Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Những bức tranh phong cảnh mùa Đông - V. Lidin


Mọi việc cần giải quyết trong chuyến công tác đã xong, tàu hỏa đã khởi hành lúc nửa đêm. Thế là bây giờ có thể dành gần trọn một ngày để đi gặp lại dĩ vãng.
Mười ba năm trước, cũng ở khách sạn này, hồi còn là một kỹ sư địa chất trẻ tuổi, anh đã vĩnh viễn chia tay với người phụ nữ mà thiếu nàng đời anh trở nên vô nghĩa. Dường như mọi chuyện chỉ mới xảy ra hôm qua, khu Lesnôie, nơi Varia ở hồi ấy, những đêm trắng khiến cho con sông Neva xám đục nhuốm màu trắng bạc, lấp lánh như kim cương, những con đường trong công viên mùa hè. Cả hai đều ưa thích nhất công viên vào mùa thu. Những lối đi, những ghế đá rải rác. Lá cây và những vần thơ của Puskin hay thơ của Bloc tự nhiên cứ đến với họ. Những giờ khắc dài đằng đẵng trong viện Emitagiơ hay bảo tàng Nga. Những họa sỹ anh yêu thích cũng là những tác giả nàng yêu chuộng, quan điểm nghệ thuật của họ hoàn toàn giống nhau, tưởng như cả cuộc đời cũng chưa đủ để thổ lộ với nhau điều thầm kín nhất.
Vậy thì vì sao nên nông nỗi ấy ? Tất cả những gì thân thiết thừa đủ để gắn bó họ với nhau suốt đời bỗng dưng tan vỡ. Vết nứt rạn đầu tiên trong tình cảm chân thành và sâu sắc của họ xuất hiện từ bao giờ ?
Mười ba năm trước, cũng trong căn phòng khách sạn này, anh chỉ còn lại một mình; anh đã xúc phạm sâu sắc Varia và không chạy theo xin lỗi nàng.
Một giờ sau anh đến Lesnôiê nhưng Varia không có nhà, anh tìm nàng suốt ngày mà không thấy. Anh ngồi mấy giờ liền bên điện thoại trong phòng mình chờ tiếng chuông nàng gọi. Nhưng anh uổng công chờ đợi. Ngày hôm sau anh lên đường cùng đoàn khảo sát. Rồi những cuộc thăm dò địa chất ở Ural, rồi chiến tranh bùng nổ trong năm ấy, cuộc bao vây Leningrat…
“Thôi, cần gì! Đó đâu phải là người duy nhất trên đời”. Anh đã tự nhủ như thế trong cái ngày Varia vĩnh viễn rời bỏ anh. Trong những giây phút tương tự, người ta thường nghĩ như vậy để tự an ủi mà chẳng hiểu rõ: một khi đã là tình yêu thật sự thì người yêu bao giờ cũng là người duy nhất.
… Anh ra phố, đi dọc bờ sông, thở hít không khí trong lành từ biển đưa vào, thứ không khí thường có ở Leningrat.
Hồi xưa, khi còn là chàng sinh viên địa chất trẻ tuổi, anh đã từng dạo gót trên những đường phố này. Giờ đây anh đã ba mươi tám tuổi và là phó giáo sư. Có lần, ở Sveclốp, khi đến nhà bảo tàng hội họa vào ngày chủ nhật, anh chợt nhớ lại những kỷ niệm xưa với một tình cảm mãnh liệt mà năm tháng không thể làm cho phai nhòa. Anh và Varia thường hẹn gặp nhau trong viện bảo tàng Emitagiơ, khi thì trước bức chân dung chàng trai mặc áo caphơtan màu tím nhạt của Vanđâycơ, khi thì trước bức chân dung người thiếu phụ tay cầm cây gậy kết hoa của Rembrăng, khi thì trước bức chân dung thần Băcquyt đang nâng chiếc cốc vàng… Không, nếu hồi tưởng lại dĩ vãng thì phải đi qua những gian phòng Ecmitagiơ, trước những họa sĩ vĩ đại đã chứng kiến tuổi thanh xuân của anh.
Như thường lệ, vào những giờ này của ngày hè, ở viện bảo tàng có những đoàn tham quan. Anh đứng lại, nhường bước cho một đoàn đi qua, và lòng se lại, dường như thời gian đã quay trọn một vòng. Anh tới gần bức tranh Madona của Lêona đờ Vanhxi. Nó vẫn chỗ ấy. Mặt xanh xao nhợt nhạt, chứa chan tình mẫu tử trìu mến thiết tha vẫn còn nguyên qua bao thế kỷ, Madona cúi nhìn đứa bé ẵm trong tay như muốn căn dặn con ghi lòng tạc dạ tấm lòng chung thủy của tình người.
Tất cả vẫn như xưa, chỉ có anh, Ipatrep nay đã đổi khác, không còn ai cùng anh chia sẻ niềm hân hoan cảm phục. Nhưng bà mẹ muôn đời vẫn còn đây, dường như bà đã cùng Lêningrat trải qua mọi thử thách, điều đó bỗng khiến anh bồi hồi xao xuyến lạ thường, dường như đưa anh về với tuổi thanh xuân sau một thời gian dài xa vắng. Anh đi từ phòng này sang phòng khác. Anh nhớ, ở chính chỗ này nhất định phải có những bức tranh của một họa sĩ vô danh mà anh và Varia cùng yêu thích. Họa sĩ này không ký tên trên những bức tranh nên họ gọi ông là “nhà họa sĩ bậc thầy về phong cảnh mùa đông”.
Mấy bức tranh vẫn treo ở kia, đây là tranh miêu tả mùa đông Hà Lan với những người trượt băng, những khách bộ hành đang khom người trước gió rét. Anh và Varia đứng lặng hồi lâu trước những bức tranh ấy, lòng tràn ngập niềm cảm thông sâu sắc với số phận nhà họa sĩ vô danh và khâm phục nghệ thuật của ông.
Ipatrep đã gần ra tới cửa, bỗng nhiên một người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế dài cạnh tường đứng bật dậy, đi qua trước mặt anh. Sao nàng giống Varia đến thế, hay quả thực thời gian đã quay trọn một vòng? Anh theo kịp và nhìn mặt nàng.
- Vacvara Nhicalaiepna. - Anh bối rối thốt lên.- Cô đấy ư ? Trên đời đôi khi có những điều kỳ diệu như thế đấy!
- Thật bất ngờ…- Chị nói.- Tôi rất mừng được gặp anh…
Chị nhìn khuôn mặt anh đã đổi thay qua năm tháng, những nếp nhăn trước kia không hề có. Cặp mắt xám của chị dịu dàng đượm buồn.
- Trên đời đôi khi có những điều kỳ diệu thế đấy ! – Anh lặp lại, không biết bắt chuyện ra sao.- Nào, ta ngồi xuống đây đi. Hồi nào chúng ta vẫn thường đến đây…
Họ ngồi xuống chiếc đivăng cạnh tường.
- Quả thực tôi không biết cô ở Leningrat. Tôi viết cho cô theo địa chỉ cũ ở Lesnôiê. Nhưng thư từ đều bị trả lại.
- Không, đã lâu tôi không ở đấy và sau này tôi đã mang họ khác.
Anh im lặng, nhìn nét hoa văn rắc rối trên sàn ván.
- Varia,- anh nói tiếp,- tất cả những gì tốt đẹp nhất trong đời tôi đều gắn bó với thời ấy. Tôi xa Lêningrat đã mười ba năm rồi…
Anh đưa mắt nhìn chị. Nhìn kỹ thì thấy tóc chị đã điểm những sợi bạc và dưới mắt đã thoáng có những quầng thâm. Những cái đó chỉ làm cho khuôn mặt chị thanh tú và xinh hơn. Anh không dám kể lại với chị những điều anh đã nghiền ngẫm trong khách sạn hôm nay.
- Cô hãy kể chuyện về cô đi. Cô làm việc ở đâu ? Sống ra sao ? – Anh chỉ biết nói như thế.
- Chồng tôi đã hy sinh trong chiến tranh. Anh ấy là người tốt, giản dị... Tôi còn có cháu gái Ôlenka. Năm nay cháu lên mười. Tôi đã trải qua cuộc phong tỏa Lêningrat, thực cực khổ. Thế còn anh? Anh lấy vợ rồi chứ? Mấy con rồi?
- Không.- anh lắc đầu.- Tôi không lấy vợ. Varia, tất nhiên cô có thể cho là gặp cô thì tôi nói thế. Nhưng quả thật tôi không bao giờ quên cô được.
- Tôi cũng chưa bao giờ quên anh.- Chị thẳng thắn nói. Họ im lặng một lát.
- Anh còn ở Lêningrat lâu không?- Chị hỏi.
- Hôm nay tôi đi. Tôi về Sveclôp. Tôi sống ở đó đã tám năm nay. À, còn con gái cô đâu?- Anh hỏi.
- Cháu ở trại hè thiếu niên. Tôi thường vẫn đến Ecmitagiơ.- Chị nói.
Anh chợt nhớ ra chị vẽ cũng khá.
- Cô vẫn vẽ đấy chứ?
- Không, tôi thường họa đồ bản nhiều hơn. Nhưng tôi dạy cháu Ôlenka vẽ.
- Cô có mang theo ảnh cháu không?
Chị lặng lẽ mở ví, lấy ra một tấm ảnh nhỏ. Anh ngắm nhìn đứa bé, trong lòng vừa đau đớn vừa trìu mến. Nó vừa giống Varia lại vừa không giống.
- Chúng ta gặp nhau quá bất ngờ, mà tôi có nhiều điều muốn nói với cô, Varia ạ. Có lẽ tôi sẽ nói trong thư, nếu cô cho tôi địa chỉ. Hiện nay cô ở đâu?
- Phố Hồng Quân 3.
- Tôi không biết phố này.- Anh nói, dáng trầm ngâm.
Anh lặng lẽ ngắm nhìn chị, người mà hồi nào anh đã từng yêu và chắc chắn giờ đây anh vẫn còn yêu. Đấy vẫn là Varia thuở trước, có điều đau khổ đã nhiều. Làm sao mà anh đã để mất Varia? Anh đã đạt được tất cả: anh đã phát hiện được thứ kim loại hiếm, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Nhưng cái làm cho con người tràn ngập niềm vui và hạnh phúc dã bị mất ở nơi nào đó ngay từ lúc bước vào đời.
- Đã hơn ba giờ. - Chị đưa mắt nhìn đồng hồ tay.- Bốn giờ tôi phải có mặt ở nơi làm việc.
- Biết làm thế nào được!- Anh chỉ nói như vậy.
Họ đi qua các phòng rồi xuống thang. Một đoàn tham quan đang xếp hàng lấy vé. Đám mây đen từ biển Ban Tích kéo vào rắc xuống cơn mưa bụi. Nửa sông Nêva bị che khuất, nửa kia lấp lánh dưới ánh mặt trời.
- Đợi tôi một lát nhé.- Ipatrep nói, khi họ đi vòng qua quảng trường Cung Điện ra tới phố Nevsky.- Tôi muốn gửi cho cháu ít kẹo.
Anh ghé vào cửa hàng bánh kẹo, chọn mua một gói to nhất. Chị thoáng ngước mắt nhìn, rồi lại cúi xuống ngay, chỉ có hàng mi thoáng rung động.
- Cám ơn anh. Chủ nhật tôi sẽ mang đến trại hè cho cháu.
- Tiếc quá, chủ nhật tôi không còn ở Lêningrat. Thật đáng tiếc.
Họ lẳng lặng bước đi, một cái gì lớn lao tràn ngập tâm hồn họ đã ngăn họ không nói ra một câu thừa.
- Tôi làm việc ở đây.- Chị nói.- Ở đây, trong ngôi nhà này.
Họ bước lên bậc thềm và đứng lại.
- À,- anh sực nhớ, vội rút cuốn sổ tay trong túi ra,- Cho tôi địa chỉ. Về đến Sveclôp, tôi sẽ viết thư cho Varia, mà có lẽ còn sớm hơn, ngay trên đường đi thôi.- Anh cầm lấy bàn tay chị và vụng về hôn mấy đầu ngón tay.- Varia, nếu như tôi viết trong thư là sẽ đợi em vào ngày ấy, giờ ấy ở bên một trong những bức tranh trong viện Ecmitagiơ... chẳng hạn trước những bức tranh “phong cảnh mùa đông” thì sao? – Anh hỏi, tim đập rộn.- Em sẽ tới chứ?
Chị chỉ nhìn sâu vào mắt anh và lát sau, đã nghe thấy tiếng gót giầy chị bước trên thang gác.
Đã bốn giờ rồi. Còn tám tiếng rưỡi nữa tàu hỏa tới ga. Tám tiếng rưỡi là cả cuộc đời, nếu như con người không chịu đựng nổi nỗi cô đơn mà lại không thể đi dạo chơi, không đọc nổi sách, khi ấy chỉ còn mỗi một cách là ngay tại đây, tại Lêningrat này, lập tức ngồi viết lá thư như lời xưng tội.
Ipatrep ra khỏi cái cửa chính tối tăm, giờ đây anh có cảm giác như Lêningrat cùng tất cả những gì gắn bó với tuổi thanh xuân của anh không hề bị cuốn trôi theo năm tháng, và cái điều trọng đại nhất sẽ đến với anh ở thành phố này.
Trong giây lát, anh tưởng tượng thấy mùa Đông phương Bắc, cả tuyết bay trên sông Nêva, cả phong cảnh mùa đông có sức quyến rũ bí ẩn, cả cái quý giá nhất, có một không hai, từ nay sẽ không bao giờ tuột khỏi tay anh nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét