Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Bức thư của người đàn bà không quen - Stefan Zweig


Người dịch: Dương Tường

R…, nhà viết tiểu thuyết thời thượng, trở về Viên từ sáng sớm, sau ba ngày đi chơi núi. Ông ta mua một tờ báo ở nhà ga, ông ta chợt nhìn thấy ngày tháng ghi trên báo và bèn nhớ ra rằng hôm nay là sinh nhật mình. Bốn mươi mốt tuổi, ông nghĩ thầm, và ông thấy không vui mà cũng chẳng buồn. Ông giở liên tục những trang báo sột soạt rồi thuê tắc-xi về nhà.
Người hầu, sau khi thưa lại rằng trong khi ông vắng nhà, có hai vị khách đến thăm và mấy người gọi dây nói, mang thư từ giấy má trình ông trên một cái khay. Nhà văn uể oải nhìn những bức thư và bóc mấy cái phong bì mang tên những người ông quan tâm. Mới đầu ông gạt sang bên một bức thư có vẻ quá dày và nét chữ là lạ đối với ông. Trà dọn ra, ông chễm chệ tỳ tay ngồi trên ghế bành, lướt qua tờ báo một lần nữa cùng vài tài liệu in. Cuối cùng ông châm một điếu thuốc lá và cầm lấy bức thư đã gạt sang bên.
Tất cả vào khoảng trên hai mươi trang giấy, viết vội vàng bằng nét chữ xao xuyến của đàn bà, một bản thảo thì đúng hơn là một bức thư. Bất giác ông nắn thử phong bì một lần nữa xem có sót chiếc phiếu gửi nào trong đó không. Nhưng phong bì rỗng không và cũng như những tờ thư, nó không có địa chỉ người gửi hoặc chữ ký nào hết. Thật kỳ lạ, ông ta nghĩ bụng và lại cầm những tờ giấy lên, Như một tiêu đề, trên đầu trang một, có dòng chữ sau đây “Gửi anh, người chưa bao giờ quen biết em”. Ông ta dừng lại kinh ngạc. Có phải thư viết cho ông không nhỉ? Hay là cho một người tưởng tượng nào đó? Trí tò mò bừng dậy và ông bắt đầu đọc:

Con em chết hôm qua; ba ngày ba đêm ròng rã, em đã vật lộn với cái chết để cứu lấy cuộc sống bé bỏng non tơ ấy, suốt 40 tiếng liền, em cứ ngồi ở đầu giường nó, trong khi cơn ốm làm cái thân hình tội nghiệp sốt hầm hập của nó run bắn lên. Em rấp nước trên trán bỏng giãy, cả ngày đêm, em nắm lấy đôi bàn tay nhỏ xíu run rẩy của nó. Đến tối hôm thứ ba thì em kiệt sức. Mắt em không cưỡng nổi, cứ díp lại lúc nào không biết. Thành thử em ngủ thiếp đi trên ghế 3, 4 tiếng đồng hồ và trong thời gian đó, thần chết đã cướp con em đi mất. Bây giờ, nó nằm đây, thằng bé tội nghiệp thân yêu, trong cái giường con nít chật hẹp, y nguyên như lúc nó chết; có điều là người ta đã vuốt mắt cho nó, đôi mắt đen sẫm tối và thông minh của nó; người ta đã đặt hai tay nó chắp lên trên chiếc sơ mi trắng và bốn ngọn bạch lạp đang cháy le lói ở 4 góc giường.
Em không dám nhìn, em không dám đụng đậy, bởi vì hễ ánh sáng lúng liếng đi thì những vệt bóng lại lướt trên mặt nó và em tưởng như nét mặt nó hoạt động và em có thể ngỡ rằng nó không chết, rằng nó sắp sửa thức dậy, cất cái giọng trong trẻo nói với em vài lời âu yếm trẻ thơ. Nhưng em biết, nó chết rồi, và em không muốn nhìn để khỏi tiếp tục hy vọng và để khỏi phải thất vọng một lần nữa. Em biết, em biết lắm, con em đã chết hôm qua; bây giờ em chỉ còn có mình anh trên đời, chỉ còn mình anh, mà anh thì không biết gì về em và có lẽ giờ đây đang vui chơi không hay không biết gì hết, hoặc đang tiêu khiển với mọi người mọi vật. Em chỉ có anh, anh, người chưa từng bao giờ biết đến em, người mà em yêu suốt cả cuộc đời.
Em lấy cây nến thứ năm và em đặt nó lên bàn nơi em ngồi viết cho anh. Bởi vì em không thể ngồi một mình với đứa con chết mà không kêu lên bằng cả tâm hồn, và, vào cái giờ khủng khiếp này, em còn biết nói với ai, nếu không nói với anh, người đã từng là tất thảy đối với em và hiện vẫn là tất thảy đối với em?
Em không hiểu em nói thế có rõ không, có thể anh không hiểu em chăng? Đầu em nặng trịch; hai thái dương em đập dồn và ong ong; chân tay em ê ẩm. Em cho là em bị sốt; và có lẽ lại cúm cũng nên, bệnh cúm hiện đang lảng vảng ở cửa nhà này sang cửa nhà nọ, và nếu thế thì càng hay, vì em sẽ đi với con em và không bắt buộc phải cố gắng tự chủ nữa. Luôn luôn có một tấm màn sẫm tối lướt qua trước mắt em; có lẽ em sẽ không đủ sức viết hết bức thư này đâu; nhưng em muốn thu thập hết sức lực của mình lại để nói chuyện với anh một lần, chỉ một lần này thôi, anh vô vàn thương yêu, người chưa từng bao giờ biết đến em.
Em chỉ muốn nói với riêng mình anh thôi, chính anh là người đầu tiên em sẽ tâm sự hết mọi chuyện: anh sẽ biết hết cuộc đời em, cái cuộc đời xưa nay vẫn là của anh mà anh chẳng hay biết một tí gì cả. Những điều bí mật của em, anh sẽ chỉ biết khi nào em chết rồi, khi nào anh sẽ không phải trả lời em, khi nào mà cái đang làm cho chân tay em vừa lạnh giá vừa nóng hừng hực sẽ dứt khoát mang em đi vĩnh viễn. Nếu em sống sót, em sẽ xé bức thư này đi và em sẽ tiếp tục im lặng như ngày xưa em vẫn im lặng. Nhưng nếu thư này đến tay anh thì anh sẽ biết rằng một người đàn bà đã chết kể chuyện đời mình với anh, cái cuộc đời vốn là của anh từ giờ đầu tiên cho đến giờ chót còn tỉnh táo của cô ta. Anh đừng có sợ những lời em nói: một người đàn bà đã chết không còn đòi hỏi gì nữa hết; cô ta không đòi hỏi tình yêu, không đòi hỏi thương hại, cũng không đòi an ủi. Điều duy nhất em xin anh, là anh hãy quên tất cả những gì mà nỗi đau em đang tìm phương ẩn náu nơi anh sắp bộc lộ ra đây. Hãy tin tất cả những lời em nói, đó là lời cầu xin duy nhất của em đối với anh: người ta không nói dối vào cái giờ đứa con độc nhất của mình chết.

*
*   *

Em muốn bộc bạch với anh về cả cuộc đời em, cái cuộc đời chỉ thực sự bắt đầu từ ngày em biết anh. Trước đó, nó chỉ là cái gì mập mờ và hỗn độn mà ký ức của em không bao giờ quay trở lại; nó giống như một cái hầm tối, trong đó bụi và mạng nhện phủ đầy lên những đồ vật và những con người đường nét mờ ảo không còn để lại chút gì trong trái tim em nữa. Khi biết anh, em mới mười ba tuổi và ở cùng ngôi nhà hiện anh vẫn đang ở, ngôi nhà trong đó anh đang cầm trên tay lá thư này, chút hơi thở cuối cùng của đời em, em ở cùng một tầng gác, ngay trước cửa phòng anh đó. Chắc chắn anh chẳng còn nhớ gì về gia đình em nữa, về người vợ góa tội nghiệp của một công chức sở tài chính (bao giờ cũng mặc đồ tang) và đứa con gái gầy gò thân hình chưa phát triển là em hồi bấy giờ; mẹ con em sống ru rú trong cái xoàng xĩnh của loại người nghèo hèn. Có lẽ anh chẳng bao giờ biết họ tên mẹ con em bởi vì trên cửa nhà em không hề có biển đề tên, chẳng có ai đến chơi nhà em, chẳng có ai đến hỏi mẹ con em. Thuở đó, xa xăm lắm, mười lăm mười sáu năm rồi. Chắc chắn anh chẳng còn nhớ nữa, anh yêu thương của em nhưng em thì chao ôi! Em nhớ đến mơ cuồng từng chi tiết nhỏ nhất: em vẫn còn đinh ninh, như mới hôm qua, cái ngày, thậm chí cả giờ phút, mà em được nghe nói đến anh lần đầu, được trông thấy anh lần đầu và làm sao có thể khác được hả anh bởi vì chính đó là lúc mà cả vũ trụ mở ra đối với em? Anh yêu, cho phép em kể lại với anh tất cả, phải, tất cả từ đầu đến cuối; em van anh, hãy rủ lòng đừng mệt mỏi vì phải nghe em kể về em trong mười lăm phút đồng hồ, em, người đã suốt một đời yêu anh không biết mệt mỏi.

*
*   *

Trước khi anh đến ngôi nhà này, đằng sau cánh cửa phòng anh là những con người độc ác, đáng ghét và hay cãi lộn. Vốn nghèo khổ, điều họ ghét nhất là những người hàng xóm bần hàn, là chính mẹ con em đây. Bởi lẽ mẹ con em không muốn có gì giống với sự thô tục kiểu người nghèo vô tư cách của họ. Người chồng là một gã nghiện rượu hay đánh vợ; mẹ con em đang đêm cứ thức giấc luôn vì tiếng ghế quăng mạnh trên sàn, tiếng đĩa bị đập vỡ loảng xoảng; có lần, người vợ bị đánh máu me đầm đìa, đầu tóc rũ rượi, chạy xuống cầu thang; gã say cứ hò hét đằng sau cho đến khi hàng xóm phải dọa đi gọi cảnh sát mới thôi. Thoạt đầu, mẹ em tránh mọi quan hệ với họ và cấm em không được trò chuyện với con cái họ, bọn này tìm mọi cơ hội để trả thù em. Khi gặp em ngoài phố, chúng đi theo văng ra những lời tục tĩu và một hôm, chúng lấy những nắm tuyết to tướng đánh em chảy máu trán. Cả nhà theo bản năng, đều ghét bọn người đó và cho đến một hôm có chuyện không hay xảy đến với họ - hình như người chồng bị bỏ tù vì tội ăn cắp - và họ phải cuốn gói thì chúng em đều thở phào. Trong một vài ngày, tấm biển yết cho thuê được treo trước cửa nhà rồi được cất đi và chẳng mấy chốc bác gác cửa cho biết là một nhà văn, một quý ông điềm đạm và có một mình, đã thuê căn phòng đó. Chính đó là lúc em được nghe nhắc đến tên anh lần đầu.
Được mấy ngày sau, thợ sơn, thợ vữa, thợ trang trí, phủ tường, kéo đến tu sửa căn phòng vừa thoát khỏi đám chủ cũ bẩn thỉu; chỉ toàn thấy tiếng búa, tiếng dụng cụ, tiếng cọ rửa, nhưng mẹ em chẳng hề lấy thế làm phiền vì mẹ em bảo thế là cuối cùng, những cảnh vợ chồng cãi lộn om xòm đã chấm dứt hẳn. Bản thân anh thì trong suốt thời gian dọn nhà, em chẳng hề thấy đâu; mọi công việc đều do người của anh trông nom, cái bác người hầu thấp bé rất nền nã, nghiêm nghị, tóc hoa râm, đường hoàng bảo ban mọi sự với phong thái đĩnh đạc và tự tin. Bác ta gây ấn tượng mạnh đối với tất cả bọn em, trước hết bởi vì trong cái ngôi nhà ngoại ô này của chúng em, một người hầu đường bệ mang hơi hướng xã hội thượng lưu, quả là một cái gì hoàn toàn mới mẻ. Thứ nữa, bởi vì bác ta hết sức lễ độ với mọi người mà vẫn không cá mè một lứa với đám đầy tớ. Ngay từ hôm đầu, bác đã kính cẩn chào mẹ em như một phu nhân và ngay cả đối với em lúc đó chỉ là một con bé con, bao giờ bác cũng tỏ ra hòa nhã và rất lịch sự. Khi bác nhắc đến tên anh, bao giờ cũng là vẻ hơi cung kính, một sự trân trọng đặc biệt. Người ta thấy ngay rằng bác ta gắn bó với anh hơn nhiều so với quan hệ chủ - tớ thông thường. Ôi! Vì điểm đó mà em yêu bác ấy biết bao, bác Jăng đôn hậu, mặc dù em vẫn ghen với bác là luôn luôn được ở bên anh, hầu hạ anh!
Em kể cho anh tất cả những cái đó, anh thương yêu, tất cả những điều vặt vãnh đó, gần như là kỳ cục, để anh hiểu làm sao ngay từ đầu anh đã có một uy lực đến thế đối với con bé nhút nhát rụt rè là em lúc bấy giờ, ngay cả trước khi anh bước vào cuộc đời em, xung quanh anh như tỏa ra một vòng hào quang, một vòng hào quang phú quý, dị thường và huyền bí; tất cả mọi người trong ngôi nhà ngoại ô này (những người sống một cuộc sống chật hẹp bao giờ cũng tò mò muốn biết mọi cái mới mẻ qua trước cửa nhà họ) đều nóng lòng nóng ruột chờ anh tới. Và sự tò mò về anh thức dậy trong em mới tăng lên biết nhường nào, khi một buổi chiều đi học về, em nhìn thấy trước cửa nhà một cỗ xe chở đồ đạc! Phần lớn những bàn ghế, giường tủ, những thứ nặng nề nhất đã được khuân vào phòng và lúc bấy giờ người ta đang chuyển những thứ nhẹ hơn. Em cứ đứng ngây ở bậc cửa để ngắm nghía được hết mọi thứ vì tất cả đồ đạc của anh đối với em đều lạ lẫm quá, em chưa từng thấy gì tương tự như thế bao giờ; nào hình thánh Ấn Độ, nào tượng Ý, nào những bức tranh lớn lộng lẫy, rồi cuối cùng cơ man nào là sách, nhiều quá, đẹp quá đến mức em không sao tưởng tượng nổi cái gì giống như vậy đưọc. Người ta chất đống tất cả lên bậc cửa và bác hầu phòng lần lượt cầm lấy từng quyển một, thận trọng phủi bụi bằng một cái phất trần. Em tò mò lượn quanh chồng sách cứ cao dần lên; bác hầu phòng không xua em nhưng cũng không khuyến khích em, thành thử em không dám sờ đến quyển nào cả, mặc dầu em rất muốn vuốt ve những tấm bìa da mềm mại của nhiều cuốn trong số đó. Em chỉ nghiêng ghé nhìn được tên sách, một cách sợ sệt, trong đống ấy có những sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và những thứ tiếng em không biết. Em có thể cứ đứng hàng giờ nhưng mẹ em gọi về.
Cả buổi tối em bắt buộc phải nghĩ đến anh, tuy nhiên em chưa hề trông thấy anh. Em chỉ có mươi mười lăm cuốn sách rẻ tiền đóng bìa các-tông đã mòn xơ mà em quý hơn mọi thứ và đọc đi đọc lại không ngừng; từ lúc đó trở đi, một ý nghĩ ám ảnh em là làm sao biết được con người có trong tay và đã đọc hàng ngàn cuốn sách đẹp như thế, con người biết tất cả các thứ tiếng ấy, con người vừa giàu có vừa uyên bác ấy. Đối với em, một sự kính trọng siêu phàm gắn liền với cái ý nghĩ về vô vàn cuốn sách đó. Em tưởng tượng anh là một người có tuổi, đeo kính, râu dài bạc trắng, giống như giáo sư địa lý của chúng em, có điều là đáng yêu hơn, đẹp và hiền dịu hơn; em không hiểu tại sao ngay bấy giờ em đã tin chắc là thế, nhưng nhất định anh phải đẹp, cho dù em có tưởng tượng anh là một ông già chăng nữa. Đêm hôm ấy, chưa biết anh mà em đã mơ đến anh lần đầu.
Ngày hôm sau, anh đến ở hẳn căn phòng, nhưng mặc dù cố công rình ngóng, em vẫn không trông thấy anh; nỗi tò mò của em lại càng tăng gấp bội. Cuối cùng, ngày thứ ba, em thấy anh và nỗi ngạc nhiên của em mới sâu sắc biết bao khi nhận thấy anh hoàn toàn khác với tưởng tượng của em, không có gì giống với hình ảnh Đức Chúa Cha mà em đã hình dung ra một cách trẻ con! Em đã mơ đến một ông già đôn hậu đeo kính, vậy mà anh lại thế này, vẫn hệt như anh bây giờ, anh, con người bất biến mà năm tháng cứ trượt đi không sao phạm tới được! Anh mặc một bộ quần áo thể thao đẹp mê hồn, màu nâu nhạt, và anh chạy thoăn thoắt lên cầu thang, nhanh nhẹn như trẻ con, bao giờ cũng nhảy hai bậc một. Anh cầm mũ trong tay và như thế, với một nỗi kinh ngạc khôn xiết tả, em ngắm bộ mặt đầy sức sống, ngời ngời của anh với mái tóc thanh xuân; quả thực em đã giật thót người vì kinh ngạc khi thấy anh trẻ biết bao, đẹp biết bao, mềm mại, thon thả và tao nhã biết bao. Mà cái đó chẳng có gì là lạ: ngay từ giây phút đầu tiên, em đã cảm thấy rất rõ ràng điều mà mọi người cũng cảm thấy như em khi thấy dáng anh, điều mà người ta hơi ngỡ ngàng cảm thấy theo một cách duy nhất: ở anh, có hai con người, một chàng trai trẻ nồng nhiệt, vui tươi, lao hết mình vào vui chơi và phiêu lưu, và đồng thời, trong nghệ thuật, lại là một tính cách nghiêm túc triệt để, trung thành với phận sự, học rộng và tinh tế vô cùng. Em linh cảm thấy cái mà mọi người đoán ra trước khi biết anh: là anh sống một cuộc sống lưỡng diện, một cuộc sống mà mặt sáng quay thẳng về phía thế gian, trong khi mặt kia chìm trong bóng tối, chỉ có riêng mình anh biết mà thôi. Cái tính chất lưỡng diện sâu sắc ấy, điều bí mật của cuộc đời anh, con bé mười ba tuổi là em lúc bấy giờ, bị anh thu mất hồn, đã cảm thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Anh yêu của em, thế là anh đã biết hồi ấy anh là điều kỳ diệu như thế nào với em - phải đối với em, một con bé con. Một con người được kính trọng vì viết sách, vì nổi tiếng rộng rãi trong thế gian - thế mà đột nhiên hiển hiện ra trong dáng nét của một chàng trai trẻ hai mươi lăm tuổi tao nhã và vui tươi như chú bé! Em có phải nói thêm với anh rằng từ hôm đó trở đi, trong ngôi nhà của chúng mình, trong cái thế giới bé con của em, không còn có gì làm em quan tâm nữa ngoài anh ra, rằng, với tất cả cái bướng bỉnh và dai dẳng thường xuyên ám ảnh của một con bé 13 tuổi, em chỉ còn có một điều lo toan duy nhất: xoay quanh cuộc sống và cuộc đời anh! Em quan sát anh, em quan sát những thói quen của anh, em quan sát những người đến nhà anh, và tất cả những cái đó đáng lẽ làm giảm bớt nỗi tò mò anh đã khơi lên trong em thì lại càng chỉ làm cho nó tăng thêm, bởi vì tính chất lưỡng diện của con người anh hoàn toàn biểu hiện trong đa dạng những cuộc thăm viếng đó. Có những thanh niên, bạn anh, anh cùng họ cười nói rất thoải mái, những sinh viên ăn vận giản dị; rồi lại có những bà đi xe hơi tới; thậm chí một lần có cả ông giám đốc Nhà hát ca kịch - nhà nhạc trưởng lớn mà em thường chỉ trông thấy từ đằng xa, ở giá nhạc của ông ta, mà chỉ nhìn em cũng thấy lòng tràn đầy kính phục; rồi lại có cả những cô bé còn đi học trường thương mại, luýnh quýnh lướt qua cửa phòng: tóm lại rất nhiều phụ nữ. Đối với em cái đó không có ý nghĩa gì đặc biệt, thậm chí một buổi sáng, khi đi học, em thấy một bà đeo mạng kín mít ra khỏi phòng anh cũng thế thôi. Lúc bấy giờ em mới 13 tuổi đầu và chưa hiểu rằng nỗi tò mò say sưa trong việc rình ngóng anh đã là tình yêu rồi, vì em còn bé quá.

*
*   *

Nhưng anh yêu của em, cho đến hôm nay em vẫn còn nhớ đích xác cái ngày, giờ em đã hoàn toàn và vĩnh viễn gắn bó với anh. Bữa ấy em vừa đi chơi với một con bạn cùng trường về và chúng em đang đứng nói chuyện với nhau trước cửa nhà. Một chiếc xe hơi phóng hết tốc lực đến, xe dừng lại và với dáng đi nôn nóng như nhún nhẩy đến bây giờ vẫn làm em say mê rạo rực, anh nhảy từ bậc cửa xuống và đi về phía cửa nhà. Không biết một sức mạnh vô thức nào đã xui khiến em chạy đến mở cửa cho anh: em giao bước anh và chúng mình gần như va phải nhau. Anh nhìn em bằng cái nhìn ấm áp, dịu dàng và bao bọc như một niềm âu yếm, anh mỉm cười với em bằng một nụ cười mà em không thể gọi là cái gì khác ngoài chữ êm ái và anh nói với em bằng một giọng thanh thanh, gần như thân mật: “Rất cảm ơn cô”.
Chỉ có chừng ấy thôi, anh rất yêu thương, nhưng từ giây phút ấy trở đi, từ khi em cảm thấy cái nhìn dịu dàng và êm ái ấy, em đã hoàn toàn thuộc về anh. Về sau em hiểu ra - hẳn là em cũng sớm hiểu ra điều đó thôi - rằng cái nhìn rạng rỡ ấy, cái nhìn như tạo một luồng nam châm quanh anh đó, cái nhìn vừa như bao bọc lại vừa như lột trần người ta ra, cái nhìn của kẻ quyến rũ bẩm sinh ấy, anh đem phân phát một cách hào phóng cho mọi phụ nữ đi qua gần anh, cho mọi cô hầu gái mở cửa cho anh, em đã hiểu ra rằng ở anh cái nhìn đó không có chút gì là ý thức cả, trong đó không có ý chí mà cũng chẳng có quyến luyến, nhưng sự âu yếm cuả anh đối với nữ giới đã hoàn toàn vô hình chung đem lại cho cái nhìn của anh một vẻ dịu dàng, ấm áp mỗi khi anh hướng mắt về phía họ. Nhưng em - một con bé 13 tuổi - em không hay biết một tí gì về nét cá tính đó của anh; em chìm vào con sông lửa. Em ngỡ là niềm âu yếm đó chỉ dành cho em, cho riêng một mình em thôi, cái giây phút độc nhất ấy cũng đủ biến con bé chưa mãn khai là em lúc đó thành một người đàn bà và người đàn bà ấy đã vĩnh viễn là của anh.
“Ai đấy?”, con bạn em hỏi. Em không trả lời nó ngay được. Em không thể nói tên anh ra. Từ cái giây phút đầu tiên, cái giây phút duy nhất ấy, tên anh đã trở thành điều bí mật của em. “Chậc! Một ông cùng ở trong nhà này”, sau đó em ấp úng trả lời một cách vụng về. “Vậy sao cậu lại đỏ rừ mặt lên khi ông ta nhìn cậu thế?”, con bạn em trêu với tất cả cái tinh ma của một đứa bé tò mò. Và chính vì em cảm thấy sự chọc ghẹo của nó nhằm vào điều bí mật của mình, máu em lại càng dồn lên mặt, nóng bừng bừng, ngượng quá hóa thô tục, em hét rầm lên một cách man rợ: “Đồ gà mái Tây ranh con!”, em những muốn bóp cho nó chết ngạt. Nhưng nó lại càng cười già với một vẻ giễu cợt hơn; em tức ứa nước mắt mà không làm gì được. Em bỏ mặc nó đứng đấy và chạy lên nhà mình. Chính giây phút đó, em đã yêu anh. Em biết rằng các bà, các cô vẫn thường nói với anh chữ đó, anh, chú bé cưng của họ. Nhưng hãy tin em, chưa ai từng yêu anh mãnh liệt - như một con nô lệ, như một con chó - và tận tâm bằng cái con người lúc đó là em và đến bây giờ, đối với anh, em vẫn nguyên vẹn như là như thế. Trên đời này, ko có cái gì so được với cái mảnh tình không ai thấy được của một con bé thu mình lại trong bóng tối; tình yêu đó rất đỗi vô tư, nhẫn nhục, phục tòng, chăm chút và say mê đến nỗi không bao giờ cái tình yêu bằng dục vọng và dù sao cũng nhiều đòi hỏi, của người đàn bà đến độ mãn khai, có thể sánh kịp. Chỉ có những đứa trẻ cô đơn mới có thể giữ gìn cho mình tất cả niềm say mê; những đứa khác phân tán tình cảm vào những câu chuyện phiếm và làm nó mòn đi trong những cuộc tâm sự; chúng nghe nói nhiều về tình yêu, thấy điều đó trong sách vở và biết rằng đó là một quy luật chung. Chúng chơi đùa với tình yêu như với cái xủng xoẻng, chúng lấy thế làm hãnh diện như một chú bé hãnh diện với điếu thuốc lá đầu tiên. Nhưng em thì chả có ai mà tâm sự, em chả có ai bảo ban, dạy dỗ dè chừng, em chưa từng trải và ngu dốt; em lao đầu vào số mệnh mình như lao xuống một vực thẳm.

*
*   *

Tất cả những gì trào lên và nở rộ trong em chỉ còn biết có anh, chỉ còn mơ đến anh và lấy anh làm người tâm sự.
Ba em mất đã lâu; mẹ em thì xa lạ đối với em, mẹ lúc nào cũng rầu rĩ, trĩu xuống với những lo âu của người quả phụ chỉ có số tiền tuất để sinh sống, bọn con gái ở trường, đã gần như sa đọa, làm em ghê tởm, vì chúng nó thường nhởn nhơ đùa rỡn với cái là niềm say mê tối thượng đối với em. Cho nên tất cả những gì ở chỗ khác xé lẻ ra, phân chia ra, thì ở nơi em chỉ họp thành một khối, và cả con người em, kết đọng lại trong bản thân nó, luôn luôn sôi sục một nỗi cuồng nhiệt xao xuyến, hướng về anh. Đối với em, anh là … em biết nói thế nào đây? Mọi sự so sánh đều quá yếu - anh là ... chính thế ... là tất cả đối với em, là cả cuộc đời em, không có cái gì tồn tại đối với em nếu nó không dính líu đến anh; không có gì trong cuộc sống của em còn có ý nghĩa nếu nó không đưa em xích lại gần anh. Anh đã làm thay đổi đến gốc rễ cách sống của em. Từ trước đến giờ, vốn hững hờ và thuộc loại học xoàng ở trường, em bỗng trở thành học sinh đứng đầu lớp; em đọc hàng trăm cuốn sách, đọc rất khuya, bởi vì em biết anh yêu thích sách; đùng một cái, em bắt đầu lao vào tập piano với một sự kiên trì hầu như không tưởng tượng nổi khiến mẹ em rất ngạc nhiên chỉ vì em nghĩ là anh yêu âm nhạc. Em vá víu lại quần áo, em chăm chút bộ cánh chỉ cốt để có vẻ sạch sẽ và ưa nhìn trước mắt anh; và cứ nghĩ đến chiếc áo blu đi trường (đó là một cái áo mặc trong nhà của mẹ em chữa lại) có một miếng vá vuông vuông ở bên trái, em lại thấy thật bỉ ổi. Nhỡ ra tình cờ anh nhìn thấy mụn vá ấy, anh khinh em thì sao? Chính vì thế mà bao giờ em cũng khư khư ôm chặt lấy cặp sách khi chạy lên cầu thang gác, run lên vì sợ. Nỗi sợ hãi ấy thật vô nghĩa lý vì chẳng bao giờ, gần như chẳng bao giờ anh còn nhìn đến em nữa.
Và mặc dầu vậy, nói thật tình, suốt ngày, em chỉ chờ anh, rình ngóng anh. Ở cửa phòng nhà em có một lỗ cửa nhỏ bằng đồng mầu vàng, có thể ghé mắt qua cái ô kính tròn tròn của nó nhìn thấy mọi sự diễn ra trên sàn cầu thang, cho đến tận cửa phòng anh. Cái ô cửa đó – không, anh yêu của em, anh đừng cười; đến tận hôm nay em vẫn chẳng thấy xấu hổ gì về những giờ đó cả! – cái ô cửa đấy đối với em chính là con mắt em dùng để khám phá vũ trụ; nơi đó, ròng rã hàng tháng, hàng năm trời, trong căn phòng chờ lạnh giá, lúc nào cũng sợ mẹ em sinh nghi, em ngồi rình hết chiều này đến chiều khác, một cuốn sách trên tay, căng thẳng như một sợi dây vĩ cầm và cũng ngân rung như một sợi dây vĩ cầm khi được sự hiện diện của anh chạm đến. Luôn luôn em bận bịu vì anh, luôn luôn chờ đợi và ngồi đứng không yên; nhưng nào anh có biết, cũng như anh chẳng hề biết đến cái lò xo căng thẳng của chiếc đồng hồ anh mang trong túi, trong bóng tối nó kiên nhẫn đo đếm những giờ khắc của anh và điểm theo bước chân anh bằng một nhịp tim đập thầm thì trong khi con mắt vội vã của anh chỉ lơ đãng lướt qua nó có một lần duy nhất trong số hàng triệu tích tắc thao thức hoài không ngơi. Em biết mọi thứ về anh, từng chiếc ca vát của anh, từng bộ quần áo của anh; em biết và mau chóng phân biệt được mỗi người khách đến thăm anh và em chia họ ra làm hai loại: những người em có thiện cảm và những người em có ác cảm; từ năm mười ba đến năm mười sáu tuổi, không có một giờ nào em không sống trong anh. Ôi! Hồi đó em còn có cái trò rồ dại nào mà em không làm nữa! Em hôn cái quả đấm cửa anh đã chạm tay vào, em nhặt trộm một mẩu xì gà anh vứt đi trước khi vào nhà, nó rất thiêng liêng đối với em vì anh đã đặt môi lên đó. Tới tối em viện mọi cớ xuống dưới đường tới hàng trăm lượt để xem gian buồng nào của anh được thắp sáng và do đó, cảm thấy cụ thể hơn sự có mặt vô hình của anh. Và trong những tuần lễ anh đi xa - cứ nhìn thấy bác Jăng phúc hậu mang cái túi du lịch mầu vàng của anh xuống là tim em ngừng đập vì sợ hãi - trong những tuần đó cuộc đời của em như chết rồi, không còn mục tiêu gì cả. Em đi đi lại lại, cáu kỉnh, phiền muộn, dữ tợn mà lúc nào cũng phải đề phòng sao cho mẹ em đừng để ý thấy nỗi tuyệt vọng cùng đôi mắt ướt lệ của em.

*
*   *

Em biết rằng những điều em kể với anh đây chỉ là những phấn khích lố bịch và những trò rồ dại của con nít. Đáng lẽ em phải lấy làm xấu hổ, bởi vì không lúc nào tình yêu của em đối với anh lại trong trắng và say mê hơn trong những cơn thái quá trẻ con ấy. Em có thể kể cho anh nghe hàng giờ, hàng ngày liền là hồi ấy em đã sống với anh như thế nào, với anh, người hầu như chưa biết mặt em. Bởi vì những lúc gặp anh trên cầu thang không có cách nào tránh được do sợ cái nhìn cháy bỏng của anh, em thường cắm đầu chạy vụt qua như một người sắp lao xuống nước, tất cả chỉ là để anh khỏi thấy má em đỏ bừng lên. Em có thể kể cho anh nghe hàng giờ, hàng ngày liền về những năm tháng ấy mà anh đã quên từ lâu; em có thể giở từng tờ cuốn lịch đời anh; nhưng em không muốn làm anh phiền lòng, em không muốn dày vò anh. Em chỉ muốn thổ lộ thêm với anh về cái sự kiện tốt đẹp nhất thời trẻ thơ của em và em xin anh đừng có chế giễu sự vô nghĩa lý của nó, bởi vì đối với em lúc đó hãy còn bé, nó lại là một cõi vô cùng vô tận. Đó là một ngày chủ nhật, anh đang đi xa, và người lão bộc của anh kéo những tấm thảm nặng vừa rũ bụi xong qua cửa phòng anh. Ông lão phúc hậu khuân ì ạch một cách vất vả, em đánh bạo lại gần xin giúp bác một tay. Bác ấy ngạc nhiên nhưng rồi đồng ý để em làm, và do đó, em được thấy - Ôi! Em muốn nói với anh rằng em đã chiêm ngưỡng với biết bao thành kính tôn sùng - em được thấy bên trong phòng anh, thế giới của anh, cái bàn anh ngồi viết, trên đó có vài bông hoa cắm trên một bình pha lê xanh lơ, đồ đạc của anh, những bức tranh, sách vở của anh. Đó chỉ là một cái nhìn lén thoáng qua vào cuộc đời anh. Bởi vì chắc chắn bác Jăng trung thành của anh sẽ cấm em nếu em định đi sâu vào nữa; nhưng chỉ thế thôi cũng đủ cho em hấp thụ hết cái không khí đó và cung cấp đủ dự trữ cho em mơ hoài mơ huỷ vô cùng tận đến anh trong những giờ thao thức và trong giấc ngủ triền miên.
Cái phút ngắn ngủi đó là hạnh phúc nhất trong thời thơ trẻ của em. Em muốn kể lại cho anh, để anh, người không hề biết đến em, bắt đầu hiểu một cuộc đời đã gắn bó với anh đến mức tiêu tan trong anh như thế nào.

*
*   *

Em muốn kể lại giờ phút đó cùng với một giờ phút khác nữa, rất gần kề mà than ôi, xiết bao khủng khiếp! Như em đã nói với anh, em đã quên mọi thứ vì anh, em không nhòm ngó đến mẹ em và chẳng quan tâm đến ai, em không nhận thấy rằng một ông lớn tuổi, một thương gia ở Inxpruck, họ xa đằng bố em, dạo đó thường đến thăm mẹ em luôn và thường ở lại chơi lâu; trái lại, em lại thích thế vì ông ta hay đưa mẹ đi xem hát, do đó em có thể một mình ngồi nghĩ đến anh và rình ngóng anh, điều diễm phúc lớn nhất và duy nhất của em. Thế rồi một hôm, mẹ gọi em vào phòng vẻ khá trịnh trọng và bảo có chuyện cần nói với em một cách nghiêm túc. Em tái mặt đi và tim bắt đầu đập như trống làng, mẹ ngờ ngợ điều gì chăng, mẹ đoán ra rồi chăng? Ý nghĩ đầu tiên của em là về anh, cái bí mật nhờ đó mà em tiếp xúc được với thế giới. Nhưng chính mẹ em cũng bối rối, mẹ ôm hôn em, điều mà mẹ chưa từng làm - hôn đằm thắm. Một lần, hai lần, mẹ kéo em lại ngồi cạnh mẹ trên ghế sô-pha rồi bắt đầu ngập ngừng và rụt rè kể rằng ông bác họ kia của em vốn goá vợ, đã ngỏ lời cầu hôn với mẹ và mẹ đã quyết định nhận lời; chủ yếu vì lợi ích của em. Máu em dồn về tim mạnh hơn, một ý nghĩ duy nhất dội lại trong thâm tâm em, hoàn toàn hướng về anh.
- “Nhưng mẹ con ta vẫn ở lại đây chứ?” - Em khó nhọc lắm mới ấp úng hỏi được như thế.
- “Không, chúng ta sẽ về Inxpruck, ở đó, Ferdinan có một toà biệt thự rất đẹp”.
Em không nghe thấy gì thêm nữa, mắt em tối sầm lại. Về sau, em được biết là em đã ngất đi, em nghe thấy mẹ em kể với ông chồng tương lai, lúc đó đứng chờ đằng sau cửa, rằng em đã lùi lại bất thình lình, hai tay dang ra rồi đổ xuống như một khối chì. Những điều xảy ra trong những ngày tiếp theo và em, một con bé yếu đuối, đã vùng vẫy chống lại ý chí áp đảo của họ như thế nào, em không thể kể cho anh nghe được chỉ nghĩ đến những cái đó, tay em vẫn còn run lên khi viết cho anh đây. Vì không nói ra được điều bí mật thật sự của mình, sự kháng cự của em có vẻ chỉ là tính ương bướng, độc ác và thách thức, không ai nói gì với em nữa, mọi sự cứ tiến hành sau lưng em. Người ta lợi dụng những giờ em đi học để thu xếp việc dọn nhà, mỗi lần em ở trường về, đều thấy có cái gì mang đi rồi hoặc đem bán. Thành thử em thấy căn phòng tan đi từng mảnh một, đồng thời cuộc đời em cũng vậy, cuối cùng một hôm khi về ăn trưa, em thấy những người gói gồ đã đến khuân hết đi. Trong những căn buồng trống rỗng là những cái hòm sẵn sàng khởi hành cùng hai cái sập cho mẹ em và em. Hai mẹ con còn phải ngủ ở đó một đêm nữa, đêm cuối cùng và hôm sau sẽ lên đường về Inxpruck.
Trong cái ngày cuối cùng đó, em cảm thấy với một niềm quả quyết đột ngột, rằng em không thể sống xa anh được. Em không thấy cứu tinh nào khác ngoài anh. Em không thể giải thích được làm sao cái ý nghĩ đó lại đến trong đầu em và đúng ra liệu em có khả năng suy nghĩ tinh tường trong những giờ tuyệt vọng đó hay không, nhưng đột nhiên - lúc ấy mẹ em vắng nhà - em đứng dậy và cứ mặc nguyên quần áo học sinh như thế, em đi về phía anh. Hay nói cho cùng thì không phải thế, chữ “đi” không chính xác, đúng hơn, một sức mạnh nam châm hút em về phía cửa phòng anh, hai chân cứng đờ, các khớp xương run rẩy. Em vừa định nói với anh rằng em không biết rõ em muốn gì nữa; phủ phục dưới chân anh, và xin anh giữ em lại làm con hầu, làm nữ tỳ, và em rất sợ là anh cười cái cuồng tín ngây thơ của một con bé 15, nhưng anh yêu của em, hẳn anh sẽ không cười nếu anh biết lúc bấy giờ em ở tình trạng như thế nào, đứng ngoài hành lang lạnh giá, sợ cứng người và mặc dầu thế vẫn bị một sức mạnh không thể tưởng tượng nổi thúc đẩy về phía trước, nếu anh biết em đã rứt cánh tay - có thể nói thế đấy - đã rứt cánh tay run rẩy ra khỏi mình thế nào để giơ nó lên và - đây là một cuộc đấu tranh kéo dài trong những giây kinh khủng tưởng như đằng đẵng một thiên thu - ấn vào cái nút trên cánh cửa. Đến tận ngày hôm nay, em vẫn thấy vẳng trong tai tiếng chuông rền rồi phút im lặng tiếp theo. Trong khi tim em chững lại, máu em thôi không tuần hoàn nữa và em chỉ còn ngong ngóng xem anh có ra không.
Nhưng anh đã không ra. Không có ai ra cả. Hẳn là chiều hôm ấy anh đi chơi và bác Jăng cũng chạy quanh có việc; và thế là em loạng choạng trở về - với trong đôi tai ong ong tiếng chuông rền - quay vào căn phòng đảo lộn và trống tuếch, em kiệt sức gieo mình xuống một tấm chăn du lịch, đi có mấy bước ấy thôi mà mệt như vừa lặn lội hàng giờ qua một lớp tuyết dày. Nhưng bên dưới cơn mệt ấy, cháy bỏng cái quyết tâm vẫn còn cuồng nhiệt là phải gặp anh và nói chuyện với anh trước khi bị giằng đi khỏi nơi này. Em thề với anh rằng trong đó không hề có mảy may ý nghĩ nhục dục nào; dạo ấy em còn chưa biết gì chính bởi em không nghĩ đến gì khác ngoài anh ra; em chỉ muốn trông thấy anh, trông thấy anh lần nữa, níu chặt lấy anh. Suốt đêm, suốt cái đêm dài khủng khiếp ấy, anh yêu thương của em ạ, em đã chờ anh.
Mẹ em vừa nằm vào giường và ngủ thiếp đi là em lẻn ngay ra phòng chờ để ngóng tiếng anh trở về. Em đợi suốt đêm và và đó là một đêm tháng giêng giá buốt. Em mệt nhoài, chân tay đau như giần, không có cái ghế nào mà ngồi: em bèn nằm luôn ra sàn lạnh có gió lùa từ cửa ra vào. Em cứ nằm như thế, rét cóng, thân mình ê ẩm, trên người chỉ có bộ quần áo mỏng vì em không mang chăn ra theo; em không muốn ấm quá sợ ngủ quên đi mất, không nghe thấy tiếng chân anh. Ôi! Cái nỗi đau đớn em cảm thấy! Em co ro ép hai bàn chân vào nhau, hai cánh tay em run lên và em bắt buộc phải đứng dậy luôn luôn vì quá lạnh trong cái bóng tối gớm ghiếc này. Nhưng em vẫn đợi anh, em đợi anh, em đợi anh như đợi số mệnh mình.
Cuối cùng - lúc ấy hẳn đã hai, ba giờ sáng - em nghe thấy tiếng cánh cửa dưới nhà mở ra rồi tiếng chân bước lên cầu thang. Cái rét đột nhiên biến mất, một hơi ấm mãnh liệt tràn vào người em và em nhẹ nhàng mở cửa để chạy bổ tới phủ phục dưới chân anh ... Ôi! Quả thật em không biết là cái con bé điên là em bấy giờ, có thể làm những gì nữa! Tiếng chân lại gần, ánh một ngọn nến lay động trên tường. Em run run nắm lấy then cửa: có phải đúng anh đang đến đấy không? Phải, chính là anh, anh yêu của em, nhưng anh không phải chỉ có một mình. Em nghe thấy một tiếng cười nhẹ lâng và vui tươi, tiếng sột soạt một tà áo lụa và giọng anh thì thầm. Anh trở về phòng anh với một người đàn bà...
Làm thế nào em có thể sống sót nổi sau cái đêm đó, em cũng không biết nữa. Tám giờ sáng ngày hôm sau, người ta đem em đi Inxpruck; em chẳng còn hơi sức nào mà kháng cự.

*
*   *

Con em chết đêm qua - từ nay em lại chỉ có một mình, nếu như em còn có thể tiếp tục sống. Ngày mai, những người đàn ông không quen biết, thô lỗ, mặc đồ đen sẽ đến, sẽ mang đến một cái quan tài và họ sẽ bỏ đứa con tội nghiệp, đứa con độc nhất của em vào đó. Có thể bạn bè cũng sẽ đến, mang theo những vòng hoa, nhưng hoa thì làm được gì trên một cỗ quan tài? Họ sẽ an ủi em, họ sẽ nói với em lời này lẽ khác, nhưng tất cả những cái đó thì có ích gì cho em? Em biết vậy, và thế là em lại có thể cô đơn. Và không còn gì đáng sợ hơn là cô đơn giữa những con người.
Điều đó, em đã hiểu ra trong hai mươi bốn tháng đằng đẵng dài bất tận ở Inxpruck, cái thời gian giữa tuổi mười lăm và tuổi mười tám, trong đó em sống như một tù nhân, một kẻ bị ruồng rẫy trong gia đình em. Bố dượng em là một người rất trầm tĩnh, ít nói, đối với em rất tốt như để sửa chữa một bất công ngoài ý muốn, mẹ em tỏ ra ngoan ngoãn làm theo mọi mong muốn của em, những chàng trai xoắn xuýt quanh em nhưng em một mực lồng lộn cự tuyệt tất cả. Em không muốn sống sung sướng, thỏa mãn xa anh và em ngụp vào một cái thế giới u tối tạo nên bởi sự cô đơn và bởi những dằn vặt mà em tự chuốc lấy. Người ta mua cho em những áo mới, đẹp, em không mặc; em từ chối không đi nghe hòa nhạc, xem hát, hoặc tham gia vào các cuộc vui chơi đông đúc, vui vẻ. Họa hoằn lắm em mới ra khỏi nhà: anh yêu, anh có tin rằng trong cái thành phố nhỏ này, nơi em đã sống hai năm trời, em không biết tới mười phố?
Em rầu rĩ và em muốn rầu rĩ như thế; em say sưa với mỗi một mất mát và em cộng thêm vào đó cái mất mát không được thấy anh. Tóm lại em không muốn để mình lãng khỏi nỗi mê cuồng lớn ấy, em chỉ muốn sống trong anh mà thôi. Em cứ ngồi ở nhà hàng giờ liền, hàng ngày liền không làm gì cả ngoài việc nghĩ đến anh, ôn đi ôn lại hoài hàng trăm kỉ niệm em còn giữ được về anh, mỗi một lần gặp, mỗi một lần chờ đợi - và bao giờ cũng mường tượng ra những hồi ngắn ngủi ấy như trên sân khấu. Và chính vì gợi lại không biết bao nhiêu lần mỗi giây phút của quá khứ, mà tất cả thời thơ trẻ của em vẫn còn nóng hổi trong trí nhớ, đến nỗi tận hôm nay, mỗi phút của những năm đó vẫn còn sinh động trong em với tất cả cái cuồng nhiệt và xúc động như thể nó mới chỉ làm máu em giần giật hôm qua thôi.
Dạo ấy em chỉ duy nhất sống trong anh. Em mua tất cả những sách anh viết; khi thấy báo chí nhắc đến tên anh, đó là một ngày hội đối với em. Anh có tin rằng em đọc đi đọc lại hàng bao nhiêu lần những sách của anh đến nỗi thuộc lòng từng dòng không? Ngay hôm nay, ngay bây giờ đây sau mười ba năm, nếu có ai nửa đêm đánh thức em dậy, đọc trước mặt em một dòng giữa quãng trong bất kỳ cuốn sách nào của anh, em vẫn có thể đọc tiếp luôn được như trong một giấc mơ; bởi vì, mỗi lời, mỗi chữ của anh, đối với em, là một thứ kinh phúc âm và một lời cầu nguyện. Tất cả thế gian chỉ tồn tại đối với em trong chừng mực nó liên quan đến anh; em theo dõi mục thông báo các cuộc hoà nhạc và những buổi công diễn đầu tiên đăng trên báo chí thành Viên chỉ cốt để đoán xem anh thích cuộc nào trong số đó, và tối đến, từ xa thẳm, em đi theo anh từng bước, lòng nhủ lòng: bây giờ anh ấy vào trong rạp, bây giờ anh ấy ngồi xuống ghế. Em mơ thế hàng ngàn lần, bởi đã có lần em trông thấy anh trong một buổi hòa nhạc.
Nhưng tại sao em lại kể cho anh những cái đó, cái cuồng tín dữ dội lồng lộn chống lại cả bản thân em, cái cuồng tín tuyệt vọng một cách bi thảm đến thế của một con bé bị bỏ rơi? Tại sao lại đi kể cho một người chưa hề mảy may ngờ đến chuyện đó, chưa hề biết đến chuyện đó? Mà bấy giờ em có còn là một con bé nữa không? Em đã đến tuổi 17, 18 các chàng trai đã bắt đầu ngoảnh lại nhìn em ngoài phố; nhưng họ chỉ làm em bực mình. Bởi lẽ tình yêu, thậm chí chỉ một trò chơi tình yêu đơn thuần, hoàn toàn tưởng tượng, với một người nào khác không phải là anh, cái đó đối với em là một điều không thể quan niệm nổi và em không sao chấp nhận được ý nghĩ đó, chỉ riêng sự cám dỗ đã là một trọng tội dưới mắt em. Lòng em say mê anh vẫn nguyên vẹn như cũ, có điều, nó biến chuyển cùng với thân hình em, chừng nào những giác quan của em thức dậy, thì nó lại càng nồng nhiệt hơn, cụ thể hơn, đàn bà hơn. Và cái hành động mà con bé chưa biết gì không thể ý thức nổi trong cái ý lực mập mờ hỗn độn khi giật chuông cửa phòng anh giờ đây đã thành ý nghĩ duy nhất của em; trao thân cho anh, hiến trọn cuộc đời cho anh.

*
*   *

Những người ở quanh em nghĩ rằng em rụt rè và bảo em là nhút nhát (em không hề hé răng lộ ra điều bí mật của mình). Nhưng trong em đã hình thành ý chí sắt đá. Tất cả ý nghĩ và cố gắng của em vươn về một mục đich duy nhất: trở về Viên, trở về bên anh. Và em đã thành công cưỡng đặt ý chí của mình, mặc dầu nó thật rồ dại, khó hiểu đối với những người khác. Bố dượng em giàu, ông coi em như con đẻ. Nhưng với một sự bướng bỉnh hung dữ, em khăng khăng đòi đi làm để tự nuôi thân, và cuối cùng, em đã được trở về Viên ở nhà một người bà con và làm công cho một hãng may lớn.
Có cần phải nói với anh là em đến đâu trước tiên không? Khi cuối cùng, cuối cùng em về tới Viên vào buổi chiều Thu đầy sương mù ấy? Em để chiếc hòm lại ở nhà ga, em nhảy tót lên một chiếc xe điện, sao mà em thấy nó chạy chậm đến thế! Một chỗ đỗ làm em điên đầu lên và em chạy đến trước cửa nhà anh. Cửa sổ phòng anh sáng đèn, tim em đập rộn cả lên. Chỉ đến lúc bấy giờ em mới tìm lại được cuộc sống trong thành phố này mà trước đó, tất cả sự huyên náo của nó sao mà xa lạ, em mới tiếp tục sống, khi cảm thấy ở gần bên anh - cái ước mơ muôn thuở của em. Em có ngờ đâu rằng ngay cả khi giữa chúng ta là trăm núi ngàn sông, em cũng không xa vời tư tưởng anh hơn lúc đó là mấy, khi mà giữa anh và cái nhìn long lanh của em chỉ có tấm kính sáng đèn của cửa phòng anh. Em nhìn lên trên ấy, bao giờ cũng hướng về trên ấy, nơi đó có ánh lửa, nơi đó là nhà, nơi đó có anh, anh, vũ trụ của em. Hai năm ròng em đã mơ đến cái giờ phút đó, bây giờ em mới được sống với nó. Và suốt buổi tối mùa Thu sương phủ, một buổi tối dài, êm dịu em cứ đứng trước cửa sổ phòng anh cho đến khi đèn tắt. Mãi sau đó, em mới bắt đầu đi tìm ngôi nhà em sẽ ở.

*
*   *

Tối nào, em cũng quay trở lại trước cửa nhà anh. Em làm việc ở cửa hàng đến tận sáu giờ, đó là một công việc nặng nhọc và bận bịu, nhưng em thích nó vì sự náo động ấy khiến cho em cảm thấy cái náo động nội tâm bớt đau đớn. Và, tấm rèm sắt vừa khép xuống đằng sau lưng là em chạy thẳng một mạch đến nơi hẹn hò thân thiết của em. Nhìn thấy anh dù chỉ một lần, gặp anh dù chỉ một lần, đó là mong muốn duy nhất của em; một lần nữa lại có thể đứng từ xa hôn lên mặt anh bằng cái nhìn. Được một tuần lễ thì em gặp anh thật vào cái lúc em không ngờ nhất; trong khi em ngắm những cửa sổ phòng anh trên kia thì anh đi ngang qua đường về phía em đứng. Và bỗng nhiên em lại trở thành con bé mười ba tuổi năm xưa; em cảm thấy máu dồn lên cả hai mắt, mặc dầu lòng thầm mong được nhìn thấy mắt anh, bất giác em cúi đầu xuống và chạy vụt qua trước mặt anh như một con thú bị săn đuổi.
Sau đó em xấu hổ vì đã sợ hãi chạy trốn như cô bé học sinh, bởi lẽ giờ đây ý chí của em đã rõ ràng, em muốn gặp anh, em tìm kiếm anh, em muốn anh nhận ra em sau bao nhiêu năm chìm đắm chờ đợi trong bóng tối, em muốn được anh trân trọng, em muốn được anh yêu.
Trong một thời gian dài, anh không để ý đến em, mặc dầu tối nào cũng vậy, cả trong tuyết xoáy lộn dưới làn gió phũ phàng như dao cắt thịt của thành Viên, em vẫn đứng rình ngoài phố. Nhiều khi em đợi hàng giờ vô ích, nhiều khi cuối cùng anh ra khỏi nhà với các khách khứa; lần khác nữa, em thấy anh đi cùng với bạn nữ và từ đó em hiểu rằng em đã lớn, em cảm thấy tính chất mới mẻ và khác hẳn trong tình cảm của em đối với anh bằng cái giật thót nơi tim làm tan nát tâm hồn em khi em trong thấy một người đàn bà xa lạ khoác tay anh đi sóng đôi đường hoàng đến thế. Em không ngạc nhiên, bởi vì từ những ngày còn nhỏ, em đã biết anh luôn luôn có khách nữ, nhưng giờ đây, đột nhiên, trong em cuộn lên như một nỗi đau thể xác và một cái gì căng ra trong em, vừa hằn học vừa thèm muốn, trước sự thân mật công khai và vật dục ấy với một người đàn bà khác. Dạo ấy, em vốn kiêu kỳ một cách trẻ con và có lẽ bây giờ em cũng vẫn thế, em lánh hẳn đi một ngày; nhưng cái buổi tối tự ái, làm mình làm mẩy không đến nhà anh đó, sao mà nó kinh khủng đối với em! Chiều hôm sau, em đã lại cung cúc trở về vị trí; em đợi anh, em đợi anh hoài, như trong suốt cả số phận, em đã đợi trước cửa đời anh khép chặt không một lối cho em vào.
Và cuối cùng, một chiều, anh đã để ý tới em. Em trông thấy anh đi tới từ đằng xa và em tập trung hết ý chí không né ra khỏi đường anh đi. Tình cờ có một chiếc xe đang dỡ hàng chắn ngang phố, thành thử anh bắt buộc phải đi sát vào gần em. Bất giác, cái nhìn của anh đặt lên em, lơ đãng để rồi, ngay sau đó, khi bắt gặp đôi mắt chăm chú của em - ôi! Lúc đó, nhớ lại mà em rùng cả mình - liền biến thành cái nhìn anh vẫn dành cho phái nữ, cái nhìn âu yếm, vuốt ve và đồng thời thấu suốt tận da thịt, cái nhìn bao quát và chinh phục ngay lần đầu đã biến em từ một đứa bé trở thành đàn bà, trở thành một cô gái đáng yêu. Trong một vài giây đồng hồ, cái nhìn ấy làm mắt em đê mê, không thể và không muốn rời khỏi sức hút của nó, thế rồi anh đi qua. Tim em đập thình thình; bất đắc dĩ em phải chậm bước lại và khi quay lại với một nỗi tò mò không kiềm chế nổi, em trông thấy anh dừng lại và ngó nhìn đằng sau em. Và, qua cái cách anh quan sát em với một vẻ tò mò thích thú, em hiểu ngay là anh đã không nhận ra em.
Anh không nhận ra em, lúc đó cũng như mãi mãi chẳng bao giờ anh nhận ra em cả, làm sao em có thể, ôi anh rất yêu thương. Làm sao em có thể tả cho anh nghe nỗi thất vọng em cảm thấy trong giây phút đó? Đó là lần đầu tiên em phải chịu nỗi đau oan nghiệt là không được anh nhận ra, cái nỗi đau oan nghiệt đã theo em suốt đời cho đến khi chết cùng với nó: vẫn là kẻ xa lạ, vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ đối với anh. Làm sao em có thể mô tả được nỗi tuyệt vọng đó với anh? Bởi vì, anh thấy không, trong 2 năm trời ở Inxpruck - hai năm không ngừng nghĩ tới anh và chỉ mơ tưởng hoài cuộc gặp gỡ đầu tiên khi em trở lại Viên sẽ ra sao - trong 2 năm đó, tùy theo tâm trạng, em đã tính đến những triển vọng buồn tủi nhất cũng như vui tươi nhất. Có thể nói em đã dự kiến mọi khả năng; trong những lúc bi quan, em đã tưởng tượng rằng anh sẽ xua đẩy em, anh sẽ không đoái hoài gì đến em, vì em chẳng ra sao, em xấu quá, rầy rà quá. Tất cả các dạng của sự rẻ rúng, lạnh lùng, dửng dưng có thể thấy ở anh, em đều đã hình dung đầy đủ, nhưng ngay cả trong những giờ đen tối nhất, trong những lúc em ý thức sâu sắc nhất sự tầm thường xoàng xĩnh của mình em cũng không hề tính đến cái khả năng này, cái khả năng khủng khiếp hơn tất cả, là thậm chí anh không chú ý mảy may đến sự tồn tại của em. Bây giờ thì em hiểu rồi - Ôi! Anh đã dạy cho em hiểu ra biết bao nhiêu điều! Bộ mặt của một cô gái, của một người đàn bà, đối với một người đàn ông, thế tất phải là một sự vật hay biến đổi rất dễ dàng, như một hình ảnh trong gương, cho nên người đàn ông dễ dàng quên cá tính riêng của nó, càng dễ quên hơn khi tuổi tác điểm những vệt bóng tối xen vào khi nó được đóng khung khác đi trong những bộ y phục mới. Những người phụ nữ nhẫn nhục, đó chính là những người nắm được khoa học của cuộc sống. Nhưng em, cái cô gái là em lúc bấy giờ, em chưa thể hiểu được làm sao anh đã quên em, em không biết làm sao mà, vì quá bận tâm đến anh, không ngừng và vượt mọi giới hạn, một ảo tuởng đã hình thành trong em, em cảm thấy hình như cả anh nữa, tất yếu anh cũng phải nghĩ đến em luôn và cũng đợi chờ em; làm sao em có thể tiếp tục thở được nếu em biết chắc rằng em chẳng là gì đối với anh, rằng chẳng bao giờ có thể có một kỷ niệm nào về em lướt nhẹ vào tâm chí anh? Sự tỉnh mộng đau đớn ấy trước cái nhìn của anh, nó chứng tỏ anh không hề biết đến em và chẳng có sợi dây kỷ niệm nào nối liền đời anh vào đời em, sự tỉnh giấc đó đối với em là cái ngã nhào đầu tiên trở về thực tại, cái dự cảm đầu tiên về số phận mình.
Vậy là anh không nhận ra em và 2 ngày sau, trong một cuộc gặp khác, khi cái nhìn của anh bao bọc lấy em với một vẻ tương đối thân quen, thì anh không nhận ra em là đứa đã yêu anh và được anh khơi dậy đời sống của con tim, mà chỉ đơn thuần nhận ra em là cô gái mười tám xinh đẹp, hai hốm trước đây đã chạm trán với anh cũng ở quãng này. Anh nhìn em với một vẻ ngạc nhiên đáng yêu; một nụ cười thoảng qua trên môi anh. Một lần nữa, anh lại đi ngang qua gần em và anh lập tức chậm bước lại. Em bắt đầu run lên, một niềm vui câm lặng làm em rùng mình... Anh ấy sắp nói với mình đây! Em cảm thấy lần đầu tiên anh nhận ra sự tồn tại của em; em cũng chậm bước lại và chờ anh. Và đột nhiên, không cần quay lại, em cảm thấy anh đang ở đằng sau em; em biết rằng giờ đây em sắp được nghe cái giọng thân yêu của anh nói với em lần đầu. Sự chờ đợi làm em như tê liệt đi và em sợ mình bắt buộc phải dừng lại vì tim đập dữ quá. Anh đã đến bên cạnh em. Anh nói với em bằng cái phong thái vui tươi nhẹ nhàng của anh như thể chúng mình là bạn thân của nhau từ lâu. Ôi! Anh không hề có một ý niệm nhỏ nào về con người em! Không bao giờ anh biết mảy may về đời em! Anh nói với em thoải mái diệu kỳ, khiến em luống cuống không trả lời được. Hai chúng mình cùng đi suốt dọc phố. Rồi anh hỏi em có bằng lòng ăn bữa chiều với anh không, em nhận lời. Còn có điều gì em dám từ chối anh?
Chúng mình cùng ăn chiều trong một tiệm ăn nhỏ. Anh có biết ở chỗ nào không? Chắc chắn là không; nếu anh có nhớ đi nữa thì anh cũng chỉ coi bữa tối hôm đó là một cuộc giăng gió, giống như biết bao cuộc giăng gió khác, bởi vì em là cái gì đối với anh kia chứ? Một người đàn bà trong hàng trăm đàn bà, một cuộc giăng hoa trong một chuỗi giăng hoa dài bất tận. Vả lại làm sao anh có thể nhớ được gì về em? Em nói rất ít, bởi vì đối với em, được ở bên anh và nghe anh, là một hạnh phúc lớn vô cùng rồi. Em không muốn làm phí phạm phút nào trong câu chuyện của anh, bằng một câu hỏi bâng quơ hay một lời ngu ngốc. Chẳng bao giờ lòng biết ơn của em quên được giờ này. Anh đáp ứng rất đúng với điều mà lòng sùng kính say mê của em chờ đợi ở anh, anh âu yếm dịu dàng và đầy ý tứ, không chút đường đột sỗ sàng, tránh những cái mơn trớn vuốt ve mà những người khác thường cho phép mình làm quá sớm, từ phút đầu, thái độ của anh đã rất thân ái và tự tin; thái độ ấy thật đáng tin cậy đến nỗi, ví dụ em trước đó còn chưa thuộc về anh trọn vẹn với tất cả ý chí mình, thì chỉ riêng lần này, anh cũng đủ chinh phục em hoàn toàn. Ôi! Anh không hề biết là chiều hôm đó anh đã hoàn thành một việc tuyệt diệu như thế nào, bằng cách không làm thất vọng năm năm chờ đợi trong cô gái là em thuở bấy giờ.
Trời về khuya, chúng mình ra về. Ra đến cửa tiệm ăn, anh hỏi em có vội gì hay còn có thì giờ. Làm sao em có thể giấu anh là em sẵn sàng làm theo mọi ý muốn của anh? Em trả lời là em rỗi. Rồi anh cố dẹp một chút lưỡng lự, hỏi em có muốn ghé qua nhà anh nói chuyện một lát không. “Rất vui lòng”, em nói với tất cả tấm lòng, cho điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Em nhìn thấy ngay là anh rất lấy làm ngạc nhiên trước sự nhận lời vội vã của em - nó làm anh phiền lòng hay làm anh vui, em cũng không phân biệt nổi - nhưng rõ ràng là anh lấy thế làm kinh ngạc. Bây giờ thì em hiểu tại sao anh lại ngạc nhiên; em biết rằng, theo thói thường những người đàn bà, kể cả khi thấy nỗi khát khao cháy bỏng muốn trao thân gửi phận cho ai, vẫn cứ phải chối không dám thú thật, giả vờ sợ hãi, bất bình, đòi hỏi trước hết phải được vỗ về bằng những lời cầu xin xoắn xuýt, những lời dối trá, những lời hứa hẹn, thề thốt. Em đã biết rằng có lẽ chỉ có những gái làng chơi chuyên nghiệp, những gái điếm mới đáp lại những lời mời như vậy bằng sự ưng thuận nhanh chóng, vui vẻ và hoàn toàn đến thế - hoặc là những thiếu nữ rất trẻ dại, rất ngây thơ. Nhưng ở em, làm sao anh có thể nghĩ đến điều ấy được? Đó chỉ là sự thú nhận ý muốn của mình, nỗi mong ước nồng nàn, cố nén lại trong hàng nghìn ngày, giờ đây đột nhiên bộc lộ ra. Anh hết sức ngạc nhiên và em bắt đầu khiến anh quan tâm. Em cảm thấy là trong khi vừa đi vừa nói chuyện, anh cứ liếc mắt quan sát em với vẻ hơi ngỡ ngàng. Cảm quan của anh, cái cảm quan chính xác một cách thần diệu về mặt tâm lý con người, đánh hơi thấy một cái gì hơi khác thường, đoán là có một điều bí ẩn ở cô gái dễ thương ân cần này.
Đột nhiên anh muốn tìm hiểu và, qua cách hỏi han tế nhị và bao hàm ẩn ý của anh, em nhận thấy anh muốn nắm cái điều bí mật ấy. Nhưng em đã đề phòng sẵn. Em thà để cho anh tưởng em điên chứ nhất định không chịu lộ cho anh biết điều bí mật của em.
Chúng mình lên phòng anh. Anh yêu của em, hãy tha lỗi cho em nếu em nói rằng anh không thể hiểu nổi việc đi lên cầu thang ấy là như thế nào đối với em, em đã cảm thấy say sưa, bối rối như thế nào, em đã chìm ngập trong một niềm hạnh phúc, điên cuồng, day dứt như thế nào đến mức gần như có thể chết ngay đi được. Ngay cả bây giờ em vẫn thấy khó lòng nghĩ tới lúc đó mà không rơi nước mắt, mặc dầu em đã khô nước mắt rồi. Nhưng chỉ xin anh hãy thử tưởng tượng rằng mỗi đồ vật có thể nói, đều thấm đượm mối tình của em, mỗi biểu tượng đều là một biểu tượng của thời thơ trẻ, của nỗi niềm mong ước đã được thắp lên trong em từ bao lâu: cánh cửa em thường đứng chờ đợi anh kể có hàng nghìn lần, cái cầu thang nơi em rình ngóng, đoán tiếng chân anh và cũng là nơi em trông thấy anh lần đầu, cái lỗ cửa tròn nơi em tập dò xuống đáy tâm hồn, tấm thảm trước cửa phòng, một hôm em đã quỳ lên, tiếng chìa khóa kèn kẹt bao giờ cũng làm em giật nẩy mình rời khỏi vị trí nghe trộm. Tất cả tuổi thơ của em, tất cả mối tình của em lấy nơi đây làm tổ, trong một khoảng rộng vài thước; cả cuộc đời em là ở đó, và bây giờ một thứ giông bão sập xuống đầu em, trong khi mọi sự, mọi sự hoàn thành và cùng với anh - em với anh – em bước vào nhà anh, nhà chúng mình. Anh thử nghĩ coi, cho tới khi tới trước cửa phòng anh - tất nhiên chữ nghĩa của em hẳn có vẻ tẻ nhạt, nhưng em không biết nói thế nào khác cả, tất cả trong cuộc đời em vẫn chỉ là thực tại buồn bã, em chỉ thấy trước mắt mình một thế giới thường nhật xám xịt, vậy mà giờ đây mở ra cái xứ sở huyền diệu của ước mơ con trẻ, vương quốc của Aladin.
Hãy nghĩ rằng hàng nghìn lần cặp mắt em đã sôi nổi dán chặt vào cánh cửa này, giờ đây em loạng choạng bước qua nó, và anh sẽ cảm thấy - phải, chỉ cảm thấy thôi, anh thương yêu ạ, bởi vì chẳng bao giờ anh biết được hoàn toàn đâu - là biết bao nhiêu giờ của đời em đã kết đọng lại trong giây phút choáng váng này.
Em ở lại phòng anh suốt đêm ấy. Anh không ngờ rằng trước anh, chưa có một người đàn ông nào đụng vào người em, thậm chí chưa ai từng chạm khẽ hoặc trông thấy thân thể em. Anh yêu, làm sao anh có thể ngờ được điều đó, bởi lẽ em chẳng hề kháng cự anh mảy may, bởi lẽ em cố dẹp đi mọi ngần ngại do thẹn thùng, chỉ cốt để anh khỏi đoán ra điều bí mật của mối tình em, nó ắt sẽ làm anh thất kinh lên - vì đối với anh, tình yêu chỉ có thể là một cái gì nhẹ nhàng, khoác cái hình thức của một trò chơi và chẳng có gì là quan trọng; anh sợ dính líu sâu vào một số phận. Anh muốn nếm vô độ, vô chừng mực mọi thú vị trên đời, nhưng anh không muốn hy sinh điều gì. Anh yêu thương của em, nếu giờ đây em nói với anh rằng khi trao thân cho anh, em vẫn còn trình, thì em van anh, anh đừng có hiểu lầm ý nghĩa những lời em nói! Em không kết tội anh đâu, anh không lôi kéo em, không lừa em, cũng chẳng cám dỗ em; chính em, chính bản thân em đã đi đến với anh, thúc đẩy bởi niềm khát khao của chính mình, chính em đã ôm chầm lấy cổ anh, đã lao vào số phận mình. Không, không, em sẽ chẳng bao giờ kết tội anh đâu; mà trái lại, bao giờ em cũng cảm ơn anh, bởi vì cái đêm hôm đó, đối với em, thật phong phú, thật rực rỡ lạc thú, thật tràn trề hành phúc! Khi mở mắt ra trong bóng tối và cảm thấy anh bên cạnh, em lấy làm ngạc nhiên không thấy sao ở trên đầu, bởi chừng em cứ ngỡ trời đang ở gần kề. Không, anh yêu ạ, em không bao giờ, không bao giờ tiếc bất cứ một cái gì về giờ phút đó. Em vẫn nhớ, khi anh ngủ, khi em nghe thấy hơi thở của anh, khi em sờ vào người anh và cảm thấy gần anh xiết bao, em đã khóc vì sung sướng trong bóng tối.
Sáng dậy, em vội vã ra đi rất sớm. Em phải đến cửa hàng và em cũng muốn đi khỏi trước khi bác người hầu đến, không nên để cho bác ấy trông thấy em. Khi em mặc quần áo đứng trước mặt anh, anh ôm lấy em trong tay và nhìn em hồi lâu. Phải chăng một hồi ức xa xăm và mơ hồ đang xao động trong anh, hay chỉ vì anh cảm thấy em xinh đẹp và sung sướng như em quả có xinh đẹp và sung sướng thật? Anh hôn lên miệng em một cái. Em nhẹ nhàng gỡ ra để đi. Bấy giờ, anh bèn hỏi: “Em có muốn mang theo vài bông hoa không?” Em trả lời là có. Anh lấy bông hoa hồng bạch trong cái bình pha lê xanh trên bàn viết (ôi, cái bình ấy em biết nó lắm, khi em còn nhỏ) và tặng em. Trong hàng ngày liền, em đã đưa những bông hoa ấy lên môi.
Trước khi chia tay, chúng mình đã hẹn gặp nhau vào một tối khác. Em đến nơi hẹn và lại là một đêm kỳ diệu. Anh còn cho em một đêm thứ ba nữa. Rồi anh bảo em rằng anh phải đi xa - Ôi! Những chuyến đi xa ấy, sao mà em ghét chúng thế, kể từ hồi còn nhỏ - và anh hứa là ngay sau khi trở về sẽ báo cho em biết. Em cho anh số hòm thư lưu, vì em không muốn nói cho anh biết tên em. Em vẫn giữ điều bí mật của mình. Một lần nữa khi chia tay, anh lại tặng em mấy bông hồng - những bông hồng thay lời chào ly biệt.

*
*   *

Trong hai tháng trời, ngày nào em cũng đến lục hòm thư lưu... nhưng mà thôi, tại sao lại mô tả cho anh nghe những đau đớn dày vò, những cực hình hoả ngục của chờ mong và thất vọng làm gì? Em không kết tội anh, em yêu anh đúng như con người thật của anh, sôi nổi và chóng quên, tận tâm và phụ bạc, em yêu anh, con người như thế, nguyên như thế thôi, như xưa nay và đến bây giờ anh vẫn là thế! Anh trở về đã lâu, những khung cửa sổ sáng đèn ở phòng anh cho em biết thế, mà anh không viết cho em một dòng. Em không được một dòng nào của anh, giờ đây, đến phút cuối cùng của đời em, không được lấy một dòng của đời anh, anh, con người mà em đã trao cho trọn vẹn cả cuộc đời. Em đã chờ đợi, chờ đợi như một kẻ chết đuối. Nhưng anh không gọi em, anh không viết cho lấy một dòng... không được lấy một dòng nhỏ nào.

*
*   *

Con em chết hôm qua - đó cũng là con anh. Phải anh yêu của em ơi, đó cũng là con anh, đứa con của một trong ba đêm ấy, em thề với anh như thế và người ta không thể núp dưới bóng của cái chết mà nói dối, phải không anh. Đó là con chúng ta, em thề với anh như vậy, bởi vì từ cái lúc em trao thân cho anh đến khi em quằn quại trong cơn đau đẻ, không hề có một người đàn ông nào chạm đến người em. Sự giao tiếp với anh đã làm cho thân thể em trở nên thiêng liêng trước mắt em, làm sao em có thể chia sẻ thân em giữa anh vốn là tất cả đối với em và những kẻ khác chỉ khẽ lướt qua đời em? Đó là con chúng ta, anh thương yêu ạ, đứa con của mối tình em ý thức rõ ràng và của sự âu yếm vô tư, hào phóng, hầu như tự động của anh, con của chúng ta, con trai của chúng ta, đứa con độc nhất của chúng ta. Nhưng bây giờ anh có muốn biết - có lẽ anh hoảng sợ, cũng có thể anh chỉ ngạc nhiên mà thôi, giờ đây, anh có muốn biết chăng, anh yêu thương của em ơi, tại sao trong suốt những năm dài ấy, em đã giấu không cho anh biết là có đứa con ấy, và tại sao đến hôm nay mới nói cho anh biết là có đứa con ấy, và tại sao đến hôm nay em mới nói với anh về nó, khi nó đang nằm kia, ngủ yên trong bóng tối, ngủ yên mãi mãi, đã sẵn sàng ra đi và không bao giờ, không bao giờ trở lại nữa. Trước đây, làm sao em dám nói với anh điều đó kia chứ? Anh sẽ không khi nào tin em, người con gái xa lạ quá dễ dàng ưng thuận chiều anh ba đêm ấy, sẵn sàng trao thân không chút do dự thậm chí còn cuồng nhiệt nữa, ắt hẳn anh không khi nào tin được rằng người đàn bà vô danh gặp gỡ thoáng qua lại có thể giữ lòng chung thuỷ với anh, phải, với anh, con người bạc bội - anh chẳng đời nào chịu nhận đứa bé ấy là con anh mà không nghi hoặc. Ngay cả nếu anh cho những lời em nói là có lý, anh cũng không đời nào gạt bỏ được mối nghi ngờ là em định tìm cách gán cho anh cái ngôi cha của một đứa trẻ xa lạ, bởi vì anh giàu có. Anh hẳn sẽ ngờ vực em, giữa anh và em sẽ có một cái bóng nhập nhoạng và vật vờ của hoài nghi. Em không muốn thế. Vả lại, em hiểu anh, em hiểu anh đến mức chính anh cũng khó lòng tự hiểu mình như thế, em biết rằng, bản tính vốn thích sự vô tư, nông nổi và vui chơi trong tình yêu, anh sẽ khổ tâm khi thấy mình đột nhiên trở thành bố, đột nhiên phải chịu trách nhiệm về một số phận. Anh, con người vốn chỉ có thể hít thở trong sự tự do, anh cảm thấy bị cột chặt vào đời em theo một cách nào đó. Anh sẽ căm ghét em một cách lờ mờ, ngược với ý muốn của anh - vì sự ràng buộc ấy anh sẽ thấy em thật bỉ ổi, anh sẽ ghét em, có thể chỉ trong vài giờ, có thể chỉ trong khoảng ngắn ngủi một vài phút - nhưng trong lòng tự ái của em thì em chỉ muốn suốt đời, anh nghĩ đến em không gợn một vẩn mây. Em thà hứng lấy tất cả chứ không chịu trở thành gánh nặng cho anh, em muốn là người duy nhất, trong số những phụ nữ đã đi qua đời anh, được anh nghĩ đến với tình cảm yêu đương và biết ơn. Nhưng thực ra có bao giờ anh nghĩ đến em, anh đã quên em rồi!
Em không kết tội anh đâu, anh yêu thương, không, em chẳng hề kết tội anh. Hãy tha thứ cho em nếu đôi khi có một giọt đắng cay chua chát chảy trong ngòi bút của em, hãy tha thứ cho em - bởi vì chẳng phải là con em, con chúng ta nằm kia dưới anh sáng lay lắt của những ngọn nến đó sao? Em đã giơ nắm tay về phía Thượng Đế và em đã gọi Người là kẻ tội phạm, lòng em, giác quan em mung lung và rối bời. Hãy tha thứ cho em về sự than vãn này, tha thứ cho em. Em biết trong thâm tâm anh rất tốt và hay cứu độ, anh sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến anh, thậm chí giúp cả người xa lạ nhất. Nhưng lòng tốt của anh thật kỳ lạ, đó là một lòng tốt rộng mở với tất cả mọi người, ai cũng có thể vục vào lấy đầy tay được, nó rất lớn, lớn mênh mang, vô cùng tận, nhưng tha lỗi cho em, nó thật ơ hờ. Nó muốn người ta phải bao vây nó, bức bách nó. Sự giúp đỡ của anh, anh chìa ra khi nào người ta kêu gọi, khi nào người ta cầu xin, anh thuận tình ủng hộ vì thẹn thùng vì yếu đuối chứ không lấy đó làm vui thích. Cho phép em nói thẳng ra: tình yêu của anh thường thiên về anh em bạn bè đang sung sướng, chứ không phải về người đang trong cảnh khốn khó. Và những người như anh, ngay cả những người tốt nhất trong số đó, thật khó mà mở miệng ra cầu xin họ một điều gì. Một hôm, hồi còn nhỏ, qua lỗ cửa tròn, em đã thấy anh bố thí cho một người ăn mày gõ cửa nhà anh như thế nào. Anh đã cho lão ngay lập tức, thậm chí cho khá nhiều, không cần phải để van nài, nhưng anh đã chìa của bố thí ra với một chút lo ngại, có phần hơi hấp tấp, tỏ rõ là anh muốn lão ta mau mau đi khỏi cho rảnh mắt. Dường như anh sợ nhìn vào mắt lão. Cái cách cho vội cho vàng ấy, ánh lo ngại ấy, nỗi sợ phải nghe người ta cảm ơn ấy, em không bao giờ quên được. Và chính vì thế mà em không bao giờ ngỏ lời với anh. Chắc chắn là anh sẽ cứu giúp em, em biết, thậm chí không cần biết đích xác có đúng con mình không, chắc chắn anh sẽ an ủi em, cho em tiền, thật nhiều tiền, nhưng bao giờ cũng với cái nôn nóng và ngấm ngầm mong muốn rũ bỏ những điều khó chịu. Phải, thậm chí em cho rằng anh có thể dụ em phá thai đi nữa kìa. Và đó là điều em sợ hơn hết thảy, bởi vì khi mà anh đã yêu cầu thì còn có gì mà em không làm nữa, làm sao em có thể từ chối anh điều gì! Nhưng đứa con ấy là tất cả đối với em, nó từ anh mà ra, đó cũng là anh, không phải đich thị con người sung sướng và vô tư mà em không giữ được, mà là anh mãi mãi của em, em nghĩ thế, mãi mãi phải thuộc về em, bị cầm tù trong cơ thể em, buộc chặt vào đời em. Giờ đây, cuối cùng em đã nắm được anh, em có thể cảm thấy anh sống và lớn lên trong huyết quản em, em được nuôi anh, cho anh bú và, khi nỗi khát khao bùng cháy tâm hồn, phủ kín người anh những cái hôn, những vuốt ve mơn trớn. Anh yêu, anh thấy đó, chính vì vậy mà em sung sướng biết bao khi biết mình mang trong bụng một đứa con của anh, và chính vì vậy mà em giữ kín không nói với anh điều đó, bởi lẽ giờ đây anh không thể thoát được em nữa rồi.
Anh yêu thương, đành rằng không phải chỉ có những ngày tháng hạnh phúc như em đã vội mừng trước trong tư tưởng. Cũng có những tháng đầy kinh khủng và day dứt, đầy ghê tởm trước sự hèn hạ của con người, tình cảm em không phải dễ dàng. Trong những tháng cuối sắp đến kỳ sinh nở, em không thể đi làm được nữa vì sợ chủ phát hiện ra và báo cho bố mẹ em biết. Em không muốn xin tiền mẹ cho nên trong thời gian từ đó đến lúc ở cữ, em sống bằng tiền bán một số đồ trang sức mà em có. Một tuần lễ trước khi đẻ, một mụ thợ giặt đánh cắp của em một số tiền ít ỏi còn lại trong tủ, thành thử em phải đến nhà hộ sinh làm phúc. Chính ở đó, ở cái nơi mà chỉ những người đàn bà nghèo khổ nhất, những người bị xua đẩy, những người bị quên lãng mới tới nương náu trong cơn cùng quẫn, ở đó, giữa sự lầm than gớm guốc nhất, chính ở đó, con anh đã ra đời.
Cái nhà thương đó thật đáng sợ, ở đó tất thảy đều xa lạ, xa lạ, xa lạ; và chúng em nhìn nhau như những kẻ xa lạ, chúng em nằm sõng sượt đấy, cô đơn và đầy lòng thù ghét lẫn nhau, không hề có một quan hệ nào khác ngoài việc cùng chung cái cảnh ngộ lầm than, đau đớn nó buộc chúng em phải kiếm một chỗ trong căn phòng này với không khí ung độc đầy thuốc mê và máu, đầy tiếng kêu khóc rên rỉ. Tất cả những gì là nhục nhằn, là xúc phạm về tinh thần và thể xác mà sự nghèo nàn phải chịu đựng, em đã nếm đủ trong sự ăn chung ở lộn với đám gái mại dâm và những người bệnh, vì họ mà sự cộng đồng số phận của chúng em trở thành một mối ô nhục chung. Em đã phải chịu đựng những cái đó dưới sự trắng trợn của những viên y sĩ trẻ, miệng nhếch cười mỉa mai, tay nhấc mền trải giường sờ soạng những thân hình đàn bà không gì che chở, viện cớ sằng bậy là vì lợi ích khoa học. Em đã chịu đựng những cái đó trước con mắt hau háu của những nữ y tá. Ôi! Ở trong cái phòng này, sự e thẹn của con người chỉ gặp toàn những cái nhìn như đóng đinh câu rút và những lời như roi quất. Tất cả chỉ còn là một cái tên ghi trên một tấm bảng, bởi vì cái nằm ở trên giường chỉ là một khối thịt phập phồng cho những kẻ hiếu kỳ sờ mó và chỉ còn là một vật để triển lãm và nghiên cứu. Ôi! Những người đàn bà đẻ con cho chồng ngay tại nhà mình trong sự nâng giấc trìu mến của chồng, họ không biết thế nào là sinh nở khi chỉ có một thân một mình không ai che chở, tênh hênh như trên một cái bàn thí nghiệm y học. Đến tận bây giờ, mỗi khi gặp chữ “địa ngục” trong một cuốn sách nào đó, bất giác em lại nghĩ ngay đến căn phòng đó, nơi em đã trải qua bao đau đớn ê chề, giữa những mùi hôi thối, những tiếng rên rẩm, những tiếng cười và tiếng kêu nồng nặc máu của những người đàn bà chồng chất lên nhau - căn phòng mà, đối với cái giới tính e thẹn của chúng em quả là một lò sát sinh thật sự.
Hãy tha thứ cho em, tha thứ cho em vì đã kể những điều đó với anh. Nhưng chỉ có độc một lần này thôi, em sẽ không bao giờ nói với anh về chuyện đó nữa - không bao giờ nữa. Trong mười một năm trường, em đã không hé răng nói nửa lời và chẳng bao lâu nữa em sẽ vĩnh viễn câm lặng. Em phải kêu to lên một lần cái giá em đã phải trả để có đứa con ấy, đứa con đã từng là hạnh phúc tuyệt vời của em và, giờ đây, đang nằm kia bất động. Em đã quên những giờ ấy, đã quên từ lâu trong nụ cười, trong giọng nói của thằng bé, trong niềm hạnh phúc của em; nhưng bây giờ nó chết rồi, nỗi cực hình của em sống lại, và em cần làm nhẹ bớt nỗi lòng bằng cách kêu to cái đau ấy lên một lần, chỉ một lần thôi.
Nhưng không phải em kết tội anh đâu; em chỉ kết tội Thượng Đế, kết tội riêng Thượng Đế đã muốn gây ra cái cực hình vô lối ấy. Em không kết tội anh, em thề là như vậy, và trong cơn phẫn nộ, không bao giờ em chống lại anh. Ngay cả trong giờ phút đau đẻ quằn quại, ngay cả khi thân thể em nóng ran vì xấu hổ trước những sinh viên ngoại trú trẻ tuổi hau háu nhìn em, ngay cả trong giây phút tâm hồn em tan nát vì đau đớn, cũng không bao giờ em kết tội anh trước Chúa, không bao giờ em hối tiếc chút gì về những đêm chung sống với anh; không bao giờ mối tình của em đối với anh gợn lên một lời trách móc; bao giờ em cũng yêu anh, bao giờ em cũng cầu phước lành cho cái giờ đã run rủi cho em gặp anh. Và ví bằng có phải trả lại cái địa ngục của những giờ đau khổ ấy, dù có biết trước những điều chờ đợi mình, thì anh yêu ơi, em vẫn làm lại đúng những điều em đã làm một lần nữa, ngàn lần nữa.

*
*   *

Con chúng ta chết rồi. Anh chưa hề biết nó. Chưa bao giờ, ngay cả trong một cuộc gặp mặt tình cờ thoáng qua, cái nụ hoa bé bỏng từ anh sinh ra ấy được luồng mắt anh chạm tới. Từ khi có đứa con ấy, em lánh mặt anh một thời gian dài. Mối tình sôi nổi của em đối với anh bớt đau đớn hơn; thậm chí em còn tưởng là em không yêu anh say mê như trước nữa; ít ra thì mối tình đó cũng không hành hạ em khổ sở đến như thế nữa; cho nên em hiến tất cả sức lực không phải cho anh mà cho đứa bé đang cần em, mà em phải nuôi, mà em có thể bồng lên trên tay và hôn khắp mình mẩy. Em như được giải thoát khỏi nỗi bối rối anh đã gieo vào tâm hồn em như rứt ra khỏi cái số mệnh khốn khổ của mình rút cục lại được cứu vớt bởi bản thân anh dưới hình dạng khác nhưng thực sự thuộc về em; và họa hoằn, phải họa hoằn lắm em mới lại cung cúc mang khối tình em đến chực trước nhà anh. Em chỉ duy có một điều: cứ đến sinh nhật anh, em lại gửi đến anh một bó hoa hồng trắng giống hệt như những bông hoa anh đã tặng em sau đêm ân ái đầu tiên của chúng ta. Có bao giờ, trong suốt mười, mười một năm ấy anh tự hỏi là ai đã gửi hoa cho mình không? Liệu anh có nhớ cô gái mà một hôm anh đã cho những bông hồng giống như thế không? Em chả biết nữa và em sẽ không bao giờ biết câu trả lời của anh. Về phần em, em chỉ cần bí mật tặng anh những bông hồng đó và mỗi năm một lần làm nở lại kỷ niệm về giờ phút ấy.
Anh chưa hề biết nó, đứa con tội nghiệp của chúng ta. Giờ đây, em thấy giận mình là đã giấu biệt nó khuất mắt anh, nếu không, chắc hẳn anh phải yêu nó. Anh chưa hề biết mặt nó, thằng bé tội nghiệp, anh chưa hề bao giờ được thấy nó mỉm cười khi nó khẽ hé hàng mi ngước đôi mắt đen, thông minh - đúng là mắt anh - rọi ánh sáng tươi trong và vui vẻ vào em, vào tất cả thế gian. Ôi! Nó thật nhộn, thật đáng yêu, tất cả cái duyên dáng của con người anh lặp lại trong nó mãnh liệt và sôi động của anh; trong hàng giờ liền, nó có thể nô giỡn với một đồ vật, như anh thích đùa vui với cuộc đời; rồi nó trở lại nghiêm chỉnh ngồi trước chồng sách, lông mày nhíu lại, càng ngày nó càng giống anh. Thậm chí ở nó, đã bắt đầu phát triển khá rõ cái lưỡng tính vừa nghiêm nghị vừa hồ hởi vốn là đặc điểm của anh; và nó càng giống anh, em càng yêu nó. Nó học tiếng Pháp khá, và nói như một con khướu con: vở nó sạch nhất lớp; thêm vào đó, sao mà nó xinh xẻo, trang nhã trong bộ quần áo nhung đen hoặc bộ lính thủy trắng! Đi đâu nó cũng nổi bật nhất; khi hai mẹ con em đi trên bãi tắm Građô, nhiều bà cứ dừng lại vuốt ve mớ tóc dài vàng óng của nó; nó đi xe trượt, ai cũng phải quay lại nhìn thán phục. Nó xinh đẹp biết bao, tế nhị biết bao, ân cần biết bao! Năm ngoái, khi nó vào nội trú ở trường Mari Têrezơ, nom cái dáng nó cầm cái kiếm nhỏ, vận bộ đồng phục, cứ như là một kiếm đồng thế kỷ 18 ấy. Giờ đây, tội nghiệp thằng bé, nó nằm đó, trên mình chỉ có chiếc sơ mi ngắn tay, đôi môi nhợt nhạt, hai bàn tay chắp lại.

*
*   *

Nhưng có lẽ anh cũng muốn biết em làm thế nào để nuôi con như vậy trong sự xa hoa, em làm thế nào để nó có thể sống cuộc đời rực rỡ, vui tươi của những đứa trẻ trong giới thượng lưu? Anh thương yêu, em nói với anh giữa trùng trùng bóng tối. Em không xấu hổ, em sẽ nói ra cho anh biết đây, nhưng anh đừng sợ, anh yêu của em, em đã bán mình. Em không phải chính cống là một gái làng chơi đón khách ngoài phố, một gái điếm, nhưng em đã bán mình. Em có những người bạn giàu, những người yêu có của; thoạt đầu em tìm họ, sau rồi chính họ lại tìm em, bởi vì - không biết anh có bao giờ nhận thấy thế không? - Em rất xinh. Người đàn ông nào được cùng em chăn gối đều thương mến em; tất cả đều biết ơn em, tất cả đều tha thiết với em, tất cả đều yêu em - tất cả trừ anh, phải chỉ có mình anh, ôi anh yêu của em!
Giờ đây, em đã bộc lộ với anh là em đã từng bán mình, anh có khinh em không? Không, em biết, anh không hề khinh em; em biết anh hiểu hết tất cả và anh cũng nên hiểu là sở dĩ em hành động như vậy, đó hoàn toàn chỉ vì cái "tôi" khác của anh, vì con anh. Trong cái phòng ở nhà hộ sinh làm phúc kia, một hôm em đã tiếp xúc với những gì là kinh khủng của sự nghèo hèn; em biết rằng trên đời này, người nghèo bao giờ cũng là nạn nhân, là kẻ bị người ta dúi xuống, chà đạp dày xéo lên và bằng bất cứ giá nào, em cũng không muốn cho con anh, đứa con đẹp của anh lớn lên ở nơi bùn lầy nước đọng dưới đáy xã hội, hư hỏng đi trong sự tiếp xúc thô lỗ với bọn đầu đường xó chợ, héo hắt trong không khí xú uế của một cái sân sau. Không thể để cho cái miệng thanh tao của nó biết cái ngôn ngữ yêu tà cũng như không thể để thân hình trong ngọc trắng ngà của nó biết đến thứ vải thô, mốc meo sần sùi của người nghèo. Con anh phải được hưởng mọi thứ, tất cả sự giàu sang và tất cả tiện nghi trên trái đất; nó phải đạt đến mức sống của anh.
Đó là lý do duy nhất khiến em bán mình. Đối với em, đó không phải là một sự hy sinh; bởi vì, cái mà người ta thường gọi là danh dự hay điếm nhục, đều không có dưới mắt em. Khi mà người làm chủ cuộc đời em lại không yêu em thì cái thân thể em nó muốn làn gì, em cũng dửng dưng. Những vuốt ve của đàn ông, thậm chí cả mối tình sâu sắc nhất của họ, không hề làm trái tim em rung động, mặc dầu em rất trân trọng nhiều người trong số đó và nhiều lần thường cảm thấy xao xuyến thương hại trước tình yêu không được đền đáp của họ, nó gợi nhớ đến số phận của chính em. Tất cả những người em quen đều tốt với em, tất cả đều chiều em, tất cả đều trọng em. Nhất là một vị bá tước góa vợ và có tuổi, chính ông đã chồn chân đạp cửa trường Mari Têrêzơ để buộc họ phải nhận đứa bé không cha là con anh vào học. Ông yêu em như tình cha con. Ba bốn lần ông ngỏ lời cầu hôn. Lẽ ra ngày nay em đã là nữ bá tước, chủ nhân một lâu đài thần tiên ở vùng Tyrol; đáng lẽ em không phải lo lắng gì, bởi vì thằng bé sẽ có một người cha dịu dàng yêu nó đến mức tôn sùng và em thì có một người chồng quý phái tốt và hiền hậu. Nhưng em đã không nhận lời ông mặc dù ông luôn luôn gặng hỏi, rất khẩn khoản, mặc dầu sự từ chối của em làm ông đau đớn, có lẽ em đã phạm một điều điên rồ, bởi vì nếu em nhận lời thì bây giờ em đã yên ổn ở một nơi nào đó cùng với đứa con trai. Nhưng tại sao lại không thú thật luôn với anh? Em không muốn ràng buộc mình: em muốn lúc nào cũng thuộc quyền anh sử dụng. Ở nơi sâu thẳm nhất của trái tim, trong tiềm thức của em vẫn còn sống một mơ ước trẻ con ấp ủ từ lâu là biết đâu anh chả gọi đến em một lần nữa, dù chỉ là một tiếng đồng hồ. Và chờ đợi khả năng ấy, em đã cự tuyệt tất cả, bởi vì em muốn ngay từ tiếng gọi đầu tiên của anh, em đã sẵn sàng. Cuộc đời em, kể từ khi em bước ra khỏi thời thơ ấu có bao giờ là cái gì khác ngoài một sự chờ đợi, chờ đợi ý muốn của anh?

*
*   *

Cái giờ ấy đã đến thật. Nhưng anh không biết nó đến vào lúc nào đâu. Anh chả ngờ là thế, anh yêu của em. Cả lúc ấy nữa, anh cũng không nhận ra em - không bao giờ, không bao giờ anh nhận ra em cả! Phải, đã nhiều lần em gặp anh ở nhà hát, ở những buổi hòa nhạc, ở Prater, ở ngoài phố - lần nào tim em cũng giật thót lên nhưng anh đều đi qua không nhìn em. Tất nhiên bề ngoài em đã khác hẳn: đứa bé nhút nhát đã trở thành một người đàn bà, một người đàn bà đẹp, như người ra thường bảo, áo quần lộng lẫy và đầy những kẻ ái mộ xung quanh. Làm sao anh có thể ngờ em là cô gái rụt rè mà anh chỉ nhìn thấy dưới ánh đèn khuya trong phòng ngủ của anh! Đôi khi, một tình nhân cùng đi với em chào anh, anh đáp lễ và ngước mắt nhìn em; nhưng cái nhìn của anh lịch sự và xa lạ, nó chỉ thán phục em thôi chứ không nhận ra em; nó xa vời đối với em, xa vời một cách khủng khiếp. Em vẫn còn nhớ một hôm, sự quên lãng đó, mà em đã gần quen, trở thành một cực hình. Em ngồi ở một khoang trong nhà hát opera cùng với một người bạn trai và anh ngồi khoang bên cạnh. Lúc mở màn, đèn tắt; em không nhìn thấy mặt anh, nhưng em cảm thấy hơi thở của anh rất gần như trong cái đêm ân ái nọ, và tay anh, bàn tay thanh tú nhỏ nhắn của anh đặt trên thành gỗ bọc nhung ngăn cách giữa hai khoang của chúng ta. Một nỗi khát khao không bờ bến xâm chiếm em, em muốn cúi xuống và kính cẩn đặt một cái hôn lên bàn tay xa lạ đó, bàn tay thân yêu đó mà một hôm em đã cảm thấy sự ôm ấp nồng nàn của nó. Quanh em, nhạc tỏa lan những đợt sóng thấm sâu vào lòng, ước muốn của em mỗi lúc một sôi nổi. Em bắt buộc phải tự chủ lại, đứng phắt dậy, bởi chưng cái sức mạnh lôi kéo đôi môi em về phía bàn tay anh thân yêu thật quá mãnh liệt. Cuối hồi một, em đề nghị người bạn em ra về. Em không thể chịu đựng được cái nỗi có anh bên cạnh trong bóng tối xa lạ thế mà gần gũi thế.

*
*   *

Nhưng dù sao cái giờ xiết bao mong đợi cũng đã đến, nó đã đến một lần nữa; nó đến một lần nữa trong đời em mịt mùng định mệnh.
Dạo đó, cách đây vừa đúng một năm, sau hôm sinh nhật anh. Lạ thay em không ngừng nghĩ tới anh, bởi vì bao giờ em cũng mừng dịp đó như một ngày hội. Em đã ra phố từ sáng sớm tinh mơ và em đã mua những bông hồng bạch mà năm nào em cũng cho gửi đến anh để kỷ niệm một giờ phút anh đã quên hẳn. Buổi chiều, em đưa con đi chơi, dẫn nó đến hiệu bánh ngọt Đêmel và đến tối, em cho con đi xem hát. Em muốn cả nó nữa, ngay từ hồi thơ bé bằng một cách nào đó, nó cũng coi cái ngày này như một ngày hội huyền bí mà nó không cần phải hiểu biết ý nghĩa. Và rồi ngày hôm sau, em với người bạn em hồi đó, một kỹ nghệ gia trẻ và giàu có ở Bruna đã sống với em được hai năm, rất chiều chuộng và thờ phụng em. Cả anh ta cũng muốn lấy em, nhưng cũng như với những người khác, em đã từ chối, bề ngoài tưởng như không có lý do gì, mặc dầu anh ta chồng chất lên hai mẹ con em đủ các thứ quà tặng và thậm chí anh ta còn đáng được yêu nữa với cái hồn hậu hơi nặng nề và quỵ luỵ của anh ta. Chúng em cùng đi nghe hòa nhạc, gặp đông đúc bạn bè vui vẻ ở đó, chúng em ăn tối trong một tiệm ở phố Rinhxtrax và tại đó, giữa những tiếng nói cười, em đề nghị đến một tiệm khiêu vũ ở Tabarin.
Thông thường, em vốn không ưa cái loại hàng quán ấy với không khí vui vẻ giả tạo, sặc sụa hơi men, cũng như mọi thứ mà người ta gọi là “liên hoan” và bao giờ những người đề ra những loại giải trí ấy cũng bị em từ chối. Nhưng lần này, em như cảm thấy một yêu lực huyền bí nó khiến em bất giác đưa ra đề nghị ấy một cách đột ngột và ai ấy đều sôi nổi hưởng ứng một cách vui vẻ - bỗng nhiên em thấy một niềm mong muốn không sao cắt nghĩa nổi, như thể có một cái gì đặc biệt đang chờ đợi em ở nơi đó. Quen chiều em, tất cả đứng dậy và bọn em đi đến Tabarin. Ở đó, bọn em uống sâm banh và đột nhiên một nỗi vui điên dại xâm chiếm em, một nỗi vui gần như phát đau em chưa từng thấy bao giờ. Em uống hết chén này sang chén khác, cũng hát những bài hát nhả nhớt như những người khác và cảm thấy hết sức cần thiết phải nhảy múa và thét lên những tiếng kêu la vui sướng. Bất thình lình - tưởng như có một cái gì giá băng hoặc nóng bỏng đặt lên tim em - em giật bắn mình: anh đang ngồi với các bạn ở bàn bên cạnh và anh hướng về em một cái nhìn thán phục và thèm muốn, cái nhìn mà bao giờ cũng làm em xao xuyến tận đáy tâm hồn. Lần đầu tiên sau mười năm, đôi mắt anh lại dán chặt vào em với tất cả sức mạnh vô thức và cuồng nhiệt của con người anh. Em run lên. Ly rượu em đang giơ lên suýt tuột khỏi tay rơi xuống. May thay những người bạn cùng bàn không nhận thấy sự bối rối của em, nó bị lấp trong tiếng cười và tiếng nhạc.
Cái nhìn của anh mỗi lúc một thêm cháy bỏng và làm toàn thân em như bị ném vào một lò lửa. Em không biết có phải cuối cùng, cuối cùng anh đã nhận ra em không, hay anh chỉ khao khát em như khao khát một người đàn bà mà anh chưa được ôm trong tay, như một người đàn bà khác, như một người xa lạ. Má em bừng bừng và em lơ đãng trả lời những người ngồi cùng với em. Hẳn anh đã nhận thấy cái nhìn của anh làm em luống cuống đến thế nào.
Anh khẽ gật đầu không để ai thấy, mời em ra phòng chờ một lát. Rồi anh đường hoàng gọi tính tiền; anh cáo từ các bạn và đi ra, trước đó không quên ra hiệu cho em một lần nữa là anh chờ em ngoài ấy. Em run lên như lên cơn sốt rét. Em không thể trả lời được những câu người ta hỏi em, em không thể ghìm được máu em đang sôi sục. Tình cờ, đúng lúc ấy, một cặp da đen bắt đầu một điệu nhảy mới, kỳ lạ, vừa dận gót vừa thốt ra những tiếng kêu the thé. Mọi người dồn cả mắt vào họ. Em bèn thừa cơ đứng dậy, bảo người tình của em là mình sẽ trở lại ngay và thế là em đi theo anh.
Bên ngoài, anh đợi em ở phòng chờ. Mắt anh sáng lên khi thấy em đến, anh tươi cười chạy ra đón em. Em lập tức thấy anh không nhận ra em, anh không nhận ra cả con bé con lẫn cô gái dạo xưa. Một lần nữa, bàn tay chìa ra đón lấy em là bàn tay chìa cho một người đàn bà gặp gỡ lần đầu, một người đàn bà không quen.
”Một ngày nào đó liệu cô có thể dành cho tôi một giờ không”, anh xuề xoà hỏi em - anh tưởng em là một gái làm tiền ban đêm. “Vâng”, em đáp. Vẫn là cái tiếng “vâng” run run, mặc dù thế vẫn tự nhiên và ưng thuận, tiếng “vâng” mà cô gái là em mười năm trước đã trả lời anh trong đường phố hoàng hôn. “Thế bao giờ chúng ta gặp nhau được?”. “Lúc nào ông muốn”. Trước mặt anh, em không chút xấu hổ. Anh nhìn em hơi ngạc nhiên, vẫn là cái ngạc nhiên do nghi ngại và tò mò mà ngày xưa anh đã tỏ ra trước sự đồng ý mau lẹ của em. “Bây giờ cô có rỗi không?”, anh hỏi em với đôi chút do dự. “Rỗi ạ”, em trả lời, “ta di thôi”.
Em định quay lại lấy áo măng tô ở phòng gửi quần áo. Bấy giờ, em chợt nhớ ra rằng áo của em và của người bạn trai gửi chung một vé. Quay lại hỏi vé anh ta mà không có cớ gì rõ rệt thì không thể được; mặt khác, bỏ qua cái giờ được ở bên anh, cái giờ mong muốn thiết tha từ bao lâu nay, thì em không muốn. Cho nên em không do dự một giây; em chỉ cần quàng chiếc khăn san lên áo dạ hội và bước ra trong đêm mờ sương và ẩm ướt, không bận tâm đến chiếc áo măng tô, không cần biết đến con người tốt và ưu ái đã nuôi em sống mấy năm nay, con người mà em biến thành trò hề lố bịch trước mặt bạn bè bằng cách bỏ rơi anh ta như vậy để đi theo một kẻ xa lạ ngay từ cái nháy mắt đầu tiên, sau khi đã là tình nhân của anh ta mấy năm trời. Ồ! trong thâm tâm, em hoàn toàn ý thức được sự đê tiện, sự vô ơn, sự bỉ ổi mà em đã phạm đối với một người bạn chân thành; em cảm thấy em hành động một cách kỳ cục và bằng sự rồ dại đó, em đã xúc phạm mãi mãi, làm tổn thương đến chết một con người đầy lòng tốt đối với em; em biết rằng, em đã làm tan nát đời em, nhưng tình bạn đối với em có nghĩa gì, cuộc sống đối với em có nghĩa gì so với lòng em đang nôn nóng muốn được cảm thấy một lần nữa sự tiếp xúc của đôi môi anh, được nghe thấy những lời âu yếm của anh. Vậy đó, em yêu anh như thế đó; bây giờ mọi chuyện đã qua, mọi chuyện đã xong rồi, em có thể nói rõ điều ấy với anh và em tin rằng, nếu như trên giường lâm chung của em, anh gọi em thì em vẫn đủ sức vùng dậy để đi đến với anh.
Ở trước cửa tiệm khiêu vũ, có một chiếc xe, chúng mình đáp luôn về phía nhà anh. Em tận hưởng cái êm ái được bên anh, em lại say sưa, tràn ngập cái hạnh phúc trẻ thơ và bối rối, giống hệt như dạo xưa. Em lại leo lên những bậc cầu thang, lần đầu tiên, sau hơn mười năm, với tâm trạng rạo rực như thế nào, em không thể, phải em không thể mô tả cho anh nghe trong một vài giây đó, một tình cảm hai chiều đã xáo trộn quá khứ và hiện tại trong em như thế nào, cũng như trong tất cả các cái đó, làm sao em vẫn lại chỉ thấy riêng mình anh mà thôi.
Phòng ngủ của anh không thay đổi mấy. Thêm một vài bức tranh, thêm nhiều sách hơn, đây đó vài thứ đồ đạc của nước ngoài. Tuy nhiên tất cả đều chào đón em một cách thân thuộc. Và trên bàn anh là cái bình và những bông hồng, những bông hồng của em, những bông hồng em gửi hôm trước nhân dịp sinh nhật anh, đồng thời để kỷ niệm một người đàn bà mà anh không còn nhớ đến nữa, mà anh không nhận ra kể cả trong lúc này đây khi cô ta ở kề bên anh, tay trong tay anh, môi siết chặt môi anh. Tuy nhiên em sung sướng thấy là anh đã chăm chút những bông hồng của em, thành thử dù sao, xung quanh anh cũng thoang thoảng chút hơi thở của bản thân em, chút hương của tình em.
Anh ôm em trong tay. Em lại qua một đêm lạc thú với anh. Nhưng ngay cả khi em không còn có gì trên người, anh vẫn không nhận ra em. Sung sướng, em để mặc cho anh vuốt ve một cách lọc lõi và em thấy sự cuồng nhiệt ân ái của anh chẳng hề phân biệt một người yêu với một gái làm tiền, anh hoàn toàn tự buông thả theo dục vọng của mình với tất cả sự nông nổi và hào phóng vốn là đặc tính của anh. Anh rất dịu dàng âu yếm đối với em, đối với một người gặp trong quán rượu đêm, anh rất quý phái, rất thân tình, rất ân cần, vậy mà đồng thời anh lại tỏ ra say mê trong việc hưởng thụ đàn bà. Một lần nữa, em lại thấy cái lưỡng tính có một không hai của con người anh, em lại thấy trong cái tính nhục cảm của anh cái lý tính sáng suốt đã từng biến con bé là em thành nô lệ của anh. Chưa bao giờ em nhận thấy một người đàn ông nào trong khi ân ái lại bỏ lãng hiện tại một cách tuyệt đối như thế, dào dạt như thế và lan tỏa như thế - nói cho đúng ra, để rồi sau đó tắt đi trong một lan tỏa không cùng và gần như siêu phàm.
Nhưng cả em nữa, em cũng quên hẳn bản thân mình. Giờ đây em là cái gì trong đêm tối, bên cạnh anh? Con bé sôi nổi ngày xưa, mẹ của con trai anh hay người đàn bà xa lạ? Ôi! Sao mà tất cả đều quen thuộc, đều gần gũi đối với em, vậy mà tất cả đều phập phồng một cuộc sống mới trong cái đêm mê cuồng này! Và em cầu cho nó đừng bao giờ chấm dứt.
Nhưng rồi cũng đến sáng. Hai chúng mình dậy muộn. Anh mời em ăn sáng với anh. Chúng mình uống trà do một người hầu vô hình kín đáo dọn ở buồng ăn và chúng mình chuyện gẫu. Một lần nữa anh lại nói với em với tất cả sự xuề xoà thẳng thắn và thân mật riêng biệt của anh, và lần này cũng không hề hỏi em những câu đường đột, không tỏ chút tò mò gì về con người em.
Anh không hỏi tên em, cũng không hỏi địa chỉ em. Một lần nữa, đối với anh, em chỉ là chuyện giăng hoa, là người đàn bà không tên, là giờ ái ân sẽ bay hơi đi trong làn khói của quên lãng, không để lại mảy may dấu vết. Anh kể là anh sắp làm một chuyến viễn du khoảng hai, ba tháng sang Bắc Phi. Giữa lúc đang hạnh phúc, em bỗng run lên vì bên tai em đã lại gằn lên những chữ này: thế là hết! Thế là hết và lại chìm vào quên lãng! Em sẵn sàng phục xuông chân anh mà kêu lên “Hãy mang em đi để cuối cùng, anh có thể nhận ra em, sau bao năm đằng đẵng”. Nhưng em rụt rè quá và hèn nhát quá, yếu đuối quá và quị luỵ quá trước mặt anh. Em chỉ đủ sức nói như thế này: “tiếc thật!”. Anh mỉm cười nhìn em và hỏi: “Em có buồn thực sự vì anh đi không?”. Lúc ấy, bỗng nhiên em cảm thấy như tức giận. Em nhìn anh hồi lâu một cách rắn rỏi. Rồi em nói: “Người yêu em cũng thế, cứ đi xa hoài”. Rồi em nhìn thẳng vào mắt anh “Bây giờ anh ấy sắp nhận ra mình đây”, em tự nhủ, toàn thân run lên và căng thẳng. Nhưng anh chỉ mỉm cười đáp lại và nói để an ủi em: “người ta đi rồi người ta lại về” – “phải”, em trả lời, “khi trở về thì người ta đã quên”. Chắc là trong cái cách em nói câu ấy, có một cái gì kỳ lạ, một cái gì cuồng nhiệt, bởi vì anh đứng dậy và nhìn em rất ngạc nhiên, rất âu yếm. Anh nắm lấy vai em: “Những cái tốt đẹp làm sao mà quên được, anh sẽ không quên em”, anh bảo thế. Đồng thời cái nhìn của anh xoáy vào tận đáy tâm hồn em, như muốn nhuốm dấu vết của hình ảnh em. Và trong khi cảm thấy cái nhìn đó thấm sâu vào mình, lục lọi, tìm kiếm, em những tưởng cái bùa yểm che mắt anh đã mất linh. “Anh ấy sắp nhận ra mình, anh ấy sắp nhận ra mình rồi”. Cả tâm hồn em run lên khi nghĩ như vậy.
Nhưng anh không nhận ra em. Không, anh không hề nhận ra em, và không lúc nào em xa lạ với anh hơn lúc này, bởi vì nếu không thế thì anh đã chẳng làm cái việc xảy ra trong mấy phút sau. Anh đã hôn em, hôn nữa, hôn say đắm. Em phải sửa lại mái tóc bị anh làm bù rối. Trong khi em đứng trước gương - ôi em tưởng đến ngất đi vì hổ thẹn và kinh hãi! Em thấy anh đang kín đáo nhét vào cái bao tay của em mấy tờ giấy bạc lớn. Làm sao mà lúc ấy em lại có đủ sức để kìm lại không kêu lên, không tát vào mặt anh, em, người đã từng yêu anh từ thuở còn thơ, em, mẹ của con trai anh, mà anh lại đi trả tiền em về cái đêm ân ái này. Trước mặt anh, em chỉ là một con điếm ở đường phố Tabarin, không hơn không kém - và anh đã trả tiền em, phải, trả tiền em! Anh quên em chưa đủ sao mà anh còn phải làm nhục em thế này nữa.
Em vội vã vơ quần áo, em muốn đi, đi ngay. Em đau đớn quá rồi. Em giơ tay với chiếc mũ: nó ở trên bàn viết bên cạnh bình hoa hồng, những bông hồng bạch của em. Bấy giờ, em chợt cảm thấy một đòi hỏi mãnh liệt không sao cưỡng nổi, em phải thử một lần nữa đánh thức những kỷ niệm của anh dậy: “Anh có thể cho em một bông hồng bạch được không?”, em nói – “Rất vui lòng!”, anh trả lời. Và anh lập tức cầm lấy một bông. “Nhưng có lẽ hoa này là của một người đàn bà nào tặng anh, một người đàn bà yêu anh?”, em hỏi. “Có thể”, anh nói, “Nhưng anh không biết. Những bông hoa đó, anh không rõ ai cho mình, cho nên anh thích chúng”. Em nhìn anh, “Cũng có thể đó là của một người đàn bà mà anh đã quên chăng?”. Anh ngước mắt lên về phía em, ngạc nhiên. Em nhìn anh chằm chằm. Hãy nhận ra em, hãy nhận ra em đi, cuối cùng, anh hãy nhận ra em đi nào, cái nhìn của em gào lên với anh như vậy!
Nhưng đôi mắt anh chỉ cười thân ái, không hiểu. Anh lại hôn em lần nữa, nhưng anh không nhận ra em.
Em đi thật nhanh ra cửa, bởi vì em cảm thấy nước mắt trào lên và không thể để anh thấy được. Quá hấp tấp, suýt nữa em đâm sầm vào bác Jăng, người lão bộc của anh, ở phòng chờ. Bác hoảng hốt nhảy vội sang một bên và mở phắt cửa cho em qua. Và trong khi em nhìn bác lúc ấy - anh có nghe em đấy không? - trong cái giây phút đồng hồ ấy, khi nước mắt lưng tròng, em nhìn ông lão, em thấy mắt bác lóe lên một ánh đột ngột. Trong có một giây thôi, anh nghe thấy không? Trong cái giây phút đồng hồ ấy, người lão bộc của anh, đã nhận ra em, vậy mà kể từ hồi niên thiếu, bác ta không hề gặp lại em.
Em những muốn quỳ thụp xuống trong tay bác! Em giằng vội từ chiếc bao tay ra mấy tờ giấy bạc mà anh đã thí cho em và dúi vào tay bác. Bác run lên, nhìn em sợ hãi, trong cái giây đồng hồ ấy, có lẽ bác đã hiểu em hơn anh trong cả cuộc đời anh. Tất cả những người đàn ông, phải, tất cả đều chiều chuộng em, tất cả đều tốt với em. Riêng anh, chỉ có riêng anh là quên em, riêng anh, chỉ có riêng anh là không nhận ra em.

*
*   *

Con em, con chúng ta, đã chết. Bây giờ em chẳng còn ai, chẳng còn ai để yêu, ngoài anh, ở trên đời. Nhưng anh là gì đối với em, anh, người đã đi qua bên em như đi qua bên bờ nước, anh, người đã giẫm lên em như giẫm lên một hòn đá, anh, người luôn luôn đi trong vĩnh viễn chờ đợi. Một hôm, em đã tưởng nắm được anh, nắm được con người luôn lẩn trốn em, qua đứa bé này. Nhưng quả nó là con anh, đang đêm, nó nhẫn tâm bỏ em đi xa; nó quên em rồi và chẳng bao giờ trở lại nữa. Một lần nữa, em lại trơ trọi cô đơn, cô đơn hơn bao giờ hết; em chẳng còn gì của anh, chẳng còn gì hết - con thì mất rồi, không có một dòng, một chữ, không một kỷ niệm, và nếu có ai thốt ra tên em trước mặt anh thì nó cũng chả có ý nghĩa gì đối với anh. Tại sao em không sẵn sàng chết đi, một khi đối với anh, em không hề tồn tại? Tại sao không từ bỏ cõi đời này một khi anh đã từ bỏ em? Không, anh vô vàn yêu thương, em xin nói với anh một lần nữa, em không hề kết tội anh, em không muốn những lời than khóc của em khuấy đục niềm vui trong nhà anh, đừng sợ rằng em sẽ ám ảnh anh lần nữa, tha thứ cho em, em cần phải kêu lên một lần bằng tất cả sức lực tâm hồn, vào cái giờ này khi con em nằm kia im lìm, không ai nhòm ngó. Em phải nói với anh một lần và chỉ một lần thôi. Sau đó, em lại quay về với bóng tối và em lại trở nên câm lặng, câm lặng như xưa nay em từng câm lặng bên cạnh anh. Nhưng tiếng kêu này chừng nào em còn sống, sẽ không đến tai anh đâu. Chỉ khi nào em chết, em mới nhận được di chúc này, di chúc của một người đàn bà yêu anh hơn tất cả những người đàn bà khác, mà anh không bao giờ nhận ra, di chúc của một người đàn bà không ngừng đợi chờ anh mà anh không bao giờ gọi đến. Có thể lúc đó, anh sẽ gọi em và lần đầu tiên, em sẽ phụ anh, bởi vì ở dưới mộ, em sẽ không nghe thấy anh gọi. Em không để lại cho anh tấm hình nào, không một dấu vết nhận dạng, cũng như anh, anh chẳng để lại gì cho em; anh sẽ chẳng bao giờ nhận ra em, chẳng bao giờ! Đó là mệnh lệnh của em trong cuộc sống, cầu cho trong cõi chết cũng như thế. Em không muốn gọi anh vào cái giờ cuối cùng này của em, em sẽ ra đi không để anh biết tên, biết mặt em. Em chết không hối tiếc gì, vốn xa vời với em, em sẽ không đau đớn gì cả. Nếu anh đau khổ vì cái chết của em, em sẽ không thể chết được.
Em không đủ sức viết tiếp nữa... đầu em nặng trịch... chân tay em ê ẩm, em lên cơn sốt... em cho rằng em sắp sửa phải nằm luôn lên giường chết của mình. Có lẽ sắp sửa chấm dứt... có thể số mệnh sẽ độ lượng với em một lần, không để em phải nhìn thấy những người vận đồ đen mang con em đi...
Em không viết được nữa rồi. Vĩnh biệt anh yêu của em, vĩnh biệt!
Cảm ơn anh. Dù sao, những gì đã xảy ra cũng là tốt... Em sẽ cảm ơn anh cho đến hơi thở cuối cùng... Em thấy nhẹ hẳn người, em nói hết với anh, bây giờ anh đã biết - không, anh chỉ phỏng đoán được thôi - là em yêu anh biết nhường nào, vậy mà tình yêu đó không làm cho anh vướng víu gì. Anh sẽ không nhớ thương em - điều đó là một ai ủi cho em. Sẽ chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống rực rỡ của anh... cái chết của em sẽ không gây phiền toái gì cho anh... điều đó an ủi em nhiều lắm, anh vô vàn yêu thương!
Nhưng rồi... từ nay, hàng năm, ai sẽ gửi hoa hồng bạch đến anh vào dịp sinh nhật? Ôi! Bình hoa sẽ trống không và cả cái hơi thở yếu ớt của bản thân em mỗi năm một lần đến bồng bềnh quanh anh, thế là cũng tắt luôn!
Anh yêu của em, em xin anh hãy lắng nghe... đây là lời cầu xin đầu tiên và cuối cùng của em với anh... vì lòng yêu thương em, hãy làm điều em yêu cầu: mỗi lần sinh nhật anh - tất nhiên ngày này thì anh phải nhớ chứ - anh hãy kiếm hoa hồng cắm vào bình. Hãy làm thế, hãy làm thế, như mỗi năm một lần, người ta thường cầu hồn cho một người đàn bà quá cố thân yêu. Em không tin Chúa nữa và không muốn được nguyện hồn, em chỉ tin anh, em chỉ yêu anh và chỉ có thể còn sống trong anh...
Ôi! Chỉ mỗi năm một lần thôi và hoàn toàn, hoàn toàn lặng lẽ, như em đã từng lặng lẽ sống bên anh. Em xin anh, hãy làm điều em yêu cầu, ôi, anh vô vàn yêu thương... Đó là lời câu xin đầu tiên của em với anh, đó cũng là lời cuối cùng... Cảm ơn anh... em yêu anh... em yêu anh... vĩnh biệt...

Đôi bàn tay run run của nhà văn buông rơi bức thư. Ông ngồi nghĩ ngợi hồi lâu. Trong ông, hỗn độn dâng lên cái ký ức lơ mơ về một cô bé hàng xóm, rồi một thiếu nữ, rồi một phụ nữ gặp trong một tiệm khiêu vũ ban đêm, nhưng cái ký ức ấy vẫn mơ hồ, không rõ nét, như một hòn đá lấp lánh, rung rinh dưới đáy nước không thể phân biệt được hình dáng nó ra sao. Trong trí ông, những cái bóng tiến tiến, lui lui nhưng không lúc nào tạo thành một hình ảnh rành rọt. Ông khuấy động trong lòng những kỷ niệm êm đềm, nhưng không có gì rõ ràng cả. Ông bỗng thấy hình như đã mơ thấy tất cả những khuôn mặt ấy, mơ thấy luôn luôn và sâu sắc, nhưng mà chỉ là mơ thôi. Bấy giờ, ông mới để mắt tới chiếc bình hoa trên bàn làm việc trước mặt ông. Bình trống không, lần đầu tiên trống không vào dịp sinh nhật ông, ông rùng mình sợ hãi. Ông thấy như đột nhiên một cái cửa vô hình mở ra và một luồng gió lạnh giá từ thế giới bên kia lùa vào cái yên tĩnh của phòng ông. Ông có cảm giác là một người vừa chết và trong đó có một tình yêu bất tử, tận đáy sâu của tâm hồn ông, một cái gì mở ra và ông nghĩ đến người yêu vô hình ấy một cách cũng hư linh và say đắm như nghĩ tới một tiếng nhạc xa vời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét