu sáng khi nao.
Từng bảo vệ cho con dân thành Nôvôgrôt,
Như đã cứu đời con thơ ấu thuở nào
(Lúc mẹ mang xác con tới khóc dâng Người,
Thì mắt chết của con chợt mở bừng như phép lạ,
Chân núi bước đi, đến ngưỡng cửa thánh đường Người
Để cảm tạ Chúa Trời, sự sống con đã trả)
Một ngày kia Mẹ cũng sẽ mang con về với lòng Tổ Quốc.”

Làn sóng cuộn dâng cao, phá tung đập chắn của ý chí. Ông lão nức lên, ngã xoài ra đất. Mái tóc bạc của ông xõa lẫn vào cát. Ngót bốn mươi năm ông không được nhìn thấy đất nước, họa chỉ có Chúa mới hay đã bao năm nay ông không được nghe tiếng nói quê hương, ấy thế mà giờ đây, chính tiếng nói ấy lại tự đến với ông, băng qua cả đại dương mênh mông, tìm thấy ông mãi tận tít bán cầu bên kia, ôi tiếng nói yêu thương, thân thiết, tuyệt vời! Trong cơn nức nở rung chuyển cả thân mình ông không hề có nỗi đau, chỉ có một tình yêu vô biên chợt thức tỉnh, bên cạnh tình yêu ấy, mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa… Dường như qua tiếng nức nở ấy, ông lão muốn xin Tổ quốc thân yêu xa xôi hãy tha thứ cho ông, bởi ông đã già đến thế, đã mải vui thú đến thế với hòn đảo đá cô đơn của mình, đã đinh ninh rằng ngay cả lòng nhớ nhung Tổ quốc rồi cũng sẽ bị nhạt đi… Giờ đây, khi ông lão đã “được trở về bằng một phép nhiệm màu”, trái tim ông chợt lên tiếng nói. Giờ phút nối nhau trôi đi, ông lão vẫn nằm yên không nhúc nhích. Những con chim hải âu lượn chao đảo chung quanh tháp đèn kêu lên xao xác dường như lo lắng cho người bạn già của chúng. Đã đến giờ ông thường ném vụn thức ăn cho chúng nên một số con bay từ đỉnh tháp xuống sát chân ông. Sau đó chúng kéo tới mỗi lúc một đông thêm và bắt đầu mổ khẽ vào người ông, cánh đập rối rít trên đầu ông lão. Tiếng đập cánh ồn ào thanh thản và rạng rỡ, đôi mắt ông như tràn đầy cảm hứng. Ông ném cho lũ chim toàn bộ số thức ăn, và mặc cho chúng tao tác chia nhau, ông lại đến với quyển sách. Mặt trời đã vượt sang bên kia khu vườn cùng cánh rừng hoang Panama và đang lặn dần sau eo đất giữa đại dương bên kia, song Đại Tây Dương còn ngập tràn ánh nắng, bầu không khí vẫn sáng rực. ông lão đọc tiếp:

“Lúc này đây xin hãy mang trái tim con khát khao nhung nhớ
Về với những đỉnh núi rừng, những đồng xanh cỏ xanh kia…”

Mãi lúc ấy, hoàng hôn mới xóa nhòa dần những nét chữ trên mặt giấy trắng, thứ hoàng hôn ngắn ngủi như một chớp mắt. ông lão tựa đầu vào một tảng đá, khẽ nhắm mắt lại. Và khi ấy, “Thánh nữ đồng trinh từng bảo vệ Trenxtôkhôva” mang hồn ông lão về với “những cánh đồng lúa hắc mạch đẹp như tranh”. Trên trời hãy còn lưu lại những vệt sáng đỏ và vàng, ông lão bay theo những con đường ánh sáng ấy về phía chân trời thân yêu. Ông nghe thấy tiếng rì rào của những rừng tùng bách, tiếng róc rách của những dòng sông quê hương. Mọi vật vẫn giống hệt như ngày xưa. Mọi vật hỏi ông lão: “ông còn nhớ chứ? Ông nhớ chứ!” Chính ra, ông vẫn đang nhìn thấy rõ ràng ngày trước mắt này là những cánh đồng rộng mênh mông với những bờ ruộng dọc ngang, này là những đồng cỏ, những cánh rừng, làng mạc. Đã là đêm rồi ư? Thường vào giờ này ngọn đèn pha của ông đã chiếu sáng đêm đen trên biển, song lúc này đây ông lại đang ở làng quê ông. Mái đầu già nua gục xuống ngực mơ màng. Những bức tranh kéo nhau và khá lộn xộn qua trước mắt ông. Ông không trông thấy mái nhà mình đâu cả, bởi chiến tranh đã khiến nó trụi đi, ông cũng không thấy mẹ cha, bởi song thân đã khuất núi khi ông hãy còn là đứa trẻ. Song, ông nhìn thấy làng mình rõ như ông chỉ vừa mới rời làng ngày hôm qua mà thôi; một dãy dài những ngôi nhà với các ô cửa sáng đèn, con đập, cái cối xay, hai chiếc ao cạnh nhau đêm đêm vang lên những dàn đồng ca uềnh oang của lũ ếch nhái.
Đã từng có lúc ông lão thức canh làng ban đêm, giờ đây kỉ niệm ấy chợt sống lại trong một chuỗi hình ảnh. Này đây, ông lại là chàng lính khinh kỵ trẻ măng đang đứng canh… Từ phía xa, quán rượu mở những con mắt rực lửa, vang tiếng hát ca, tiếng gót giày nện rầm rập giữa cái tĩnh mịch của đêm thanh, giọng vĩ cầm và baxet nỉ non. “U-ha! U-ha!” Đó là toán lính khinh kỵ phi ngựa nhanh vun vút, lửa tóe dưới móng, chỉ có ông phải ngồi một mình đến phát ngán trên lưng chiến mã nơi đây! Thời gian biếng nhác trôi đi. Mãi rồi những ánh đèn cũng tắt đi, trước mắt giờ chỉ có làn sóng sương mù, sương mù dày đặc. Hơi nước từ đồng cỏ bốc lên, bao trùm thế gian trong một màn mù màu trắng đục. Bạn có thể bảo: Trông hệt như đại dương. Song đó chẳng qua chỉ là cánh đồng cỏ đấy thôi, chỉ cần chờ một chút, chim quốc sẽ lên tiếng kêu trong bóng đêm. Thỉnh thoảng tiếng vạc kêu sương vang lên giữa những khóm lau lách. Đêm thanh bình và mát lạnh, đêm đích thực Ba Lan! Tuy im gió nhưng xa xa những rừng thông vẫn xào xạc… như sóng biển. Chẳng mấy chốc ánh bình minh đã nhuộm màu sáng phương đông: gà đã cất tiếng gày vang trong chuồng, con nọ đáp tiếng con kia, lan từ nhà này sang nhà khác; đâu đó tít trên cao, đàn sếu để rớt lại những tiếng kêu than. Người lính khinh kỵ thấy tỉnh táo và tràn trề sinh lưc. Người ta đang kháo nhau chi đó về trận chiến đấu ngày mai. Nào, nếu vậy anh cũng sẽ xông lên như những nguời khác, cũng thét lên trong tiếng cờ bay phần phật! Mặc hơi gió đêm se lạnh, dòng máu thanh xuân vẫn sôi lên trong huyết quản như nhịp kèn xuất kích. Nhưng trời đã sáng rồi! Đêm mờ dần, những lùm cây, dãy nhà tranh, chiếc cối xay, những cây bạch dương hiện ra từ trong bóng đêm. Tiếng cần vọt nước ở giếng rít lên như chiếc chong chóng bằng sắt tay trên đỉnh tháp. Ôi mảnh đất quê hương yêu dấu. Người biết mầy tuyệt vời trong ánh hồng rực rỡ của mình! Ôi mảnh đất quê hương duy nhất, duy nhất của ta!
Khẽ nào! Người lính canh cảnh giác nghe thấy có ai đang đi lại gần. Hẳn người ta đến để bãi gác. Đột nhiên, tiếng ai đó vang lên bên tai Xkavinxki:
- Này! Cụ già! Dậy đi chứ! Cụ làm sao thế?
Ông lão mở mắt ra và kinh ngạc nhìn người đang đứng trước mặt. Trong đầu lão, những mảnh cuối cùng của giấc mơ đang còn tranh chấp với thực tại. Cuối cùng, những ảo ảnh mờ đi và tan mất. Trước mắt ông là gã Giônx người gác cảng.
- Sao thế? - Gã Giônx hỏi - Cụ ốm à?
- Không.
- Cụ không thắp đèn pha. Cụ sẽ bị đuổi. Một chiếc thuyền từ Xant Ghêrômô bị đâm vào bãi cạn. May mà không có ai chết đuối, nếu có cụ sẽ phải ra tòa. Lên thuyền đi với tôi, tới lãnh sự quán cụ sẽ biết nốt sự tình.
Ông lão tái người, đúng là đêm qua ông không thắp đèn pha.
Vài ngày sau, người ta thấy ông lão Xkavinxki trên boong chiếc tàu thủy rời Axpinoan đi New York. Ông lão đáng thương đã bị mất việc. Những chặng đường lang thang mới lại mở ra trước mắt ông; một lần nữa, gió lại dứt tung chiếc là héo khô, thổi bay qua đất liền và biển cả để thỏa sức hành hạ. Trong mấy ngày đó, ông lão già đi, lưng còng xuống, riêng mắt ông vẫn lung linh sáng. Trên những nẻo đường vô định mới của cuộc đời, ông lão mang theo trên ngực áo quyển sách của mình, thỉnh thoảng ông lại đưa tay ghì chặt lấy như sợ rằng ngay cả nó cũng có thể bị mất đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét