Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Truyện Loài Vật - Con ngựa hoang


Ernest Thompson Seton

Dịch giả: Lê Thùy Dương

Con ngựa hoang


1

Jo Calone quẳng cái yên ngựa xuống đất, thả ngựa và bước vào nhà, cựa giày kêu cọt kẹt.
- Bữa ăn trưa đến đâu rồi? - gã hỏi.
- Chừng mười bảy phút nữa thì xong. - người đầu bếp trả lời, mắt liếc nhìn đồng hồ với vẻ trịnh trọng của viên trưởng ga. Gã đầu bếp bao giờ cũng cực kì chính xác trong ngôn ngữ, nhưng trong công việc thì y lại chẳng thèm đoái hoài đến một chút chính xác nào cả.
- Thế nào, công việc ở Perico ra sao? - Bạn Jo, Scarth hỏi.
- Tuyệt vời, - Jo trả lời. - Đàn gia súc dĩ nhiên là tốt, bê non khá đông. Tao nhìn thấy một bầy ngựa hoang xuống uống nước ở suối Sơn dương. Trong bầy có cả một cặp ngựa tơ. Một con nhỏ, lông đen, đẹp mã, nòi thiên lí mã. Tao đuổi theo nó tới gần hai dặm thế mà nó luôn luôn chạy trước và không lần nào sai nước kiệu. Tao đã cố tình xua bầy ngựa để mua vui, nhưng cũng chẳng làm nó rối bước.
- Thế sao mày không tóm lấy một con thừa trên đường về? - Scarth hỏi dò một cách thiếu tin tưởng.
- Scarth, tốt hơn hết là mày im miệng đi? Đứa nào bò lổm ngổm bốn chân lần trước? Chẳng lẽ không phải là mày hay sao?
- Thôi, đi ăn trưa! - Gã đầu bếp kêu to, và câu chuyện chấm dứt ngay lập tức.
Ngày hôm sau những người chăn bò chuyển sang bãi chăn khác và bầy ngựa hoang liền bị lãng quên.
Sau một năm người ta lại lùa đàn gia súc về đúng nơi cũ đó thuộc bang New Mexico, và những người chăn bò lại trông thấy bầy ngựa hoang.
Con ngựa non lông đen đã lớn thành một con ngựa ô đực có những cặp chân thon chắc, hai bên sườn óng mượt, và dân chăn bò đã có nhiều người được chứng kiến cái khả năng kì lạ đặc biệt của con ngựa hoang: Nó đúng là nòi thiên lí mã.
Jo cũng có mặt ở đó, và trong đầu gã nảy ngay ra ý nghĩ là nếu bắt con ngựa này thì cũng chẳng có gì là dở. Ý nghĩ này không làm người dân các bang miền Đông ngạc nhiên, nhưng ở miền Tây, nơi ngựa rẻ mạt, thì chẳng ai có ý định chạy theo một con ngựa hoang. Bắt nó không dễ dàng gì, mà dù cho có thành công chăng nữa thì đến chết nó vẫn là con vật hoang dã, hoàn toàn vô tích sự và không thuần hóa được.
Dân chăn gia súc phần lớn thậm chí còn bắn lũ ngựa hoang, bởi vì ngựa hoang không chỉ làm hỏng bãi chăn mà còn lôi cuốn theo chúng cả lũ ngựa nhà, làm cho chúng quen nhanh chóng với cuộc sống hoang dã và không bao giờ còn trở về nữa.
Jo Calone hiểu rất rành về ngựa và mọi đặc điểm của chúng. Gã nói:
- Tao chưa bao giờ gặp con ngựa trắng nào mà lại không hiền lành, nhu mì cả. Hoặc ngựa tía, cũng không có con nào dữ tợn hết. Một con hung hăng, nếu được thuần dưỡng tốt thì thế nào cũng sẽ có kết quả. Chứ ngựa ô thì dứt khoát cứng đầu cứng cổ như lừa và hung dữ như quỷ. Thử cho nó móng vuốt mà xem - nó dám chơi cả sư tử ấy chứ!
Như vậy, nếu ngựa hoang là loại thú vật hoàn toàn vô tích sự thì ngựa ô hoang còn vô tích sự gấp mười. Và Scarth cho rằng ý muốn của Jo “bắt con thú một tuổi phải phục tùng” là vô nghĩa.
Tuy thế năm ấy Jo cũng chẳng làm được việc gì cả.
Jo là một gã chăn bò bình thường, gã nhận lương hai mươi nhăm đô la mỗi tháng và có rất ít thời giờ rảnh rỗi.
Như phần lớn các bạn bè chăn bò khác, gã mơ ước có lúc nào đó mua được trang trại và trông coi đàn gia súc của riêng mình. Gã có một con dấu riêng, được đăng kí vào sổ một cách thích đáng ở Santa Fe. Mặc dù con dấu (hình một cái rào sắt dữ dằn) của gã chỉ mới được đóng lên cạnh sườn một con bò già cũng là cả đàn gia súc của gã. Nhưng như thế là Jo đã được pháp luật công nhận có quyền đóng con dấu của mình lên bất kì con vật chưa đóng dấu nào. Chỉ có điều, đến mùa thu khi Jo lãnh tiền công thì gã không sao chống lại nổi sức cám dỗ của việc “dạo chơi phố”. Chính vì thế mà cả gia tài của gã trước sau vẫn chỉ gồm có cái yên ngựa, gói chăn màn và con bò già mà thôi. Nhưng gã vẫn hi vọng mình sẽ làm được một điều phi thường gì đó, mang lại cho gã cơ hội làm giàu tức thì. Do đó trong óc gã thoáng nảy ra ý nghĩ là con ngựa ô hoang có thể mang hạnh phúc đến với gã, và gã bắt đầu chờ cơ hội thuận lợi bắt nó.
Nhưng những người chăn bò đã rời đi xa dọc theo sông Canada, và đến mùa thu lại quay về vùng đồi Don Carlos, cho nên Jo không gặp con thiên lí mã hoang ngay được, mặc dù có nghe nói loáng thoáng về nó. Con ngựa ô hai tuổi tuyệt đẹp đã nổi tiếng khắp vùng.
Suối Sơn dương chảy trên một bình nguyên thoáng đãng. Về mùa lũ nó biến thành một cái hồ nhỏ, xung quanh mọc đầy cỏ lác, còn khi nước cạn thì chỉ là một dải đất bùn đen rộng trên đó lấp lánh vết muối trắng ở khắp mọi chỗ, và ở giữa - nơi vũng sâu là nước trong, uống được tuy là nước tù đọng. Ở vùng này trong phạm vi vài dặm không có vũng nước nào khác cả. Bình nguyên này, hay đúng hơn đồng cỏ cao như người ta vẫn thường gọi thế ở những miền phía bắc, đã trở thành bãi kiếm ăn ưa thích nhất của con ngựa ô non, mặc dù nơi đây cũng thường xuyên được sử dụng làm bãi chăn thả bò và ngựa nhà. Ở đây chủ yếu có đàn gia súc được đóng con dấu gồm hai chữ L và F chồng lên nhau.
Ông Foster, người chủ cái trang trại này là một người tháo vát. Ông cho rằng, nếu phát triển những gia súc được tuyển lựa tại vùng này thì lời lãi sẽ tăng. Ông đã có, mười con ngựa cái lai giống, cao to, phát triển cân đối, có cặp mắt như mắt hươu. Xếp bên cạnh chúng thì lũ ngựa bờm xờm bình thường trở thành còm cõi đáng thương.
Bao giờ cũng có một con trong số ngựa cái đẹp đẽ đó ở lại tàu để làm việc, còn chín con khác sau khi cho ngựa non bú xong thường được thả cho chạy rông.
Ngựa luôn luôn biết cách tìm ra chỗ ăn tốt nhất. Và chín con ngựa cái dễ dàng tìm ra đường đến suối Sơn dương nằm cách trang trại hai mươi dặm về phía nam. Ít lâu sau, đến mùa hè Foster và người nhà đi tìm chúng và chẳng mấy chốc ông đã trông thấy bầy ngựa. Nhưng trong đám ngựa lại có cả con ngựa đực đen như mun đang chăn dắt chúng như người chủ. Nó chạy xung quanh, không cho chúng chạy lung tung, và màu lông ngựa ô của nó nổi bật lên giữa đám lông vàng của đàn ngựa cái.
Ngựa cái vốn tính hiền lành, và chắc chắn chúng sẽ ngoan ngoãn quay về nhà, nếu như con ngựa ô không bỗng dưng nổi giận. Dường như nó truyền nhiễm tính hoang dã cho cả đàn ngựa cái, và những con ngựa này lao vút đi, để lại tít đàng sau lưng lũ ngựa quê mùa cùng với cái trang trại.
Điều này làm cho hai người kị mã phát khùng. Họ vớ lấy súng định ngắm bắn “con ngựa đực đáng nguyền rủa”. Nhưng bắn sao được khi mà chín phần mười khả năng là sẽ bắn trúng lũ ngựa cái?
Họ mất trọn cả một ngày cố gắng vô ích. Con thiên lí mã hoang - bởi đó chính là nó - không rời gia đình nó một bước nào và dắt chúng biến mất giữa đám đồi cát phía nam. Những người chăn bò tức giận quay về nhà trên những con ngựa mệt nhoài, và họ thề sẽ trả thù kẻ tội phạm đã gây ra nỗi thất bại của họ.
Điều bất hạnh là họ hiểu rõ rằng, lũ ngựa cái chắc chắn sẽ nhanh chóng trở thành hoang dã như chính con ngựa đực kia.
Con ngựa ô cao lớn có bờm đen nhánh và đôi mắt xanh nhạt long lanh đã tung hoành ngang dọc khắp vùng và ngày càng thu thập thêm quân số đoàn tùy tùng của nó bằng cách cuốn hút theo sau những con ngựa cái từ khắp nơi cho đến khi đàn của nó lên đến ít nhất hai mươi đầu ngựa.
Phần đông ngựa cái đi theo nó là những con ngựa hiền lành, nhỏ bé, và nổi bật hơn hết là chín con ngựa cái giống mà ngựa ô dắt theo nó đầu tiên.
Đàn ngựa được bảo vệ đắc lực và sốt sắng đến độ, hễ có con ngựa cái nào vừa sa vào đàn là có thể được coi như mất hẳn, và những người chăn bò nhanh chóng hiểu rằng con ngựa hoang định cư ở vùng họ đang gây cho họ tổn thất lớn lao.

2

Chuyện này xảy ra vào tháng Chạp năm 1893. Tôi vừa mới tới vùng này và bây giờ lại đi nhờ một chiếc xe chở hàng gặp giữa đường để rời trang trại đến Pinavetitos, gần sông Canada. Lúc tiễn tôi, Foster nói:
- Liệu đấy nhé, nếu anh gặp thì chớ có bắn trượt mà phải ghim trúng đạn vào cái con ngựa hoang đáng nguyền rủa ấy đấy.
Đó là lời đầu tiên tôi được nghe về con thiên lí mã, và mãi đến lúc trên đường đi tôi mới được người dẫn đường là Burns kể cho nghe về tiểu sử của nó. Tôi khao khát được trông thấy con ngựa hoang nổi tiếng ấy, và đã hơi thất vọng khi đến gần suối Sơn dương rồi mà vẫn chẳng thấy con ngựa hoang cũng như đàn của nó đâu cả.
Nhưng đến hôm sau nữa, khi chúng tôi đã vượt sông Alamosa và lại đi trên vùng bình nguyên trập trùng đồi cát, thì Jack Burns đang đi phía trước bỗng dưng cúi rạp xuống cổ con ngựa của mình và quay lại bảo tôi:
- Chuẩn bị súng? Ngựa hoang kia kìa!
Tôi vớ lấy súng và vội vã phóng lên phía trước. Ở một mương xói phía dưới có một đàn ngựa ăn cỏ, và một con ngựa ô cao lớn đứng bên trông nom.
Có lẽ nó đã nghe thấy tiếng động khi chúng tôi lại gần và cảnh giác ngay. Nó đứng đó, đầu ngẩng cao, đuôi vểnh lên, hai lỗ mũi thở phì phì.
Con ngựa hoang hiện trước mắt tôi như một mẫu mực của vẻ đẹp loài ngựa, một con ngựa tao nhã nhất so với bất cứ con ngựa nào trên thảo nguyên, và tôi bỗng thấy kinh tởm khi nghĩ rằng anh chàng đẹp trai đó có thể biến thành một cái xác chết.
Jack thuyết phục tôi bắn nhanh lên, nhưng tôi chần chừ.
Người bạn đường nóng tính của tôi quở mắng tôi về tội chậm trễ. Anh ta giận dữ càu nhàu: “Đưa súng đây!”, và định giật lấy, nhưng tôi đã kịp chĩa nòng súng lên trời và làm như vô tình bóp cò nổ một phát.
Đàn ngựa giật mình. Con ngựa ô hí vang, phun phì phì và chạy vòng quanh đàn. Lũ ngựa cái dồn lại thành đống và lao vút đi trong đám bụi mịt mù.
Con ngựa đực hết chạy bên này lại sang bên kia đàn, chăm chú theo dõi để không một con ngựa cái nào lạc mất đàn.
Tôi dán mắt nhìn theo cho đến khi nó mất hút ở phía xa, và tôi nhận thấy không có lần nào nó chệnh choạng nước phi.
Jack tất nhiên không tiếc lời xỉ vả tôi lẫn cây súng của tôi và con ngựa hoang, còn tôi thì thán phục những lời quở mắng của anh ta và trong lòng cảm thấy vui sướng nghĩ đến vẻ đẹp và sức mạnh của bọn ngựa ô thiên lí mã. Không, chẳng đời nào tôi nỡ hủy hoại bộ da láng mượt của nó chỉ vì lũ ngựa cái nào đó bị lôi đi?

3

Có một số cách bắt ngựa hoang, trong đó một cách là phóng viên đạn vào gáy ngựa làm cho nó choáng váng trong nháy mắt và tung ngay thòng lọng trói nó. Cách này gọi là “đánh quỵ ngựa”.
- Chính thế! Tôi đã chứng kiến cả trăm lần ngựa bị đánh gục bằng phương pháp này, nhưng cho đến nay chưa từng thấy con ngựa hoang nào bị “đánh quỵ” cả, - anh chàng Jo tính tình hung hăng nhận xét một cách châm biếm như thế.
Đôi lúc nếu điều kiện địa hình cho phép người ta rượt đuổi bầy ngựa cho đến lúc chúng mệt nhoài. Nếu trong tay có những con ngựa tốt thỉnh thoảng có thể rượt đuổi cả đàn, và phương pháp đơn giản nhất, đơn giản đến mức thoạt xem khó mà tin được, vẫn là “rượt đuổi” ngựa hoang (đuổi theo cho đến khi nó kiệt sức).
Vinh quang của con ngựa xuất chúng không bao giờ chệch nước kiệu trong lúc phi nổi lên như cồn. Người ta kể những chuyện khó tin nhất về nó, về tốc độ, nước phi và sức dẻo dai của nó. Và đến khi cụ Montgomery thuộc trang trại Tam giác tuyên bố trước nhiều người làm chứng tại quán rượu Well’s ở Clayton rằng sẽ thưởng một ngàn đô la cho ai đóng được hàm thiếc con ngựa đực đó vào xe chở hàng một cách chắc chắn, tất nhiên chỉ với điều kiện là tất cả những chuyện đó đều là chuyện thực, thì có đến hàng chục chàng chăn bò trẻ thèm muốn thử vận may ngay sau khi hết thời hạn hợp đồng với các chủ trại và được tự do.
Anh chàng Jo thô lỗ quyết định đi trước mọi người. Không thể bỏ phí thời gian thêm nữa. Và mặc dù thời hạn làm công của gã chưa hết gã vẫn dành trọn một đêm chuẩn bị cho cuộc săn.
Gã vay bạn bè đủ tiền trang bị cho đoàn săn gồm hai chục con ngựa cưỡi loại tốt, một xe nhà bếp và lương thực dự trữ cho ba người dùng trong hai tuần là bản thân gã, Charley - bạn gã và người đầu bếp.
Họ xuất phát từ Clayton với ý định vững vàng là “rượt đuổi” bằng được con thiên lí mã tuyệt vời. Ngày thứ ba họ tới suối Sơn dương, và vì đã gần trưa nên chẳng ai lấy làm lạ khi thấy con ngựa ô thiên lí xuống suối uống nước cùng với cả đàn của nó.
Jo nấp kín không ló mặt ra cho đến khi cả đàn ngựa uống no nê, bởi vì gã biết rằng ngựa đang khát bao giờ cũng chạy khỏe hơn so với khi đã uống no nước.
Sau đó Jo rời chỗ nấp, cưỡi ngựa bình tĩnh tiến lên. Khi gã đến cách núi gần nửa dặm, con ngựa hoang hoảng hốt và lập tức lùa đàn của nó chạy về phía đông nam đến vùng cao nguyên mọc đầy cây bụi. Jo phi ngựa theo hướng ấy cho đến lúc lại trông thấy đàn ngựa, sau đó gã quay lại và hạ lệnh cho người đầu bếp đồng thời kiêm người đánh xe lên đường đi theo hướng nam đến sông Alamosa. Còn bản thân gã thì quay sang hướng đông nam, theo sát những con ngựa hoang.
Đi được chừng hai dặm gã lại gặp đàn ngựa. Gã thả cho ngựa đi nước kiệu và tiến sát đến mức làm cho đàn ngựa hoảng sợ và lao vút về hướng nam. Nhưng Jo phi đường tắt và nửa giờ sau đã lại gặp đàn ngựa. Gã bí mật tiến sát đàn ngựa và cảnh cũ lại diễn ra: lại hoảng sợ và bỏ chạy. Sự việc cứ như thế diễn ra suốt cả ngày.
Đàn ngựa hoang dần dần di chuyển theo hình cánh cung xuống phía nam, và lúc mặt trời xuống tới chân trời thì chúng đã đến gần sông Alamosa đúng như Jo đã dự tính. Sau khi làm cho chúng sợ hãi chạy thêm một lần nữa thì Jo quay về xe, còn người bạn gã từ trước đến giờ vẫn nghỉ ngơi thì tiếp tục cuộc rượt đuổi trên một con ngựa còn khỏe nguyên.
Sau bữa ăn tối chiếc xe chạy tới chỗ nước nông đầu nguồn con sông Alamosa như đã tính toán trước và Jo thu xếp chỗ nghỉ đêm tại đó.
Trong khi ấy Charley vẫn đuổi theo đàn ngựa. Lũ ngựa hoang không bỏ chạy xa như lúc đầu bởi vì kẻ truy đuổi chúng hình như không có ý định tấn công chúng, và chúng quen dần với sự có mặt của y. Trong ánh hoàng hôn đang buông xuống dễ tìm chúng hơn, vì trong đàn có một con ngựa cái trắng nhìn thấy rất rõ trong bóng đêm. Hơn nữa trăng chiếu rất sáng, và Charley tin tưởng ở tài đánh hơi của con ngựa của mình nên cứ để nó tự tìm lấy đường và ung dung bám theo đàn ngựa có con ngựa trắng nổi bật giữa chúng như một bóng ma. Cuối cùng mọi vật đều nhòe trong màn đêm. Gã bèn xuống ngựa, tháo yên cương và thả cho nó gặm cỏ còn mình thì chui vào chăn và nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Mới tảng sáng Charley đã lên ngựa và chưa đi hết nửa dặm đã phân biệt được con ngựa trắng và sau đó là cả đàn ngựa trong cảnh tranh tối tranh sáng. Vừa trông thấy hắn con thiên lí mã đã hí vang, và đàn ngựa hoang đều bỏ chạy.
Nhưng vừa chạy đến ngọn đồi nhỏ đầu tiên chúng đã dừng lại để xem kẻ nào đã kiên trì đuổi theo chúng đến thế. Trong khoảnh khắc con ngựa hoang đầu đàn có lẽ đã nhận rõ sự việc và quyết định phải làm gì cho nên nó lao về phía trước với nước kiệu đều đặn, không chút mệt mỏi, hệt như một vệt sao băng đen cuốn cả đàn theo sau.
Đàn ngựa quay sang hướng tây, và sau vài lần lặp đi lặp lại cùng một thứ trò chơi: bỏ chạy, đuổi theo, gặp nhau rồi lại bỏ chạy đó, đến khoảng giữa trưa chúng tới một đồi dốc đứng xưa kia bộ lạc da đỏ từng dùng làm chòi canh. Ở đó đã có Jo đứng đợi chúng. Một làn khói dài, mỏng báo cho Charley biết hắn có thể nghỉ cho lại sức, và Charley lập tức dùng một cái gương nhỏ bỏ túi phát tín hiệu trả lời. Jo lao vào cuộc rượt đuổi trên một con ngựa hoàn toàn sung sức, còn Charley thì xuống ngựa ăn uống, nghỉ ngơi và sau đó đi lên phía thượng lưu sông Alamosa.
Suốt ngày hôm sau Jo đuổi theo lũ ngựa hoang, cố giữ chúng trên một đường vòng cung lớn, có chiếc xe chạy dọc theo đường dây cung. Trước khi mặt trời lặn gã đến được bến phà, ở đó Charley đã đợi sẵn cùng với một con ngựa khỏe khoắn và đồ ăn. Jo tiếp tục cuộc rượt đuổi thong dong suốt cả buổi chiều và cả một lúc ban đêm vì đàn ngựa có lẽ đã hơi quen với sự có mặt của kẻ lạ chẳng làm hại gì đến chúng và chúng đã theo dõi họ có phần lơi là hơn. Hơn nữa sự mệt mỏi đã bộc lộ rõ. Bãi ăn đầy cỏ mật ngon lành lùi lại tít phía xa, và dĩ nhiên đàn ngựa hoang không được lĩnh phần kiều mạch như lũ ngựa của bọn người truy đuổi. Sự căng thẳng thần kinh liên tục cũng đã thể hiện. Nó làm đàn ngựa ăn mất ngon, nhưng lại làm tăng cơn khát. Bọn người truy đuổi để cho đàn ngựa cơ hội uống nước nhiều và liên tục. Một con ngựa no nước chạy rất khó khăn: chân nó trở nên cứng đơ như gỗ và hơi thở nặng nề. Chính vì thế Jo hầu như không cho ngựa của mình uống nước. Và cả gã lẫn ngựa đều tươi tắn, khỏe mạnh cho đến tận lúc dừng lại nghỉ đêm ngay gần đàn ngựa đã bị quần mệt lử.
Rạng sáng Jo dễ dàng tìm ra đàn ngựa hoang. Thoạt đầu chúng bỏ chạy, nhưng chẳng mấy chốc đã chuyển sang nước kiệu. Cuộc chiến đấu hầu như đã phân thắng bại, bởi vì điểm khó nhất của việc rượt đuổi này là làm thế nào không để mất hút đàn ngựa hoang trong hai ba ngày đầu khi chúng còn chưa mệt nhoài.
Cả buổi sáng Jo không rời mắt khỏi đàn ngựa và hầu như thường xuyên ở gần nó. Đến mười giờ sáng Charley đợi bên núi José để thay gã. Ngày hôm đó đàn ngựa hoang chỉ chạy thêm được tất cả một phần tư dặm và không còn chạy được nhẹ nhàng như trước nữa.
Đến chiều Charley chuyển sang một con ngựa khỏe và tiếp tục truy đuổi.
Ngày hôm sau đàn ngựa hoang đã gục đầu ủ rũ, và bất chấp mọi nỗ lực của con ngựa ô thiên lí, chúng cứ chạy chậm dần và khoảng cách giữa chúng với những người đuổi theo đã rút ngắn chỉ còn độ một trăm bước.
Ngày thứ tư rồi ngày thứ năm cũng qua đi như. thế. Đàn ngựa lại quay về suối Sơn dương. Từ trước đến bây giờ mọi việc đều xảy ra đúng như đã định sẵn: cuộc rượt đuổi chạy theo đường vòng cung lớn, còn chiếc xe nhà bếp chạy bên trong theo đường vòng cung nhỏ hơn. Đàn ngựa hoang quay về suối, hoàn toàn mệt lử, còn những người đuổi chúng thì sảng khoái cưỡi trên lưng những con ngựa tươi tỉnh.
Mọi việc được sắp đặt không thể chê vào đâu được, giá như không có một chuyện: con ngựa ô - cái đích của cuộc săn đuổi này dường như được đúc bằng sắt. Nước phi đều đặn của nó chẳng hề thay đổi và vẫn giữ nguyên như ngày đầu tiên của cuộc săn. Nó vẫn dẫn dắt đàn không mệt mỏi như cũ, động viên đàn bằng những tiếng hí và bằng tấm gương của chính bản thân mình trong lúc chạy trốn. Nhưng sức lực lũ ngựa đã kiệt quệ. Con ngựa cái trắng già từng giúp bọn người truy đuổi tìm ra đàn trong bóng đêm đã rớt lại cách đây mấy giờ đồng hồ do mệt quá và bây giờ đang nằm gục, thở chẳng ra hơi. Những con ngựa khác thì dường như chẳng còn biết sợ những người truy đuổi nữa và chẳng bao lâu rõ ràng sẽ trở thành chiến lợi phẩm của Jo.
Nhưng con ngựa đực, mục đích của toàn bộ những công việc vất vả này vẫn kiên cường như cũ.
Bạn bè của Jo chẳng lạ gì tính tình cáu bẳn của Jo cho nên họ sẽ không mảy may ngạc nhiên nếu như trong cơn tức giận bất thần gã có thể nảy ra ý định bắn chết con ngựa ô bách chiến bách thắng. Nhưng Jo không hề có ý định đó.
Ròng rã suốt một tuần lễ đuổi theo con ngựa, gã chưa lần nào thấy nó chệch nước phi. Giống như bất kì một kị mã giỏi nào, Jo thực sự khâm phục con ngựa tuyệt diệu này. Sự khâm phục mỗi lúc một tăng và gã thà bắn vào con ngựa tốt nhất của chính mình chứ không thể bắn vào con vật tuyệt trần đó.
Thậm chí gã đã thấy phân vân không biết có nên giao nộp để lãnh phần thưởng sau khi bắt được nó hay không? Phần thưởng tuy không nhỏ, nhưng bản thân con ngựa này đã là một cái vốn rồi bởi vì nó có thể cho ra những thế hệ sau xuất sắc.
Tuy nhiên trước hết cần phải bắt cho được nó đã. Cần phải chấm dứt cuộc săn.
Jo đóng yên con ngựa tốt nhất của mình. Đó là một con ngựa cái nòi phương Đông, nhưng lớn lên trên đồng cỏ Bắc Mỹ. Dĩ nhiên nếu con ngựa không có một điểm yếu thì chẳng khi nào Jo có thể tậu được con ngựa tuyệt vời như thế. Ở vùng này có một loại cỏ độc gọi là cỏ lôcô. Bình thường gia súc không bao giờ ăn thứ cỏ đó, nhưng nếu một con vật nào tình cờ nếm thử thì nó sẽ trở chứng đi tìm kiếm cỏ này khắp nơi. Tác dụng của loại cỏ này phần nào giống tác dụng của thuốc phiện, và con ngựa sẽ bị nghiện, và mặc dù một thời gian dài về sau nó vẫn bình thường nhưng cuối cùng thế nào rồi cũng chết vì bệnh điên. Dân địa phương nói rằng con vật như vậy “bị lôcô ám”. Trong ánh mắt con ngựa tốt nhất của Jo đôi lúc thấy xuất hiện nét man dại, mà những người am hiểu đã xác định rằng nó bị mắc chính bệnh này. Nhưng con ngựa vẫn khỏe và nhanh nhẹn, cho nên Jo chọn nó để kết thúc cuộc săn.
Jo phi nhanh về phía trước, nhằm hướng đàn ngựa. Gã ném cuộn dây thừng xuống đất, kéo nó theo mình để làm cho dây thừng thẳng ra, rồi thận trọng cuộn nó vào cánh tay trái. Lần đầu tiên trong suốt cuộc săn gã giục ngựa lao thẳng về phía con ngựa đực hoang.
Cuộc đua ngựa điên cuồng bắt đầu. Lũ ngựa cái hết hồn chạy tán loạn khắp bốn phía, dạt hết sang bên.
Con ngựa cái tươi khỏe phi nước đại trên thảo nguyên, còn con ngựa đực chạy phía trước với nước kiệu lừng danh không hề rối loạn y như trước.
Điều này thật khó mà tin được. Jo thúc con ngựa của gã bằng cả tiếng hò hét lẫn cựa giày. Nó phi như chim bay, nhưng khoảng cách giữa nó và con ngựa đực không rút ngắn đi nổi lấy một tấc.
Con ngựa ô chạy hết vùng đồng bằng, phóng qua một bình sơn nguyên mọc đầy cây bụi, lao xuống vùng cát trắng đầy phản trắc và phi sang vùng trảng cỏ nơi có bầy ngân thử đón gặp nó bằng những tràng sủa. Jo phóng ngựa theo sau. Gã không còn tin vào mắt mình nữa. Khoảng cách giữa gã và con ngựa đực chẳng những không giảm đi mà thậm chí còn hình như tăng hơn lên. Jo chửi rủa, thúc đinh giày và giục giã ngựa, rồi cuối cùng đã đưa con vật tội nghiệp tới mức bị kích thích tột độ. Mắt nó long sòng sọc, đầu lúc lắc tứ phía, và con ngựa đã không còn nhìn xuống đất, không phân biệt đường đi nữa. Bỗng nhiên nó thụt một chân xuống hang chồn. Con ngựa ngã, và người kị mã cũng văng xuống đất cùng một lúc với nó. Jo bị dập thương khá đau nhưng vẫn đứng lên được và cố nâng con vật đang chết điếng lên. Nhưng với con ngựa mọi cái đã hết: nó bị gãy chân trước rồi.
Jo bắn một phát súng lục để kết thúc cơn đau cho con ngựa và mang yên cương trở về lều. Còn con thiên lí mã lúc đó vẫn tiếp tục chạy cho đến lúc không trông thấy bóng dáng đâu nữa.
Dù sao cuộc săn cũng không thể coi là đã thất bại bởi vì trong tay họ vẫn còn lũ ngựa cái. Jo và Charey dồn chúng về trả cho chủ cũ và đòi phải thưởng hậu.
Nhưng đối với Jo như thế là quá ít. Gã mơ ước làm chủ con ngựa đực. Giờ đây khi đã rõ tất cả những ưu điểm của nó rồi, gã liền cố gắng nghĩ một kế hoạch hành động mới.

4

Trong chuyến đi lần ấy đầu bếp là Bates - ngài Thomas Bates, như lão tự xưng ở trạm bưu điện là nơi lão vẫn đến để nhận những bức thư và giấy chuyển tiền mà chẳng có ai nghĩ tới việc gửi cho lão bao giờ cả. Nhưng những người chăn bò thì gọi lão là “Tom - Bàn chân gà”, bởi vì lão đoan chắc rằng lão đã đăng kí chính con dấu đó tại Denver. Con dấu có hình dáng một bàn chân gà tây. Bates cũng khẳng định rằng con dấu này đã được đóng trên sườn những đàn bò và ngựa nhiều không đếm xuể, thả chăn tại những đồng bằng miền bắc chưa từng ai biết đến.
Khi Bates được đề nghị tham gia vào cuộc săn đuổi này với tư cách một người góp cổ phần, thì lão nhận xét một cách khôi hài rằng bây giờ người ta bán có mười hai đôla một tá ngựa. Quả thực năm đó giá ngựa rất rẻ, vì thế lão thích than phiền ngay cả về những chuyện vặt vãnh.
Nhưng không có người nào đã từng dù chỉ một lần trông thấy con thiên lí mã mà lại có thể thờ ơ với nó được. Lão Bàn chân gà cũng vậy. Bây giờ ngay lão cũng thèm muốn được làm chủ con ngựa hoang, nhưng còn chưa biết phải làm thế nào để đạt được mục đích ấy. Một lần lão gặp anh chàng Bill Smith nào đó, thường được gọi là Bill - Móng ngựa bởi vì con dấu của y có dạng một cái móng ngựa. Vừa ngốn đầy bánh mì thịt và chiêu bằng thứ cà phê tồi, Bill - Móng ngựa vừa nói:
- Bữa nay tao trông thấy con thiên lí mã đó, mà lại gần đến mức có thể tóm lấy đuôi nó cơ chứ!
- Thế sao mày không bắn?
- Suýt nữa thì bắn được.
- Không được! Mày hãy coi chừng, không được bắn nó. - một gã chăn bò có con dấu hai chữ H ngồi cuối bàn đàng kia nói chen vào. - Đến kì thượng huyền này con ngựa đực ấy sẽ được mang con dấu của tao?
- Nhanh chân lên kẻo mày lại tìm thấy ở mạng sườn nó một hình tam giác có dấu chấm ở giữa khi mày nghĩ đến chuyện đóng dấu nó đấy.
- Nhưng mày gặp nó ở đâu mới được chứ?
- Câu chuyện thế này. Tao đi ngang qua suối Sơn dương và bỗng nhiên nhìn thấy trên bùn khô ở giữa đám lau sậy có một vật gì đó đang nằm. Tao nghĩ đó là một con bò nào đó trong đàn gia súc của chúng ta, tao bèn lại gần và trông thấy rõ một con ngựa nằm sóng soài. Gió thổi từ phía nó lại, bởi thế tao mới tiến sát tới bên. Và tao nhìn thấy cái gì nào? Đó là con thiên lí mã, nằm bất động như chết rồi! Tuy nhiên nó không bị trương lên như vẫn thấy ở các xác chết, mà tao cũng không thấy nó bị thương. Vả lại thân thể nó không thấy bốc mùi thối. Tao chưa biết nghĩ sao thì bỗng thấy nó phe phẩy cái tai để đuổi một con ruồi vừa đậu vào. Thế là tao hiểu rằng nó chỉ ngủ thôi. Tao liền rút dây thòng lọng ra cuộn lại, nhưng phát hiện ra rằng dây bị cọ đứt nhiều chỗ. Tao chỉ có mỗi một cái đai bụng ngựa, và tao đã nghĩ kĩ: con ngựa của tao chỉ nặng gần 700 pound trong khi con ngựa đực nặng tới 1200 pound. Vì thế tao tự bảo: “Không đáng mạo hiểm. Mình chỉ tổ làm đứt đai bụng ngựa, đo đất và làm mất yên cương”. Tao bên đập cán roi vào cái mỏ yên - và... giá mà chúng mày được thấy con ngựa hoang! Nó nhảy dựng lên chừng sáu foot và ba chân bốn cẳng bỏ chạy, mồm thở phì phì như đầu máy xe lửa. Nó trợn trừng mắt và phóng thẳng hướng Califonia. Có thể nó đã đang ở nơi đó rồi nếu như cứ giữ nguyên tốc độ phi ấy. Còn tao thì xin cứ đâm đầu xuống đất ngay ở chỗ này thôi nếu như nó dù chỉ một lần bước chệch cái nước kiệu của nó!
Toàn bộ câu chuyện không phải là được kể lại một cách rành mạch như vậy, bởi vì Bill thực ra vừa kể vừa đệm hàng lô những lời tục tĩu, hơn thế nữa y vẫn sốt sắng nhai và nuốt thức ăn một cách rất ngon lành và chẳng thấy xấu hổ khi ăn nói nhồm nhoàm. Mọi người đều tin y vì Bill được tiếng là con người thật thà. Trong số những người có mặt chỉ một mình lão Bàn chân gà không nói câu nào, nhưng dường như là lão nghe chăm chú hơn tất cả mọi người bởi vì chính câu chuyện đã gợi cho lão một kế hoạch mới.
Hút xong tẩu thuốc sau bữa ăn, lão cân nhắc kĩ lưỡng kế hoạch từ đầu đến cuối, và khi đã khẳng định rằng một mình lão chẳng làm nổi trò trống gì thì lão đã tiết lộ bí mật của mình cho Bill - Móng ngựa nghe. Thế là kết bạn với nhau để đi bắt con thiên lí mã, hay nói cách khác là để đi lĩnh phần thưởng năm ngàn đôla mà người ta đã hứa tặng cho những người bắt được con ngựa.
Suối Sơn dương thành nơi uống nước ưa thích của con ngựa hoang. Mực nước đã rút xuống, giữa đám lau sậy và vũng nước hình thành một vành đai đất bùn đen khô ráo rộng rãi. Lũ thú đi xuống vũng uống nước đã mở ra hai đường mòn cắt ngang vành đai đất bùn đó ở hai nơi. Bầy ngựa và thú rừng ưa thích đi theo mấy lối mòn này hơn, còn lũ bò thường đi xuyên thẳng qua bãi lau sậy.
Ngang qua con đường mòn được qua lại nhiều hơn, những người săn ngựa đào một cái hố dài 15 foot, rộng 6 foot và sâu bảy foot. Họ buộc phải làm việc liên tục hai mươi giờ không nghỉ ngơi, vì cần phải hoàn thành công việc trong khoảng thời gian giữa hai lần uống nước của bọn ngựa. Công việc rất nặng nhọc. Khi cái hố đã đào xong, họ khéo léo ngụy trang nó bằng đất và cành cây khô để cho không còn nhận ra được nữa. Xong đâu đấy những người săn ngựa nấp trong mấy cái hố đào sẵn cho họ cách đó không bao xa.
Khoảng gần trưa con thiên lí mã xuất hiện gần nơi uống nước. Bây giờ nó chỉ có một mình bởi vì đàn của nó đang bị cầm giữ. Căn cứ vào dấu chân thì lũ ngựa ít khi đi theo con đường mòn thứ hai. Nhưng dù sao lão Tom cũng đã cẩn thận quẳng nhiều lau sậy lên đó để buộc con thiên lí mã phải đi theo con đường mòn đã đào sẵn hố.
Vị thần thiện cảnh giác nào che chở cho lũ thú hoang? Ngược lại mọi sự mong đợi con thiên lí mã chọn con đường mòn thứ hai. Nó bình thản đến bên bờ nước và bắt đầu uống.
Những người đi săn chỉ còn giải pháp cuối cùng. Lúc con thiên lí mã cúi xuống uống lần thứ hai, Bates và Smith nhảy ra khỏi hố nấp, nhanh chóng chạy vòng ra sau lưng con ngựa hoang, và khi nó vừa ngửng cái đầu kiêu hãnh lên thì Smith bắn ngay một phát súng lục xuống đất phía sau chân nó.
Con ngựa hoang cất nước kiệu lừng danh của nó lao thẳng đến chỗ cạm bẫy đặt sẵn chờ nó. Chỉ một giây nữa là nó sẽ phải sa xuống hố! Kìa, nó đang chạy trên con đường mòn có cái hố ngụy trang. Những người đi săn coi như đã bắt được nó. Chẳng mấy chốc nữa nó sẽ rơi vào tay họ.
Nhưng một việc khó tin đã xảy ra. Bằng một cú nhảy mạnh con thiên lí mã đã vượt qua hố rồi gõ móng dồn dập lên mặt đất và biến mất hút. Nó phóng vút đi để chẳng bao giờ trở lại suối Sơn dương nữa.

5

Anh chàng Jo thô lỗ là một người tháo vát. Gã muốn bằng giá nào cũng phải bắt bằng được con ngựa hoang, và khi biết có những người khác cũng theo đuổi công việc đó thì gã liền bắt tay ngay vào việc thực hiện một kế hoạch mới. Jo quyết định áp dụng phương pháp mà sói đồng cỏ vẫn đùng để bắt con thỏ chạy nhanh và người da đỏ dùng để bắt sơn dương. Phương pháp cũ kỹ này gọi là “săn tiếp sức”.
Khu vực con ngựa thường sống tạo thành một hình tam giác có diện tích chừng sáu mươi dặm vuông, giới hạn ở phía nam và phía bắc bởi những con sông và ở phía tây là những dãy núi. Rõ ràng là con ngựa hoang không bao giờ đi quá ranh giới vùng đó, và suối Sơn dương luôn luôn được dùng làm nơi trú chân chủ yếu của nó.
Jo biết khá rõ địa thế khu vực này. Gã nghiên cứu tất cả các nguồn nước và khe núi. Giá như gã có khả năng kiếm được năm chục con ngựa tốt thì gã đã bố trí để có ngựa đợi sẵn ở tất cả các địa điểm quan trọng. Nhưng trong tay gã chỉ có hai chục con ngựa tốt và năm kị sĩ thành thạo.
Bầy ngựa được cho ăn kiều mạch trong hai tuần lễ liền trước khi mở cuộc săn. Rồi chúng được lệnh xuất phát và mỗi kị sĩ đều được chỉ thị cặn kẽ cần phải làm gì. Họ đã có mặt tại chỗ của họ mấy ngày trước khi bắt đầu cuộc săn đuổi.
Tới ngày đã định, Jo đi xe ngựa đến suối Sơn dương và dừng xe lại ở bên trong một lũng nhỏ rồi gã bắt đầu chờ đợi.
Cuối cùng từ vùng đồi cát phía nam xuất hiện con ngựa đực đen như than, nó ung dung xuống suối uống nước, vẫn đơn độc như mọi khi. Thoạt tiên nó đi một vòng quanh suối, đánh hơi xem có kẻ thù nào ẩn nấp ở đó không. Sau đó nó tiến đến bờ nước ở đúng chỗ hoàn toàn chẳng có một lối mòn nào và bắt đầu uống.
Jo nhìn nó và mong muốn nó uống thật nhiều, cả một thùng đầy nước càng tốt. Nhưng con ngựa hoang vừa mới quay lại gặm cỏ Jo đã thúc con ngựa của mình tiến ra. Con ngựa hoang nghe tiếng móng gõ, nhìn thấy người kị sĩ liền phóng vút đi.
Đến vùng đồng bằng nó ngoặt sang hướng nam, bước phi lừng tiếng của nó hơi chững lại để lấy đà, nhưng đến vùng đồi cát thì nó đã phi nhanh như tên bắn, và khoảng cách giữa nó với người truy đuổi nó đã càng ngày càng tăng. Còn con ngựa của Jo mang người cưỡi quá nặng cứ mỗi bước chân lại lún trong cát và tụt lại sau mỗi lúc một xa.
Chạy quá chút nữa đến vùng bình nguyên con ngựa của Jo đã có thể bù lại chút ít khoảng cách đã mất, nhưng sau đó bắt đầu là một cái dốc dài gã không dám cho ngựa phi hết sức và thế là lại tụt lại sau.
Tuy vậy Jo vẫn tiếp tục truy đuổi con thiên lí mã, vung roi quất và thúc cựa giày vào con ngựa của mình không thương tiếc. Một dặm, rồi một dặm nữa... lại một dặm nữa... Vách núi Arriba đã hiện lên ở phía xa xa.
Tại nơi đó đã có những con ngựa tươi tắn đang đợi Jo, và gã lại tiếp tục phi nhanh với nguồn năng lực dồi dào mới. Nhưng cái bờm ngựa đen như bóng đêm bay phất phới theo chiều gió mỗi lúc một bỏ xa gã.
Cuối cùng rồi cũng tới khe núi Arriba. Gã chăn bò gác ở đó đã nấp kín và con ngựa hoang phi rút qua. Thoạt tiên nó bay xuống dưới dốc như cơn lốc sau đó nó lao vút lên theo đường dốc vẫn với cái nước kiệu như cũ.
Jo nhảy lên một con ngựa mới, lao theo xuống dốc rồi lại phóng ngược lên. Gã cứ thúc cựa giày vào con ngựa, phi mãi, phi mãi, nhưng không làm sao rút ngắn nổi khoảng cách thêm lấy một bước nào nữa.
Lốp cốp, lốp cốp, lốp cốp - tiếng móng ngựa cứ gõ đều đặn. Một giờ trôi qua, một giờ nữa, rồi lại một giờ nữa - và phía trước mặt đã là con sông Alamosa, nơi đó một trạm tiếp sức đang đợi sẵn Jo. Gã quát tháo con ngựa của mình, thúc giục nó bằng mọi cách. Con ngựa ô đang phi đến nơi đã định sẵn nhưng bất thình lình khi chỉ còn cách nơi đó chừng hai dặm thì nó quay ngoắt sang phía trái cứ như linh cảm thấy trước mối nguy hiểm nào đó vậy. Jo lo ngại con ngựa hoang có thể tuột khỏi tầm tay nên ra sức quất con ngựa đã mệt lử của mình nhằm hướng con ngựa hoang bằng bất cứ giá nào về phía trạm tiếp sức. Đó là một cuộc đua ngựa vô cùng vất vả. Jo thở hổn hển. Da yên ngựa nghiến cót két trên mỗi bước phi, Jo phi như bay theo đường tắt tưởng những sắp đuổi kịp con thiên lí mã. Gã rút súng ra, bắn hết viên nọ đến viên kia làm bụi tung mù mịt, và cuối cùng đã xua được con ngựa hoang quay sang phía bên phải đến chỗ bến qua sông.
Và thế là họ đã đến bên bờ sông. Con ngựa hoang tiếp tục chạy, còn Jo thì nhảy xuống đất. Ngựa gã đã hoàn toàn kiệt sức sau khi phi nhanh ba mươi dặm, và chính bản thân Jo cũng chẳng khá hơn. Mắt gã sưng lên vì bụi cay xè, và gã hầu như không trông thấy gì đằng trước mà chỉ vẫy tay kêu to với Tom để lão đuổi theo con ngựa hoang đến chỗ nông qua sông Alamosa.
Người kị sĩ mới phi nước đại trên con ngựa khỏe mạnh, dẻo dai hết lên lại xuống suốt vùng đồi núi, còn con ngựa ô thì phi đàng trước. Nó sùi bọt mép trắng như tuyết, hơi thở phì phò và hai bên sườn bốc hơi dữ dội chứng tỏ nó đang trải qua những giờ phút không nhẹ nhàng gì. Nhưng dù thế nào đi nữa nó vẫn tiếp tục chạy...
Thoạt đầu đường như Tom chiếm ưu thế về khoảng cách, nhưng về sau lão đã tụt lại. Đến gần sông Alamosa một người khác cưỡi con ngựa mới tinh đã thay thế lão. Con ngựa hoang và người rượt đuổi nó rẽ sang hướng tây và phóng qua cả nơi trú ngụ của bầy ngân thử lẫn những bụi rậm gai góc và những cây xương rồng cào rách cả quần áo.
Con ngựa ô đẫm mồ hôi và bụi đã chuyển sang màu tía hồng, nhưng vẫn không hề rối nước kiệu. Gã trai Carrington đuổi theo nó đã làm con ngựa của hắn mệt nhoài ngay từ đầu, bây giờ lại muốn bắt nó nhảy qua một cái mương xói nhỏ mà con ngựa ô định chạy vòng qua. Một động tác không chính xác - và cả kị sĩ lẫn con ngựa lăn nhào xuống dưới. Gã trai thoát chết nhưng con ngựa bị dập thương nặng, còn con ngựa hoang vẫn cứ tiếp tục chạy xa hơn...
Việc này xảy ra gần trang trại của cụ Gallego nơi Jo đã kịp nghỉ lấy lại sức đang đợi sẵn. Chưa đến nửa giờ sau gã đã lại tiếp tục đuổi theo con thiên lí mã.
Xa xa về phía tây đã thấp thoáng thấy dãy núi Carlos. Những người và ngựa khỏe khoắn đang đợi Jo tại đó. Người kị sĩ không biết mệt là gì biết rõ điều đó cho nên cố sức hướng con ngựa hoang về phía tây. Nhưng con thiên lí mã như chợt nảy ra một ý nghĩ ngông cuồng hoặc là do linh tính mách bảo nên đã quay ngoắt sang hướng bắc. Mọi mưu mô của Jo hóa thành vô dụng, gã thúc ngựa không thương tiếc, gào thét và bắn loạn xạ, nhưng vệt sao băng đen đã lao vút xuống dưới dọc theo một sườn đồi và Jo chẳng còn cách nào khác là đuổi theo sau nó.
Thế là bắt đầu giai đoạn vất vả và nặng nề nhất của cuộc rượt đuổi. Jo tuy đã đối xử tàn nhẫn với con ngựa hoang nhưng đối với con ngựa của mình và với cả chính bản thân mình gã còn tàn nhẫn hơn nhiều. Mặt trời thiêu đốt dữ dội, hơi nóng ngùn ngụt bao phủ khắp bình nguyên bỏng rẫy. Mắt Jo đỏ ngầu, môi gã nứt nẻ vì bụi mặn chát. Vậy mà cuộc rượt đuổi vẫn còn phải tiếp tục. Giải pháp cuối cùng để đi đến kết quả là làm sao xua được con ngựa hoang quay trở lại chỗ bãi nông qua sông Alamosa.
Lần đầu tiên trong suốt thời gian rượt đuổi Jo nhận thấy con ngựa ô có dấu hiệu mệt mỏi. Đuôi và bờm nó không còn tung bay phất phới như trước nữa, và khoảng cách ngắn ngủi chừng nửa dặm giữa nó với Jo đã rút xuống còn có một nửa. Nhưng nó vẫn cứ chạy phía trước, chạy mãi, chạy mãi với nước kiệu như cũ...
Một giờ trôi qua, rồi lại thêm một giờ nữa, nhưng con ngựa vẫn cứ phi mãi. Tuy nhiên cả ngựa và người đuổi đã rẽ ngoặt được khỏi hướng thẳng trước. Đến chiều, sau khi chạy được trọn hai mươi dặm, họ đến gần bãi nông rộng qua sông Alamosa. Lúc này chính Jo lại muốn tự mình tiếp tục đuổi nên gã nhảy phắt sang một con ngựa khỏe đang đợi sẵn và tiếp tục phóng đi.
Con ngựa gã bỏ lại, thở hắt ra, lao xuống nước và uống cho đến lúc gục xuống chết.
Jo chùng chình giây lát, hi vọng con ngựa ô cũng uống nước. Nhưng sự việc không diễn ra như gã muốn. Nó chỉ hớp một hớp nước rồi lại oàm oạp sang bờ sông bên kia. Jo phi theo sát gót. Trước khi cả hai cùng mất hút, những người chăn bò đứng gần bãi nông còn kịp nhận thấy rằng khoảng cách giữa con ngựa ô và người đuổi đã rút ngắn rõ rệt và con ngựa của Jo cứ mỗi lúc một đuổi gần hơn con ngựa ô...
Sáng hôm sau Jo đi bộ trở về lều. Câu chuyện của gã rất ngắn gọn: tám con ngựa ngã gục, năm người hoàn toàn kiệt sức, còn con thiên lí mã phi thường vẫn nhởn nhơ tự do như trước.
- Chẳng biết làm thế nào nữa! Không thể đuổi kịp nó. Chỉ tiếc là tao đã không chọc thủng tấm da chó chết của nó khi mà tao có thể làm được điều ấy! - Jo tuyên bố và từ đó về sau gã đoạn tuyệt với mọi mưu toan tóm bắt con thiên lí mã.

6

Trong chuyến săn cuối cùng này lão Bàn chân gà lại được chọn làm đầu bếp. Lão theo dõi cuộc rượt đuổi cũng thích thú như tất cả mọi người, nhưng khi Jo đại bại thì lão chỉ cười gằn, và liếc nhìn cái chảo mà lầm bầm giọng mũi:
- Nếu con ngựa hoang này không rơi vào tay tao thì cứ để cho mọi người chửi rủa tao đi!
Do liên tục bị truy đuổi nên con thiên lí mã càng trở nên hoang dại hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa nó cũng vẫn cứ quay về suối Sơn dương. Đấy là nguồn nước uống duy nhất nằm trên một khu vực hoàn toàn quang đãng - trong khoảng một dặm quanh đó không có chỗ nào để kẻ thù có thể ẩn nấp được. Con ngựa hoang đến đây hằng ngày vào lúc gần trưa và chỉ tiến lại gần suối nước sau khi đã tin chắc là không có gì đe dọa nó.
Bị mất đàn nó sống độc thân suốt mùa đông. Lão Bàn chân gà biết rõ điều đó và đã dựa vào đấy để xây dựng kế hoạch của mình. Một người bạn của lão có con ngựa tía cái tuyệt đẹp Sau khi chuẩn bị đầy đủ dây buộc chân ngựa, xẻng, dây thòng lọng dự trữ và một cái cọc bự, lão đầu bếp già đóng yên con ngựa cái đó và cưỡi nó đi về phía suối.
Một vài con sơn dương trông thấy lão, kinh hãi phóng mất hút, lũ bò nằm trên cỏ, chim sơn ca hót líu lo. Mùa đông sáng sủa, không có tuyết rơi đã trôi qua trên vùng bình nguyên này, và mùa xuân đang hối hả đến gần.
Tom buộc chân con ngựa tía cái nhỏ bé và thả cho nó gặm cỏ, nhưng nó không ngừng ngẩng đầu lên cất tiếng hí kéo dài kêu gọi.
Lão Bàn chân gà kiểm tra hướng gió thổi và xem xét kĩ xung quanh. Ở đó vẫn còn cái hố mà lão đã nhờ đào giúp trước đây. Bây giờ nó mở toang hoác và đầy ắp nước tù đọng, mặt nước có lũ chuột và ngân thử chết nổi lềnh bềnh. Thú vật đến uống nước đã mở một con đường mòn mới vòng qua hố.
Lão đầu bếp chọn một đám lau sậy gần một khu đất trũng bằng phẳng xanh rờn, đóng sâu cái cọc xuống đất, sau đó đào một cái hố đủ to để có thể nấp trong đó, và trải cái chăn của mình xuống đáy hố.
Lão rút ngắn dây buộc chân con ngựa tía lại chỉ để cho nó vừa đủ di chuyển chút ít, rồi rải dây thòng lọng ra đất, buộc đầu dài vào cái cọc và lấy đất cùng cỏ phủ kín dây thừng. Làm xong mọi việc lão tụt xuống hố của mình.
Đến gần trưa tiếng hí gọi của con ngựa tía cái cuối cùng đã được đáp lại. Một tiếng hí khác vang lên từ ngọn đồi phía tây và con ngựa hoang lừng danh hiện ra, nổi bật màu đen trên nền trời.
Nó tiến lại gần với nước kiệu gõ đều đặn, nhưng thường xuyên dừng lại với vẻ nghi ngờ, nhìn trước ngó sau và đánh tiếng. Tiếng hí của con ngựa cái có lẽ đã làm xao xuyến trái tim nó. Nó chạy đến gần, lại hí lên, nhưng bỗng dưng lo lắng và chạy vòng quanh, hai lỗ mũi đánh hơi tìm những mùi khả nghi. Nhưng con ngựa tía cái lại hí vang. Con ngựa hoang chạy thêm một vòng nữa rồi tiến lại gần hơn và cũng hí lên. Tiếng hí đáp lại của con cái chắc đã át mọi nỗi sợ hãi và trái tim nó bừng cháy.
Nó vừa vờn vừa tiến sát lại gần con ngựa tía cái Solly cho đến lúc hai mũi chạm nhau. Nhưng đúng lúc đó trong nháy mắt nó giẫm chân sau lên cái nút dây thòng lọng giết người. Lão Tom nhanh tay rút dây thừng, cái nút thắt lại và con ngựa hoang bị tóm gọn. Nó kinh hoàng nhảy bật lên cao, nhưng lão Tom lợi dụng cơ hội đó quấn chặt thêm cuộn dây thừng lần nữa như con rắn xung quanh đôi chân cường tráng.
Nỗi sợ hãi tăng sức lực con ngựa lên gấp đôi. Nó giật lùi nhưng sợi dây thừng không chịu thua nó, và nó phục xuống, bất lực, chịu bị đánh bại.
Lão Tom nhô cái thân hình còng còng, xấu mã lên khỏi miệng hố, và vội vã củng cố thắng lợi của mình trước tạo vật tuyệt điệu của thiên nhiên. Bắp thịt của con ngựa đã tỏ ra bất lực trước trí khôn và tài sáng tạo của lão già bé nhỏ, yếu đuối. Con ngựa hoang thở phì phì và vùng vẫy một cách tuyệt vọng để vuột ra, nhưng mọi sự đều vô ích, sợi dây thừng đã cột chặt nó lại.
Tom khéo léo quăng dây thòng lọng thứ hai chụp lấy hai chân trước con ngựa và dùng một động tác điêu luyện rút cả bốn chân nó cùng một lúc. Chỉ một phút sau con vật đang phát khùng đã nằm dài trên mặt đất, bất lực và bị trói chặt như một con lợn đực thiến.
Con thiên lí mã bất hạnh còn tiếp tục giãy giụa hồi lâu cho đến khi hoàn toàn kiệt sức. Toàn thân nó rung lên vì những tiếng thổn thức mãnh liệt, và những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Tom đứng coi và bỗng một cái gì là lạ trào dâng trong tâm hồn người chăn bò già. Toàn thân lão run rẩy, một điều chưa hề bao giờ xảy ra với lão kể từ khi lão ném chiếc thòng lọng đầu tiên để tóm con bò đực thứ nhất trong đời. Còn bây giờ lão mất đến mấy phút không thể rời khỏi chỗ đứng và cứ trân trân nhìn kẻ bị cầm tù phi thường của mình.
Tuy thế cái cảm giác đó tan biến rất nhanh. Tom đóng yên con ngựa cái - kẻ đã giữ một vai trò vô cùng nguy hiểm, và cầm chiếc dây thòng lọng mới quàng vào cổ con ngựa hoang. Lão để con ngựa cái bên cạnh con ngựa đực. Khi đã hoàn toàn tin rằng con ngựa hoang không thể tuột khỏi tay lão, Tom đã định tháo dây thừng, nhưng lúc đó lão chợt nhớ ra một việc. Quả là lão đã quên khuấy một điều quan trọng và đã bắt tay vào công việc mà không có đủ mọi trang thiết bị cần thiết.
Theo luật lệ phương Tây, ngựa hoang thuộc quyền sở hữu của người đầu tiên đóng con dấu của mình lên nó. Nhưng làm sao thực hiện được điều này khi mà trong vòng hai mươi dặm gần đấy chẳng kiếm đâu ra đụng cụ để đóng dấu lên súc vật?
Nhưng lão Tom là người nhanh trí. Lão lại gần con ngựa cái của mình, xem xét kĩ các móng sắt của nó. Đúng, có một cái móng không được chắc cho lắm. Tom móc cái xẻng vào và nậy bật cái móng ngựa đó ra.
Tìm củi đốt trên bình nguyên này chẳng phải là chuyện khó, và một thoáng sau ngọn lửa đã cháy sáng rực. Tom cầm một đầu cái móng ngựa đã được bọc trong chiếc khăn mù soa của mình và nung đầu kia vào lửa đến đỏ rực. Sau đó lão gí cạnh bên cái móng sắt đã nung đỏ lên vai trái con ngựa hoang nằm bất lực ba lần thành một cái gì đó thô thiển giống con dấu vết chân gà được lão dùng lần đầu tiên trong đời, cứ như trước đây lão không hề nói khoác chút nào vậy.
Con ngựa hoang rùng mình lúc miếng sắt nung đỏ chạm vào người nó. Nhưng sự việc diễn ra nhanh chóng, và thế là con thiên lí mã đã có chủ.
Bây giờ chỉ còn có việc đưa nó về nhà. Tom tháo thừng ra. Con ngựa hoang cảm biết được điều đó, nó tưởng đã được tự do bèn đứng phắt ngay dậy và xốc tới, nhưng nó lại đổ vật xuống đất. Hai chân trước của nó đã bị buộc chặt với nhau, và nó chỉ có thể cử động được theo cách nhảy bật lên. Nếu nó định chạy thì những cái chân bị buộc túm sẽ cản trở và nó sẽ ngã nhào. Tom cưỡi trên con ngựa cái và cố đắt nó theo sau. Lão lôi nó, thúc giục nó, cưỡng bách nó đi bằng được, nhưng tên tù cứng đầu cứng cổ, sùi đầy bọt mép không chịu khuất phục. Nó hí lên man dại và thở phì phì giận dữ, nó nhảy nhót điên cuồng và cố vùng vẫy thoát ra.
Đó là một cuộc đọ sức kéo dài và tàn nhẫn. Hai bên sườn bóng láng của con ngựa hoang đẫm mồ hôi lẫn máu tươi. Những cái ngã dồn dập và cuộc đấu tranh vô bổ hút kiệt sức nó, và ngay một cuộc rượt đuổi kéo dài suốt ngày cũng không thể làm nó phờ phạc được đến như vậy. Nó cứ lao hết bên nọ đến bên kia, nhưng những cú nhảy cuồng nhiệt của nó cũng yếu dần đi và một đám bọt lẫn máu tươi bắn vọt từ mũi nó ra ngoài. Nhưng kẻ chiến thắng không hề biết thương xót, độc đoán và bình tĩnh, vẫn cứ thúc giục nó, bắt nó bước tiếp.
Hai bên giằng co nhau từng bước và đã đi hết con đường dốc đến đầu một đường mòn dẫn xuống hẻm vực. Nơi đây là ranh giới phía bắc cuối cùng của vùng lãnh địa trước đây của con thiên lí mã. Từ đây đã nhìn thấy rõ những ruộng vườn và trang trại. Lão Tom hoan hỉ, nhưng con ngựa hoang đã thu hết sức tàn để thực hiện ý đồ tuyệt vọng lần chót quay về với tự do: nó lao vút lên phía trên theo sườn dốc. Nó cứ leo lên cao mãi, cao mãi, chẳng thèm để ý đến cả sợi dây thừng trói buộc chân nó lẫn phát súng mà lão Tom bắn với hi vọng hão huyền có thể khiến nó dừng bước, buộc nó phải quay trở lại.
Con ngựa hoang cứ lao lên mãi, lên mãi và tới được mỏm đá dựng đứng. Từ trên đó nó lao xuống vực thẳm, bay hết hai trăm foot, bay mãi, bay mãi... cho đến khi đập vào đá tan xác ra. Nó nằm lại đó, tắt thở, nhưng... được tự do.

3 nhận xét:

  1. Cuộc đời và cái chết của ngựa hoang là khúc tráng ca. Thật đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc những câu chuyện về loài vật mà nhiều lúc xấu hổ cho con người, ít nhất cũng trong trường hợp của tôi. Một con ngựa còn biết thà chết chứ không chịu mất tự do vậy mà một con người (như tôi) vì miếng cơm, manh áo mà cam chịu kiếp sống gục đầu!

      Xóa