Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Chàng Đỏ - Somerset Maugham


Somerset Maugham

“Bi kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia ly... Bi kịch của tình yêu là sự lãnh đạm.”

Viên thuyền trưởng thọc tay vào một bên túi quần với vẻ khó khăn, vì nó không nằm ở bên sườn mà lại ở đằng trước, đã thế gã lại to béo; gã rút ra chiếc đồng hồ to bằng bạc. Gã nhìn đồng hồ rồi lại nhìn lên mặt trời đang xế. Anh chàng người Kanaka ở mạn trái đưa mắt nhìn viên thuyền trưởng, nhưng không nói gì. Mắt viên thuyền trưởng dừng lại ở hòn đảo mà họ đang tiến lại gần. Một vệt bọt trắng ghi dấu đá ngầm. Đã biết rằng chỗ này có một khe nước đủ rộng cho con tàu đi qua, khi họ tới gần hơn, gã tính sẽ trông thấy.
Họ còn có gần một tiếng nữa trước khi mặt trời lặn. Trong vịnh nước sâu, họ sẽ có thể thả neo thoải mái. Hương trưởng làng mà gã nhìn thấy giữa đám cây dừa kia là bạn của viên thuyền phó, lên bờ một đêm cũng dễ chịu. Viên thuyền phó tiến về phía trước và đúng lúc ấy viên thuyền trưởng quay về phía anh ta.
- Ta sẽ làm một chai rượu và rủ dăm cô gái lên nhảy, - gã nói.
- Tôi chẳng thấy khe nước đâu, - viên thuyền phó đáp.
Anh ta người Kanaka, đẹp trai, da ngăm đen, nom phần nào từa tựa như một Hoàng đế La Mã hậu sinh, đang đà chắc mập; nhưng khuôn mặt mịn màng và nhẵn nhụi.
- Tôi cầm chắc là nó ở ngay đây thôi, - viên thuyền trưởng vừa nói vừa nhìn qua cặp kính. - Tôi không hiểu tại sao ta lại không nom thấy. Thử cho một đứa trèo lên cột buồm ngó xem sao.
Thuyền phó gọi một thủy thủ đến và ra lệnh. Viên thuyền trưởng dõi theo anh chàng thủy thủ người Kanaka leo lên và chờ anh ta báo. Nhưng anh ta nói vọng xuống là anh ta không trông thấy gì ngoài cái vệt bọt kia. Viên thuyền trưởng nói tiếng Xamoa như một thổ dân, gã chửi tục một cách thoải mái.
- Cho nó ở trên ấy nữa hay không? - Viên thuyền phó hỏi.
- Ở trên ấy làm mẹ gì nữa? - Viên thuyền trưởng đáp. - Cái đồ ngốc nghếch chết tiệt ấy làm sao mà thấy được cái gì. Đánh cuộc với ông là thể nào tôi cũng tìm được cái khe nước nếu tôi lên trên ấy.
Gã tức giận nhìn cái cột buồm thanh mảnh. Thật rất hợp với một đứa thổ dân vốn vẫn quen trèo dừa suốt đời. Còn gã thì béo và nặng nề.
- Xuống đi, - gã kêu to. - Mày chẳng tích sự gì hơn đồ chó chết. Ta đành phải đi dọc dãy đá ngầm đến bao giờ tìm được khe nước mới thôi.
Đó là một chiếc tàu buồm bảy mươi tấn có động cơ quay buồm chạy bằng paraphin. Khi không có gió ngược, nó chạy quãng bốn năm dặm một giờ. Chiếc tàu đã cũ được sơn trắng từ dạo lâu lắm rồi, nay nó vừa bẩn, vừa dơ, lốm đốm những vết. Nó sặc mùi paraphin và mùi dừa khô là thứ hàng chở thường xuyên. Họ chỉ còn cách dãy đá ngầm một trăm bộ và viên thuyền trưởng bảo người lái chạy men theo đá ngầm cho đến khi tới khe nước. Nhưng khi đã đi được một vài dặm, anh ta mới nhận ra là đã mất dấu. Anh ta trở buồm và từ từ cho lui lại. Bọt trắng của đá ngầm tiếp nối không hề đứt đoạn, và lúc này mặt trời đang lặn. Chửi cho sự ngu ngốc của kíp thủy thủ một câu, viên thuyền trường đành chịu đợi cho đến sáng hôm sau.
- Xoay buồm lại, - gã nói. - Làm sao bỏ neo ở đây được.
Họ lại quay ra khơi chút ít, và giờ trời đã tối hẳn. Họ bỏ neo. Khi buồm đã cuộn, con tàu bắt đầu lắc lư mạnh. Ở Apia người ta nói rằng một ngày kia thể nào nó cũng lắc lư đến lật thì thôi; còn người chủ, một người Mỹ gốc Đức cai quản một trong những cửa hiệu lớn nhất thì bảo có các bao nhiêu tiền, anh ta cũng không chui vào cái tàu này. Anh bếp, người Trung Quốc mặc cái quần trắng, chạy ra nói là bữa ăn đã sẵn sàng; và khi viên thuyền trưởng bước vào ca bin, gã đã thấy người thợ máy ngồi ở bàn. Anh thợ máy người dài, gầy với cái cổ ngẳng. Anh ta mặc bộ quần áo làm việc màu xanh lơ và cái áo len cộc tay để lộ ra cái cẳng tay khẳng khiu xăm từ khuỷu đến cổ tay.
- Bố sư khỉ, phải ngủ đêm ngoài biển mất thôi, - viên thuyền trưởng nói.
Người thợ máy không trả lời, và họ ăn trong sự im lặng. Ca bin được soi sáng bởi một ngọn đèn dầu tù mù. Khi họ ăn hết món mơ hộp cuối mỗi bữa ăn, thì anh bếp bưng một tách trà vào. Viên thuyền trưởng đốt điếu xì gà và bước lên boong trên. Hòn đảo bây giờ chỉ là một khối đen sẫm trong đêm. Những vì sao rất sáng. Âm thanh suy nhất là tiếng sóng cồn vỗ không dứt. Viên thuyền trưởng thả người xuống một chiếc ghế và uể oải hút thuốc. Rồi có ba bốn thủy thủ tiến đến và ngồi xuống. Một người có cây đàn băng-giô và một người khác có một chiếc côngxéctina. [một loại nhạc cụ nhỏ kiểu acocđêông, có nút ấn và dải xếp nếp]
Họ dạo nhạc, và một người cất tiếng hát. Bài hát thổ dân vang lên một cách lạ lùng trong âm hưởng của những nhạc cụ kia. Rồi một cặp bắt đầu nhảy theo tiếng hát. Một vũ điệu dã man, nguyên thuỷ, hoang sơ, dồn dập, với những động tác mau lẹ của tay chân và sự uốn éo của thên hình: một điệu nhảy nhục cảm, thậm chí còn xác thịt, xác thịt mà thiếu dục vọng. Nó rất thú vật, rạch ròi, kỳ quặc mà không thần bí, tóm lại là tự nhiên gần như có thể gọi là trẻ con. Cuối cùng họ thấm mệt. Họ nằm ngả trên boong và ngủ, mọi vật đều yên lặng. Viên thuyền trưởng nặng nề nhấc thân mình khỏi ghế ngồi và lồm cồm bò qua một bạn đồng hành. Gã đi vào cabin và cởi quần áo ra, lên giường nằm. Gã thở hổn hển trong cái nóng của đêm.
Sáng hôm sau, khi hừng đông bò lên trên mặt biển êm lặng, khe nước giữa đá ngầm lẩn khỏi mắt họ đêm trước giờ đã hiện ra chênh chếch một chút về phía đông của nơi họ đậu. Chiếc tàu buồm tiến vào vịnh. Không có lấy một gợn sóng trên mặt nước. Sâu dưới những tảng đá san hô người ta thấy cá con đủ các màu bơi lượn. Khi đã thả neo đâu vào đấy, viên thuyền trưởng ăn bữa sáng và đi lên boong. Mặt trời tỏa chiếu trên bầu trời không mây, nhưng vào buổi sáng sớm thế này, không khí mát mẻ và dễ chịu. Hôm đó là ngày chủ nhật nên có một cảm giác tĩnh tại, yên ắng, như thể thiên nhiên đã đi nghỉ, điều ấy tạo cho gã một vẻ khoan khoái đặc biệt. Gã ngồi nhìn bờ cây um tùm, cảm thấy biếng nhác và thư thái trong lòng. Ngay sau đó có một nụ cười chậm rãi làm động đôi môi gã, gã ném mẩu xì gà xuống nước.
- Ta phải lên bờ mới được, - gã lên tiếng. - Cho thuyền ra nào!
Gã vụng về trèo xuống thang và chiếc thuyền chèo vào ngách vịnh con con. Những cây dừa tiến sát xuống tận mép nước, không thành hàng, mà dàn ra với một nghi thức định sẵn. Nom chúng giống vũ điệu ba-lê của các bà cô không chồng, tuổi đã lớn nhưng vẫn lả lơi, làm điệu làm bộ với vẻ duyên dáng màu mè của một thời đã trôi qua. Gã khệnh khạng đi qua đám dừa, dọc theo con đường trông rõ nét uốn lượn quanh co, chẳng mấy chốc nó dẫn gã tới một con lạch rộng. Một cái cầu bắc qua, làm bằng những thân cây dừa có khoảng một tá thân cây thành hàng một, đặt nối đầu với nhau và ở giữa chỗ nối được đỡ bằng một cây chạc cắm xuống lòng lạch. Bạn phải bước trên một bề mặt tròn, nhẵn, lại hẹp và trơn, mà không có tay vịn. Để qua cái cầu như thế đòi hỏi phải có một đôi chân chắc chắn và một con tim vững vàng. Viên thuyền trưởng ngập ngừng. Nhưng gã trông thấy bờ bên kia, nép dưới bóng cây là một ngôi nhà của người da trắng; gã quả quyết, và khá là rón rén, gã bắt đầu bước đi. Gã quan sát đôi chân cẩn thận, và mỗi khi gặp một chỗ nối thân cây mấp mô, gã hơi loạng choạng. Với tiếng thở phào nhẹ nhõm, gã đã đi tới cái cây cuối cùng và sau rốt đặt được chân lên nền đất cứng của bờ bên kia. Gã để tâm chăm chú vào việc qua cầu khó khăn này, nên không nhận thấy có người quan sát gã, và thật là ngạc nhiên khi gã nghe tiếng người nói với mình.
- Qua những cái cầu như thế này khi chưa quen cũng tốn chút ít thần kinh đấy chứ.
Gã ngẩng lên nhìn và thấy một người đàn ông đang đứng trước mặt. Ắt hẳn ông ta từ cái nhà mà gã trông thấy đi ra.
- Tôi thấy ông ngập ngừng, - người đàn ông tiếp tục nói với nụ cười trên môi, - và tôi chỉ rình được thấy ông ngã.
- Có mà đến mục thất nhà ông, - viên thuyền trưởng nói, lúc này đã lấy được vẻ tự tin.
- Chính tôi trước kia cũng đã từng ngã. Tôi nhớ là có một buổi tối đi săn về, tôi đã ngã, đánh rơi cả súng. Giờ thì tôi cho một cậu bé mang súng cho tôi.
Người đàn ông không còn trẻ nữa, có một bộ râu nhỏ giờ đã điểm bạc, và một khuôn mặt thuôn gầy. Ông ta mặc áo lót không tay và cái quần vải bông. Ông ta chẳng đi giày, tất gì cả. Ông ta nói tiếng Anh bằng một giọng hơi lơ lớ.
- Ông là Neilson? - Viên thuyền trưởng hỏi.
- Tôi đây.
- Tôi có nghe nói về ông. Tôi đoán là ông sống quanh quanh đâu đây.
Viên thuyền trưởng theo chủ nhân đi vào căn nhà một tầng và nặng nề ngồi xuống cái ghế mà người kia chỉ cho. Trong lúc Neilson đi ra ngoài kiếm rượu uytki, gã nhìn quanh gian nhà một lượt. Nó làm gã sửng sốt. Chưa bao giờ gã thấy lắm sách đến vậy. Các giá đặt từ sàn lên đến trần ở cả bốn phía tường mà cái nào cũng chứa chật cả. Một cây đàn pianô lớn bày bừa các bản nhạc, và một cái bàn rộng trên đó sách vở tạp chí để bề bộn. Gian buồng làm gã thấy bối rối. Gã nhớ rằng Neilson là một tay kỳ quặc. Không ai biết về ông ta nhiều lắm, tuy ông ta đã ở đảo lâu, nhưng những ai biết ông ta đều đồng ý rằng ông ta kỳ quặc. Ông ta người Thuỵ Điển.
- Ông có một tủ sách to quá nhỉ, - gã nói, khi Neilson quay vào.
- Chúng cũng chẳng hại gì, - Neilson đáp với một nụ cười.
- Ông đã đọc tất cả số sách ấy rồi sao? - Viên thuyền trưởng hỏi.
- Cũng gần tất cả.
- Tôi cũng có đọc chút ít. Tôi vẫn đặt mua báo “Bưu điện tối thứ bảy”.
Neilson rót cho khách một cốc rượu uytki khá mạnh và đưa cho gã một điếu xì-gà. Viên thuyền trưởng hởi dạ thông báo đôi điều tin tức:
- Tôi đến hôm qua, mà không tài nào tìm ra khe nước, nên phải bỏ neo phía ngoài. Tôi chưa chạy đường này bao giờ nhưng mấy cha bên tôi chở mấy thứ qua đây. Ông có biết Grây không?
- Vâng, anh ta có cái cửa hàng cách đây một đoạn đường.
- Phải, ở đấy có rất nhiều đồ hộp anh ta muốn được chở đến, với lại anh ta cần cả ít cùi dừa khô nữa. Họ cho là tôi cứ nên qua đây, nằm ườn ở Apia thì cũng thế. Tôi vẫn chạy đường Apia và Pago-Pago đấy chứ, nhưng vừa mới phát dịch đậu mùa ở đấy, nên chẳng có cóc khô gì để làm cả.
Gã uống một hớp rượu uytki và châm điếu xì gà. Gã vốn lầm lì, nhưng có cái gì đó trong con người Neilson khiến gã bị kích động làm gã cất tiếng. Người đàn ông Thụy Điển ngắm gã bằng cặp mắt to, đen, trong đó hơi thể hiện vẻ giễu cợt thích thú.
- Ông có cái chỗ xinh đáo để.
- Tôi cũng phải bỏ ra nhiều công sức đấy.
- Với chỗ cây này ông cũng khấm khá đấy nhỉ. Trông hay thật. Cùi dừa khô bây giờ đang được giá đấy. Tôi cũng đã có thời có ít đồn điền ở Upôlu, [Một trong chín hòn đảo ở Tây Xamoa, có trung tâm hành chính là Apia], nhưng tôi đã phải bán đi rồi.
Gã nhìn quanh gian nhà một lần nữa, tất cả những quyển sách kia gợi cho gã một cảm giác khó hiểu và thù địch nào đó.
- Chắc ở đây ông thấy hơi buồn nhỉ? - Gã nói.
- Tôi đã quen rồi. Tôi ở đây đã hai mươi lăm năm.
Lúc này viên thuyền trưởng chẳng còn nghĩ ra chuyện gì để nói nữa, nên gã im lặng hút thuốc. Neilson hiển nhiên không tỏ ý muốn phá vỡ sự yên lặng. Ông nhìn khách bằng con mắt nghĩ ngợi. Gã có vóc người cao hơn sáu bộ, và rất mập. Mặt gã đỏ và đầy vết bẩn, với một mạng mao mạch màu tía trên má, những đường nét bị chìm vào trong sự phì nộn. Mắt gã vằn tia máu. Cổ bị vùi trong những ngấn mỡ. Nếu không có một món tóc quăn và sáng, gần như màu trắng ở phía gáy, thì đầu gã hoàn toàn hói; và cái bề mặt trán thênh thang, bóng láng kia đáng lẽ phải tạo cái dáng uyên bác giả tạo, thì nó lại tạo cho gã một vẻ đần độn đặc biệt. Gã mặc sơ mi xanh lơ bằng vải phlanen, phanh cổ và phơi bày bộ ngực béo phủ một mảng lông đo đỏ. Chiếc quần xanh rất cũ bằng vải xéc. Gã ngồi trên ghế trong một tư thế vụng về, nặng nề, cái bụng vĩ đại chìa ra phía trước và đôi bắp chân mập không bắt chéo. Mọi đặc tính đàn hồi đã thoát ra khỏi chân tay gã. Neilson trầm ngâm tự hỏi không hiểu thời trẻ gã thuộc loại người nào. Hình như không thể hình dung ra nổi cái tấm thân đồ sộ kia đã từng là một cậu bé chạy tung tăng. Viên thuyền trưởng đã uống hết cốc uytki và Neilson đẩy cái chai về phía gã.
- Xin mời ông.
Viên thuyền trưởng rướn người về phía trước và lấy tay tóm lấy chai rượu.
- Thế sao ông lại tới cái xứ này? - Gã hỏi.
- Ồ, tôi đến các đảo nơi đây là vì chuyện sức khỏe. Phổi tôi hồi đó rất tồi, và người ta bảo tôi sẽ không sống nổi một năm nữa. Ông thấy đấy, người ta đã nhầm.
- Tôi muốn hỏi làm sao ông lại an cư ở chính nơi đây?
- Tôi là một người đa cảm.
- Chà!
Neilson biết viên thuyền trưởng chẳng hiểu gì điều ông nói, và ông nhìn gã với một ánh mỉa mai trong đôi mắt đen của ông. Có lẽ chính vì viên thuyền trưởng là một kẻ quá thô phàm và đần độn nên ông thấy muốn hăng nói nữa.
- Ông phải lo giữ thăng bằng quá lúc qua cầu nên không nhận ra rằng chỗ này nói chung là khá đẹp đấy.
- Ông có căn nhà nho nhỏ đáng yêu thật.
- À, đây không phải nơi tôi đến ở lúc đầu. Nơi đây có một túp lều của thổ dân, mái tổ ong và kèo cột, núp bóng một cây to hoa đỏ, còn những bụi cây ba đậu, lá vàng, lá đỏ ánh lên làm thành một hàng rào xung quanh. Rồi chung quanh lại toàn những cây dừa, lạ lùng như đàn bà, và cũng kiêu kỳ như thế. Chúng đứng bên mép nước và cả ngày soi bóng mình xuống đó. Hồi ấy tôi còn thanh niên. Trời, cái thuở một phần tư thế kỷ về trước - tôi đã muốn hưởng trọn vẹn vẻ đáng yêu của thế gian trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi bước vào cõi hư vô. Tôi nghĩ đấy là chỗ đẹp nhất tôi từng gặp. Lúc đầu trông thấy, tôi đã sững sờ, e rằng mình sắp phát khóc lên. Bấy giờ chưa quá hăm lăm, và cho dù tôi đã lấy hết can đảm nhìn thẳng vào số mệnh, tôi vẫn không muốn chết. Thế rồi hình như chính cái vẻ đẹp nơi này đã làm tôi dễ dàng chấp nhận số mệnh của mình hơn. Tôi cảm thấy là khi tôi đến đây, tất cả quãng đời quá khứ đã rơi tuột đi mất. Xtốckhôm với Trường đại học tổng hợp của nó, rồi thì Bon; tất cả cứ như cuộc đời của một người nào khác, như thể lúc này rốt cuộc tôi đã đạt đến cái hiện thực mà các vị tiến sĩ triết học - tôi cũng là một tiến sĩ triết, - đã từng tranh cãi khá nhiều. “Một năm” - tôi thốt lên với chính mình, - “Ta có một năm. Ta sẽ dùng nó ở nơi đây và rồi ta sẽ bằng lòng nhắm mắt xuôi tay”. Chúng ta đều ngốc nghếch, đa cảm và hay xúc động ở cái tuổi hăm lăm, nhưng giá chúng ta không như vậy thì có lẽ chúng ta sẽ kém sáng suốt hơn ở cái tuổi năm mươi. Nào uống đi, ông bạn. Đừng để những chuyện dấm dớ xen vào.
Ông vẫy bàn tay về phía cái chai, và viên thuyền trưởng cạn nốt phần rượu trong cốc.
- Ông chẳng uống tí nào cả, - gã nói, tay với chai uytki.
- Tôi không nghiện, - người đàn ông Thụy Điển mỉm cười - Tôi tự đầu độc mình bằng những cách tôi tưởng là còn tinh tế hơn. Nhưng có lẽ nó chỉ là chuyện huyễn hoặc. Dẫu sao, tác động kéo dài hơn và kết quả cũng độc hại hơn.
- Người ta bảo bên Mỹ bây giờ có nhiều cocain lắm. - Viên thuyền trưởng nói.
Neilson cười thành tiếng.
- Nhưng tôi có hay gặp người da trắng đâu nhỉ, - ông nói tiếp, - mà chỉ một lần thì tôi nghĩ mấy giọt uytki cũng chẳng gây hại gì cho tôi.
Ông bèn rót cho mình một ít, cho thêm chút xô-đa rồi làm một hớp.
- Thế rồi chẳng bao lâu tôi mới vỡ lẽ ra tại sao cái nơi này lại có một vẻ đáng yêu thần tiên làm vậy. Ở đây tình yêu đã lưu lại trong khoảnh khắc như con chim di cư tình cờ gặp một con tàu giữa đại dương, và trong chốc lát nó cụp đôi cánh rã rời lại. Cái đam mê đẹp đẽ hiện rành rành ra và hương vị của một mối tình đằm thắm còn phảng phất quanh đây giống như hương sơn trà tháng năm trên đồng cỏ quê tôi. Tôi thấy hình như những nơi mà ta đã từng yêu thương hay đau khổ đều để lại ít hương vị man mát nào đó không bao giờ tan đi hoàn toàn. Như thế chúng đã giành được một ý nghĩa tinh thần mà nó tác động một cách bí ẩn lên những kẻ đã trải qua. Ước gì tôi có thể làm sáng tỏ ý mình được nhỉ. - Ông hơi mỉm cười - Dầu tôi không dám nghĩ nếu tôi có nói được hết ý mình thì chắc gì ông đã hiểu.
Ông ngừng lời.
- Tôi nghĩ chỗ này đẹp, bởi vì ở đây tôi đã được yêu một cách đẹp đẽ. - Nói rồi ông nhún vai. - Nhưng có lẽ chỉ là tại cái cảm quan mỹ học của tôi được sự kết hợp may mắn của tình yêu tươi trẻ và một khung cảnh thích hợp ban thưởng cho.
Ngay một kẻ không đến nỗi ù lỳ như gã thuyền trưởng chắc cũng được tha thứ, nếu như anh ta có hoang mang trước những lời nói của Neilson. Vì hình như ông có hơi cười nhẹ những điều mình nói, Dường như lời ông nói xuất phát từ cái cảm xúc mà lý trí ông thấy nực cười. Ông tự nhận mình là một người đa cảm, mà khi tính đa cảm gắn với sự hoài nghi thì chỉ đẻ ra lắm chuyện oái oăm.
Ông yên lặng một lát và nhìn viên thuyền trưởng bằng cặp mắt trong đó toát ra sự ngỡ ngàng đột ngột.
- Ông này, tôi không thể không nghĩ là đã trông thấy ông ở đâu đó trước kia, - ông nói.
- Tôi không thể nói là tôi có nhớ gặp ông hồi nào, - viên thuyền trưởng đáp lại.
- Tôi có cảm giác ngồ ngộ là hình như khuôn mặt ông rất quen đối với tôi. Nó làm tôi băn khoăn mất một lúc. Nhưng tôi không tài nào lục được trong trí nhớ ra là đã gặp ở chỗ nào hay là vào lúc nào.
Viên thuyền trưởng nhún đôi vai nặng nề.
- Đã ba mươi năm rồi kể từ khi tôi lần đầu tiên bước lên trên những hòn đảo này. Người ta không tài nào ghi nhớ hết những người đã gặp gỡ trong giây lát thế này.
Người đàn ông Thụy Điển lắc đầu.
- Ông có biết đôi khi người ta có cảm tưởng là một nơi anh ta chưa hề đến lần nào trước kia lại quen thuộc đến lạ lùng không? Cũng như tôi có cảm tưởng nhìn thấy ông đây, - ông nở một nụ cười kỳ dị. - Có lẽ, có lẽ ông là chủ một chiếc thuyền galê thời La Mã cổ đại, còn tôi là cái anh nô lệ chèo thuyền. Ông ở đây đã ba mươi năm?
- Gần suốt ba mươi năm.
- Thế ông có biết một người đàn ông tên là Chàng Đỏ không?
- Chàng Đỏ?
- Đấy chỉ là cái tên mà tôi biết về anh ta. Bản thân tôi chưa được biết anh ta. Tôi chưa được thấy anh ta tận mắt, ấy thế nhưng hình như tôi thấy anh ta còn rõ hơn nhiều người khác, chẳng hạn rõ hơn anh em tôi, những người tôi đã cùng sống hàng ngày trong bao nhiêu năm. Anh ta sống trong tâm tưởng tôi rõ nét như một Paolô Malatexta hay một Rômeô. Mà không rõ đã có khi nào ông đọc Đăngtơ hay Sếchxpia chưa nhỉ?
- Tôi không thể bảo là tôi đã đọc rồi, - viên thuyền trưởng nói.
Neilson, miệng ngậm điếu xì gà, ngả người ra ghế lơ đễnh nhìn cuộn khói thuốc đang bơi trong không gian tĩnh lặng. Một nụ cười giỡn trên môi, nhưng cặp mắt ông vẫn nghiêm nghị. Rồi ông nhìn sang viên thuyền trưởng. Trong sự phì nộn thô thiển của gã có vẻ gì đó tơm tởm khác thường. Gã có cái vẻ thừa mứa mãn nguyện trong chính lớp mỡ béo. Thật là một sự lăng mạ. Nó đẩy thần kinh Neilson đến giới hạn chịu đựng. Nhưng sự tương phản giữa kẻ ngồi trước ông và kẻ nằm trong trí óc ông thật thú vị.
- Có vẻ như Chàng Đỏ là một anh chàng duyên dáng nhất mà người ta gặp được. Tôi đã chuyện trò với một số người biết anh ta hồi đó, những người da trắng ấy mà, và họ đều đồng ý là nếu anh trông thấy anh ta lần đầu tiên thì vẻ đẹp của anh ta hẳn sẽ làm anh sửng sốt. Người ta gọi anh ta là Chàng Đỏ là do bộ tóc rực lửa của anh ta. Bộ tóc ấy lượn sóng tự nhiên và được để dài. Nó chắc phải có cái sắc màu tuyệt diệu mà các nhà tiền Raphaen vẫn nháo nhào tìm kiếm. Tôi nghĩ anh ta không ngạo mạn vì bộ tóc ấy, anh ta quá chân thật, nào biết đến sự ngạo mạn, nhưng nếu có đi nữa, thì cũng không ai trách anh ta được. Anh ta cao sáu bộ, một hai insơ gì đó. Trong gian nhà thổ dân trước ở chỗ này có vết đánh dấu chiều cao anh ta bằng dao ở cái cột chống mái chính giữa ấy - anh ta được tạo nặn như một thánh thần Hy Lạp vai rộng và sườn mảnh; anh ta giống như thần Apôlô với cái vẻ tròn trịa mềm mại mà Praxiten đã đắp nên, với cái vẻ yêu kiều hồn nhiên của thanh nữ ấp bên trong một cái gì xáo động huyền bí. Da anh trắng phau, mịn màng như xa-tanh, như da dẻ phụ nữ vậy.
- Tôi cũng có làn da trắng hồi còn bé, - viên thuyền trưởng nói, cặp mắt vằn tia máu ánh lên.
Nhưng Neilson không chú ý gì đến gã. Ông đang đà kể chuyện nên sự cắt ngang làm ông sốt ruột.
- Mặt anh ta cũng đẹp như thân hình anh ta. Anh ta có cặp mắt to màu xanh, rất thẫm, đến nỗi có người bảo là màu đen, và không giống với đa số những người tóc đỏ, anh ta có hàng lông mày sẫm, lông mi cũng sẫm và dài. Đường nét anh ta đều đặn đến hoàn hảo, và miệng thì như một vết thương đỏ chói. Anh ta mới hai mươi tuổi.
Nói đến đây người đàn ông Thụy Điển dừng lại với một cảm giác lâm ly nào đó. Ông uống một hớp uytki.
- Anh ta thật là có một không hai. Chưa bao giờ có ai đẹp hơn được. Chẳng khác nào một bông hoa tuyệt vời nở trên cái cây hoang dại. Anh ta là sự ngẫu hợp tài tình của tự nhiên.
Một hôm anh ta đã cập vào chính cái vịnh mà chắc ông đã vào sáng nay. Anh ta là thủy thủ Mỹ, đào ngũ khỏi một chiếc tàu chiến ở Apia. Anh ta đã thuyết phục được một số thổ dân dễ tính cho đi nhờ trên một chiếc ca-nô vẫn hay chạy từ Apia đến Xaphôtô và được đưa lên bờ bằng xuồng độc mộc. Tôi không rõ tại sao anh ta lại đào ngũ. Có thể cuộc sống trên chiếc tàu chiến với những kỷ cương của nó khiến anh ta chán ngán, có thể anh ta có chuyện gì không hay, cũng có thể vùng biển Nam này và những hòn đảo thơ mộng kia đã thấm đậm vào tâm can anh ta. Lắm khi cái cảnh vật ấy nó chộp lấy con người ta một cách lạ lùng, và anh bỗng thấy mình như con ruồi mắc trong cái mạng nhện. Chắc là trong gân cốt anh ta có một sự mềm yếu nào đó và những ngọn đồi xanh mát này, với không khí mềm dịu, và biển xanh này đã rút mất ở anh ta cái sức mạnh phương bắc như Dalila rút của anh chàng người Nazarit. [theo Kinh thánh, Xamxơn người Nazarit có sức khỏe phi thường, là người anh hùng của dân tộc Ixraen, đã yêu Dalila, kẻ bị người Philixtin, kẻ thù không đội trời chung của Ixraen, mua chuộc. Dalila đã phát hiện sức mạnh của Xamxơn là ở mái tóc của anh ta, chưa được cắt từ hồi sinh ra. Sau khi ru cho Xamxơn ngủ trên đùi mình, Dalila đã cho người cắt bảy món tóc của anh, làm anh mất sức mạnh và bị người Philixtin bắt làm tù binh]. Dù thế này hay thế khác, anh ta muốn trốn đi và đã nghĩ rằng sẽ an toàn ở cái xó hẻo lánh này cho đến khi tàu của anh ta rời Xamoa.
Ở bên vịnh có một túp lều thổ dân và giữa lúc anh ta đang đứng đó, băn khoăn không biết đi đâu, thì một cô gái trẻ bước ra mời anh ta vào. Anh ta cùng lắm là biết được đôi ba từ thổ dân, còn cô cũng biết ít tiếng Anh lắm. Nhưng anh ta hiểu khá rõ nụ cười của cô gái có ý nghĩa gì, cùng những cử chỉ dễ thương của cô. Thế là anh bước theo cô. Anh ta ngồi xuống chiếc chiếu và cô đưa cho anh những lát dứa.
Tôi chỉ có thể nói về chàng Đỏ qua lời đồn, nhưng tôi đã gặp cô gái ấy ba năm sau khi anh ta lần đầu gặp cô. Cô có dáng dấp yêu kiều nồng nàn và một sắc màu phong phú. Cô khá cao, thon thả, với những nét tinh tế của nòi giống cô, và đôi mắt to như cái bể nước êm lặng dưới hàng cọ; tóc cô đen và quăn xõa xuống lưng, cô lại mang một vòng hoa thơm ngát. Tay cô thật đáng yêu. Nó nhỏ lắm, cân đối lạ thường, làm rung động những sợi tơ lòng của anh. Những ngày ấy cô dễ cười lắm. Nụ cười của cô quyến rũ đến mức làm đầu gối anh run lên. Da cô giống như một cánh đồng mùa hạ. Trời ơi, làm sao tôi có thể mô tả cô ta được nhỉ? Cô ấy đẹp đến phi thực.
Và đôi trai gái ấy, nàng 16 và chàng 20, đã say đắm nhau từ cái nhìn đầu tiên. Đấy là tình yêu đích thực, không phải loại tình yêu phát xuất từ cảm tình, từ lợi ích chung, hay từ sự nhất quán về tri thức, mà là tình yêu thuần túy và giản dị. Đó chính là cái tình yêu mà Adam đã cảm Eva khi chàng thức dậy và thấy nàng trong vườn đang mở to cặp mắt long lanh nhìn mình [khổ, Adam thì làm gì còn chọn lựa nào khác!]. Đó chính là cái tình yêu đã khiến các loài muông thú tìm nhau và các thánh thần phải đến với nhau. Đó chính là tình yêu đã làm thế giới này trở thành huyền diệu. Đó chính là tình yêu cho cuộc đời này cái ý nghĩa sinh thành. Ông chưa được nghe một vị công tước thông thái người Pháp nói, là với hai kẻ yêu nhau, thì luôn có một kẻ yêu và một kẻ để cho mình được yêu; đấy là cái sự thực cay đắng mà đa số chúng ta đành bó tay chịu, nhưng cũng có khi có hai kẻ cùng yêu và cùng để cho mình được yêu. Khi ấy người ta có thể tưởng tượng là mặt trời sẽ đứng lặng như nó đã đứng khi Giô-suê cầu nguyện Chúa Trời của người Ixraen. [khi Giô-suê dẫn dắt dân Ixraen đến đất Canaan, Đất Hứa của họ. Giô-suê đã lệnh cho mặt trời đứng yên trên thành Ga-ba-ôn, và “Mặt trời dừng lại giữa trời, và không vội lặn ước một ngày trọn - Cựu ước, Giô-suê 10” cho đến khi dân Ixraen đánh bại kẻ thù].
Ngay cả bây giờ, sau ngần ấy năm, khi tôi nghĩ đến cặp uyên ương ấy, trẻ là thế, đẹp là thế, giản dị là thế và nghĩ đến tình yêu của họ, thì tôi lại thấy nhói lòng. Nó làm tim tôi thổn thức như bị vò xé, khi đêm đêm tôi ngắm mặt trăng tròn tỏa sáng con vịnh từ bầu trời không mây. Lúc nào chả có cái đau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn thiện!
Họ còn là con trẻ. Nàng xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng. Tôi không biết gì về người con trai, nhưng tôi cứ muốn nghĩ là trong mọi hoàn cảnh, anh ta vẫn tài hoa và cởi mở. Tôi cứ muốn nghĩ là tâm hồn anh ta cũng đẹp như thân thể anh ta. Nhưng tôi cho là anh ta cũng không có nhiều tâm hồn hơn những giống sinh vật ở núi rừng, những giống biết làm ống tiêu từ lau sậy và tắm trong dòng suối của Sơn Lâm khi thế gian này hãy còn trẻ trung, và anh có thể nắm bắt lấy cái hình ảnh những con thú nhỏ đầu người mình dê phi nước đại qua khoảng rừng trống trên lưng một con nhân mã có râu.
Tâm hồn là một thứ sở hữu rắc rối, khi con người phát hiện ra nó thì anh ta mất đi vườn Thượng Uyển.
Khi chàng Đỏ đến đảo thì cũng vừa lúc có một nạn dịch tràn qua, thứ dịch do người da trắng đem tới vùng biển Nam và một phần ba cư dân trên đảo đã chết. Hình như cô gái đã mất hết người thân và sống trong nhà một người anh họ xa. Nhân khẩu gồm hai bà già, lưng còng và mặt mũi nhăn nheo, hai người đàn bà trẻ hơn, một người đàn ông và một cậu bé. Anh ta nán lại đấy ít ngày. Nhưng có thể anh ta cảm thấy ở gần bờ biển quá, nhỡ đâu lại đụng phải những người da trắng và họ sẽ phát hiện ra chỗ trốn tránh của anh ta, cũng có thể là cặp uyên ương không muốn chịu để sự tụ họp của những người kia tước đi của họ những giây phút khoan khoái bên nhau. Một sáng kia họ dọn đi, cái cặp uyên ương ấy, với một ít đồ đạc của cô gái, họ đi dọc con đường đầy cỏ dưới rặng dừa, cho đến khi tới con lạch mà ông đã trông thấy. Họ phải qua cây cầu mà ông đã đi qua. Cô gái cười sung sướng vì thấy chàng trai sợ hãi. Cô nắm tay anh cho tới hết cái cây đầu tiên thì anh ta mất hết can đảm và phải quay lại. Anh ta đã phải cởi hết quần áo ra rồi mới dám liều đi nữa và cô đội giùm quần áo cho anh. Họ ngụ trong cái lều bỏ không ở đó. Cô có quyền chiếm nó hay không (sở hữu đất đai là chuyện phức tạp trên đảo) hay là người chủ đã chết trong nạn dịch, tôi không rõ, nhưng chả thấy ai lục vấn họ, thế là họ thành chủ túp lều. Đồ đạc của họ gồm hai cái chiếu cỏ để ngủ, một mẩu gương soi và một hai cái bát gì đó. Trên mảnh đất dễ chịu này thì bấy nhiêu cũng đủ để bắt đầu một tổ ấm.
Người ta bảo rằng những người hạnh phúc không có thiên sử, và chắc chắn một tình yêu hạnh phúc cũng không có nốt. Cả ngày họ chẳng làm gì mà dường như những ngày ấy vẫn ngắn quá. Cô gái có một cái tên địa phương, nhưng chàng Đỏ gọi cô là Sally. Anh ta học rất nhanh thứ ngôn ngữ dễ dàng ấy, và anh ta thường nằm hàng giờ trên chiếu nghe cô nói líu ríu vui vẻ. Anh ta là một chàng trai ít nói, có thể do trí óc anh ta đang ở trạng thái ngất ngây. Anh ta hút liên tục thứ thuốc lá cô gái làm cho từ giống thuốc lá địa phương và lá cây dứa dại, và ngắm nhìn cô đan chiếu cỏ bằng những ngón tay khéo léo. Thường thì dân địa phương hay ghé chơi và kể những chuyện dài về những ngày xa xưa khi hòn đảo bị khuấy động bởi những cuộc chiến tranh bộ tộc. Đôi lúc anh ta đi câu trên mỏm đá và mang về một giỏ đầy cá. Thỉnh thoảng ban đêm anh ta xách đèn đi bắt tôm hùm. Quanh lều có những cây chuối lá và Sally vẫn nướng chúng cho bữa ăn thanh đạm của họ. Cô biết cách làm những món ngon linh tinh từ quả dừa, và cây mít bên bờ lạch cũng đã ra quả cho họ. Vào những ngày lễ họ thịt một con lợn con và nấu nướng trên những hòn đá kê làm bếp nóng rực. Họ tắm cùng nhau dưới con lạch, và tối tối họ ra vịnh và chèo rong ruổi trên con xuồng độc mộc. Biển xanh thăm thẳm, lúc vầng dương xuống thì có màu rượu đỏ như biển Hy Lạp của Hôme; nhưng ở vịnh sắc màu đa dạng vô cùng, vừa xanh biếc, vừa tím thạch anh, vừa màu ngọc lục bảo, và mặt trời đang lặn biến nó trong khoảnh khắc thành màu vàng trong trẻo. Rồi còn cả màu san hô, nâu, trắng, hông, đỏ, tía… và nó tạo nên những hình dáng tuyệt trần. Nó giống như một khoảnh vườn màu nhiệm và những chú cá tung tăng kia giống như những con bướm. Nó siêu thực đến lạ lùng. Giữa đám san hô có những khoảng nước có đáy cát trắng và nước trong veo, tắm rất tốt. Thế rồi, mát mẻ và sung sướng, họ thơ thẩn ra về trong ráng hoàng hôn hắt xuống con đường cỏ mềm mại dẫn đến lạch nước, bước đi tay nắm tay, lúc này những chú chim sáo đậu đầy rặng dứa kêu ầm ĩ. Rồi đêm đến, với bầu trời bao la lấp lánh ánh vàng có vẻ như còn trải ra dài rộng hơn những khung trời ở châu Âu, và những lớp không khí mềm mại thổi êm ái qua căn lều nhỏ; đêm dài lại hóa ra quá ngắn. Nàng mười sáu và chàng đôi mươi. Vừng đông đã bò quanh những cột gỗ của túp lều và ngắm nhìn đôi trẻ đáng yêu ấy đang ngủ trong vòng tay nhau. Mặt trời nấp sau những tàu lá tả tơi của đám chuối lá để khỏi quấy động họ, và rồi, với sự nô giỡn ranh ma, chiếu một tia vàng, như móng vuốt vươn dài của chú mèo Ba Tư, lên mặt họ. Họ mở cặp mắt ngái ngủ ra và mỉm cười chào đón ngày mới. Tuần này sang tháng khác, một năm đã trôi qua. Có lẽ họ yêu nhau một cách - tôi do dự không dám nói là một cách si mê, bởi si mê luôn chứa một dáng dấp u sầu, một chút cay đắng hay đớn đau - mà là một cách toàn tâm, toàn ý, một cách đơn giản và tự nhiên, cũng như cái hôm đầu tiên gặp gỡ, họ đã nhận ra có một thiên thần ẩn trong mình.
Nếu anh có hỏi thì tôi chắc chắn rằng họ đã nghĩ không đời nào tình yêu của họ lại có thể ngừng. Chúng ta chả biết rằng cái yếu tố cốt tử của tình yêu là niềm tin vào sự vĩnh cửu của chính nó đó sao? Ấy thế nhưng có lẽ trong lòng chàng Đỏ đã có một mầm mống rất nhỏ, anh ta cũng không hay mà cô gái cũng không ngờ, và nó sẽ lớn lên thành sự tẻ chán theo thời gian. Bởi một hôm, một thổ dân phía ngoài vịnh nói với họ rằng xuôi bờ xuống chút ít có một chiếc tàu đánh cá voi của nước Anh đang bỏ neo.
- Chà, - chàng Đỏ nói. - giá ta đem đổi ít hồ đào và chuối lấy một, hai pound thuốc lá thì hay nhỉ.
Những điếu thuốc làm bằng lá dứa dại mà Sally làm cho anh ta bằng đôi tay cần cù của mình, tuy mạnh và hút ngon, nhưng vẫn không làm anh ta thỏa mãn; và anh ta bỗng ao ước thứ thuốc lá chính cống, nặng, thô và hăng. Anh ta đã lâu không hút tẩu. Miệng anh ta ứa nước bọt khi nghĩ đến nó. Người ta cho là những linh cảm không lành sẽ khiến Sally tìm cách ngăn anh ta lại, nhưng tình yêu đã bao trùm lấy cô trọn vẹn, đến nỗi trong đầu cô không bao giờ nảy ra ý nghĩ là có một sức mạnh nào đó trên thế gian có thể bứt anh khỏi cô.
Họ cùng nhau lên đồi lượm một giỏ to toàn những quả cam dại, xanh, nhưng ngọt và nhiều nước; họ lấy chuối lá ở quanh căn lều, và dừa từ trên cây nhà họ, cả mít và xoài; rồi họ đem chúng ra vịnh. Họ chất lên một chiếc thuyền lênh chênh, rồi chàng Đỏ và cậu bé thổ dân - người đã báo tin về chiếc tầu cho họ biết - chèo ra men theo dải đá ngầm.
Đấy là lần cuối cùng cô trông thấy anh ta.
Ngày hôm sau cậu bé quay về một mình. Cậu ta đầm đìa nước mắt. Câu chuyện cậu kể thế này: họ chèo khá lâu trước khi tới được con tầu. Chàng Đỏ cất tiếng réo gọi, một người da trắng nhìn xuống và bảo họ lên tầu. Họ lấy số hoa quả mang theo và chàng Đỏ chất chúng lên boong. Người da trắng và anh ta nói chuyện với nhau, hình như có đi đến một thỏa thuận nào đấy. Một người trong bọn chạy xuống lấy thuốc lá đem đến. Chàng Đỏ lấy ngay một ít và châm tẩu. Cậu bé diễn lại cử chỉ hân hoan của chàng Đỏ khi nhả một chùm khói lớn từ miệng. Rồi bọn họ nói gì đó với anh ta, thế là anh ta đi vào cabin. Qua cái cửa mở cậu bé tò mò quan sát thấy một cái chai và cốc tách được đem ra. Chàng Đỏ uống và hút. Hình như họ hỏi anh ta cái gì đó vì thấy anh ta lắc đầu và cười. Người đàn ông, cái người đầu tiên nói chuyện với họ, cũng cười theo và rót tiếp đầy cốc chàng Đỏ. Họ tiếp tục chuyện trò và uống rượu, chẳng mấy chốc, mệt vì quan sát cái cảnh chẳng có nghĩa lý gì cho lắm, cậu bé nằm cuộn trên boong mà ngủ. Cậu bị đánh thức dậy bằng một cú đá, và nhảy dựng lên, cậu thấy con tàu đang từ từ rời vịnh. Cậu nhìn thấy chàng Đỏ ngồi bên bàn, đầu rũ gục trên cánh tay, đã thiếp đi. Cậu tiến lại định đánh thức anh ta thì một bàn tay thô ráp tóm lấy tay cậu, và một người đàn ông quắc mắt nói những lời mà cậu không hiểu, tay chỉ về phía mạn tầu. Cậu gọi to chàng Đỏ, nhưng lập tức bị tóm lấy và bị quẳng khỏi tầu. Bất lực, cậu đành bơi tới chiếc thuyền đang bị trôi dạt đi một quãng và đẩy nó lên chỗ đá ngầm. Cậu leo lên đấy, rồi khóc suốt dọc đường chèo thuyền vào bờ.
Điều xảy ra đã quá rõ ràng. Con tàu đánh cá ấy, do có sự đào ngũ hoặc đau ốm, đang thiếu người, nên khi chàng Đỏ lên đó, viên thuyền trưởng đã gạ anh ta nhập đoàn. Sau khi bị từ chối, hắn đã chuốc rượu cho chàng Đỏ say và bắt cóc đi.
Sally như người mất hồn vì đau buồn. Nàng khóc lóc vật vã mất ba ngày, Dân địa phương cố hết cách giải khuây cho nàng, nhưng nàng không khuây khỏa được. Nàng không ăn. Rồi khi đã kiệt sức, nàng rơi vào trạng thái đờ đẫn lầm lỳ. Nàng quanh quẩn suốt ngày ngoài bờ vịnh, mắt dõi ra biển, trong cái hy vọng vô ích là chàng Đỏ, bằng cách này, cách khác sẽ thoát được. Nàng ngồi trên cát trắng, hết giờ này sang giờ khác, nước mắt tuôn dài trên má và đêm đến, nàng ủ rũ lê bước qua con lạch về túp lều nhỏ, nơi nàng đã được hưởng hạnh phúc.
Những người bà con đã sống với nàng hồi trước khi chàng Đỏ đến đảo muốn nàng quay về với họ, nhưng nàng không về. Nàng đinh ninh rằng chàng Đỏ sẽ quay lại, nàng muốn chàng sẽ tìm thấy mình ở chỗ chàng đã bỏ nàng mà đi. Bốn tháng sau, nàng sinh một đứa con đã chết từ trong bụng mẹ, và bà già giúp nàng qua cơn trở dạ đã ở lại luôn với nàng trong lều. Đời nàng đã bị tước hết mọi niềm vui. Nếu như nỗi đau của nàng có nhẹ đi theo thời gian thì nó đã được thay bằng nỗi u buồn sâu lắng. Ông không thể tưởng tượng được rằng trong số những người dân nơi đây tình cảm mạnh mẽ nhưng rất chóng qua, lại tìm được một người đàn bà mang trong lòng một tình cảm nồng đậm đến vậy. Nàng không bao giờ phai nhạt niềm tin sâu sắc rằng sớm muộn thế nào chàng Đỏ cũng trở lại. Nàng mong ngóng chàng, mỗi lần có ai qua cái cầu nhỏ bé, thanh mảnh bằng thân dừa kia, nàng lại nhìn ra. Ắt hẳn cuối cùng người đó sẽ phải là chàng.
Neilson ngừng kể và thở dài nhè nhẹ.
- Rồi kết cục cô ta ra sao? - viên thuyền trưởng hỏi.
Neilson mỉm cười cay đắng.
- Ồ, ba năm sau nàng kết duyên với một người da trắng khác.
Viên thuyền trưởng cất tiếng cười trì độn, trơ tráo:
- Bọn đàn bà ấy thường bao giờ chả thế. - gã nói.
Người đàn ông Thụy Điển chĩa cái nhìn căm giận vào gã. Ông không rõ tại sao cái gã đàn ông phì nộn, ngu muội này lại gây cho ông một sự ghê tởm mạnh đến thế. Nhưng ý nghĩ ông còn đang chu du và ông ngẫm thấy trí óc ông vẫn còn chất đầy những kỷ niệm của dĩ vãng. Ông đang quay về với cái thời hai mươi lăm năm về trước. Đó là khi lần đầu ông đặt chân lên đảo, trong tâm trạng chán ngán Apia với những đồ uống nặng, cảnh cờ bạc và thú nhục dục trắng trợn của nó; và là một người bệnh, đành cam chịu lỡ dở công danh đã từng nung nấu tâm can ông với những tham vọng ấp ủ. Ông dứt tình bỏ lại đằng sau mọi hy vọng làm tên tuổi mình trở nên nổi tiếng và lui về tự bằng lòng với những tháng năm ít ỏi nghèo nàn của một đời sống điều độ, cái điều duy nhất ông có thể trông chờ. Ông lên đảo với một thương gia người lai có một cửa hàng cách đó một vài dặm dọc bờ biển, bên rìa một làng thổ dân. Một hôm, khi đi lang thang theo con đường đầy cỏ của khu rừng dừa, ông đã bắt gặp túp lều của Sally. Vẻ đẹp của chốn này làm ông mê ly đến gần như đau đớn, rồi ông trông thấy Sally. Nàng là người yêu kiều nhất mà ông từng trông thấy, cái nét u buồn trong cặp mắt đen huyền diệu kia của nàng tác động vào ông một cách lạ lùng. Người Kanaka là một bộ tộc đẹp đẽ, trong họ không hiếm mỹ nhân, nhưng đó là vẻ đẹp của loài muông thú. Nó rỗng tuếch. Nhưng đôi mắt bi thảm ấy lại đen và bí ẩn, và người ta cảm thấy trong đó cái uẩn khúc cay đắng của một tâm hồn vất vưởng. Người thương gia đã kể cho ông nghe đầu đuôi câu chuyện làm ông xúc động.
- Anh có nghĩ là anh chàng kia sẽ quay lại không? - ông hỏi người thương gia
- Không đâu. Vì phải một vài năm sau con tầu mới hết hợp đồng, lúc ấy thì hẳn anh ta sẽ quên tiệt cô kia. Tôi cuộc là anh ta phải nổi khùng lên khi tỉnh dậy thấy mình bị bắt cóc, nhưng tôi không băn khoăn chuyện anh ta có muốn đánh nhau với ai không. Anh ta chỉ còn cách nhăn răng ra cười rồi chịu vậy. Tôi đồ chỉ một tháng là anh ta sẽ nghĩ việc anh ta đi khỏi đảo là tốt.
Nhưng ông không thể bỏ qua câu chuyện ấy. Có lẽ vì ông đau ốm và yếu đuối, cái sức khỏe phi thường của chàng Đỏ kích thích trí tưởng tượng của ông. Vốn người xấu xí, diện mạo tầm thường, ông đánh giá rất cao vẻ duyên dáng của người khác. Ông chưa từng bao giờ yêu say đắm và chắc cũng chưa bao giờ được yêu say đắm. Sự quyến luyến lẫn nhau của đôi trẻ kia cho ông một cảm giác khoan khoái đặc biệt. Ông lại đi đến túp lều nhỏ bằng đường qua con lạch. Ông có tài về ngôn ngữ và có một trí óc năng nổ đã quen làm việc, và ông đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu ngôn ngữ địa phương. Thói quen cũ của ông còn mạnh, và ông thu thập tài liệu cho một tờ báo bằng thổ ngữ Xamoa. Bà già ở cùng Sally đã mời ông vào chơi. Bà đãi ông uống kawa và thuốc lá. Bà vui sướng có người để chuyện trò, và khi bà nói thì ông nhìn Sally. Nàng gợi cho ông nhớ tới bức tượng Psyche ở bảo tàng Naples.
Phải mãi đến hai, ba lần gặp nhau, nàng mới mở miệng nói với ông. Cũng chỉ là để hỏi xem ông có thấy ở Apia một người tên là chàng Đỏ hay không. Hai năm đã trôi qua kể từ khi chàng biệt tích, nhưng rõ ràng là nàng vẫn nghĩ đến chàng không nguôi.
Cũng chẳng phải lâu la gì Neilson mới phát hiện ra là ông yêu nàng. Giờ thì chỉ có nỗ lực ý chí mới ngăn ông không tới nơi con lạch hàng ngày, khi mà ông không ở bên Sally thì ý nghĩ ông vẫn vương vấn ở nơi đấy. Lúc đầu, xem mình như một người đang chết dần, ông chỉ dám mong được nhìn nàng, thỉnh thoảng được nghe nàng nói và tình yêu ấy của ông tạo cho ông một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Ông hoan hỷ trong sự tinh khiết của nó. Ông không ao ước gì hơn ở nàng ngoài cái cơ hội thêu dệt quanh hình hài trác tuyệt của nàng một mạng tơ tưởng tượng đẹp đẽ. Nhưg rồi, không khí thoáng mát, nhiệt độ vừa phải, sự nghỉ ngơi, ăn uống thanh bạch bắt đầu có tác dụng không ngờ lên sức khỏe của ông. Ban đêm nhiệt độ người ông không vọt lên mức báo động nữa, ông ít ho hơn và bắt đầu lên cân; sáu tháng qua đi mà ông không bị xuất huyết lần nào; rồi đột nhiên ông nhìn thấy khả năng có thể sống của mình. Ông đã nghiên cứu bệnh tình của mình một cách kỹ lưỡng, và cái hy vọng lóe lên trong ông là nếu chăm lo giữ gìn tốt, ông có thể chặn được tiến trình của bệnh tật. Nó làm ông phấn chấn về tương lai một lần nữa. Ông vạch ra kế hoạch. Hiển nhiên không thể nói đến một cuộc sống tích cực hoạt động, nhưng ông có thể sống ở trên đảo, và cái thu nhập ít ỏi của ông, giá ở nơi khác thì không đủ, cũng đủ dư dật để nuôi ông nơi đây. Ông có thể trồng dừa, đó cũng là một công việc, ông sẽ bán dừa lấy tiền mua sách và một cây đàn piano; nhưng trí óc nhanh nhạy của ông đã thấy rằng bên trong tất cả những cái đó là một điều mong ước ngự trị trong ông mà chẳng qua ông cứ cố tự giấu mình.
Ông muốn có Sally. Ông không những chỉ yêu vẻ đẹp của nàng, mà yêu cả tâm hồn u uẩn đằng sau cặp mắt đau khổ của nàng đã được ông suy tôn lên ấy. Ông sẽ làm nàng say cái say mê đắm đuối của ông. Rốt cuộc ông sẽ làm nàng quên đi dĩ vãng. Đắm mình trong hoan lạc, ông mơ tưởng sẽ đem tới cho nàng bao nhiêu là hạnh phúc mà ông tưởng chừng không còn thấy lại nữa, mà nay đã đạt được một cách nhiệm mầu làm vậy.
Ông ngỏ lời chung sống cùng nàng. Nàng từ chối. Ông đã lường trước điều đó nên không ngã lòng, vì ông tin chắc sớm muộn thế nào rồi nàng cũng sẽ nhượng bộ. Tình yêu của ông là bất khả kháng. Ông nói với bà cụ già về ước mong của mình, ông phần nào ngạc nhiên khi bà và những người láng giềng đã nhận ra điều ấy từ lâu và đang thúc giục Sally nhận lời. Sau hết, mỗi người dân địa phương đều sung sướng muốn dành nhà cho một người da trắng, mà Neilson theo tiêu chuẩn trên đảo thì lại là một người giầu có. Người thương gia đã cùng ông cập bến đến chỗ Sally bảo rằng nàng đừng có mà ngốc; một cơ hội như thế sẽ không bao giờ trở lại nữa, mà đã lâu đến thế rồi thì nàng đừng có mong hòng gì chuyện chàng Đỏ sẽ trở về. Sự phản kháng của cô gái càng làm ước mong của ông thêm mạnh mẽ, và cái đã từng là một tình yêu rất tinh khiết trước kia nay đã thành một đam mê ghê gớm. Ông đã quyết là không có gì có thể cản được ông nữa. Ông không để cho Sally yên. Cuối cùng rã rời trước sự bền bỉ của ông và trước những lời thuyết phục của những người xung quanh, nàng đã đồng ý. Nhưng ngày hôm sau, đang phấn chấn, ông đến nhà nàng thì thấy nàng đã đốt túp lều nơi nàng và chàng Đỏ từng chung sống từ đêm trước mất rồi. Bà cụ già chạy lại phía ông, bà bực tức chửi rủa Sally, nhưng ông vẫy nàng lại bên; cái đó chả thành vấn đề, họ sẽ xây một căn nhà một tầng trên nền căn lều cũ. Một căn nhà kiểu châu Âu quả thực sẽ tiện lợi hơn, nếu ông muốn khuân cây đàn piano và số sách vở nhiều vô kể đến.
Và thế là một căn nhà gỗ nho nhỏ đã được dựng lên, nơi ấy ông đã sống qua bao năm mãi đến giờ, và Sally thành vợ ông. Nhưng sau ít tuần ngây ngất đầu tiên mà ông mãn nguyện với những gì nàng ban cho, ông đã ít biết đến hạnh phúc. Nàng đã nhượng bộ ông qua sự chán ngán, nhưng nàng chỉ nhượng bộ cái mà nàng không cần cất giữ. Còn cái tâm hồn mà ông chỉ thoáng thấy lờ mờ đã lẩn khỏi ông. Ông biết là nàng chẳng đoái hoài gì đến ông. Nàng vẫn còn yêu chàng Đỏ, và lúc nào cũng đợi anh quay trở lại. Neilson thở dài mà nhận ra rằng, bất kể tình yêu của ông, sự âu yếm của ông, lòng thương cảm của ông, sự bao dung của ông... nàng sẵn sàng bỏ ông mà không một chút do dự. Nàng chẳng khi nào thèm để ý đến nỗi đau khổ của ông. Nỗi thống khổ xâm chiếm lấy ông và ông đột phá liên tiếp vào cái tôi bất khả xâm phạm của nàng đang ngấm ngầm chống lại ông. Tình yêu của ông trở thành cay đắng. Ông đã cố công đem sự nhân hậu ra để nấu chảy trái tim nàng, nhưng nó vẫn trơ trơ như cũ; ông có giả tảng thờ ơ, thì nàng cũng không nhận thấy điều đó. Đôi lúc mất bình tĩnh, ông xử tệ với nàng, lúc ấy nàng chỉ âm thầm khóc. Có lúc ông đã nghĩ rằng nàng chẳng là cái gì khác ngoài sự gian trá và cái tâm hồn kia chẳng qua chỉ là một sáng chế của chính ông, và ông không làm cách nào lọt được vào nơi thánh đường của trái tim nàng chính vì ở đó chẳng có cái thánh đường nào cả. Tình yêu của ông đã thành ra một nhà tù mà ông muốn trốn ra, nhưng ông thiếu sức mạnh để mở cửa - cả thảy chỉ cần có thế - để bước ra ngoài với không gian bao la. Thật là một trò tra tấn và rút cục, ông đâm tê dại và vô vọng. Cuối cùng cái ngọn lửa kia đã lụi và khi ông thấy cặp mắt nàng trong chốc lát đăm đăm hướng về cây cầu mỏng mảnh kia, thì chẳng còn cơn giận dữ nào trào lên trong ông nữa, mà chỉ còn có sự sốt ruột.
Đã nhiều năm nay họ chung sống với nhau, ràng buộc bởi thói quen và tiện nghi, nên bây giờ ông nhìn lại đam mê ngày xưa với một nụ cười. Nàng đã thành một người đàn bà già nua, đàn bà trên đảo già nhanh lắm, và nếu ông chẳng còn yêu bà ta nữa thì ông còn có sự chịu đựng. Bà ta bỏ mặc ông, ông bằng lòng với cây đàn piano và chỗ sách của mình.
Ý nghĩ trong ông đưa ông tới mong muốn thổ lộ ra lời:
- Khi tôi nhìn lại và suy ngẫm về cái tình yêu nồng nàn ngắn ngủi của chàng Đỏ và Sally, tôi nghĩ có lẽ họ phải cảm ơn số phận nghiệt ngã đã chia lìa họ khi tình yêu hình như còn đang trên đỉnh cao. Họ đau khổ, nhưng đau khổ trong cái đẹp. Họ đã được thoát khỏi một bi kịch thực sự của tình yêu.
- Tôi không dám chắc là nắm được ý ông. - viên thuyền trưởng nói.
- Bi kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia ly. Ông thử nghĩ xem nó kéo dài được bao lâu, cho đến khi một bên không còn lưu tâm tới nữa? Ôi, thật là chua xót khủng khiếp khi nhìn vào một người đàn bà mà anh đã từng thương yêu bằng cả trái tim và tâm hồn đến nỗi không thể chịu để vắng bóng nàng được, và anh giờ đây nhận thức ra rằng nếu anh có không bao giờ thấy lại nàng nữa thì cũng chẳng sao hết. Bi kịch của tình yêu là sự lãnh đạm.
Nhưng trong lúc ông đang nói thì một sự việc rất khác thường xảy ra. Tuy đang nói chuyện với viên thuyền trưởng, nhưng ông không nói với gã, ông chỉ diễn giải những ý nghĩ thành lời cho chính ông mà thôi, nên tuy mắt ông đạt vào gã đàn ông trước mặt mà nào ông có nhìn thấy gã. Và bây giờ một hình ảnh đã nảy ra theo ý nghĩ, không phải hình ảnh gã đàn ông ông nhìn thấy, mà là hình ảnh một người khác. Như thể ông đang nhìn vào một tấm gương biến dạng làm cho người ta thành lùn tịt hay dài lêu đêu, nhưng ở đây thì cái điều ngược lại đang xảy ra, trong người đàn ông luống tuổi, đần độn, xấu xí kia, ông đã nắm bắt được cái bóng dáng một anh trai tơ. Ông lướt cái nhìn dò xét kỹ lưỡng lên gã. Tại sao cuộc đi dạo vô tình đã run rủi gã đến chính nơi này? Tim ông run lên bất thần làm ông hơi khó thở. Một sự hồ nghi vô lý bao trùm lấy ông. Không thể nào có chuyện này được, nhưng nhỡ đâu sự đời lại như vậy.
- Tên ông là gì? - ông hỏi cộc lốc.
Mặt viên thuyền trưởng nhăn nhúm lại, và gã cất tiếng cười gian manh. Trông gã thâm hiểm và thô tục ghê gớm.
- Đã từ cái thời khỉ gió xa xôi ấy tôi đã nghe gọi thế, mà rồi tôi quên tiệt đi mất. Vậy ra ba mươi năm nay trên đảo người ta vẫn gọi tôi là chàng Đỏ?
Thân hình to lớn của gã rung rung như gã đang cười gằn gằn không thành tiếng. Thật là bỉ ổi. Neilson rùng mình. Chàng Đỏ lấy làm rất ngộ và từ đôi mắt vằn tia máu của gã, nước mắt chảy xuống má.
Neilson đờ ra, bởi đúng lúc ấy một người đàn bà bước vào. Bà ta là người địa phương, hơi có cái tướng mạo oai vệ, mập chắc mà không béo bệu, đen, thổ dân ở đây càng nhiều tuổi càng đen, tóc bà đã bạc nhiều. Bà ta mặc cái váy áo màu đen, mỏng, để lộ bộ ngực đồ sộ của mình.
Cái giây phút ấy đã đến.
Bà ta hỏi Neilson một câu về chuyện nội trợ và ông trả lời. Ông tự hỏi, không biết đối với bà ta, giọng ông có mất tự nhiên như ông cảm thấy không. Bà ta đưa ánh mắt thờ ơ sang người đàn ông ngồi trên ghế rồi đi ra.
Cái giây phút ấy đã đến và đã qua đi.
Trong khoảnh khắc Neilson không nói được. Ông bàng hoàng lạ lùng. Rồi ông nói:
- Tôi sẽ rất sung sướng nếu ông ở lại dùng cơm với tôi. Có gì ăn nấy.
- Có lẽ tôi xin kiếu. - Chàng Đỏ nói. - Tôi còn phải làm cái việc của tay Gray đã. Tôi giao hàng cho hắn rồi còn chuồn chứ. Tôi muốn ngày mai quay lại Apia.
- Tôi sẽ bảo một cậu bé đi theo chỉ đường cho ông.
- Thế thì hay quá!
Chàng Đỏ nhấc mình khỏi ghế, trong khi Neilson gọi một cậu bé đang làm ngoài đồn điền. Ông bảo cậu bé dẫn viên thuyền trưởng đi, thế là cậu bước dọc cây cầu. Chàng Đỏ sửa soạn theo sau.
- Đừng có ngã đấy. - Neilson nói.
- Còn lâu mới ngã được.
Neilson nhìn theo gã qua cầu, và cho đến khi gã đã mất hút sau hàng dừa ông vẫn còn nhìn. Rồi ông nặng nề thả người xuống ghế. Phải chăng đấy là kẻ đã cản hạnh phúc của ông? Phải chăng đấy là kẻ Sally đã yêu bấy nhiêu năm trời và đã đợi chờ đằng đẵng đến thế? Thật là lố bịch! Cơn phẫn nộ bất thần trào lên trong ông làm ông chực vùng dậy theo bản năng mà đập phá hết xung quanh. Ông đã bị lừa bịp. Rốt cuộc họ bọn họ đã trông thấy nhau mà không biết điều ấy. Ông cất tiếng cười buồn bã, rồi tiếng cười của ông tăng dần đến khi nó trở nên điên loạn. Thượng Đế đã chơi xỏ ông một cách tàn ác. Giờ thì ông đã già mất rồi.
Sally đi vào bảo ông là bữa ăn đã sẵn sàng. Ông ngồi xuống cạnh bà ta và cố gắng ăn. Ông tự hỏi không biết bà ta sẽ nói gì, nếu ông bảo bà ta rằng cái người đàn ông ngồi ghế lúc nãy chính là người yêu mà bà còn lưu lại hình ảnh với cái thời xuân sắc đam mê, phóng túng của mình. Những năm trước đây, khi ông căm giận bà vì đã làm ông đau khổ, ông sẽ rất thích thú nói ra điều ấy với bà ta. Ông muốn xúc phạm bà như bà đã xúc phạm ông, vì uất hận của ông chỉ là ở ái tình. Nhưng giờ đây ông chẳng quan tâm đến nữa. Ông nhún vai dửng dưng.
- Nhà ông ấy cần gì thế? - bà ta bỗng hỏi.
Ông không đáp ngay. Bà ta già quá rồi, đã hóa ra một bà già thổ dân sồ sề. Ông tự hỏi không hiểu tại sao ông từng có thời yêu bà ta điên cuồng làm vậy. Ông đã đem đặt dưới chân bà ta toàn bộ kho báu của tâm hồn ông, mà bà ta có đoái hoài gì đến kho báu ấy đâu. Phí uổng, phí uổng quá!
Giờ đây khi nhìn bà, ông chỉ còn thấy khinh bỉ. Thế là cuối cùng lòng kiên nhẫn của ông đã cạn. Ông trả lời câu hỏi của bà:
- Ông ta là thuyền trưởng một con tầu buồm. Ông ta từ Apia đến.
- Vâng.
- Ông ấy đem tin nhà đến cho tôi. Ông anh tôi ốm nặng và tôi phải về nước.
- Ông đi có lâu không?
Ông nhún vai không đáp.

Hết
---------------------------------------
Chàng Đỏ và Sally không nhận ra nhau, họ là những con người may mắn, “họ phải cám ơn số phận nghiệt ngã đã chia lìa họ khi tình yêu hình như còn đang trên đỉnh cao. Họ đau khổ nhưng là đau khổ trong cái đẹp”.
Đúng vậy!
Sẽ ra sao nếu Sally nhận ra chàng Đỏ, chàng trai quyến rũ mê hồn của 30 năm trước giờ đây là một gã đàn ông hói, phì nộn và đần độn.
Sẽ ra sao nếu chàng Đỏ biết người đàn bà già nua, to béo, luộm thuộm lại là cô thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, mình từng say đắm?
Họ nên cám ơn số phận vì đã không cho họ nhận ra nhau để còn có thể ôm ấp trong tim hình bóng của một tình yêu đẹp.
Đáng thương nhất là Neilson. Ông cũng sống suốt ngần ấy năm trong cái ảo tưởng về một tình yêu đẹp đẽ. Ông yêu Sally vì tâm hồn đóng kín của nàng, vì vẻ đẹp của tình yêu diệu kỳ nàng dành cho chàng Đỏ. Ông đã khoác cho Sally một chiếc áo đẹp đẽ rồi tự mê mẩn tấm áo do chính mình dệt nên. Rồi một ngày, ông nhận ra rằng: “thật là chua xót khủng khiếp khi nhìn vào một người đàn bà mà anh từng thương yêu bằng cả trái tim và tâm hồn đến nỗi không thể chịu để vắng bóng nàng được và giờ đây anh nhận thức ra nếu anh có không bao giờ thấy lại nàng nữa thì cũng chẳng sao hết”.
Tôi luôn thích và cũng luôn sợ cái hài hước của người Anh. Câu chuyện này đáng gọi là bi hay hài kịch nhỉ? 

2 nhận xét: