Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Truyện Loài Vật - Cuộc đời con Gấu Xám


Ernest Thompson Seton

Dịch giả: Lê Thùy Dương

1

Có một con gấu cái lông xám sống lặng lẽ tại một vùng rất xa bây giờ là trang trại Palette, thuộc miền Tây hẻo lánh ở thượng nguồn con sông Piney - Nhỏ. Đó là một con gấu bình thường nhất, mỗi ngày chỉ lo chăm sóc đàn con. Điều nó mong mỏi nhất trên đời là người ta để cho gia đình nó được sống yên ổn.
Đến tháng Sáu, cuối cùng gấu cái quyết định đưa gia đình đến vùng sông Graybull và dạy cho đàn gấu nhỏ biết thế nào là dâu đất và phải tìm kiếm thứ đó ở đâu.
Gấu mẹ tin chắc rằng lũ con nó khỏe mạnh và thông minh nhất đời, nhưng sự thực thì không hoàn toàn được như thế. Dù sao đi nữa trong số bốn chú gấu con thuộc giống gấu xám y như mẹ nó ít khi có được nhiều quá hai đứa con đáng khoe khoang đến như vậy. Những chú gấu con lông xù đã trải qua một thời gian tuyệt vời, hưởng thụ cả mùa hè kì diệu với những món ăn ngon lành nhiều vô kể.
Gấu mẹ lật từng gốc cây, tảng đá trên đường đi cho chúng. Lũ gấu con lập tức xô lại như một đàn lợn con, tranh nhau liếm những con kiến và ấu trùng ẩn náu ở đó. Chúng không bao giờ nghĩ rằng mẹ chúng có thể đuối sức và làm tuột tảng đá khỏi tay khi chúng bò bên dưới. Thực ra không ai nghĩ như thế dù chỉ một lần trông thấy bàn tay to tướng và đôi vai vạm vỡ ẩn dưới bộ lông xám vàng dày sụ. Không đời nào bàn tay như vậy lại có thể làm rớt tảng đá, những chú gấu con thật đã nghĩ đúng. Chúng ba chân bốn cẳng phóng đến từng gốc cây mới, xô đẩy, chen lấn nhau để kịp là người đến đầu tiên, rồi kêu chí chóe, rít lên, xoay ngang xoay dọc như hệt một đống láo nháo vừa lợn con, vừa chó con và mèo con gộp lại. Lũ gấu con biết rất rõ đàn kiến nâu bé tí xíu hay làm tổ dưới gốc cây trong núi. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng gặp một tổ kiến rừng to, con nào con nấy béo ngậy và ngon ngọt. Gấu con xoay xỏa vòng quanh cố dùng lưỡi tóm gọn lũ kiến đang tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên chẳng bao lâu chúng đã khẳng định được rằng chúng sẽ chỉ liếm được gai xương rồng và cát nhiều hơn là kiến. Cuối cùng gấu mẹ đã nói với bầy con bằng ngôn ngữ của loài gấu: “Dừng lại, mẹ sẽ chỉ cho các con biết phải làm như thế nào”.
Mặt trên tổ kiến lại lộ ra. Gấu mẹ đặt bàn tay duỗi dài của mình lên đó và chỉ sau mấy giây đồng hồ là lũ kiến đã tức giận bu đầy tay. Nó liền đưa lưỡi liếm bàn tay một cái hết sạch và bắt đầu nhai một cách ngon lành. Không cần lâu lắc gì lũ gấu con đã hiểu ngay bản chất của vấn đề. Chú nào cũng đặt lên tổ kiến cả hai bàn tay nâu bé tẹo của mình và cứ ngồi như vậy rất lâu quanh tổ kiến, lần lượt liếm hết tay phải lại đến tay trái, rồi lại còn tặng nhau những cái tát tai nếu như ai đó liếm lầm bàn tay của kẻ khác. Chẳng mấy chốc tổ kiến đã rỗng tuếch, và những cái tay nhỏ xíu lại sẵn sàng tiếp nhận một thứ gì đó mới mẻ.
Nhưng kiến là món ăn khá chua nên lũ gấu con muốn uống nước. Gấu mẹ dẫn chúng xuống dưới, phía dòng sông. Chúng đi dọc bờ sông, vỗ oàm oạp vào nước và cuối cùng đến một chỗ mà cái nhìn tinh ranh của gấu mẹ đã phát hiện ra có rất nhiều cá con nằm sưởi ấm dưới đáy sông. Dưới đáy khúc sông đó có những hố sâu đen ngòm, xen giữa là những khoảng nông choèn, ở đó nước chảy men theo các tảng đá. Gấu mẹ bảo lũ gấu con: “Nào, bây giờ ngồi yên trên bờ mà coi mẹ sẽ bày cho các con một trò mới”.
Thoạt tiên gấu mẹ tiến đến gần một cái hố nằm ở phía dưới dòng lôi từ dưới đáy lên cả một tảng bùn lớn dồn từ trên xuống theo dòng chảy. Sau đó nó đi dọc bờ sông tiến đến cái hố ở phía trên dòng và ra sức khuấy nước ầm ĩ. Đàn cá bị tấn công bất ngờ như thế đã hoảng hốt bỏ chạy vào chỗ nước đục ngầu, và vì trong số năm chục con cá bao giờ cũng có một số con ngu xuẩn cho nên khoảng chừng nửa tá con đã cố gắng bơi tiếp xuyên qua chỗ nước đục theo dòng chảy, và chúng chưa kịp định thần thì đã vừa vặn mắc kẹt vào bãi đá. Gấu mẹ lập tức vớt chúng vứt lên bờ. Lũ gấu con ào ào lao tới những con “rắn” buồn cười ngắn ngủn đó và ăn ngấu nghiến cho đến khi bụng chúng no phình ra như những cái trống.
Mặt trời nung cháy bỏng, lũ gấu con đã no nê và bắt đầu buồn ngủ. Gấu mẹ dẫn chúng đến một góc hẻo lánh, nằm xuống và cả bốn con gấu con đều nằm quây quần quanh mẹ.
Thở hồng hộc vì nóng, chúng lập tức ngủ ngay, cuộn tròn những cái chân nâu lại và chúi mõm vào lông cứ như trời đang lạnh lắm vậy.
Gấu con ngủ ngon lành chừng một tiếng đồng hồ, sau đó chúng bắt đầu ngáp và vươn vai. Cô gấu bé nhất, Gấu Bông, thò cái mũi nhọn hoắt của mình ra một phút rồi lại chúi luôn vào giữa những bàn chân to lớn của mẹ. Đó là đứa con gái bé bỏng đáng yêu nhất của gấu mẹ. Chú gấu lớn nhất, Lông Sáng, nằm ngửa ra và bắt đầu mân mê cái rễ cây trồi từ dưới đất lên. Nó khe khẽ rên ư ử và lúc thì gặm rễ cây, lúc lại lấy tay vả nhẹ khi cái rễ không chịu nằm như nó muốn.
Con gấu con hay nghịch ngợm Hói Trán bắt đầu kéo tai con Tóc Xoăn và nhận được của chú này một cái tát tai nên thân. Thế là chúng đánh lộn nhau, bám chặt lấy nhau thành một đống màu vàng xám. Chúng lăn tròn trên cỏ, mỗi lúc một xa dần và chưa kịp tỉnh ra thì đã văng xuống dưới gần dòng sông.
Hầu như ngay lúc đó vang lên tiếng kêu hãi hùng của chúng. Rõ ràng là có một mối nguy hiểm ghê gớm nào đó đang đe dọa chúng.
Gấu mẹ đang dịu dàng với bầy con là thế trong nháy mắt đã biến thành một thứ quỷ dữ thực sự. Nó chỉ nhảy một bước đã bay đến ngay bên lũ con. Và thật vừa kịp bởi vì một con bò mộng cỡ bự đang sẵn sàng lao vào Tóc Xoăn mà nó tưởng nhầm là một chú chó vàng nhóc con. Gấu mẹ rống lên và lao vào con bò. Bò chẳng sợ hãi gì cả. Nó cũng buông một tiếng rống đe dọa, tiến về phía gấu mẹ. Nhưng nó vừa hạ thấp đầu xuống để định hạ kẻ địch bằng một cái vạng sừng thì gấu mẹ đã giáng một đòn choáng váng vào đầu nó. Nó chưa kịp hoàn hồn thì gấu mẹ đã ngồi chễm chệ trên mình nó và dùng những cái móng sắc kinh khủng cào vào hai bên sườn nó.
Bò mộng rống lên điên dại, lồng ngược lồng xuôi, mang theo cả gấu mẹ trên lưng. Cuối cùng nó nặng nề trượt theo bờ dốc xuống sông, và chỉ khi đó gấu mẹ mới chịu rời khỏi lưng nó để tự cứu mình.

2

Người chủ trại chăn nuôi giàu có, viên đại tá già Pickett, đang đi thăm đàn gia súc của mình. Lúc đi vòng qua núi ông chợt nghe thấy tiếng rống từ xa đưa lại. “Chắc là bò đánh nhau”, ông nghĩ vậy.
Lúc đầu ông không mảy may để ý đến chuyện đó. Nhưng ngay sau đó ông nhận thấy đàn gia súc cuống quýt lấy móng bới đất. Tiến đến gần, ông trông thấy chính con đầu đàn - một con bò mộng lớn - người đẫm máu. Lưng và hai bên sườn nó bị móng sắc cào rách, còn đầu thì bị thương như sau một trận đấu dữ dội với những con bò khác.
- Gấu xám! - Pickett lẩm bẩm.
Sẵn súng trường, ông lần theo dấu vết con bò. Đến bãi sỏi nông gần nơi cửa sông Piney - Nhỏ đổ vào sông Graybull, ông lội sang bờ bên kia và tiếp tục đi dọc lên phía trên theo sườn dốc. Pickett vừa nhô đầu lên khỏi đỉnh dốc đã nhìn thấy ngay trước mắt cả bầy gấu: một con mẹ và bốn con con.
Gấu mẹ biết loài người bao giờ cũng đi kèm theo vũ khí. “Chạy vào rừng ngay!”, nó càu nhàu. Gấu mẹ không sợ cho nó mà sợ cho bầy con thân yêu. Nó vừa dẫn chúng đến bìa cánh rừng rậm thì từng loạt đạn rùng rợn bắt đầu vang lên.
“Pàng!” - và thế là trái tim người mẹ khốn khổ đau thắt lại vì một vết thương chết người.
“Pàng!” - và cô Gấu Bông tội nghiệp lăn ra, rên rỉ để rồi im bặt.
Gấu mẹ rống lên điên cuồng, nó quay ngay lại và lao vào con người, nhưng “pàng!” - và chính nó bị thêm một vết thương chết người nữa vật ngã. Những chú gấu con còn lại không biết xử sự ra sao, vội chạy ngược lại về phía mẹ.
“Pàng! Pàng!” - Hói Trán và Tóc Xoăn ngã lăn bên cạnh mẹ và giãy chết.
Lông Sáng hoảng sợ và bàng hoàng chạy quanh Hói Trán và Tóc Xoăn. Cuối cùng cũng chẳng hiểu rõ lí do, nó chạy trốn vào rừng. Nhưng phát súng sau chót cũng đuổi kịp cả nó, trúng vào một chân sau và làm gãy chân.
Suốt đêm chú gấu bé bỏng khập khiễng lang thang khắp rừng: chú Lông Sáng đáng thương tập tễnh trên ba chân. Mỗi lần nó định bước bằng cái chân đau thì máu ở vết thương lại ứa ra, và nó lại khóc, lại rên rỉ: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?”
Gấu con bị rét, đói, và cái chân bị thương của nó đau ghê gớm. Nhưng mẹ nó đã không còn chạy đến được theo tiếng gọi của nó, và bản thân nó thì không dám trở lại nơi nó đã bỏ mẹ lại, thế là nó cứ tiếp tục lang thang vô mục đích giữa rừng cây.
Bỗng nhiên nó ngửi thấy một mùi gì là lạ, và không biết phải làm gì nó đành leo vội lên cây.
Dưới đất xuất hiện vài con thú cao kều, cổ dài, chân khẳng khiu. Lông Sáng đã thấy chúng một lần khi còn đi bên mẹ. Lúc đó nó không sợ gì chúng cả, còn bây giờ nó ngồi im thít trên cây. Nhưng những con vật to lớn đó tiến đến gần cái cây thì ngừng gặm cỏ, huơ mũi trong không khí đánh hơi rồi nhanh chóng biến mất.
Lông Sáng tội nghiệp ngồi trên cây cho đến sáng và cứng đờ ra vì lạnh đến nỗi không tài nào tụt xuống đất được. Rồi mặt trời ló ra, nó cảm thấy khá hơn bắt đầu đi kiếm quả rừng và kiến ăn cho khỏi đói.
Nó quay trở lại dòng sông quen thuộc, nhúng cái chân bị thương vào nước lạnh buốt. Nó muốn đi vào núi, nhưng nó quyết định trước hết hãy đi đến nơi mà mẹ và các em nó đã nằm lại. Quá trưa thời tiết đã hoàn toàn ấm áp, nó tập tễnh xuyên rừng xuống phía dưới rồi đi dọc bờ sông Graybull. Lông Sáng đi, đi mãi và đến được chỗ hôm qua nó cùng với mẹ còn dự một bữa tiệc cá no nê. Ở đó vẫn còn lăn lóc những cái đầu cá và nó thèm khát nhặt ăn hết. Nhưng từ đâu đó đưa đến một mùi lạ khó chịu làm gấu con sợ hãi. Khi nó tiến đến gần cái nơi còn nhìn thấy mẹ lần cuối thì mùi đó càng bốc lên rõ rệt. Gấu con thận trọng nấp sau một gốc cây quan sát và nó thấy một đàn sói đồng cỏ đang gặm ăn một cái gì đó.
Nó không biết đó là cái gì nhưng mẹ nó đã không còn ở nơi ấy nữa và mùi thì ngày càng nặng nề hơn khiến cho Lông Sáng cảm thấy kinh tởm. Nó lặng lẽ quay trở lại rừng và quyết định không bao giờ trở về chốn này nữa. Nó vẫn như trước đây muốn thấy mẹ, nhưng nó đoán chừng rằng tìm mẹ là hoàn toàn vô ích.
Đêm lạnh đã đến. Chú gấu con đáng thương càng thấy đau khổ vì thiếu mẹ. Con gấu mồ côi không ai chăm sóc nấc lên cay đắng, khập khiễng đi xa dần, xa dần. Nó đau đớn và cô đơn, cái chân hành hạ nó, và dạ dày thì thèm khát dòng sữa mẹ, cái dòng sữa mà nó sẽ chẳng bao giờ còn được thưởng thức nữa? Đêm đó nó tìm được một cái cây rỗng bị đổ và chui vào đó. Nó cố gắng tưởng tượng sau khi đã xoay trở được tư thế thoải mái rằng mình đang nằm trong vòng tay rộng lớn của mẹ và giấc mơ đó đã ru nó ngủ thiếp đi.

3

Lông Sáng lúc nào cũng cau có, và những nỗi bất hạnh càng làm cho nó thêm lầm lì.
Tất cả dường như đều chống lại nó. Lông Sáng cố gắng không ra khỏi rừng. Ban ngày nó kiếm ăn, ban đêm ngủ trong hốc cây. Một buổi tối hốc cây của nó bị một con vật to bằng nó, có gai như xương rồng chiếm mất. Gấu con không biết phải xử sự với con vật này như thế nào đành phải bỏ ngôi nhà của mình mà đi.
Có lần Lông Sáng mò xuống gần sông Graybull tìm kiếm những cái rễ cây ngon lành mà mẹ nó đã từng chỉ cho nó. Nhưng nó chưa kịp gặm thì một con vật lông xám nào đó đã từ trong hang nhảy bổ vào nó mà gầm gừ, đe dọa. Đó là một con chồn. Đối với Lông Sáng, con chồn quả là hung dữ, mà gấu con lại đang ốm và què dở. Nó vội vàng tập tễnh tháo lui và không dám dừng chân mãi cho đến khi tới được quãng đèo sang khe núi bên cạnh. Nhưng lúc đó một sói đồng cỏ nhận ra và lại còn gọi thêm một con sói nữa đuổi theo nó. Lông Sáng leo vội lên cái cây gần nhất, sói chồm lên, sủa ầm ĩ phía dưới. Nhưng chẳng mấy chốc chúng hiểu rằng trên cây là một chú gấu con, như vậy có nghĩa là gần đâu đây tất phải có gấu mẹ, cho nên tốt hơn cả là hãy để cho nó yên.
Sói biến mất, và Lông Sáng từ trên cây tụt xuống. Nó quyết định trở về vùng sông Piney của mình. Thực ra ở Graybull kiếm ăn dễ hơn, nhưng từ khi mất mẹ đến giờ hình như tất cả đều chống lại nó. Ở Piney ít nhất cũng không có ai làm phiền nó. Hơn nữa ở đó có nhiều cây cối có thể lẩn tránh kẻ thù. Bàn chân bị thương lành lại một cách chậm chạp. Sự thực thì bàn chân đó sẽ không khỏi hoàn toàn được. Vết thương đã kín miệng, cơn đau đã qua đi, nhưng bàn chân không liền lại hoàn toàn giống như chân kia, và Lông Sáng suốt đời khập khiễng. Đó là điều đặc biệt bất tiện mỗi khi bắt buộc phải leo lên cây hoặc nhanh chóng trốn chạy kẻ thù.
Kẻ thù của chú gấu mồ côi rất nhiều, còn bạn thì hoàn toàn không có. Người bạn tốt duy nhất là người mẹ đã mất. Rất nhiều, rất nhiều nỗi bất hạnh đổ lên đầu chú Lông Sáng khốn khổ, kẻ bị mất mẹ quá sớm, sự bất hạnh nhiều đến nỗi chỉ nhờ có sức chịu đựng dẻo dai bẩm sinh nó mới trải qua được.
Năm đó được mùa tuyết tùng. Mỗi khi gió thổi quả tuyết tùng chín lại rơi xuống đất. Lông Sáng sống đã dễ chịu hơn một chút. Nó đã lấy lại được sức khỏe khoắn và sức mạnh. Bây giờ ngay những con thú nó đã gặp hằng ngày đã không dám đụng đến nó nữa.
Nhưng một lần vào buổi sáng, khi nó đang thưởng thức ngon lành quả tuyết tùng thì một con gấu đen to lớn từ phía núi đi đến, Lông Sáng leo vội lên cái cây gần nhất. Gấu đen ngửi thấy mùi gấu xám và thoạt đầu nó sợ. Nhưng khi nhận ra đó chỉ là một chú gấu nhóc thì nó dũng cảm hẳn lên và rống lên đuổi theo Lông Sáng. Gấu đen leo rất nhanh và Lông Sáng leo cao đến đâu nó cũng đuổi theo đến đó. Cuối cùng chú gấu nhỏ của chúng ta cố thủ trên cành cây mảnh dẻ cao nhất. Gấu đen túm lấy nó quẳng xuống dưới đất một cách không thương tiếc. Lông Sáng choáng váng, xây xát và đau nhừ vừa tập tễnh bỏ đi vừa rên rỉ, nức nở. Gấu đen có thể đuổi theo nó và hoàn toàn tóm gọn, nhưng sợ có gấu mẹ ở gần đâu đây. Thế là Lông Sáng đã bị gấu đen tống cổ ra khỏi những cánh rừng tuyết tùng tuyệt diệu.
Dọc theo sông Graybull thức ăn hoàn toàn hiếm hoi: trái cây hầu như đều chín rụng cả, chẳng có cá mà cũng chẳng có kiến. Chú Lông Sáng đáng thương bắt buộc phải đi xa mãi, xa mãi tìm kiếm thức ăn.
Một lần trong các trảng ngải cứu sói đồng cỏ lại đuổi theo nó. Lông Sáng chạy trốn, nhưng sói đuổi kịp. Với lòng dũng cảm phi thường không lường trước được của sự tuyệt vọng vô biên mà có, Lông Sáng quay ngoắt lại và lao vào sói. Con sói luống cuống sợ hãi, cụp đuôi lại chạy mất.
Thế là Lông Sáng hiểu rằng, ở trong rừng hòa bình được trả giá bằng chiến tranh.
Nhưng nơi ở mới quá ít thức ăn. Lông Sáng liền quay trở lại những cánh rừng tuyết tùng xa xôi trong thung lũng sông Meteetsee. Tại đây đột nhiên nó gặp một con người, hoàn toàn giống hệt như người đã giết mẹ nó. Ngay phút đó vang lên tiếng súng nổ “pàng!” - và lập tức có những ngọn ngải cứu run rẩy rồi rơi xuống người nó. Lông Sáng bỗng nhớ lại tất cả mùi vị và âm thanh của cái ngày khủng khiếp trước, nó bỏ chạy như điên. Chẳng mấy chốc nó đến được khe núi và lần theo đó xuống thung lũng. Lông Sáng nhìn thấy một kẽ hở giữa hai vách đá và quyết định chọn nơi ẩn náu tốt ấy. Nhưng nó vừa tiến đến gần thì một con bò rừng cái nhảy ra, ả phì phì hăm dọa và vung tít đôi sừng lên.
Gấu con phốc luôn lên một cái cây gần nhất, nhưng ngay lúc đó ở phía bên kia cây xuất hiện một con mèo rừng. Chú Lông Sáng tội nghiệp bắt buộc phải cuốn gói khỏi nơi đây vì xem chừng mèo rừng chẳng có thiện ý gì với nó mà gây sự bây giờ thì không đúng chút nào. Chú gấu con đáng thương nuốt hận mà đi và tin chắc là trên thế gian này đầy rẫy kẻ thù. Nó không biết làm gì khác hơn là trèo lên dốc núi đá và đi sâu vào rừng tùng Meteetsee.
Nhưng ở đây sự có mặt của nó lại làm cho lũ sóc hoàn toàn khó chịu và kêu ầm lên. Lũ sóc lo sợ cho đám hạt dẻ của chúng - chúng biết rằng gấu đến đe dọa chúng. Chúng truyền từ cành nọ sang cành kia theo sau Lông Sáng và từ trên cao trút tới tấp lên đầu Lông Sáng những lời chửi bới, có dùng tiếng động ầm ĩ để gọi tới một kẻ thù nào đó của gấu. Tất nhiên đây là sự ranh ma của lũ sóc.
Tuy chưa thấy có kẻ thù nào tới nhưng Lông Sáng cũng thấy lo ngại và cứ đi tiếp đến tận bìa rừng phía trên, nơi có ít thức ăn và cũng ít cả kẻ thù. Chỉ ở đó, nơi cuối rừng và bắt đầu bãi chăn cừu, nó mới có thể bình tĩnh nghỉ ngơi.

4

Sự săn đuổi của vô số kẻ thù làm cho Lông Sáng ngày càng trở nên hung dữ. Tại sao tất cả đều không để cho nó, một kẻ bất hạnh, được yên thân? Tại sao tất cả, hoàn toàn tất cả đều chống lại nó? Ôi, giá như mẹ nó trở về! Ôi, giá như nó có thể mặt đối mặt với con gấu đen đã đuổi nó khỏi khu rừng chôn rau cắt rốn! Nó tạm thời chưa đoán ra được rằng nó sẽ lớn lên theo thời gian. Thậm chí con mèo rừng khốn kiếp cũng xua đuổi nó, còn con người thì muốn bắn chết nó. Ôi, nó sẽ không quên một ai trong số những kẻ thù của nó và căm thù tất cả bọn chúng?
Lần này Lông Sáng tìm được một chỗ ở khá tốt. Xung quanh rất nhiều hạt dẻ. Chẳng bao lâu tài đánh hơi mách bảo nó ở đâu có kho dự trữ mùa đông của bọn sóc. Những phát hiện đó tất nhiên gây đau khổ cho lũ sóc nhưng Lông Sáng lại rất hạnh phúc, và đến thời kì ban đêm bắt đầu se lạnh thì Lông Sáng đã dần dần mượt mà béo tốt ra.
Bây giờ Lông Sáng lang thang khắp các cánh rừng thung lũng sông Meteetsee. Phần lớn thời gian nó ở trong những cánh rừng phía thượng nguồn, nhưng thỉnh thoảng cũng lần xuống tìm thức ăn tận dưới bờ sông.
Một lần vào ban đêm đi qua bờ sông nó ngửi thấy một mùi gì đó đặc biệt. Nó cảm thấy mùi đó rất dễ chịu liền tiến đến sát mép nước. Mùi tỏa đến từ một khúc gỗ ngâm dưới nước, Lông Sáng trèo lên gỗ nhưng bất thình lình một cái gì đó sập mạnh, và một chân của nó nằm gọn trong một cái bẫy hải ly bằng sắt rất chắc.
Lông Sáng rống lên và dùng hết sức lực giật lùi về phía sau lôi cả cái cọc gắn liền với cái bẫy ra. Lúc đầu nó còn cố tháo bẫy, nhưng sau thì mang theo cả bẫy chạy vào bụi cây. Nó bắt đầu lấy răng cắn bẫy, nhưng cái bẫy sắt chặt cứng, lạnh ngắt không hề suy suyển và điềm nhiên treo lủng lẳng trên bàn chân gấu con. Chốc chốc Lông Sáng lại dừng lại, cào cấu cái bẫy đáng nguyền rủa và đập nó xuống đất. Nó thử vùi bẫy xuống đất, mang bẫy trèo lên cây, hi vọng tìm ra cách rút chân khỏi bẫy, nhưng cái bẫy cứ bám chặt lấy nó. Lông Sáng bèn đi vào rừng, ngồi xuống và bắt đầu suy nghĩ cách xử sự với cái bẫy này. Nó không thể hiểu nổi đó là cái gì. Trong ánh mắt xanh nâu của nó phản ánh cả nỗi đau đớn, cả sự sợ hãi và lòng căm thù đối với kẻ thù mới này.
Lông Sáng nằm xuống dưới bụi cây, quyết tâm cắn nát bẫy. Nó lấy chân giữ chặt một đầu bẫy, còn đầu kia ghé răng cắn. Ngàm bẫy liền mở ra và chân nó được giải phóng.
Lông Sáng hoàn toàn tình cờ ấn cùng một lúc cả hai lò xo. Nó không hiểu tại sao lại có thể thoát khỏi bẫy, nhưng tất cả những dữ kiện đó hằn sâu vào trí nhớ nó, và nó hình dung mọi việc đơn giản thế này: “Trong số các kẻ thù có một tên ẩn dưới nước để rình bắt những chú gấu con. Kẻ thù đó có mùi rất mạnh. Hắn chuyên tóm lấy chân, và không thể cắn được hắn. Muốn thoát khỏi hắn thì phải ấn mạnh”.
Gần suốt một tuần chân của chú Lông Sáng bé bỏng bị đau! Nhưng đau nhất là khi bắt buộc phải leo trèo. Tiết trời đã sang thu. Đàn nai cất tiếng kêu như âm thanh kèn hiệu làm rung động rừng núi. Đêm nào Lông Sáng cũng nghe thấy những âm thanh đó. Một vài lần nó bắt buộc phải trèo lên cây để tránh những con nai có đôi gạc lớn. Bây giờ trong rừng đã bắt đầu có những người đi săn bắt thú, còn trên trời cao đã nghe vang tiếng kêu của những đàn ngỗng trời. Trong rừng xuất hiện thêm nhiều mùi mới. Lông Sáng lần đến nơi có một trong những mùi lạ đó. Ở đó có mấy khúc gỗ xếp lại thành đống. Nhưng cùng với thứ mùi quyến rũ kia còn thoang thoảng thấy cả cái mùi đáng ghét mà nó đã ghi nhớ từ ngày mất mẹ. Mùi này không rõ rệt lắm. Lông Sáng thận trọng đánh hơi xung quanh và khẳng định rằng cái mùi khó chịu đó đưa đến từ một khúc gỗ ở phía trước, còn cái mùi ngon lành thì bốc ra từ một bụi rậm ở phía sau, tách khỏi bụi cây, tiến đến gần mồi thịt. Đúng lúc nó chộp miếng thịt thì khúc gỗ đổ nhào xuống đất.
Bị bất ngờ Lông Sáng nhảy dựng lên, nhưng vẫn còn kịp rút lui an toàn với miếng thịt và một vài hiểu biết mới. Nó khẳng định chắc chắn thêm rằng “cái mùi đáng căm thù đó luôn luôn dẫn đến sự chẳng lành”.
Thời tiết ngày càng trở lạnh, Lông Sáng cũng ngày càng thèm ngủ dữ dội. Khi có băng giá nó ngủ suốt cả ngày. Nó không có chỗ ngủ cố định, nhưng dù sao cũng có được vài chỗ khô khi đẹp trời và hai ba góc dành cho những lúc bão tố. Đặc biệt nó khoái nằm trong một cái ổ thuận tiện ở dưới rễ một cái cây. Và một lần khi trời nổi gió và có tuyết rơi Lông Sáng chạy tới cái ổ đó nằm cuộn tròn lại và thiếp đi. Bão tuyết mỗi lúc một tăng, tuyết rơi mỗi lúc một nhiều. Tuyết phủ kín các cành cây, đè trĩu chúng xuống dưới sức nặng của mình. Tuyết cứ rơi và chẳng mấy chốc các cành lá đã dày đặc những bông tuyết phẳng phiu. Tuyết rắc khắp núi, phủ đầy thung lũng. Gió mang tuyết đến tận chân khe núi. Tuyết dồn lại thành đống trên chỗ ẩn của Lông Sáng. Đống tuyết tuyệt vời đó bảo vệ nó khỏi bị lạnh, và Lông Sáng cứ say sưa ngủ vùi trong hang của nó.

5

Như tất cả họ nhà gấu, Lông Sáng ngủ suốt mùa đông. Khi mùa xuân đến cũng là lúc Lông Sáng tỉnh giấc và nó hiểu rằng đã ngủ rất lâu. Nó không thay đổi mấy, chỉ lớn lên và hơi gầy đi. Nó thấy rất đói, bèn chui qua đống tuyết lúc này vẫn còn che kín hang để ra ngoài kiếm thức ăn.
Tuy nhiên bây giờ chẳng có quả tuyết tùng, chẳng có quả cây nào khác mà cũng chẳng có kiến. Lông Sáng ra sức đánh hơi và khứu giác dẫn nó đến khe núi, nơi có một con nai bị chết cóng trong mùa đông. Lông Sáng chén đầy bụng, chỗ còn lại đem giấu kín. Hằng ngày nó đến đó đánh chén. Tuy thế chẳng bao lâu cũng hết sạch mọi thứ, và nó nhịn đói luôn hai tháng trời. Sau mấy tháng đó nó tiêu hết tất cả chỗ mỡ còn lại qua kì ngủ đông.
Một lần nó sang được một thung lũng khác nằm bên kia đường phân thủy, và ở đó trong khu rừng rậm nó ngửi thấy mùi một con gấu xám khác. Lông Sáng tiến đến gần nơi có mùi đó và gặp một cái cây đứng đơn độc cạnh con đường gấu thường đi qua. Nó đứng trên hai chân sau và bắt đầu ngửi ngửi cái cây sực mùi gấu. Bùn và những túm lông bám vào cây ở độ cao đến nỗi Lông Sáng không tài nào với tới được. Rõ ràng đã có một con gấu rất to cọ người vào cái cây này. Lông Sáng lo lắng. Lâu lắm rồi nó thèm khát gặp một con nào đó thuộc cùng nòi giống mình, nhưng giờ đây nó cảm thấy sợ hãi. Trong cuộc sống cô đơn nó chỉ gặp kẻ thù, còn bây giờ nó không biết con gấu to đó sẽ đón tiếp nó như thế nào.
Trong khi Lông Sáng còn đứng nghĩ ngợi xem phải làm gì thì chính con gấu già đó đã hiện ra trên sườn núi. Nó bước đi, đầu cúi xuống, thỉnh thoảng dừng lại dùng tay lôi lên một củ cải rừng hoặc một cái rễ cây ngọt.
Con gấu già đó giống như một con quỷ to lớn. Lông Sáng lập tức cảm thấy nguy hiểm. Nó nấp vào phía sau tảng đá nằm giữa đám cây cối và bắt đầu quan sát xem con gấu to sẽ làm gì.
Kìa, con gấu to đã nhận ra dấu vết của Lông Sáng. Nó rống lên giận dữ và lần theo dấu chân đến gần cái cây. Nó đứng lên trên hai chân sau và dùng móng chân tước vỏ cây. Nó với cao hơn Lông Sáng nhiều. Sau đó gấu to rời cái cây và nhanh chóng đuổi theo dấu Lông Sáng. Lông Sáng kinh hãi chạy ngược trở lại khe núi của mình, nó mang máng hiểu rằng nếu ở đó ít thức ăn thì các con gấu khác sẽ không đến.
Mùa hè tới gần, Lông Sáng bắt đầu thay lông. Da nó ngứa ngáy và nó thích thú lăn lộn trong đất bùn hoặc cọ mình vào rễ cây hay tảng đá. Giờ đây nó không thể leo cây được nữa: móng chân nó mọc rất dài, còn chân trước tuy có to lên hơn trước nhưng đã mất sự linh hoạt mà nhờ đó gấu xám con và gấu đen leo trèo được dễ dàng. Bây giờ ở Lông Sáng đã hình thành một thói quen mới vốn có ở loài gấu: khi cọ sát vào thân cây nó cố gắng dùng mũi với thật cao. Rất có thể chính bản thân Lông Sáng cũng không để ý rằng mỗi lần sau một hoặc hai tuần lễ nó đến cùng một cái cây lúc trước thì nó đã với được cao hơn trước. Giờ đây nó lớn lên nhanh chóng và trở nên khỏe hơn.
Lông Sáng lúc ở chỗ này lúc ở chỗ khác trong khe núi Meteetsee và ở đâu nó cũng thấy mình là chủ nhân. Nó cọ sát vào nhiều cây khác nhau, khắp nơi nó đều để lại dấu vết trên thân cây. Thế là nó đã tự định ra giới hạn lãnh địa của mình.
Tiết trời đã vào cuối hè. Một lần Lông Sáng nhìn thấy trong lãnh địa của mình một con gấu đen có bộ lông bóng mỡ. Lông Sáng rất tức giận. Gấu đen đến gần, và Lông Sáng thấy rõ cái mõm nâu đỏ, cái yếm trắng trước ngực và lỗ tai của nó, ngửi thấy cả mùi của nó nữa. Và mùi đó chính là mùi con gấu đen hồi nào đã đuổi chú Lông Sáng bé bỏng ra khỏi vùng sông Piney quê hương. Nhưng sao bây giờ cái con gấu đen ấy lại bé đến thế. Có một thời Lông Sáng tưởng con gấu đen ấy là một vị khổng lồ, còn bây giờ nó có cảm giác chỉ dùng một bàn chân cũng có thể đè bẹp được. Lông Sáng sung sướng nhận ra rằng nó đủ sức trả thù con gấu mũi đỏ này. Nhưng gấu đen phốc lên một cái cây không cao lắm nhanh như sóc. Lông Sáng muốn trèo theo, nhưng không tài nào leo cây được. Nó đành từ bỏ ý định đuổi theo và quay đi, mặc dù gấu đen lên tiếng đằng hắng giễu cợt mấy lần làm cho nó bắt buộc phải quay lại. Một lúc sau Lông Sáng lại trở lại chỗ cái cây đó nhưng Mũi Đỏ đã biến mất rồi.
Trời đã bước vào cuối hè. Ở trên cao thức ăn trở nên ít ỏi. Một bữa, khi đêm xuống Lông Sáng quyết định xuống hạ lưu sông Meteetsee để tìm kiếm thức ăn. Gió đưa đến một mùi thật dễ chịu, và lần theo mùi đó chú gấu của chúng ta gặp một cái xác bò rừng. Cách đó không xa có vài con sói ngồi chực. Đối với Lông Sáng chúng hoàn toàn chỉ là những con chim chích nếu đem so sánh với những con sói mà nó đã gặp hồi nào. Một con sói đứng ngay cạnh xác con thú. Nó nhảy một cách ngu xuẩn tại chỗ, và hình như nó không tài nào rời khỏi chỗ được. Lông Sáng trông thấy sói là mối căm thù cũ đã bừng bừng nổi dậy trong tim. Nó lao vào con sói và chỉ vả một cái đã biến sói thành một nắm lông thảm hại. Chính lúc đó Lông Sáng đánh hơi thấy cái mùi sắt đáng nguyền rủa: lúc trước con sói kia điên cuồng vật lộn tại chỗ chỉ vì nó đã sập bẫy!
Lông Sáng tiến thêm vài bước nữa, thế là một tiếng tách vang lên và chân nó mắc ngay vào bẫy sói.
Nhưng Lông Sáng nhớ lại nó đã có lần thoát ra khỏi bẫy như thế nào. Nó đặt hai chân sau lên cả hai ngàm bẫy ấn mạnh và giải thoát được cái chân bị kẹp bẫy.
Ở đó khắp nơi đều có mùi con người làm cho Lông Sáng khó chịu. Nó đi xuống phía dưới theo dòng chảy của con sông, nhưng mùi người bay đến tận đây. Nó bèn quay lại đi ngược về phía những cánh rừng tuyết tùng của mình.

6

Lại bắt đầu mùa hè thứ ba trong đời Lông Sáng. Bây giờ nó đã có vóc dáng một con gấu trưởng thành, nhưng còn chưa có được sức lực và mức béo tốt thực sự của loài gấu. Lông của nó lợt màu, và người thợ săn da đỏ Spahwat từng nhiều lần săn đuổi nó đã gọi nó là “Lông Sáng”. Spahwat là một thợ săn cừ, và khi ông vừa nhìn thấy dấu vết mà Lông Sáng cọ mình vào để lại trên cái cây ở thượng nguồn sông Meteetsee thì ông đoán ngay rằng đó là một con gấu lớn, và nó ở gần đâu đây thôi. Nhiều ngày trời ông đi khắp thung lũng cho đến khi gặp con gấu nhưng ông chỉ gây được cho nó một vết thương ở vai mà thôi. Lông Sáng rống lên điên cuồng vì đau, nhưng nó hoàn toàn không có ý muốn chiến đấu. Nó tập tễnh đi ngược lên thượng nguồn, băng qua vùng đất dưới chân núi rồi tìm một nơi yên tĩnh nằm xuống. Nó liếm sạch bùn đất trên vết thương, nước dãi làm cho lông nó bết lại tạo thành một thứ băng bảo vệ, giữ cho vết thương khỏi bị không khí, bụi bẩn và vi trùng bám vào.
Nhưng Spahwat lần theo vết gấu. Ở nơi ẩn nấp Lông Sáng ngửi thấy mùi kẻ thù đang tiến lại gần liền trốn lên chỗ khác cao hơn ở trên núi. Nhưng chẳng mấy chốc cả tại đây nữa Lông Sáng cũng lại ngửi thấy mùi thợ săn. Nó bắt buộc lại phải di chuyển. Nó cứ rút lui trước kẻ thù như vậy rất lâu cho đến khi phát súng thứ hai của Spahwat tặng cho nó một vết thương mới. Lúc này Lông Sáng nổi giận như điên. Từ khi mẹ nó bị giết chết nó không sợ cái gì hơn mùi con người với mùi sắt và súng đạn. Nhưng giờ đây mọi sự sợ hãi của nó đều biến mất. Nó chạy ngược lên núi, cao hơn, luồn lách qua những bậc đá lớn để leo lên cao hơn nữa, rồi sau đó nó quay trở lại chỗ một bậc đá ở phía dưới và duỗi dài người ra ẩn nấp vào đó.
Spahwat nhanh chóng theo sát dấu chân. Có trang bị súng và dao săn ông lẹ làng tìm dấu vết Lông Sáng và ông vô cùng sung sướng nhận ra vết máu con thú bị thương để lại. Ông vui vẻ trèo theo sườn núi đầy đá sắc nhọn. Và ở trên cao Lông Sáng đang cố kìm nỗi đau đớn và cơn tức giận để rình ông. Người thợ săn ngoan cố ngày càng tiến đến gần hơn, gần hơn. Mọi chú ý của ông đều tập trung vào dấu máu con gấu để lại. Ông không hề mảy may nhìn vào bậc đá. Lông Sáng nhìn thấy rất rõ người da đỏ, kẻ mang sự chết chóc đến cho nó đang tiến lại gần, và ngửi thấy cả cái mùi người rất khó chịu. Nó thu tất cả sức lực lại, tì lên cái chân bị thương đang run bần bật và nhổm dậy. Nó cố đợi. Đợi mãi cho đến phút chót, nó dùng bàn tay không bị thương vả một đòn trời giáng. Cái vả đó tập trung toàn bộ sức lực ghê gớm sẵn có cộng thêm lòng căm thù tuyệt vọng đối với kẻ săn đuổi nó. Người da đỏ ngã vật xuống, không kịp kêu một tiếng. Bấy giờ Lông Sáng mới đứng dậy đi tìm một nơi khác yên tĩnh hơn để chữa chạy những vết thương của mình. Từ đó nó không lần nào còn gặp Spahwat nữa và có thể yên tâm chữa những vết thương.
Thế là Lông Sáng đã nhận ra rằng, nếu muốn hòa bình và yên ổn thì cần phải chiến đấu.

7

Năm tháng trôi đi không có gì thay đổi. Chỉ có điều cứ mùa đông năm sau Lông Sáng lại ngủ không được say bằng năm trước và mùa xuân tới lại thức dậy sớm hơn năm trước. Nó đã trở thành một con gấu thực to bự, kẻ thù dám mặt đối mặt với nó cũng ít dần đi.
Sau sáu năm nó đã thành một con gấu cao, to, khỏe mạnh và cau có. Nó không hề biết trong đời mình thế nào là tình yêu, tình bạn kể từ ngày nó mất mẹ và các em.
Mùa yêu đương của loài gấu đến rồi lại đi, năm này qua năm khác, nhưng chẳng có ai nghe thấy nói bao giờ là Lông Sáng có một người bạn gái. Trong thời kì sung sức Lông Sáng cũng đơn côi như khi mới lớn. Loài gấu rất đáng sợ khi sống cô độc. Trạng thái cau có dễ tức giận của nó tăng lên cùng với sức lực của nó. Bây giờ tất cả những ai rủi ro gặp nó đều gọi nó là con gấu nguy hiểm.
Tình cờ Lông Sáng đến được thung lũng sông Meteetsee và tiếp tục sống ở đó. Tính tình nó được hình thành dưới ảnh hưởng của những cuộc phiêu lưu với những cái bẫy và những cuộc đụng độ với các thú dữ khác. Thực ra giờ đây không con thú nào làm nó sợ cả. Bẫy cũng chẳng còn đáng sợ, bởi vì nó đã học được cách đánh hơi tuyệt diệu mùi nồng hăng của sắt và mùi người. Đặc biệt đến năm thứ sáu của cuộc đời nó lại được thêm một bài học quý báu nữa.
Một bữa nó đánh hơi thấy trong rừng có mùi thú chết. Nó lần theo mùi đó và thấy xác một con nai to tướng. Chỗ ngon nhất trên xác nai đã bị xé nát. Mùi người và mùi sắt vẫn còn phảng phất nơi đây, nhưng món ăn ngon lành mới quyến rũ làm sao. Lông Sáng đi vòng quanh cái xác, đứng lên trên hai chân sau, quan sát cái xác từ chiều cao 8 foot của thân hình và thận trọng bước lên trước. Bỗng nhiên nó rống lên vì đau và cuống cuồng chạy tới chạy lui. Chân phải trước của nó đã bị một cái bẫy gấu kếch xù kẹp chặt.
Lông Sáng hung hãn gặm bẫy, nó tức giận đến sùi bọt mép. Rồi nó thử áp dụng biện pháp cũ: nó ấn cả hai chân sau lên hai lò xo giữ ngàm bẫy và lấy cả sức nặng thân mình đè chặt, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Lông Sáng bèn nhổ cái cọc lên và mang theo cả bẫy lên núi khiến cho cứ mỗi bước đi lại làm cho nó kêu loảng xoảng. Nó dùng tất cả sức lực để rút chân ra nhưng vô hiệu. Tình cờ một cây cổ thụ đổ nằm ngang đường đập vào mắt nó, và một tia sáng hạnh phúc lóe lên trong đầu nó. Nó tiến lại gần cái cây đổ, lại dùng chân sau đè lên các lò xo của bẫy còn bàn chân nó thì tựa đôi vai lực lưỡng vào một chạc cây và dồn hết sức lực cường tráng ấn mạnh. Lần này bẫy không còn ngoan cố mãi được, lò xo bật lên và Lông Sáng rút được chân ra. Chân được giải phóng nhưng nó phải bỏ lại một ngón ở trong bẫy.
Lông Sáng lại bắt buộc phải chữa chạy vết thương. Nó trở thành “người thuận tay trái” mất một thời gian. Chẳng hạn như khi nó cần lật tảng đá thì nó đứng trên chân trước phải và làm việc này bằng chân trước trái. Kết quả là Lông Sáng mất nhiều cơ hội ăn thức ăn ngon chỉ có thể tìm thấy bên dưới những tảng đá và gốc cây lớn.
Cuối cùng vết thương cũng kín miệng. Tuy nhiên không bao giờ Lông Sáng quên được chuyện này. Từ đó trở đi mùi người và sắt thường làm cho nó tức giận điên cuồng.
Kinh nghiệm hằng ngày dạy nó rằng, nếu như ngửi thấy hoặc nghe thấy người đi săn từ xa, tốt hơn hết là bỏ chạy. Còn nếu như con người đã ở gần thì cần liều lĩnh lao vào cuộc chiến.
Chẳng bao lâu tất cả những người chăn gia súc đều biết rằng tốt nhất là đừng có động đến con gấu sống ở thượng nguồn sông Meteetsee.

8

Một bữa Lông Sáng lần được xuống vùng hạ lưu con sông của mình. Lâu lắm rồi nó không trở lại nơi đây và bây giờ vô cùng ngạc nhiên về những cái “hang bằng gỗ” mà con người sống trong đó. Lông Sáng đi vòng quanh ngôi nhà về phía cuối gió và lập tức ngửi thấy mùi người và súng, cái mùi làm cho nó tức điên lên. Đúng lúc đó một tiếng “pàng” rất to vang lên và Lông Sáng thấy đau nhói ở chính cái chân trái phía sau, nơi nó đã bị què từ lâu. Lông Sáng quay lại và trông thấy một người đang chạy về phía túp lều. Giá như Lông Sáng bị thương vào vai thì nó đã đuối sức rồi, nhưng đàng này nó lại chỉ bị vào chân mà thôi.
Bàn tay lực lưỡng của Lông Sáng có thể quẳng những súc gỗ thông đi như liệng những cái que bé xíu, một cái tát của nó cũng có thể hạ nổi một con bò rừng cỡ bự, móng của nó thừa sức bứt từng tảng đá lớn khỏi vách núi. Vậy thì thậm chí cái khẩu súng giết người kia có ý nghĩa gì đối với nó cơ chứ?
Chiều tối ông bạn đồng hành với người đã bắn Lông Sáng trở về lều. ông tìm thấy xác người bạn mình nằm trên nền lều lênh láng máu.
Theo dấu máu ở gần nhà và qua mẩu thư được viết trên rìa một tờ báo bằng bàn tay run rẩy của bạn. Ông hiểu rõ mọi việc. Thư viết rằng:
“Lông Sáng đã xé tan xác tôi. Tôi nhìn thấy nó ở gần nguồn nước và bắn vào nó. Tôi định chạy trốn về nhà nhưng nó đuổi kịp. Tôi đau quá! Jack”.
Đọc xong mẩu thư, Miller, bạn của Jack, thề sẽ giết chết con gấu này. Ông lên đường theo dấu vết mà Lông Sáng để lại trong khe núi và lang thang ở đó hết ngày này qua ngày khác. Ông vứt rải rác các miếng mồi, đặt bẫy và một lần nghe rõ tiếng động ầm ầm khua vang, sau đó nhìn thấy một tảng đá vĩ đại lăn xuống từ sườn núi, làm cho hai chú hươu đang đi trên đường kinh động lao vút đi như tên bắn.
Thoạt tiên Miller nghĩ đó là đá lở. Nhưng ông hiểu ngay rằng Lông Sáng lăn đá xuống để lôi từ dưới đá lên vài ba con kiến.
Gió thổi từ phía Lông Sáng lại và Miller thuận lợi quan sát gấu theo ý muốn mà không sợ bị phát hiện.
Gấu Lông Sáng lực lưỡng thơ thẩn tìm thức ăn. Nó cố không đặt chân trái sau xuống và khe khẽ rên lên mỗi khi một cử chỉ thiếu thận trọng làm dấy lên cơn đau.
Miller nấp kín và nghĩ bụng: “Hoặc là mình hạ nó ngay bây giờ, hoặc là mình sẽ bắn trượt”. Ông huýt lên một tiếng sáo chói tai.
Con gấu khựng lại như bị đóng đinh tại chỗ và dỏng tai lên nghe ngóng. Miller bắn một phát súng vào đầu nó, nhưng con gấu vừa kịp hơi quay người đi một chút, và viên đạn chỉ sượt qua cái đầu bù xù vĩ đại. Khói từ nòng súng mách cho Lông Sáng biết chỗ người nấp, nó lao nước đại như điên về phía kẻ thù.
Miller quăng súng đi và leo vội lên một cái cây cao đứng đơn đọc gần ngay đó. Lông Sáng lồng lộn quanh cái cây một cách vô ích, nó lấy răng cắn xé vỏ cây và dùng móng chân cào cấu, nhưng không tài nào với tới được chỗ người thợ săn ngồi.
Bốn giờ đồng hồ liền Lông Sáng canh giữ người đi săn, sau cùng nó chậm rãi bỏ đi về phía các bụi cây và nấp kín ở đó. Miller còn ngồi nán trên cây thêm một giờ nữa để tin chắc rằng con gấu đã bỏ đi thực. Lúc đó ông mới tuột khỏi cái cây, nhặt lấy súng và định ra về. Nhưng Lông Sáng khá tinh ranh: nó chỉ giả vờ làm ra vẻ bỏ đi, chứ thực tình thì nó quay lại ngay lập tức và lại bắt đầu rình. Đợi cho đến khi Miller chỉ vừa xách cây súng đi cách cái cây đủ một đoạn để không tài nào chạy kịp trở lại cái cây là con gấu đã lao ra đuổi theo ông. Mặc dù bị thương nhưng gấu chạy nhanh hơn Miller và sau khi đuổi được bốn dặm thì nó đối xử với con người đúng như con người định đối xử với nó.
Phải một thời gian sau bạn bè mới tìm thấy khẩu súng của Miller và đoán ra sự việc.
Lều trại ở thung lũng Meteetsee tan hoang. Nó không đủ sức chờ đợi cư dân mới: chẳng ai muốn dọn đến cái nơi ít hấp dẫn này, nơi mà con gấu khủng khiếp đang cai quản.

9

Sau đó trên thượng lưu sông Meteetsee người ta tìm thấy vàng. Những người tìm vàng đến đây ngay lập tức. Họ dò dẫm giữa các đỉnh núi, đào bới đất và làm hư hại các con suối. Họ phần lớn là những người đứng tuổi, tóc đã hoa râm. Họ thường sống trong núi và chẳng khác gấu mấy tí. Họ cũng đào bới và ủi dũi khắp nơi như gấu, tuy không phải vì những cái rễ cây ngon lành nuôi sống họ mà vì loại cát vàng lóng lánh không thể ăn được. Và cũng như gấu, họ muốn người khác để cho họ yên ổn, đừng quấy rầy họ tìm kiếm trong lòng đất.
Hình như họ hiểu rõ Lông Sáng. Khi Lông Sáng gặp họ lần đầu nó đứng chồm lên trên hai chân sau và trong ánh mắt nó lóe lên những tia lửa dữ dội. Người lớn tuổi nhất trong đám thợ tìm vàng bảo đồng bọn:
- Đừng động đến nó, nó sẽ không làm gì chúng ta đâu.
- Nhưng anh hãy xem kìa, con vật mới bự làm sao!
Lông Sáng đã chuẩn bị lao vào họ, nhưng không hiểu sao nó dừng lại. Tất nhiên nó chẳng thể biết con người nói gì với nhau nhưng nó linh cảm thấy ở họ có điều gì khác so với thường ngày. Nó thấy ở đây cũng có mùi người và sắt, nhưng mùi đó không hắc do đó không làm cho nó tức giận. Thấy người vẫn đứng bất động, Lông Sáng gầm gừ khàn khàn rồi hạ chân trước xuống và bỏ đi.
Cuối năm đó Lông Sáng lại gặp con gấu mũi đỏ, nhưng sao mà nó bé nhỏ lạ lùng! Chỉ một đòn Lông Sáng đã có thể quăng nó qua cả sông Graybull.
Vừa thấy Lông Sáng con gấu đen đã vội vàng leo tót lên cây. Đó là một con gấu béo tốt mỡ màng. Nó thở hồng hộc vì quá sức. Lông Sáng tiến lại gần cái cây, đứng thẳng lên và với tay đến độ cao tới chín bộ so với mặt đất. Tiếp đó Lông Sáng dùng móng vuốt bứt hết cả vỏ cây. Cứ mỗi cú móc cả cái cây lại rung lên làm con gấu đen cũng run bắn lên và kêu thất thanh vì sợ hãi.
Bóng dáng con gấu đen làm cho Lông Sáng nhớ đến quê hương Piney và những cánh rừng đầy rẫy thức ăn ngon. Lông Sáng bỏ mặc con gấu run rẩy trên cây, xuôi xuống phía dưới dọc theo sông Meteetsee, sau đó theo sông Graybull và sau vài giờ nó đã có mặt ở khu rừng quen thuộc hạ nguồn sông Piney, nơi đầy rẫy trái cây và tổ kiến.
Những nơi ở mới tuyệt diệu làm sao! Tuyệt diệu hơn nữa là ở đó hoàn toàn không có dấu hiệu nào chứng tỏ có con gấu xám nào khác đã lảng vảng đến. Kẻ nắm toàn quyền sở hữu nơi đây là những chú gấu đen, nhưng cần gì phải bận tâm đến chúng cơ chứ.
Lông Sáng rất hài lòng. Việc đầu tiên là nó đi tắm bùn. Tiếp đó nó tiến lại gần cái cây đứng ngay nơi hai con sông hợp dòng chảy với nhau. Nó tựa lưng vào chạc cây và đánh một cái dấu vào chỗ cao hơn tám bộ so với mặt đất.
Những ngày sau Lông Sáng cứ đi, đi mãi khắp khu đất mới nằm giữa các mỏm núi cheo leo của dãy Shoshone và đặt các dấu hiệu của mình. Nếu nó gặp những cây khô queo có dấu của lũ gấu đen thì nó lấy bàn tay vĩ đại của mình đập nát cây, và tất cả cây cối đều đổ rạp xuống đất trong tiếng gãy răng rắc. Còn nếu dấu gấu đen để lại trên cây xanh tươi thì nó đánh luôn cái dấu của mình lên chính cây đó nhưng ở chỗ cao hơn nhiều, và lại còn củng cố thêm dấu hiệu bằng những vết cào sâu của các móng sắc.
Nơi đây từ lâu lũ gấu đen vẫn làm chủ. Chúng săn đuổi kho dự trữ của bọn sóc trong các hốc cây và sóc phải đưa kho lương thực vào tít sâu dưới những tảng đá lớn. Lũ gấu đen không thể lật nổi những tảng đá như thế lên. Nhưng Lông Sáng lăn đá ra dễ đàng và đối với nó thì nơi đây quả là có nhiều thức ăn được chuẩn bị sẵn sàng. Cứ dưới tảng đá thứ tư hoặc thứ năm trong rừng là nó lại tìm một kho thức ăn của sóc, và thỉnh thoảng trong kho lại có cả một cô chủ nhân bé nhỏ nữa. Lông Sáng lấy tay vỗ lên người cô sóc và chén cô như một thứ gia vị thêm vào chỗ thức ăn trong kho.
Đi đến đâu Lông Sáng cũng để lại những dòng chữ đề của nó:
“Hỡi những kẻ lấn chiếm ranh giới, hãy coi chừng!”
Những dòng chữ đề đó được đặt trên cây ở chỗ cao nhất mà nó có khả năng với tới. Tất cả những ai đến gần các dấu hiệu trên cây đó, căn cứ theo mùi và lông mà Lông Sáng để lại đều đoán được rằng ở chỗ này có một con gấu khổng lồ đã đến ở.
Giá như Lông Sáng được mẹ dạy bảo thì nó đã biết được là ở đâu nhàn hạ về mùa xuân thì ở đó cực nhọc về mùa hè. Còn Lông Sáng thì bắt buộc phải tự mình suy đoán ra rằng cần đổi chỗ vào mỗi mùa trong năm.
Đầu xuân luôn luôn được dự tiệc ở vùng nuôi thả gia súc và nơi bầy hươu nai trú ngụ. Tại đây có rất nhiều xác súc vật chết cóng trong mùa đông. Đầu hè tốt hơn cả nên kiếm thức ăn ở những sườn đồi ấm ánh nắng mặt trời. Ở đó có thể tìm được đủ thứ rễ cây ngon lành và củ cải dại. Cuối hè có rất nhiều quả chín trong các bụi rậm phía dưới dọc bờ sông. Mùa thu thì ở trong rừng thông có nhiều thức ăn, và chính tại đó có thể tích trữ mỡ cho mùa đông.
Mỗi năm khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác Lông Sáng lại mở rộng thêm vùng đất đai sở hữu của mình. Nó không những xua đuổi lũ gấu đen ra khỏi lưu vực các sông Piney và Meteetsee mà còn đi quá cả đường phân thủy và giết chết con gấu xám già đã từng có lần đuổi nó khỏi chốn này.
Lông Sáng không những biết chiếm vùng đất mới mà còn biết giữ vững đất nữa.
Có lần trong lãnh địa của Lông Sáng có những người đi tìm đất xây dựng trang trại đến dựng lều ở khoảng giữa khúc sông Meteetsee. Lông Sáng phá tan lều trại và đuổi ngựa của họ. Bây giờ tất cả loài vật cũng như người đều biết rõ ràng, từ đỉnh Frank đến các nhánh núi của dãy Shoshone đâu đâu cũng thuộc quyền cai quản của vị lãnh chúa Lông Sáng từ Meteetsee đến, và vị lãnh chúa này biết cách bảo vệ lãnh địa của mình khỏi mọi cuộc xâm lăng.
Ai khỏe mạnh đến độ có thể không cần lo ngại những cuộc tấn công trực diện thường mất đức tính tinh khôn. Nhưng Lông Sáng không quên những cuộc phiêu lưu của mình với những cái bẫy thời trai trẻ. Ở nó hình thành một quy định khắt khe: không khi nào được lại gần chỗ có mùi sắt và mùi người, và chính vì thế nó chẳng bao giờ còn bị sập bẫy nữa.
Cứ như thế, cuộc đời cô đơn của Lông Sáng trôi qua trong phiêu lãng từ núi này đến núi khác, chính ở những nơi đó khi tìm kiếm thức ăn nó đã ném đá tảng như hòn sỏi con và quẳng những cành cây to sụ tựa như quẳng que diêm. Bây giờ thì mọi con thú ở trong núi cũng như ở dưới đồng bằng đều biết danh tiếng Lông Sáng và đều sợ hãi chạy trốn trước con quái vật đã từng có thời chỉ là một chú gấu nhóc con bất hạnh bị tất cả xua đuổi.
Lông Sáng đã giết chết nhiều gấu đen dường như để trả thù cái việc thời trước một con trong bọn chúng đã hành hạ Lông Sáng. Mèo rừng vừa nhìn thấy nó đã vội lẩn trốn lên cây, nhưng nếu là cái cây khô thì Lông Sáng ngả ngay nó xuống đất và biến cả cây lẫn mèo thành những mẩu nhỏ. Thậm chí con ngựa đực đầy kiêu hãnh đầu đàn cả một bầy ngựa rừng, khi gặp Lông Sáng cũng phải nghĩ đến chuyện nhường lối cho nó. Những con sói xám to lớn và cả báo núi cũng phải đánh bài chuồn và để lại miếng mồi vừa kiếm được còn tươi máu khi nhác thấy Lông Sáng xuất hiện.
Những con dê rừng nhút nhát cố gắng tránh xa nó mỗi khi nó đi qua cánh đồng ngải cứu. Nếu Lông Sáng bất ngờ chạm trán một chú bò rừng nào đó quá to lớn đến phát sợ nhưng lại còn nông nổi vì tuổi trẻ, nó chỉ cần vả một đòn bàn tay vĩ đại đã đủ đập vỡ sọ bò. Thời trẻ Lông Sáng đã bắt buộc phải chịu đựng nhiều thứ mất mát và đau khổ, nhưng chính do những cái đó mà nó trở nên dẻo dai hơn, có kinh nghiệm hơn và thông minh hơn.
Cứ như thế, cuộc đời Lông Sáng trôi đi hết năm này qua năm khác, không bạn đời không đồng chí. Lúc nào nó cũng khó đăm đăm, chẳng sợ cái gì cả, luôn luôn sẵn sàng lao vào trận chiến. Nó chỉ mong muốn tha thiết mỗi một điều là mọi người hãy để cho nó được yên thân. Nó chỉ biết có một niềm khoái cảm duy nhất, đó là cái thú thường xuyên nhận thấy mình có một sức khỏe hiếm thấy. Nó run run sung sướng lâng lâng trong giây phút giẫm lên kẻ thù đã bị giết chết hoặc bị tử thương, cũng như khi nó thử sức mình xoay vần một tảng đá thật lớn.

10

Đối với ai có khứu giác phát triển tốt thì mỗi vật đều có mùi riêng. Suốt cả đời Lông Sáng nghiên cứu các loại mùi khác nhau. Bây giờ nó biết rất rõ ý nghĩa của phần lớn những mùi hay gặp trong núi. Mỗi vật kể cho Lông Sáng nghe về mình bằng mùi đặc trưng của nó. Và mỗi thứ dường như nói với Lông Sáng rằng: “Tôi là người như thế đó!”.
Tất cả những trái cây đỗ tùng, kim anh, dâu đất đều hát lên với giọng dịu dàng, mềm mại “Chúng em ở đây, quả ngọt trái thơm!”. Những cánh rừng tùng bách bao la hát lên bài ca hùng tráng: “Có chúng tôi đây, thông và tuyết tùng!”.
Còn khi Lông Sáng đến gần những cánh rừng đó thì nó lại nghe thấy âm điệu du dương: “Chúng tôi là những quả tuyết tùng đây!”
Từ bụi cây rậm rạp những cái rễ ngọt lịm cất lên tiếng hát của một dàn đồng ca: “Rễ ngọt, rễ ngọt!”.
Và khi Lông Sáng vào sâu trong những bụi rậm đó, nó còn nghe rõ từng giọng hát riêng biệt. Mỗi rễ cây nói lên tiếng thì thầm riêng của mình, chẳng hạn như: “Tôi đây, rễ to, chín và ngon đây!”, hoặc là một giọng lanh lảnh, chua loét: “Còn tôi, một cái rễ ranh con cứng quèo hoàn toàn vô dụng”.
Mùa thu những cái tai nấm sữa rộng bản, căng nhựa sống vẫy gọi thiết tha: “Tôi đây cơ mà, nấm béo ngậy, nhiều chất bổ đây!”. Còn nấm độc thì hét lên xua đuổi: “Tao là nấm độc, chớ có động vào tao, mày sẽ mắc bệnh đấy!”.
Hoa lá cũng có giọng hát của mình. Dọc theo sườn khe núi nghe thấy rõ bản hòa tấu của hoa chuông, bài hát thanh cao như những cái cuống của chúng và tươi mát như màu xanh da trời của cánh hoa. Nhưng giọng hát của mấy bông hoa không gây hứng thú gì cho Lông Sáng, thậm chí nó chẳng thèm để ý đến nữa là khác.
Vậy đó, tất cả mọi vật sống, mỗi bông hoa nhỏ, mỗi vách núi, mỗi tảng đá đều kể về mình cho mũi chú gấu Lông Sáng của chúng ta. Ngày cũng như đêm, lúc trời quang đãng hay có sương mù, cái mũi ẩm ướt to tướng của con gấu cũng nói cho nó rõ về nhiều sự vật cần thiết và không quan tâm đến những sự vật mà loài gấu không cần biết. Sau một thời gian Lông Sáng hoàn toàn trông cậy vào mũi. Xảy ra trường hợp mắt và tai nó đồng thanh nhắc bảo nó điều gì thì nó cũng chỉ tin khi mũi khẳng định: “Đúng điều đó hoàn toàn đúng!”.
Lông Sáng biết hàng trăm mùi dễ chịu khác nhau. Hàng ngàn mùi chẳng có gì để nó phải phân biệt, nhiều mùi khác gây khó chịu, còn một số mùi lại làm cho nó tức giận mãnh liệt.
Khi Lông Sáng dạt vào mạn trên khe núi Piney nó ngửi thấy một mùi gì là lạ theo gió tây đưa lại. Đôi lúc Lông Sáng không mảy may để ý đến mùi đó, và có khi mùi đó làm nó khó chịu. Nhưng Lông Sáng không bao giờ lại gần phía có mùi đó.
Chốc chốc gió bắc đưa từ phía đường phân thủy đến mũi nó một thứ mùi nào đó khủng khiếp chưa từng thấy, hoàn toàn không giống cái gì cả. Đó là loại mùi chỉ muốn chạy trốn khỏi nó càng nhanh càng tốt.
Lông Sáng không còn ở lứa tuổi thanh xuân nữa, và chân sau của nó, cái chân biết bao lần bị thương, bắt đầu đau. Khi thời tiết ẩm ướt hoặc sau những đêm giá lạnh nó phải khó nhọc lắm mới đặt chân xuống đất được. Một bữa khi chân nó bị đau và nó phải đi tập tễnh thì ngọn gió tây từ khe núi lại đưa đến cái mùi kì lạ đó.
Lông Sáng không hiểu mùi này nói cho nó biết điều gì, nhưng có một giọng nói nào đó ở bên trong dường như kêu gọi nó về phía cái mùi ấy, giọng nói đó thì thầm vào tai nó: “Đi đi!”
Con thú no không thiết gì hương vị thức ăn, những khi thú đói thì mùi thức ăn quyến rũ nó. Thường thường cái mùi khó hiểu do gió tây mang lại gây cho Lông Sáng một cảm giác kinh tởm. Bây giờ mùi đó lại cuốn hút con gấu về phía nó, và Lông Sáng khập khiễng theo đường mòn lên núi, làu bàu giọng mũi và giận dữ gạt phăng những cành cây thỉnh thoảng đập vào mõm nó.
Cái mùi lạ lùng càng ngày càng tăng và càng lôi cuốn nó. Cuối cùng Lông Sáng đến được một nơi nó chưa hề đặt chân tới bao giờ. Đó là một triền núi đầy cát trắng. Từ triền núi chảy xuống một dòng nước lạ kì, và ở dưới hố bốc lên một làn hơi quái gở. Mũi Lông Sáng thận trọng và cảnh giác đánh hơi. Cái mùi mới khó hiểu làm sao! Lông Sáng leo ngược lên trên theo triền núi. Một con rắn uốn mình bò trên cát. Lông Sáng đập nó dữ dội đến mức cây cối xung quanh rung lên bần bật, còn một tảng đá treo lơ lửng thì rơi ra rồi văng xuống dưới. Lông Sáng rống to đến nỗi nghe âm vang khắp thung lũng như tiếng sấm rền. Con gấu quay lại cái hố tỏa hơi mù mịt. Hố đầy nước, một thứ nước tỏa ra làn khói nhẹ và gợn sóng lăn tăn. Lông Sáng thử thò chân xuống nước. Nước rất ấm và gây một cảm giác dễ chịu. Bây giờ nó thò cả hai chân xuống. Sau rất nó trầm hẳn mình trong nước làm cho nước chảy tràn ào ào qua miệng hố. Con gấu nằm xoài trong nguồn suối lưu hoàng gần như nóng bỏng ấy. Nó cảm thấy nóng dần lên trong làn nước màu xanh xanh. Gió xoay tròn hơi nước ở trên đầu nó.
Mặc dù ở dãy núi Rocky cũng có nhiều suối lưu hoàng như vậy nhưng trong lãnh địa của Lông Sáng đây là con suối duy nhất. Lông Sáng nằm trong nước hơn một tiếng đồng hồ rồi quyết định bò ra và bước lên khỏi hố. Nó cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái một cách lạ kì. Cái đau đớn nhức nhối ở chân sau dường như biến mất.
Lông Sáng rũ mạnh bộ áo lông dày của mình cho hết sạch nước và cất bước đến một mỏm núi nhô ra hứng đầy ánh nắng mặt trời. Nó đứng lên hai chân sau trước một cái cây gần nhất và đặt dấu hiệu của mình lại đó rồi mới tới mỏm núi nằm nghỉ. Thực ra gần nguồn suối này có thể thấy nhiều dấu vết chứng tỏ có những con thú khác cũng đến chữa bệnh nhưng Lông Sáng không thèm đếm xỉa tới.
Bây giờ ở gần suối nước đó có ngay một dòng chữ đề mà cả mùi lẫn vệt đất và những túm lông đều nói với tất cả các cư dân trong rừng rằng: “Bồn tắm của tao. Không được lại gần! Lông Sáng”.
Lông Sáng nằm trên mỏm núi phơi khô cái lưng. Sau đó nó trở mình nằm ngửa ra và bắt đầu phơi bụng, nặng nề lăn bên nọ qua bên kia cho đến khi toàn thân khô ráo. Nó hoàn toàn khẳng định rằng, sau khi tắm xong trong người thực tuyệt diệu. Tất nhiên nó chẳng thể tự bảo mình: “Mình bị cái bệnh thấp khớp kia hành hạ, và các bồn tắm lưu hoàng giúp mình rất tốt”, nhưng nó hiểu rõ: “Mình đau đớn kinh khủng và đã khá hơn sau khi nằm kềnh trong cái hốc bốc mùi đó”.
Từ đấy mỗi lần cơn đau nổi lên Lông Sáng lại mò đến suối nước nóng và lần nào nó cũng trở về khỏe khoắn hơn.

11

Năm tháng cứ trôi qua. Lông Sáng thôi không lớn thêm nữa, nhưng bộ lông càng ngày càng trở nên sáng màu hơn và nó cũng ngày càng trở nên độc ác và nguy hiểm hơn. lãnh địa của nó thực bát ngát mênh mông. Mỗi mùa xuân nó lại đi khắp lượt đất đai của mình sửa lại dòng chữ đề bị những cơn bão tuyết mùa đông xóa nhòe. Công bằng mà nói, sự thiếu thốn thức ăn bắt buộc Lông Sáng mỗi mùa xuân phải đi trông nom lãnh địa. Và cũng chính về mùa xuân ở đâu cũng có nhiều hố đất sét, mà Lông Sáng thì khắp người ngứa ngáy vì bộ áo lông mặc đông của nó đã rụng, cho nên nó thấy rất dễ chịu khi được dầm mình vào đất sét ẩm lạnh, rồi sau đó cọ người vào thân cây để tận hưởng một niềm khoái cảm tột độ. Nhưng dù thế nào đi nữa thì những dấu hiệu của Lông Sáng cũng được phục hồi mỗi độ xuân về.
Bấy giờ nơi thượng nguồn sông Piney - Nhỏ có trang trại Palette mọc lên. Dân cư ở đó được làm quen ngay với “con ngáo ộp già”. Những người quen dấu thú vật nhìn thấy nó và quyết đoán rằng gấu chẳng mang lại cho họ điều gì tốt lành, và hay nhất là tránh xa nó ra, đừng có thò mũi vào công việc của nó. Họ ít có dịp gặp Lông Sáng, nhưng vết chân và dấu hiệu của nó thì có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên người chủ trang trại, một kẻ đi săn cuồng tín, lại rất để tâm đến Lông Sáng. Qua Pickett ông được biết một đôi điều trong tiểu sử con gấu già, và bản thân ông cũng đoán ra rất nhiều điều về đời tư của Lông Sáng. Ông biết rằng Lông Sáng hiểu cái bẫy gấu tường tận hơn hẳn cả người đặt bẫy: nó hoặc đi vòng qua bẫy, hoặc khều miếng mồi lấy đi mà không đụng cò lẫy. Ấy thế mà ngay chính ông lại có khi cũng bị sập bẫy!
Người chủ trang trại còn biết rằng, hằng năm vào lúc nóng nhất trong hè Lông Sáng thường biến đâu mất, y như thời kì nó ngủ trong hang gấu về mùa đông vậy.

12

Nhiều năm trước đây chính phủ quyết định một cách khôn ngoan biến khu vực gần đầu nguồn Yellowstone thành một vườn quốc gia. Ở nơi đây, trong xứ sở rộng lớn của những điều kì diệu, không ai phải sợ hãi bởi vì chẳng ai có thể làm hại được ai. Cả thú dữ lẫn chim chóc ở đây đều không biết đến bạo lực là gì. Những cánh rừng trinh nguyên không hề biết đến búa rìu; công xưởng và hầm mỏ không hề làm vẩn đục dòng suối. Ở đây tất cả đều được bảo vệ đúng như thực chất của nó trước khi người da trắng xuất hiện.
Thú rừng chẳng mấy chốc đã biết khu vườn cấm này. Chúng nhanh chóng tạo ra ranh giới của khu vườn không có hàng rào bao bọc này và sung sướng sống ở đó. Cá tính của chúng hoàn toàn thay đổi: ở vườn cấm chúng chẳng hề sợ hãi khi gặp người, và bản thân chúng cũng không bao giờ tấn công người. Trong xứ sở an toàn này thậm chí thú vật cư xử với nhau cũng có phần nào rộng lượng hơn.
Ngoài sự bình an ra, lũ thú còn tìm thấy ở vườn Yellowstone nhiều thức ăn, và vì thế chúng tập trung ở đây với số lượng nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Ngay chính trung tâm vườn Yellowstone người ta xây lên một khách sạn. Lũ gấu đặc biệt tập trung ở vùng xung quanh khách sạn. Trong khoảng cách một phần tư dặm từ khách sạn đến rừng có một trảng cỏ bằng phẳng, hằng ngày những người phục vụ thường mang đến đó những thức ăn thừa bỏ đi cho lũ gấu. Và mỗi năm số gấu tham gia vào bữa ăn này lại mỗi tăng thêm. Thường xuyên có thể gặp cùng một lúc hàng tá giống gấu khác nhau: đen, nâu, nâu sẫm, xám, trắng bạc, lớn nhỏ đủ loại. Ở đây có cả những gia đình và cả những kẻ lang thang cô độc. Tất cả bọn chúng đều hiểu rất rõ ràng, trong vườn quốc gia này cấm không được sử dụng bạo lực, và ngay cả những con vật dữ dằn nhất cũng cư xử rất nhẹ nhàng. Hàng chục con gấu qua lại xung quanh khách sạn, thỉnh thoảng cũng ẩu đả lẫn nhau nhưng không bao giờ có con nào lại dám tấn công người. Hằng năm lũ gấu đến rồi lại đi, những người sống trong khách sạn thường xuyên trông thấy chúng.
Những người phục vụ ở khách sạn đã quen với nhiều con. Gấu thường xuất hiện vào mùa hè, khi khách sạn mở cửa và bỏ đi khi khách sạn đóng cửa. Không ai biết chúng từ đâu đến và đi về đâu.
Tình cờ người chủ trang trại Palette đến vườn quốc gia Yellowstone. Ông dừng lại nghỉ ở khách sạn và ra trảng cỏ xem bữa ăn của bọn gấu. Tại đó có một số gấu đen đang ăn. Đến chiều bọn chúng bỏ chạy toán loạn bởi vì có một con gấu lớn màu lông xám ánh bạc lừng lững tiến đến. Người hướng dẫn vừa chỉ vào nó vừa nói với viên chủ trang trại:
- Đó là con gấu lớn nhất trong vườn quốc gia. May mà nó trầm tĩnh hiền lành, chứ không thì có trời biết đã xảy ra chuyện gì.
- Con gấu đó mà hiền lành à? - Người chủ trang trại kinh ngạc.
Ông chăm chú quan sát con gấu đang đi với cái dáng núng na núng nính quen thuộc và nổi lên giữa trảng cỏ như một đụn cỏ khô.
- Đúng là con Lông Sáng từ Meteetsee đến rồi! Một con gấu đáng sợ nhất trong vùng chúng tôi đấy!
- Vị tất đã phải là nó. - người hướng dẫn nói - Nó thường xuyên tới đây hằng năm vào khoảng tháng Bảy, tháng Tám, và tôi tin là nó sống đâu gần đây thôi.
- Trong khoảng tháng Bảy, tháng Tám ư? Nếu thế thì đích thực là Lông Sáng rồi. Đúng thời điểm đó nó biến mất khỏi chỗ chúng tôi. - người chủ trang trại nói. - Nhìn kìa, nó hơi khập khiễng chân sau, còn một chân trước thì không đủ móng... Vậy là đã rõ mùa hè nó đi đâu? Tuy nhiên tôi khó mà tin được là cái lão già hay làm náo động này lại biết cách cư xử lịch thiệp tại nơi ở cách xa nhà mình.
Lông Sáng trở thành nhân vật nổi tiếng của vườn Yellowstone. Chỉ có một lần nó xử sự quá đáng. Đó là lần đầu tiên nó đến đây khi còn chưa biết rõ phong tục tập quán của vườn.
Chẳng biết tại sao nó tiến lại gần khách sạn và vào thẳng luôn cửa trước. Tại phòng ngoài nó đứng thẳng người trên tầm cao tám bộ và bước về phía văn phòng quản trị.
Tất cả mọi người có mặt ở đó đều kinh hoàng bỏ chạy. Lông Sáng vào trong văn phòng. Người thư kí ngồi đó bèn nói: “Nếu mày cảm thấy ngồi đây thích hơn thì xin mời, tao nhường mày”. Nói xong anh ta nhẩy qua bàn và chạy vào phòng điện thoại.
Từ đó anh ta gọi dây nói cho ông phụ trách khách sạn: “Một con gấu già đang ngồi trong văn phòng, và rõ ràng là nó muốn điều khiển khách sạn. Có thể bắn được không?”. Anh ta nhận được câu trả lời qua điện thoại: “Cấm không được bắn tại vườn quốc gia. Hãy sử dụng vòi cứu hỏa”. Người thư kí làm đúng như vậy. Gấu hoàn toàn không ngờ có bước xoay chuyển tình thế này liền nhảy qua bàn và chạy mất. Nó nặng nề giậm chân gõ móng xuống sàn. Nó lạc lối chạy nhào qua cửa phụ, rồi qua bếp và kịp thời mang theo nửa con bò treo ở đó. Đấy là lỗi lầm duy nhất của nó... Mặc dù nó còn phá hoại hòa bình trong vườn một lần nữa nhưng lần này do lỗi của một con gấu cái, con này tấn công nó trước. Con gấu cái này thuộc nòi gấu đen và nổi tiếng là hay gây gổ. Nó có một đứa con thiểu não, quặt quẹo. Nhưng con mẹ lại lấy làm kiêu hãnh về đứa con và thường sẵn sàng bênh vực nó. Như tất cả những đứa con được nuông chiều, chú gấu con là một kẻ nhõng nhẽo, hay sinh sự đành hanh. Gấu mẹ to cao và dữ tợn, nó dễ dàng nhấc bổng lũ gấu đen kia, nhưng khi nó định giở trò đuổi cụ Lông Sáng thì cụ đã tặng cho nó một cái vả xứng đáng đến độ nó bắn lùi lại phía sau như một quả bóng nhỏ. Lông Sáng đuổi theo và có lẽ đã quật chết nó, nếu con gấu cái không kịp thời thót lên cây. Con nó cũng đã leo lên cây đó trước rồi và đang kêu thét vì sợ hãi.
Mọi chuyện phiền phức với con gấu mẹ chấm dứt ở đây. Về sau nó cố không gây sự với Lông Sáng nữa. Và Lông Sáng nổi tiếng là một con gấu ưa hòa bình. Rất nhiều người ở khách sạn thậm chí nghĩ rằng nó đến từ một nơi nào đó không hề có súng đạn, cạm bẫy, và do đó mà nó có đức hạnh như vậy.

13

Mọi người đều biết rõ rằng gấu xám ở vùng Bitter-root là những con gấu đểu cáng nhất thế giới. Mạch núi Bitter-root phân bố ở phần khó tới nhất của cả vùng núi non. Nơi đó gập ghềnh những khe đá và mọc đầy bụi cây rậm rạp.
Không thể đi ngựa đến đó được, mà săn bắn cũng rất khó.
Đó là nơi ở thuận tiện cho lũ gấu. Mật độ tập trung gấu dẫn đến đây hằng hà sa số thợ săn.
“Lũ gấu xù”, - thợ săn gọi gấu vùng Bitter-root như vậy - là những con thú rất tinh ranh và dũng cảm. Con gấu xù già hiểu các loại thực vật và rễ cây còn hơn cả một viện nghiên cứu thực vật học, và còn sành sỏi các loại bẫy hơn cả trăm ông thợ săn. Gấu xù biết một cách chính xác là ở đâu, và khi nào mới có loại giun hay ấu trùng này khác. Khứu giác của nó nhận biết từ xa hàng dặm người đi săn đến với nó mang theo thứ gì: bả, chó, bẫy, súng hay tất cả các thứ đó cùng một lúc. Và mọi con gấu xù đều có chung một quy tắc thường làm cho thợ săn bối rối: “Nếu định làm điều gì thì làm ngay đi và làm đến cùng”.
Khi gặp người gấu xù quyết định chớp nhoáng, tấn công hay là bỏ chạy, và nếu đã lao vào người thì phải chiến đấu một mất một còn.
Gấu vùng Badlands không hành động như vậy. Chúng thường đứng thẳng trên hai chân sau và cất tiếng rống vang như sấm. Trong khoảnh khắc đó người đi săn đã kịp thời nhả đạn. Con người đã quen với tiếng kêu rống, nhưng gấu thì chẳng làm sao quen được với những viên đạn. Đó là lí do vì sao gấu ở Badlands hoàn toàn bị tiêu diệt.
Với lũ gấu xù thì vấn đề khác hẳn. Không khi nào bạn đoán trước được con gấu xù sẽ hành động ra sao.
Nói chung gấu Bitter-root rõ ràng là thành thạo trong việc trốn chạy kẻ thù, và mặc cho số đông người da trắng đến nơi đây chúng vẫn cứ tiếp tục sống và sinh sôi nảy nở.
Nhưng nơi nào cũng vậy tất nhiên chỉ có thể nuôi sống một số lượng gấu nhất định, số còn lại buộc phải đi tìm nơi ở mới. Thế là chuyện này đã xảy ra với một con gấu xù còn trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát. Nó không thể ở lại nơi nó đã sinh ra và đã đi chu du khắp thế gian tìm cho mình một chốn nương thân.
Nó không to lắm - nếu rất to thì nó đã chẳng phải bỏ đi - nhưng đủ khôn để kiếm được một chỗ tốt ở nơi thuận lợi. Nó đến tận vùng núi có con sông Salmon nhưng không ưa nơi đó, nó đến cả vùng đồng bằng có những bờ rào chăng dây thép gai ở Snake và dĩ nhiên cũng rời khỏi nơi đó; sự ngẫu nhiên ngăn cản nó không đến được khu vườn quốc gia Yellowstone là nơi nó có lẽ sống được; nó cũng mò sang cả dãy núi đầu nguồn của con sông Snake nhưng ở đó thợ săn còn nhiều hơn quả rừng; nó lại quay sang dãy núi Tetons nhưng ở đây cái làng nhỏ Jackson’s Hole nhan nhản những người lại đe dọa nó nhiều điều phiền toái.
Cho đến lúc này tất cả những điều đó đều không có liên hệ gì đến câu chuyện chú Lông Sáng của chúng ta, nhưng đến đoạn cuối của toàn bộ cuộc hành trình đó gấu xù đã đi qua rặng núi Gros Ventre và bước vào thượng lưu sông Graybull, tức là đi qua đường phân thủy vào lãnh địa của gấu xám vùng Meteetsee.
Từ khi gấu xù rời khỏi vùng Jackson's Hole nó không gặp con người lần nào nữa. Lãnh địa của Lông Sáng làm nó ngỡ thiên đường: nơi đây mới nhiều thức ăn làm sao. Nó hăm hở thưởng thức tất cả mọi thứ ngon lành cho đến khi bỗng nhiên phát hiện một cái cây có dòng chữ đề của Lông Sáng: “Những kẻ xâm phạm ranh giới, hãy coi chừng!”.
Gấu xù dựa lưng vào thân cây và vô cùng ngạc nhiên: “Quỷ tha ma bắt nó đi, nhưng sao mà nó vĩ đại thế”.
Dấu mũi của Lông Sáng có thể cho phép suy ra rằng đầu và cổ nó còn cao hơn cả nơi mà con gấu xù có thể với tới. Phát hiện ra điều đó, nếu phải con khác thì đã cuốn gói rồi, nhưng gấu xù nhanh chóng hiểu ra ngay vấn đề là nó sẽ sống rất sung sướng ở nơi đây nếu như không có con gấu xám khổng lồ. Nó thận trọng đánh hơi khu vực, chăm chú quan sát một lượt xem có con gấu nào không, và bắt đầu đi tìm thức ăn như không có chuyện gì xảy ra.
Cách cái cây có dòng chữ của Lông Sáng hai bước chân có một gốc thông già bị đổ. Ở rừng núi Bitter-root bên dưới những gốc cây như vậy gấu xù thường tìm được ổ chuột. Bây giờ nó cũng lật gốc cây lên, nhưng chẳng thấy gì cả. Gốc cây được nó lăn đến cái cây có ghi dấu của Lông Sáng. Trong bộ óc láu cá của gấu xù bất ngờ nảy ra một ý hay. Nó quay đầu bốn phía, nhìn bằng cặp mắt ti hí của mình rồi nhìn lên cây, nó đứng lên gốc thông quay lưng lại phía thân cây và vạch dấu riêng của mình vào thân cây. Và dòng chữ mới này còn cao hơn dòng chữ của Lông Sáng đến một cái đầu. Gấu xù cọ lưng vào thân cây rõ lâu và mạnh. Sau đó nó tìm một vũng nước bẩn, nhúng bẩn một cách kĩ lưỡng toàn bộ đầu và hai vai, rồi lại trèo lên gốc thông đổ và cọ lưng lần nữa vào thân cây. Một cái đầu to tướng hiện lên và còn được tăng thêm uy lực bằng những vết móng cào xước trên vỏ cây. Dòng chữ của gấu xù là lời thách thức với người chủ cũ của nơi này - lời thách đấu một cuộc tỉ thí một mất một còn vì vùng đất đai phì nhiêu này. Gốc cây sau khi gấu xù nhảy xuống đã được nó lăn đi chỗ khác.
Gấu xù đi tiếp xuống dưới dọc theo khe núi, đưa mắt láo liên khắp mọi chỗ xem kẻ thù có ở gần đó không.
Chẳng mấy chốc Lông Sáng nhận ra trong lãnh địa của mình có dấu vết một con gấu lạ, và trong nó bừng thức dậy tính hung dữ điên dại. Nó lần theo dấu vết kẻ thù hết dặm này đến dặm khác nhưng gấu xù rất tinh ranh, nó thành công trong việc tránh không để lọt vào mắt Lông Sáng. Gấu xù tiến đến từng cái cây có dấu vết Lông Sáng và láu cá cố để lại dấu vết của mình cao hơn.
Để làm việc đó nó sử dụng cả từng gốc cây, từng tảng đá cũng như những mô đất nhỏ, tùy theo ở đâu có thứ gì thì dùng thứ đó. Nếu gặp phải cây nào không thể giở trò bịp bợm được thì nó bỏ qua, và chọn cây khác ở gần đó khi bên cạnh đó có gốc cây đổ hoặc tảng đá nào đó.
Ngay lập tức Lông Sáng nhận thấy có dấu của một con gấu lạ kì quái nào đó ở khắp mọi nơi, trên các thân cây, cao hơn cả dấu hiệu của riêng nó. Thậm chí Lông Sáng không tin tưởng rằng nó có đủ sức đương đầu với tên khổng lồ như vậy không. Tuy nhiên, cũng như mọi lần Lông Sáng không hề run sợ và sẵn sàng lao vào trận chiến với bất cứ ai. Và hằng ngày nó qua lại khắp lãnh địa của mình để theo dõi kẻ thù. Ngày nào nó cũng tìm thấy dấu chân hắn và càng ngày nó càng hay bắt gặp những cái cây có dấu hiệu cao hơn dấu hiệu của bản thân nó nhiều.
Những năm sau này thị giác của con gấu già kém đi rõ rệt, mắt nó không phân biệt được các vật ở xa, và mặc dù Lông Sáng thường xuyên ngửi thấy hơi gấu xù nhưng nó không tài nào gặp được hắn. Đại để Lông Sáng chẳng còn trẻ trung gì nữa, móng vuốt và hàm răng đã mòn đi, cùn đi, và mối nguy hiểm thường xuyên đe dọa này làm nó rất lo lắng. Các vết thương cũ bây giờ càng ngày càng hay đau, và tuy rằng nếu có kẻ nào thách thức nó vẫn đủ dũng khí chiến đấu với bất cứ ai và thậm chí với bất cứ số đông kẻ thù nào, nhưng sự chờ đợi kẻ thù căng thẳng liên tục và nỗi lo lắng bị kẻ thù bắt gặp bất ngờ đã ảnh hưởng mạnh đến tâm trạng và thậm chí đến cả sức khỏe của nó nữa.

14

Gấu xù cũng luôn luôn thận trọng. Hắn làm rối mù dấu vết và lúc nào cũng sẵn sàng bỏ chạy khi biết rằng cuộc đụng độ với Lông Sáng sẽ đưa hắn đến chỗ chết.
Thường hắn trốn đâu đó, dõi theo con gấu khổng lồ, lo sợ gió sẽ tổ cáo sự có mặt của hắn. Chỉ có sự thô bỉ mới cứu thoát được hắn. Một lần hắn thoát khỏi tay Lông Sáng chỉ nhờ chuồn được lên cao theo một khe núi hẹp mà Lông Sáng không tài nào lách lọt thân hình đồ sộ của mình qua. Và với sự kiên trì bền bỉ hắn cứ đánh dấu, đánh dấu mãi lên cây, thâm nhập mãi sâu vào vùng đất của Lông Sáng.
Bỗng nhiên gấu xù đánh hơi thấy nguồn nước lưu hoàng và đi về phía đó. Hắn chẳng hiểu đó là cái gì, mà cũng không thèm quan tâm đến nguồn nước. Nhưng gấu xù để ý đến dấu chân của Lông Sáng để lại xung quanh.
Nhìn thấy những dấu vết đó, gấu xù trước hết cố vét thật nhiều bùn trong suối. Trên cây, nơi Lông Sáng chải lông, hắn đứng lên đỉnh mỏm đá đánh một cái dấu cao hơn đúng năm bộ so với dấu của Lông Sáng. Sau đó nó lội xuống suối, chạy tới chạy lui làm đục ngầu bồn tắm lên. Trong khi làm như thế gấu xù sắc sảo quan sát bốn phía. Thình lình từ phía rừng đưa đến một tiếng động, và gấu xù lặng người ngay tại chỗ. Tiếng động đó nghe ngày một gần, và gấu xù cảm thấy ngay lập tức rất rõ cái mùi hắn căm ghét là mùi của Lông Sáng. Gấu xù hoảng sợ chạy về hướng ngược lại và trốn giữa đám cây cối.
Thời gian gần đây Lông Sáng không được khỏe. Những cơn đau cũ ở chân lại hành hạ nó, rồi lại còn cái đau ở vai phải, nơi vẫn chễm chệ hai viên đạn. Lông Sáng đi chậm chạp, khập khiễng và thỉnh thoảng co giật lên. Bỗng nhiên mũi nó đánh hơi thấy kẻ thù. Cùng lúc đó nó nhìn thấy dấu chân trên đất bùn. Dấu chân theo con mắt nó mách bảo thì thuộc một con gấu không to lắm, nhưng mũi nó một mực khẳng định đó là dấu vết một tên khổng lồ. Thêm vào đó nó nhìn lên cái cây có dấu vết của mình lại thấy dấu của con gấu lạ nằm ở chỗ cao hơn. Lông Sáng cảm thấy con gấu lạ hoàn toàn ở gần đâu đây và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Đã lâu Lông Sáng không khỏe khoắn và yếu đi rõ rệt do những cơn đau. Nó chẳng muốn bắt đầu cuộc giao tranh sống mái. Cho nên nó thậm chí không dùng cả bồn tắm của mình nữa, và quay đi lê bước về hướng ngược lại với suối nước. Lần đầu tiên từ khi lớn đến giờ Lông Sáng né tránh cuộc đụng độ với kẻ thù.
Đó là giây phút quyết định cuộc đời Lông Sáng. Giá như nó lần theo dấu chân kẻ thù thì chỉ qua năm chục bước nó đã tìm thấy hắn đang sợ gần chết, người co dúm lại, toàn thân run bần bật. Gấu xù ngồi gần một gốc cây trên bãi cỏ, bốn phía bao bọc những tảng đá. Bãi cỏ này quả là một cái cạm bẫy thiên nhiên, và tại đây Lông Sáng chắc chắn có thể hạ thủ kẻ địch. Giá như nó cứ hãy cứ tắm trong bồn nước lưu hoàng đi đã thì có phải sức lực và lòng dũng cảm sẽ quay trở lại với nó, và nếu không phải lần này thì sẽ là lần khác nó cũng gặp gấu xù và giải quyết được một cách thích đáng. Nhưng Lông Sáng đã quay đi và điều đó đã quyết định số phận của nó.
Lông Sáng lặng lẽ lê bước, chân càng khập khiễng hơn, đi dọc theo những nhánh dưới của rặng núi Shoshone. Chẳng mấy chốc nó ngửi thấy đúng cái mùi đáng sợ mà bao năm nay nó đã thấy nhưng chưa hiểu đó là mùi gì.
Bây giờ mùi ấy đưa thẳng lại từ phía nó đang đi tới. Và cuối cùng Lông Sáng phát hiện được mùi này bốc ra từ một chỗ trũng trơ trụi, không lớn lắm và dưới đáy đầy những xương cùng xác chết đen xì. Lông Sáng lúc này đã nhận rõ mùi của đủ loại thú rừng, nhưng đó không phải là mùi của thú còn sống mà là mùi thú chết. Từ chỗ nứt nẻ của các tảng đá, nằm ở phía cuối hố trũng bốc lên một luồng hơi chết người. Thứ hơi đó không nhìn thấy nhưng nặng nề, phủ đầy cả hố trũng và bay ra ngoài từ phía cuối hố. Đó quả là một thứ mùi thối rất ghê tởm, làm đầu óc quay cuồng và muốn ngủ. Lông Sáng vội vã quay đi và rất hài lòng khi lại hít thở hương vị trong lành của rừng thông.
Lông Sáng nhường kẻ lạ mặt quyền sở hữu con suối lưu hoàng và không đến đó nữa. Bệnh thấp khớp của nó không được điều trị ngày càng nặng thêm và Lông Sáng ngày càng kém khả năng chiến đấu với kẻ địch, thậm chí kém cả khả năng bỏ chạy nữa.
Thỉnh thoảng có lúc bắt gặp dấu chân địch thủ, Lông Sáng cũng lấy lại được tinh thần thượng võ khi xưa và buông một tiếng rống vang như sấm rền. Mặc dầu nó cảm thấy đau đớn ghê gớm nhưng nó vẫn tập tễnh lần theo dấu vết những mong lập tức kết liễu con gấu đáng nguyền rủa kia. Tuy nhiên nó chẳng khi nào đạt được mục đích đuổi kịp tên khổng lồ bí mật.
Có lần Lông Sáng đoán kẻ thù ở gần đâu đó đúng vào thời điểm nó đang lâm vào tình thế hoàn toàn bất lợi trong chiến đấu. Lúc đó nó đành hoãn cuộc chiến lại bữa khác. Nhưng khi điều kiện chiến đấu hoàn toàn có lợi thì nó lại không tài nào đến sát gấu xù được. Rõ ràng là lợi thế thuộc về kẻ nào kiên gan chờ đợi.
Có những ngày Lông Sáng thấy trong người khó ở đến mức không thể nghĩ tới giao tranh, còn khi nó khá hơn thì kẻ thù lại luôn lẩn tránh.
Lông Sáng nhận thấy ngay lập tức là dấu vết kẻ địch hay gặp nhất ở những nơi dồi dào thức ăn. Và trong những ngày Lông Sáng cảm thấy không đủ sức chiến đấu với kẻ thù thì nó bắt đầu lánh xa những nơi đó. Nhưng rồi nó hầu như lúc nào cũng thấy khó ở cho nên hóa ra là nó đã dâng cho kẻ lạ mặt phần đất tốt nhất trong lãnh địa của mình.
Mấy tuần lễ qua đi. Nhiều lần Lông Sáng định đi tắm nước suối lưu hoàng, nhưng rồi nó lại không đi và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Giờ đây nó thấy đau thường xuyên cả chân sau lẫn vai phải.
Lông Sáng chờ đợi quá lâu cuộc đụng độ nên luôn ở tình trạng căng thẳng. Nỗi lo lắng ưu tư thường xuyên làm mất đi vẻ quả cảm của nó. Bây giờ nó chỉ còn nghĩ đến việc tránh sao khỏi gặp kẻ thù chừng nào nó còn chưa thấy khá hơn.
Và thế là sự nhượng bộ chút ít ban đầu đã dẫn đến cuộc rút lui hoàn toàn, Lông Sáng lùi mãi xuống phía dưới dọc bờ sông để khỏi bắt gặp gấu xù. Càng ngày nó càng kiếm được ít thức ăn hơn. Do thường xuyên không được ăn no Lông Sáng yếu đi trông thấy.
Dần dà trong lãnh địa của Lông Sáng còn sót lại cho nó mỗi phần hạ lưu sông Piney. Đó chính là chỗ nó từng sống hồi nào với mẹ và các em mình. Và cuộc sống bây giờ gợi lại nhiều kỉ niệm cuộc đời của chú gấu xám con bé bỏng không nơi nương tựa không có gia đình. Có lẽ nó cũng sẽ thấy trong lòng khác hẳn nếu như có một gia đình.
Một bữa vào buổi sáng Lông Sáng lặng lẽ khập khiễng đi trong cánh rừng mọc đầy hoàn diệp liễu. Nó tìm kiếm rễ cây nhỏ hoặc trái cây bị sâu đục mà thậm chí cả sóc và gà rừng cũng ghê tởm chẳng thèm ăn.
Bỗng nhiên nó nghe đâu đây tiếng đá lăn và chẳng mấy chốc đã thấy cái mùi khó chịu của kẻ thù xộc vào mũi. Lông Sáng nhanh chóng băng qua con sông Piney lạnh buốt như băng. Thuở xưa nó cũng đã từng qua con sông này rồi. Nước lạnh làm nó thấy đau ghê gớm. Nhưng nó không để ý đến điều đó và cứ đi xa mãi, xa mãi. Nhưng đi đâu đây? Nó có dự trữ một con đường duy nhất là đến với nơi ở của loài người. Tuy nhiên ở đó từ lâu trước khi nó đến đã xảy ra cảnh chạy ngược chạy xuôi đến độ khiến nó quyết định bỏ đi.
Biết đi đâu bây giờ? Như đã thấy, nó buộc phải bỏ lại tất cả đất đai của mình cho một kẻ xâm nhập đáng nguyền rủa.
Lông Sáng cảm thấy giờ đây nó đã thất bại hoàn toàn, nó bị làm nhục và bị đuổi khỏi vùng đất của mình bởi một con gấu lạ hoắc, quá ư là khỏe nếu như nó có ý định chiến đấu với hắn. Và Lông Sáng đi về hướng tây, bỏ lại phía sau lãnh địa của mình. Nhưng đôi chân hùng dũng của nó không còn có được sức lực và sự nhanh nhẹn trước kia, và vì thế bây giờ nó mất nhiều thời gian gấp ba lần trước trong mỗi cuộc di chuyển quen thuộc. Chốc chốc nó ngoái lại xem kẻ thù có đuổi theo nó hay không. Trước mắt nó, dãy núi Shoshone ló ra ở tít đàng xa. Trong rặng núi âm u hiểm trở đó không có kẻ thù, còn đằng sau rặng núi đó là vườn quốc gia Yellowstone. Tiến lên phía trước, tiến lên phía trước!
Lông Sáng loạng choạng trèo lên cao, đúng lúc đó mũi nó ngửi thấy mùi của khe xói Thần Chết, tức là chính cái hố trũng bốc lên thứ hơi chết người, và nó bỗng cảm thấy khắp nơi đều mang màu chết chóc. Mọi khi Lông Sáng vẫn tránh xa cái mùi ngột ngạt đó, nhưng lần này một cái gì đó cứ quyến rũ nó lại gần. Khe Thần Chết nằm ngay trên đường đi của Lông Sáng.
Lông Sáng ngẩng cao cái mõm xám có chòm râu cằm dài bạc trắng bay phất phơ theo gió. Cái mùi ngộp thở thường vẫn làm nó khó chịu bỗng dưng trở nên hấp dẫn và ngọt ngào một cách khó hiểu, Lông Sáng dừng lại và quan sát xung quanh. Đằng xa kia ở khắp mọi phía trong tầm mắt là một vùng mênh mông tít tắp, đã từng có thời thuộc về nó tất cả, đó là nơi nó đã ngự trị trong rất nhiều năm và là nơi không có kẻ nào đám cả gan mặt đối mặt với nó.
Khung cảnh bầy ra trước mắt Lông Sáng thật tuyệt mĩ. Nhưng giờ đây nó không nghĩ đến vẻ đẹp. Nó nghĩ đến niềm sung sướng vô biên được sống ở miền đất này, nghĩ đến đã có lúc nào đó xứ sở này thuộc quyền sở hữu của nó, còn bây giờ nó đã mất hết. Nó nghĩ rằng sức lực đã cạn và cần tìm một nơi có thể yên ổn sống một quãng đời.
Phía xa kia, ở đằng sau đãy núi Shoshone có một nơi như vậy, ở nơi đó một kẻ bây giờ hoàn toàn yếu đuối, bất lực có thể sống an phận. Đó là vườn quốc gia Yellowstone. Nhưng liệu nó còn đủ sức đến đó hay không? Vườn quốc gia quả thực ở rất xa. Nhưng đến đó mà làm chi? Đấy, ngay tại đây, trong cái hố trũng nhỏ bé này cũng có thể tìm được sự yên tĩnh và giấc ngủ ngàn thu.
Lông Sáng dừng lại một chút ở lối vào.
Trong lúc nó đứng thì cái thứ hơi độc giết người được gió đưa đi đã bắt đầu âm thầm làm công việc của mình. Hơi độc dần dần ru ngủ cả năm kẻ bảo vệ của con gấu: cả khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác. Cả mũi nó, người lãnh đạo đáng tin nhất từ thuở lọt lòng cũng hoàn toàn từ chối không phục vụ nó nữa. Vài khoảnh khắc trôi qua. Lông Sáng vẫn tiếp tục do dự. Nhưng lòng dũng cảm xưa kia bỗng làm rung động lồng ngực rậm lông của con gấu già, và nó nhảy vào hố trũng. Hơi ngạt ập vào nó, phủ đầy thân hình to lớn của nó. Kẻ bị xua đuổi Lông Sáng bình thản phủ phục xuống miếng đất trơ trọi, lổn nhổn đá, nằm xoài ra và nhẹ nhàng thiếp đi. Và lịm đi nó mới thấy tuyệt vời làm sao, dễ chịu làm sao, chẳng khác gì cái ngày xưa ở Graybull khi nó ngủ thiếp đi giữa vòng tay êm ái của mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét