Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Ngôi nhà của Matriona - Aleksandr Solzhenitsyn


Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn (sinh 1918), nhà văn Nga, giải thưởng Nobel Văn chương 1970.
Ngôi nhà của Matriona là một trong những truyện nổi tiếng nhất của ông. 

Phần 1
Tại km 184 tuyến đường sắt Matxcơva - Murom và Kazan, có đến hơn nửa năm sau ngày xảy ra sự cố, tất cả các chuyến tàu đều giảm tốc, chạy thật chậm. Hành khách cứ dán mũi vào cửa kính, kéo ra cửa lên xuống: đang sửa đường hay sao vậy? Hay tàu chạy sai giờ?
Không. Qua khỏi đoạn đường này, tàu lại bắt đầu tăng tốc, hành khách trở về chỗ. Riêng cánh lái tàu là biết rõ ngọn ngành. Và cả tôi nữa.
Mùa hè 1956, từ sa mạc nóng bỏng và bụi bặm, tôi trở về nước Nga mà chưa biết đi đâu. Chẳng một nơi nào trên đất nước có người đang đợi hay vẫy gọi tôi - tôi biệt tích đã mười năm. Tôi đơn giản muốn về miền Trung cho đỡ nóng, có tiếng lá rừng xào xạc. Những muốn đi, đi mãi để rồi mất hút vào nơi sâu kín nhất của nước Nga, nếu có nơi nào như vậy.
Một năm trước ngày xảy ra sự cố, ở bên này dãy Ural, tôi không kiếm được việc làm, chẳng lẽ lại đi làm phu phen tạp dịch. Đến một chân thợ điện ở một công trường tử tế cũng đừng hòng xin được. Thực lòng tôi chỉ muốn đi dạy học. Những người am hiểu bảo tôi đừng phí công đi lại, mất tiền tàu xe vô ích.
Nhưng rồi cũng có chuyển biến. Lên hết cầu thang Phòng Giáo dục Nhân dân tỉnh..., tôi hỏi thăm Phòng Tổ chức và ngạc nhiên khi thấy cán bộ ở đây không ngồi bên trong cánh cửa bọc da màu đen mà lại ngồi sau vách kính như trong hiệu thuốc. Tôi rụt rè đến bên ô cửa, cúi xuống hỏi:
- Anh cho biết Phòng có cần giáo viên dạy toán ở một trường nào cách xa đường sắt không? Tôi muốn định cư luôn ở một nơi như vậy.
Người ta soát xét từng câu từng chữ trong hồ sơ của tôi, chạy hết phòng này sang phòng khác và gọi điện đi đâu đó. Kể cũng là sự lạ ở đây: ai cũng cố xin về thành phố, nhất là thành phố lớn, càng lớn càng hay. Và tôi được xếp luôn một chỗ: Đồng Cao. Riêng cái tên cũng đã làm tôi vui sướng.
Cái tên đã không đánh lừa tôi. Trên một ngọn đồi nằm giữa những khe nước nhỏ, rồi lại những ngọn đồi nhỏ khác, có rừng vây quanh, bên một đầm nước và một con đập nhỏ, Đồng Cao chính là nơi mà sống chết đều rất đỗi thanh bình. Tôi đã ngồi rất lâu trên một gốc cây rừng và ước chi ngày ngày không cần ăn sáng ăn trưa, miễn sao được lưu lại nơi này, đêm đêm nghe tiếng cành lá xào xạc trên mái nhà, không bao giờ nghe thấy tiếng loa đài từ bất cứ đâu và tất cả thế gian đều im lặng.
Nhưng than ôi, ở đây người ta không sản xuất bánh mì! Không buôn bán thực phẩm! Cả làng phải lên tận thị xã khuân về hàng bao tải đồ ăn thức uống.
Tôi quay lại Phòng Tổ chức để nài nỉ bên ô cửa nhỏ. Thoạt tiên người ta còn không muốn tiếp chuyện tôi nữa. Nhưng rồi họ lại chạy hết phòng này phòng nọ, gọi điện, than phiền và cuối cùng, đánh máy vào Lệnh điều động của tôi: “Torfoproduct”.(1)( Ở đây hai từ sản phẩm (product) và than bùn (torfo...) được viết liền để tạo địa danh, một lối “sản xuất” từ hơi “mới”).
Torfoproduct? Chữ nghĩa như thế thì đến Turghenev cũng chào thua!
Tại ga xép Torfoproduct, ngay trước cái lán gỗ sơ sài có treo tấm biển quy định dứt khoát:
“Chỉ lên tàu từ ga chính”. Bên cạnh là dòng chữ vạch thêm bằng mũi đinh: “Và miễn vé”.
Còn ở quầy vé, cũng với cái cười chua chát như vậy là dòng chữ khắc hẳn bằng dao: “Không có vé”. Sau này tôi mới hiểu được ý tứ thâm trầm của những phụ đề trên. Đến Torfoproduct thì dễ, nhưng đi thì khó đấy.
Ở vùng này cũng đã từng ngự trị những cánh rừng vắng lặng, thâm u, sau cách mạng vẫn còn nguyên. Rồi rừng bị tàn phá bởi bàn tay của đạo quân khai thác than bùn và một nông trang tập thể kế bên. Chủ tịch nông trang là Gorscov đã đốn trụi nhiều hecta rừng, đem gỗ xuống tỉnh Odessa bán hái ra tiền, nông trang nhờ đó mới phất lên.
Giữa những khu đất thấp ở Torfo đã hình thành một khu lao động lộn xộn gồm những lán gỗ đơn điệu, vách trát thô sơ, mẫu nhà ở thịnh hành vào những năm ba mươi và những ngôi nhà nhỏ có chạm trổ ở mặt tiền, vách hiên lắp kính - mẫu nhà thập kỷ năm mươi. Nhưng trong nhà lại không có vách ngăn chạm trần nên tôi chẳng tìm đâu ra được một chỗ trọ kín đáo.
Bên trên khu lao động, khói nhà máy bốc lên nghi ngút. Cắt ngang khu là một dải đường sắt khổ hẹp, và những chiếc đầu máy cũng phụt khói mù mịt, rú còi inh ỏi, kéo những toa tàu chở than bùn đóng bánh màu nâu tái vùn vụt lao đi. Rất có thể tối nay, bên trên cửa sổ ra vào câu lạc bộ, tiếng máy quay đĩa lại ầm vang, còn dọc phố thì những gã say mặc sức làm trò, kể cả nói chuyện với nhau bằng đao búa.
Tôi lại mơ về một góc khuất của nước Nga. Phải chăng ở nơi tôi vừa từ bỏ ấy, tôi đã có thể sống trong một túp khata (2) bằng đất nện, ngoảnh mặt ra sa mạc. Ở đó đêm về gió thật trong lành tươi mát, và chỉ một trời sao rộng mở trên đầu.
(Kiểu nhà phổ biến trước đây của nông dân ở Ucraina, Belaruxia và miền Nam nước Nga)
Trên chiếc ghế dài trong ga, tôi không tài nào chợp mắt được. Trời hửng sáng là tôi đã cất bước tha thẩn trong khu lao động. Tôi gặp một cái chợ rất nhỏ. Có mỗi một người đàn bà đứng bán sữa lúc tinh mơ. Tôi uống ngay một chai.
Giọng nói của người phụ nữ khiến tôi sửng sốt. Nó ngân nga như hát, còn lời lẽ của chị lại khiến tôi nhớ về châu Á xa xôi.
- Uống đi à, uống đi cho ngọt cho ngon. Bộ anh từ đâu đến phải không?
- Thế chị người ở đâu? - Tôi tươi tỉnh hẳn lên.
Và rồi tôi được biết quanh đây không phải ai cũng là thợ mỏ than bùn, rằng bên kia đường sắt có một gò cao, bên kia gò cao là một ngôi làng, đó là làng Talnovo cổ kính từ thời Zigan phu nhân với những cánh rừng hùng vĩ. Tiếp đó là làng mạc trải dài: Tsaslisy, Ovintxy, Xputni, Severtni, Sestimirovo - càng ra xa đường xe lửa, thôn làng càng hẻo lánh hơn cho đến tận vùng hồ.
Những tên đất tên làng vang lên bên tai tôi như những lời an ủi. Những địa danh đã gieo vào lòng tôi niềm hy vọng còn tìm lại được một nước Nga có tự bao giờ.
Tôi nhờ người phụ nữ mới quen hễ bán xong hàng thì dẫn tôi đến Talnovo và tìm giúp một nơi ở trọ.
Tôi là khách sộp rồi thôi: ngoài lương bổng ra, nhà trường còn hứa cho tôi một ôtô than bùn để chống chọi với ngày đông tháng giá. Vẻ lo lắng vừa xóa đi những nét dịu dàng trên gương mặt chị bỗng tiêu tan. Vợ chồng chị hiện nay còn phải chăm sóc mẹ già cao tuổi nên nhà không có chỗ cho thuê, chị đưa tôi đi khắp các nơi trong họ ngoài làng. Nhưng rồi cũng không sao tìm được chỗ kín đáo, đâu đâu cũng ồn ào chật chội.
Chúng tôi đi mãi đến một con sông nhỏ, nước đã cạn khênh, có cầu bắc qua. Khắp làng chưa thấy ở đâu có cảnh sắc nên thơ đến thế: vài ba cây liễu, một ngôi nhà cũ kỹ, vịt tung tăng bơi lội dưới ao, mấy con ngỗng kéo đến bên bờ, giũ lông giũ cánh.
- Chúng ta ghé vào nhà bà Matriona một tí vậy, - người dẫn đường của tôi chừng như đã nản. - Nhà này thì chẳng được gọn gàng đâu, bà ấy có một mình, lại còn đau ốm nữa.
Nhà bà Matriona ở ngay gần đấy, mái hai độ dốc, lợp ván, một dãy bốn cửa sổ nhỏ ở phía sau và một cửa sổ trang trí nhỏ trên gác thượng, ngay dưới một tầng nóc con con. Nhà cao đến mười tám súc gỗ tròn, nhưng mái đã mục, những súc gỗ vốn chắc khỏe ở vách nhà và cổng chính đều bạc phếch bạc phơ, nẹp gỗ cũng bong dần.
Cánh cổng đã cài then, nhưng người dẫn đường của tôi không gõ cửa mà luồn tay vào kéo then ra - cổng đóng chỉ để ngăn súc vật và người lạ thôi mà. Sân thì không có mái che nhưng nhà thì có nhiều phần, đều gắn kết với nhau, có mái tiếp nối. Vào nhà qua cửa chính, khách gặp ngay những bậc thang dẫn lên các nhà cầu rộng rãi có mái che cao. Bên trái có cầu thang dẫn lên nhà phụ - một gian tách biệt không có lò sưởi, và cầu thang dẫn xuống các buồng kho. Bên phải là nhà chính có gác bên trên và hầm bên dưới.
Ngôi nhà được cất từ lâu, rộng rãi đàng hoàng, dành cho cả một gia đình lớn, vậy mà giờ đây chỉ còn mỗi một bà già cô đơn đã lục tuần.
Khi tôi bước vào nhà thì bà đang nằm trên bệ chiếc lò sưởi Nga ngay cạnh cửa chính, trên người đắp một tấm vải rách nhem nhuốc, không rõ vải gì nhưng chắc chắn là đồ bỏ đối với người làm ăn tử tế.
Ngôi nhà khá rộng và đặc biệt là phần sáng sủa cạnh cửa sổ có đặt những chậu cây cảnh bằng gốm, bằng gỗ trên những chiếc ghế đẩu, ghế dài. Chúng khỏa lấp nỗi cô đơn của bà chủ bằng cả một đám đông câm lặng nhưng tràn đầy sức sống. Chúng góp nhặt từng tia sáng nghèo nàn bên hướng bắc mà vươn lên tươi tốt. Từ sau ống khói lò sưởi, trong ánh chiều tà, khuôn mặt bầu bầu của bà chủ hiện ra rõ ràng, đau đớn trước mắt tôi. Qua ánh mắt mờ đục của bà, tôi có thể thấy được bệnh tật đã làm bà kiệt sức.
Tiếp chuyện khách, bà vẫn cứ nằm sấp trên bệ bếp lò, không kê gối, đầu hướng ra cửa, còn tôi đứng ở phía dưới. Bà không tỏ vẻ vui mừng khi có người đến thuê nhà mà chỉ than phiền về căn bệnh quái ác mà lúc này bà vừa mới dứt cơn đau: không phải tháng nào bà cũng đau, nhưng mỗi lần đau - ... là cứ phải hai ba ngày, mà lúc đã nằm bẹp một nơi thì còn lo chuyện ăn uống cho anh thế nào được nữa. Còn nhà cửa thì tôi nào có tiếc, anh đến ở càng vui.
Bà mách tôi tìm đến những nhà có chỗ ở tiện hơn, đỡ phiền toái cho tôi hơn. Nhưng tôi đã thấy cái số tôi là phải ở trong ngôi nhà này, ngôi nhà tối tăm có chiếc gương mờ soi không rõ mặt, hai tờ áp phích sặc sỡ rẻ tiền quảng cáo bán sách và cổ động cho vụ gặt treo trên tường với mục đích trang trí. Tôi còn thích ở đây vì Matriona quá nghèo không có máy thu thanh, quá cô đơn chẳng có người trò chuyện.
Và mặc dù Matriona Vaxilievna đã bắt tôi đi khắp làng, khi tôi quay lại còn một mực thác:
- Tôi vụng lắm, chả biết nấu nướng gì cả thế này thì phục dịch làm sao? - Nhưng bà đã xuống đón tôi, thậm chí còn sáng mắt lên khi thấy tôi quay lại.
Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về giá cả, về khoản than bùn mà nhà trường sẽ cho chở đến.
Mãi sau này tôi mới được biết là đã nhiều năm nay Matriona Vaxilievna chẳng kiếm được rup nào. Bà không có lương hưu. Họ hàng thân thích trợ giúp chẳng được là bao. Ở nông trang tập thể thì đi làm chỉ lĩnh thẻ, làm gì có tiền. Thẻ công nhật được gã thống kê vào sổ ở một cuốn sổ chấm công nhem nhuốc.
Vậy là tôi đến trọ ở nhà Matriona Vaxilievna. Chúng tôi không ngăn buồng. Giường của bà đặt ở một xó cửa cạnh bếp lò, còn tôi thì mở chiếc giường gấp ra bên cửa sổ và dồn gọn đám cây cảnh con cưng của Matriona lại, dành một phần ánh sáng cho chiếc bàn con kê dưới một cửa sổ khác. Điện trong làng đã được kéo từ Satura tới từ những năm hai mươi. Báo chí hồi đó gọi đèn điện là “đèn của Ilits”, còn cánh mugic thì cứ trố mắt ra kêu “Lửa Sa hoàng!”.
Có thể đối với dân giàu có trong làng thì ngôi nhà của Matriona chẳng nghĩa lý gì nhưng đối với chúng tôi thì nhà khá tốt vào cả mùa thu lẫn mùa đông năm ấy: có mưa nhà vẫn không bị dột, gió buốt thì gần về sáng mới phụt ra từ miệng bếp lò, kể cả những ngày gió thổi từ phía thời tiết đang cơn tệ hại.
Ngoài Matriona và tôi, trong nhà còn có một con mèo, một lũ chuột, gián.
Con mèo cũng đã già, nhưng điều đáng nói là nó thọt một chân. Matriona thương tình nhặt nó về và nó cũng đã quen. Nó thì vẫn đi bốn chân nhưng là đi tập tễnh đến vẹo cả người: nó gượng nhẹ cái chân đau. Khi nó nhảy từ trên bệ lò sưởi xuống sàn nhà thì tiếng động phát ra không nhẹ không êm như tiếng mèo nhảy mà là một tiếng đập mạnh của cả ba chân một lúc:
Hập! - Tiếng đập mạnh đến nỗi tôi phải giật mình, chưa quen ngay được. Những lúc đó cả ba chân nó dộng xuống sàn, chân thứ tư co lại.
Nhưng nhà có chuột không phải vì mèo què không bắt được chuột: nó lao như tên bắn vào đám chuột trong góc và tha ngay ra một con, cắn chặt giữa hai hàm răng. Nhưng mèo không làm gì được chuột vì không biết tự bao giờ, vị chủ nhân phong lưu nào đó đã dán lên vách nhà Matriona loại giấy bồi tường màu xanh lá mạ, có rãnh, mà không chỉ một lớp - những năm lớp liền. Các lớp giấy thì dính chặt vào nhau, riêng lớp dán vào vách thì nhiều chỗ bị bong keo, tạo nên một lớp áo của vách nhà. Giữa những súc gỗ làm vách và giấy bồi tường, chuột tạo cho chúng những lối đi và ngang nhiên chạy loạt soạt. Con mèo đưa mắt giận dữ dõi theo tiếng loạt soạt kia, nhưng chẳng làm gì được.
Thỉnh thoảng mèo cũng ăn cả gián, nhưng rồi nó chán. Cái duy nhất mà lũ gián còn nể trọng là giải phân cách giữa miệng chiếc lò sưởi Nga và nhà bếp với nhà trên. Gián không bò lên nhà trên. Ngược lại trong nhà bếp, gián nhung nhúc cả đêm. Những lần đêm khuya tôi xuống bếp uống nước, cứ bật đèn lên là thấy hầu như toàn bộ mặt sàn, mặt ghế và thậm chí mặt vách hiện lên dưới một màu cánh gián lấp la lấp lánh. Tôi mang borac từ phòng hóa nghiệm về trộn với bột để trừ gián. Gián giảm đi, nhưng Matriona lại sợ chết mất mèo.
Chúng tôi ngừng rắc thuốc, gián lại sinh sôi nảy nở.
Đêm đêm, khi Matriona đã ngủ, còn tôi ngồi bên bàn thì tiếng chuột chạy nhanh thỉnh thoảng vang lên sột soạt cũng chìm đi trong tiếng gián lạo xạo lào xào dưới bếp nghe như tiếng sóng biển rì rào từ xa vọng tới. Nhưng tôi đã quen với bản hợp âm này vì trong đó có gì là độc ác và giả trá đâu. Tiếng lạo xạo của gián là sự sống của loài vật mà thôi.
Và tôi cũng đã quen với người đẹp kệch cỡm trên tờ áp phích suốt ngày lẳng lặng chìa ra trước mặt tôi những trước tác của Belinxki, Panfiorov và cả một chồng sách gì đó nữa. Tôi đã quen với tất cả những gì hiện hữu trong ngôi nhà của Matriona.
Matriona thường dậy vào bốn, năm giờ sáng. Chiếc đồng hồ quả lắc của Matriona đã được hai mươi bảy năm kể từ ngày mua ở cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ. Nó thường xuyên chạy nhanh nhưng Matriona không hề áy náy: còn hơn là chạy chậm, sáng ra rất dễ muộn giờ. Bà bật ngọn đèn con dưới bếp lên rồi rón rén, nhẹ nhàng để khỏi phát ra tiếng động, bà nhóm lò, đi vắt sữa dê (gia súc của bà có độc một con dê cái sừng con lông màu trắng đục thôi), sau đó đi lấy nước và nấu ăn bằng ba cái nồi gang: một cho tôi, một cho bà và một cho dê. Bà lấy khoai tây dưới hầm nhà lên, chọn những củ bé nhất cho dê, bé vừa cho mình, khoai của tôi bằng quả trứng gà. Khoai nhà trồng chẳng bao giờ được to củ: đất thì đất cát, từ những năm trước chiến tranh đến giờ vẫn chẳng có phân, chỉ trồng khoai tây hết năm này sang năm khác.
Tôi hầu như không nghe thấy tiếng động nào từ trong bếp. Mùa đông tôi dậy muộn, mãi mới vươn người, thò đầu ra khỏi chăn và áo lông. Hai chân còn được đắp thêm một chiếc áo bông dã chiến, giường trải đệm rơm. Bao nhiêu thứ đã ủ ấm cho tôi ngay giữa những đêm băng giá từ phương bắc tràn xuống áp đảo những chiếc cửa sổ tồi tàn của chúng tôi.
Nghe tiếng động nhẹ từ phía sau vách bếp, lần nào tôi cũng cất tiếng chào khe khẽ:
- Chúc buổi sáng tốt lành, Matriona Vaxilievna!
Và bao giờ tôi cũng được đáp lại bằng chính lời chúc đó, bắt đầu bằng tiếng ậm ừ trầm ấm như tiếng những người bà trong cổ tích:
- Ừ, ừ... tôi cũng chúc anh như vậy!
Và một lát sau:
- Bữa sáng có rồi đấy.
Bữa sáng có những gì thì bà không nói, nhưng cũng dễ đoán thôi: khoai tây luộc hoặc xúp khoai tây, không thì cháo đại mạch (năm ấy ở Torfoproduct không thể mua được các loại ngũ cốc khác và ngay cả đại mạch người ta cũng tranh nhau khuân hàng bao tải về nuôi lợn, loại lương thực rẻ tiền mà). Các món không phải lúc nào cũng được nêm muối vừa vặn, thường bị quá lửa, tôi thường bị cặn bám chân răng và rát cổ.
Nhưng lỗi không phải ở Matriona: ở Torfoproduct không có bơ, dầu thực vật thì khách hàng phải tranh nhau, chỉ có mỡ hỗn hợp là sẵn. Hơn nữa, theo quan sát của tôi, cái bếp lò Nga không thật đắc dụng trong nấu nướng, nhiệt từ các phía tiếp cận chiếc nồi gang không đều đặn. Nhưng có lẽ nó đã đến với tổ tiên chúng ta từ thời đồ đá vì chỉ cần nhóm một lần là lò cháy suốt đêm, giữ được đồ ăn thức uống nóng suốt cả ngày cho người và gia súc. Ngủ cạnh bếp lò thì ấm.
Tôi ngoan ngoãn chén hết các món được chế biến cho mình, chịu khó nhặt bỏ rác rưởi chẳng may lẫn vào, chẳng hạn một sợi tóc, mẩu than bùn, cái cẳng gián. Tôi không dám trách Matriona. Nói cho cùng, chính bà đã chặn trước: “Tôi vụng lắm, chả biết nấu nướng gì cả thế này thì phục dịch làm sao?”
- Cám ơn bà, - tôi nói rất chân thành.
- Có gì mà cám ơn? Vì anh đối tốt với tôi ư? - Nụ cười rạng rỡ của bà đã khiến tôi quên hết những điều nhỏ nhặt. Rồi bà đưa cặp mắt màu xanh nhạt nhìn tôi, vẻ thật thà: - Nào, anh ăn gì vào bữa sau nào?
Bữa sau đây là bữa tối! Hàng ngày tôi vẫn ăn hai bữa như ở ngoài mặt trận. Thì cũng chỉ là các món khoai tây.
Tôi cam chịu cảnh này, vì cuộc sống đã dạy tôi rằng ý nghĩa của sự tồn tại hàng ngày không nằm ở miếng ăn. Đối với tôi, điều đáng quý hơn chính là nụ cười kia - nụ cười hiển hiện trên gương mặt bầu bầu của người phụ nữ kia, nụ cười mà rút cục tôi đã không tài nào ghi lại được bằng máy ảnh. Trước con mắt lạnh lùng của chiếc ống kính đang chĩa thẳng vào mình, dáng vẻ của Matriona rất khác, không gượng gạo thì cũng ra điều nghiêm nghị.
Duy mỗi một lần tôi ghi lại được hình ảnh bà đang nhìn qua cửa sổ xuống đường, cười rất tự nhiên.
Mùa thu năm ấy Matriona có lắm chuyện bực mình. Số là mới có chế độ hưu bổng mới, chị em hàng xóm cứ khuyên bà cố gắng xin trợ cấp. Bà là người hoàn toàn không nơi nương tựa, vậy mà mới bắt đầu ốm nặng, đã bị nông trang tập thể thải hồi. Matriona phải chịu quá nhiều nỗi bất công: bà bị bệnh như thế mà vẫn không được coi là người mất sức; bà đã làm việc ở nông trang đến một phần tư thế kỷ nhưng chỉ người làm việc ở nhà máy mới được hưởng lương hưu. Như vậy bà chỉ còn biết đi xin tiền tuất của chồng: gia đình bà bị mất người lao động chính, người nuôi dưỡng gia đình. Nhưng chồng bà đã mất mười hai năm rồi, ngay từ hồi đầu chiến tranh, thành thử bây giờ mà đi xin chứng nhận về ngạch bậc của ông ở những đơn vị khác nhau là rất khó. Vấn đề đặt ra là phải xin được đủ giấy tờ có ghi rõ mức lương, dù chỉ 300 rup/tháng; lại phải có giấy chứng nhận về tình trạng không nơi nương tựa của bà; rồi giấy khai sinh; sau đó mang đủ giấy tờ lên Phòng Bảo hiểm xã hội; rồi còn phải làm lại giấy tờ vì sai sót. Nộp xong giấy còn phải đi lại hỏi thăm kết quả.
Công việc khó khăn ở chỗ Phòng Bảo hiểm xã hội cách nhà bà đến 20 km về phía đông, Xô viết xã - 10 km về phía tây, Xô viết khu - một giờ đi bộ về phía bắc. Bà đã chạy khắp các văn phòng hai tháng, tốn nhiều thời gian vào thủ tục nhiêu khê. Mỗi bận bị mất đứt một ngày. Đến Xô viết xã thì hôm nay thư ký đi vắng - đi vắng là đi vắng, vậy thôi, ở các xã bao giờ chả thế. Vậy thì hôm sau lại đến. Bấy giờ thư ký có mặt nhưng lại không mang dấu đến.
Hôm sau nữa vậy. Nhưng lại đành để đến hôm khác vì giấy vẫn chưa xong, bị ký nhầm sang giấy khác - giấy tờ của Matriona ghim cả thành một tệp mà.
- Họ hành tôi quá xá, Ignatitr ạ, - bà than phiền với tôi sau bấy nhiêu phen công cốc công cò.
- Mất bao công sức!
Nhưng bà cũng chỉ nhăn nhó một lúc thôi. Tôi đã phát hiện ra phương thuốc đặc hiệu giúp bà lấy lại khí thế, ấy là công việc. Có chán chường thất vọng đến đâu thì rồi cũng ngay sau đó, hoặc là vớ lấy cái xẻng đi dỡ khoai tây, hoặc kẹp lấy cái bao tải vào nách đi kiếm than bùn, không thì xách cái giỏ đan đi sâu vào rừng hái quả kim anh, việt quất... Công việc xong xuôi, Matriona khẽ cúi chào tạm biệt, nhưng không phải là tạm biệt những chiếc bàn giấy văn phòng, mà là tạm biệt những lùm cây bụi trong rừng, trở về nhà với vẻ mặt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn trên môi, cho dù lưng có gập lại vì mang vác.
- Tôi yên chí từ nay biết chỗ lấy rồi, Ignatitr ạ, - bà nói về than bùn. - Chỗ này thì miễn chê luôn!
- Kìa Matriona Vaxilievna, chả lẽ chỗ than bùn của tôi còn chưa đủ dùng hay sao? Cả một xe đầy.
- Ờ, chỗ ấy thì ăn thua gì! Bằng ấy nữa, lại phải bằng ấy nữa thì mới gọi là đủ. Mùa đông ở đây ghê gớm lắm, đốt bao nhiêu cũng không vừa. Than bùn thì xưa nay chúng tôi vẫn đi kiếm hàng ngày, đống tướng! Bây giờ mà có than tôi lại không cõng hết ba ôtô ư? Nhưng thế thì sẽ bị bắt ngay. Có một mẹ ở đây sắp phải ra tòa đấy.

Phần 2
Vâng, đúng là như vậy. Hơi thở dữ dằn của mùa đông đang phả đến khiến lòng người hoảng sợ. Xung quanh những rừng là rừng, nhưng chất đốt vẫn chẳng kiếm đâu ra được. Cần cẩu vẫn quay tròn trên các đầm than nhưng than bùn thì không bán cho dân mà chỉ chở về cho thượng cấp cùng cánh ăn theo: nhà giáo, thầy thuốc, công nhân nhà máy thì được cấp phát từng ô tô một. Chẳng có quy định gì về nhiên liệu cả, mà cũng không nên hỏi về chuyện đó.
Chủ tịch nông trang đi lại trong làng đôn đốc kiểm tra, trao đổi, nói đủ thứ chuyện, riêng chuyện chất đốt thì chẳng bao giờ đề cập đến. Thì chính ông ta cũng tích trữ mà. Trước sau mùa đông cũng sẽ về, dù chẳng có ai mong đợi.
Trước đây mọi người ăn cắp gỗ của lãnh chúa, bây giờ thì ăn cắp than bùn của liên hiệp xí nghiệp, thế thôi. Phụ nữ kéo nhau từng tốp năm người, mười người cho đỡ sợ. Họ đi ngay giữa ban ngày. Mùa hè than bùn được khai thác khắp nơi trong vùng mỏ, được dồn lại thành từng đám để phơi. Than cháy tốt còn có nguyên nhân là liên hiệp không thể vận chuyển đi ngay được. Than khô dần cho đến tận mùa thu, có khi còn phải chờ tuyết nếu đường vẫn còn nát, xe chưa chạy được hoặc liên hiệp vẫn còn bí về phương tiện. Đây sẽ là thời cơ cho các bà các chị. Than mà ẩm thì bao tải than vơi, than khô thì đầy, gần gấp đôi than ẩm. Mỗi bao tải cỡ 2 put (1 put = 16,38 kg) với hành trình có lúc đến 3 km vừa đủ cho một bận nhóm lò.
Mùa đông thì những hai trăm ngày. Đốt lò thì sáng nhóm lò Nga, tối nhóm lò Hà Lan. Lò Nga thì chỉ được nhóm buổi sáng, lò Hà Lan buổi tối.
- Chỉ nói nhăng nói cuội! - Matriona nổi xung với một người nào đó trong tưởng tượng. - Ngựa không có mà không è cổ ra mà kéo thì hỏi lấy đâu ra! Tớ không quen sõng lưng! Mùa đông thì kéo xe trượt tuyết, mùa hè thì vác củi, đúng thế đấy giời ạ!
Các bà các chị mỗi ngày đi mấy chuyến liền. Những ngày đẹp trời Matriona vác về đến sáu bao tải. Than của tôi thì bà để phơi ra đấy, còn than của mình thì cất kỹ dưới gậm nhà cầu, tối tối mang ván xuống che che đậy đậy.
- Chúng nó đoán già đoán non kệ nó, - bà mỉm cười, đưa tay quệt mồ hôi trán, - mình cất thế này thì có mà tìm vào mắt!
Liên hiệp xí nghiệp đã hành động ra sao? Họ không đủ biên chế cho phép rải quân ra canh giữ tất cả các đầm than. Về phần thể hiện trên sổ sách, sản lượng khai thác lớn buộc phải khấu trừ phần thất thoát, phần hao hụt do mưa. Thi thoảng, đội tuần tra tập trung ra quân và chộp được một “đối tượng” bên cổng làng. Các bà các chị vứt hết bao tải chạy tán loạn. Thi thoảng, theo tin cáo giác, họ cho người đến nhà dân khám xét, lập biên bản ghi rõ khối lượng than phi pháp và dọa đưa ra tòa. Các bà các chị đành tạm nghỉ, nhưng mùa đông rục rịch đến gần buộc họ đêm đêm lại phải lên đường cùng những chiếc xe trượt tuyết.
Để ý quan sát Matriona, tôi nhận thấy ngoài công việc nội trợ, hàng ngày bà còn phải giải quyết khá nhiều việc khác. Vì đã sắp xếp sẵn trong đầu nên cứ sáng ra vừa ngủ dậy bà đã biết hôm ấy phải làm gì. Ngoài việc kiếm than bùn, ngoài việc thu gom những gốc cây cổ thụ đã được máy kéo đánh bật lên trên đầm, ngoài món việt quất dầm trong những chiếc thùng lớn (Nếm thử cho nó ê răng một cái xem nào, Ignatitr! - Bà thường mời tôi), ngoài việc dỡ khoai tây, ngoài việc chạy tiền tuất, bà còn phải đi kiếm ở đâu đó một ít cỏ khô cho con dê duy nhất có bộ lông màu trắng đục của mình nữa.
- Sao bà không nuôi lấy một con bò cái, Matriona Vaxilievna?
- Ờ, ờ, Ignatitr, - Matriona giải thích, bà đang đứng trong cửa bếp, người quay về phía chiếc bàn viết của tôi, trước ngực đeo chiếc tạp dề hơi bẩn. - Tôi dùng sữa con dê cũng tạm đủ rồi. Tôi mà nuôi bò thì có mà chẻ xác ra cho nó ăn! Hai bên nền đường sắt cũng có chủ cả đấy, ra đấy mà cắt cỏ! Cỏ trong rừng cũng miễn cắt, lâm nghiệp quản hết rồi. Còn ở nông trang thì người ta chẳng khiến tôi đi cắt cỏ, người ta bảo tôi bây giờ không còn là nông trang viên nữa. Mà ngay cả nông trang viên cũng phải cắt bằng hết về cho nông trang, muốn có cỏ thì đục xuống tuyết mà lấy, còn cỏ giả quái gì nữa?... Giữa vụ hè đã từng sôi lên về cỏ đấy rồi còn gì, từ Petrov đến Ilits. Cỏ mà cứ như Sâm Cao Ly ...
Vậy là đối với Matriona, riêng việc lo cỏ cho mỗi mống dê còm cũng đủ hết hơi.
Ngay từ sáng bà đã tay tải tay liềm đi đến những nơi mà bà nhớ là có cỏ mọc bên mép đường, bờ ruộng, quanh những hồ nước nhỏ trong đầm. Lèn chặt một bao tải cỏ tươi nặng trịch, bà tha về đổ một đống tướng ở sân. Rồi bà gẩy cỏ khô dần bằng nạng gẩy rơm.
Ông chủ tịch nông trang mới, một cán bộ mới được điều động từ thành phố xuống, đã triển khai công việc đầu tiên là giao đất trồng rau cho tất cả những người mất sức. Matriona được nhận mười lăm xotka (1 xotka bằng100m2) đất cát, trong đó có mười xotka hoang hóa vì chưa có kênh mương.
Tuy nhiên, với bằng ấy đất, Matriona đã được thu dụng, lại là quân của nông trang. Những lúc thiếu người, các bà các chị cứ kiếm cớ để vắng mặt thì bà vợ ông chủ tịch lại đến gặp Matriona. Bà ta cũng là người thành thị, tác phong cương quyết. Với chiếc bành tô ngắn và ánh mắt gườm gườm, trông bà ta như một nữ quân nhân.
Bà ta bước thẳng vào nhà, không chào, đưa mắt nghiêm nghị nhìn Matriona khiến bà chột dạ.
- Thế-ế! - Vợ ông chủ tịch nói rành rọt. - Đồng chí Grigorievna nhỉ? Phải giúp đỡ nông trang! Mai phải ra đồng rải phân!
Matriona nở một nụ cười ngượng ngùng như đang ngượng thay cho vợ ông chủ tịch khi bà này không có tiền để trả công cho bà.
- Vâng, đấy, - Matriona rề rà. - Tôi đang ốm, đúng thế. Thành thử lúc này không tham gia được.
Nhưng bà lại vội vàng nói chữa:
- Mai mấy giờ hở bà?
- Nhớ mang theo cái cào răng! - Chủ tịch phu nhân dặn xong bỏ đi, chiếc váy vải cứng quèo kêu sột soạt.
- Thế cơ đấy! - Matriona nói với theo người vừa đi khỏi. - Mang cào đi nữa đấy! Nông trang chỉ thế thôi: xẻng không, cào chẳng có. Thế nhà tôi không có đàn ông thì ai tra cán cho tôi đây?
Rồi bà ngẫm nghĩ suốt cả buổi tối:
- Chán hết chỗ nói, Ignatitr ạ! Làm ăn cái kiểu như thế thì phỏng nước non gì? Cứ việc đứng chống xẻng mà ngóng còi nhà máy mười hai giờ trưa. Thế mà còn lôi thôi đủ thứ, những là tập hợp, điểm danh. Chứ như ngày trước cứ việc ai người ấy làm thì đúng là cắm đầu cắm cổ mà làm, loáng cái đã trưa, vèo cái đã tối.
Dù sao sáng hôm sau bà cũng vác cào đi làm.
Có điều là khi có việc thì không chỉ người của nông trang mà bất cứ chị em nào, dù chỉ là người có họ xa hay đơn giản là hàng xóm, cũng đến gặp Matriona từ tối và nói:
- Matriona, mai sang giúp tôi với nhé. Dỡ nốt khoai tây ấy mà.
Và Matriona không thể từ chối được. Bà đành gác việc nhà lại để đi giúp hàng xóm và khi về đến nhà còn khoe rất vô tư, không hề ghen tị với ai:
- Ignatitr này, khoai nhà cô ấy to củ thế chứ lị! Dỡ sướng cả tay, không muốn về nữa, đúng thế đấy, giời ạ!
Không một buổi cày nương nào là thiếu mặt Matriona. Phụ nữ Talnovo đã xác định được rằng làm đất nương mà cứ một mình một xẻng mà bao giờ cũng tốn công mất sức nhiều hơn so với việc sáu người cùng kéo một lưỡi cày, cày cả sáu nương. Việc này người ta cũng gọi Matriona đến giúp.
- Thế các bà có trả tiền công cho bà ấy không? 
Về sau tôi buộc lòng phải hỏi mọi người.
- Bà ấy không lấy đâu. Bà ấy không cần ai phải băn khoăn.
Matriona còn rất mệt mỗi lần đến lượt phải lo chuyện ăn uống cho hai cậu chăn dê: một cậu thì to khỏe, vừa câm vừa điếc, cậu kia thì mới lớn, môi lúc nào cũng đưa đẩy một mẩu xì gà ướt nhoét. Một tháng rưỡi một ngày thôi, nhưng Matriona cũng phải chi tiêu tốn kém. Bà đến cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ mua nào cá hộp, nào đường, nào bơ, những thứ mà bà chẳng dám ăn. Thì ra các bà thường sĩ diện với nhau, ai cũng muốn cho các cậu chăn dê ăn uống tươm tất trên tài thiên hạ.
- Phải biết sợ gã thợ may với thằng chăn gia súc, - bà giải thích. - Mình mà có gì trái ý bọn này là chúng nó rêu rao khắp làng trên xóm dưới ngay thôi.
Vậy mà trong cuộc sống lao đao lận đận của bà, thỉnh thoảng Matriona còn ốm nặng, nằm liệt giường đến hai ngày hai đêm. Bà không rên rỉ kêu ca, thậm chí hầu như không nhúc nhích. Những ngày đó thì bà Masa, bạn thân của Matriona từ hồi trẻ thường đến chăm sóc con dê và nhóm hộ lò. Bản thân Matriona thì không ăn không uống, không đòi hỏi tí gì. Ở Talvono mà mời bác sĩ trạm xá khu đến nhà thì bị coi la cao ngạo, coi khinh hàng xóm. Có lần người ta đã mời được một bà bác sĩ đến khám cho Matriona. Bà này tỏ ra quái ác, lệnh cho Matriona bao giờ dậy được thì phải tự dẫn xác lên trạm xá. Matriona buộc phải lên trạm xá, người ta lấy mẫu xét nghiệm của bà gửi lên bệnh viện quận rồi mất hút luôn, chẳng có tin tức gì nữa. Cũng tại Matriona cả.
Công việc vẫy gọi con người trở lại với cuộc sống. Matriona nhanh chóng gượng dậy được, lúc đầu cử động chậm chạp, sau hoạt bát dần.
- Anh chưa được thấy tôi ngày trước đấy, Ignatitr ạ, - Matriona tự hào kể lại. - Bao tải than của tôi toàn năm put hết, không là cái đinh gì! Bố chồng tôi quát: “Matriona! Sụm lưng con bây giờ!” Rồi thì chở gỗ súc... Con Voltsok của chúng tôi là một con ngựa chiến, khỏe...
- Sao lại là ngựa chiến?
- Người ta đổi con ngựa bị thương này lấy con ngựa của chúng tôi để lên đường ra trận. Hóa ra con này là con ngựa đốc chứng. Có lần nó tự nhiên phát hoảng, kéo thẳng chiếc xe trượt tuyết xuống hồ, cánh đàn ông nhảy hết ra ngoài thế mà tôi chộp lấy dây cương ghì lại được, đúng thế đấy. Con ngựa được ăn thóc kiều mạch. Ngựa ăn kiều mạch ấy à, không biết nặng là gì đâu nhé.
Nhưng Matriona cũng chẳng gan góc gì cho lắm. Bà sợ đám cháy, sợ chớp, sợ nhất là xe lửa, không rõ vì sao.
- Tôi đang muốn đi Treruxti thì đoàn tàu từ Netxaevka trờ tới, trố hai con mắt to thô lố ra, đường ray rên xiết, khiếp, người tôi nóng ran, hai đầu gối run bần bật. Đúng thế đấy, giời ạ!
Matriona tự lấy làm ngạc nhiên và nhún vai.
- Tại người ta không bán vé chăng, Matriona Vaxilievna?
- Ở quầy vé ư? Chỉ bán vé ghế mềm thôi. Mà tàu thì sắp chuyển bánh rồi! Chúng tôi bắt gặp một cánh cửa không khóa, thế là nhảy đại lên, chẳng vé vung gì cả, cũng may là toàn toa hạng bét, cứ việc nằm dài ra ghế. Vì thế chúng nó mới không bán vé, quân ăn hại ấy mà, chúng nó thì cần biết đến ai...
Vậy mà đến mùa đông năm ấy, cuộc sống của Matriona đã trở nên dễ thở hơn bao giờ hết.
Bà bắt đầu được hưởng trợ cấp lâu dài tám mươi rup/tháng. Nhà trường và tôi trả cho bà hơn một trăm.
- Hừm! Bây giờ thì Matriona không nên chết một tí nào! - Một số người hàng xóm đã bắt đầu ghen tị. - Già rồi, tiền vào nữa để đâu cho hết.
- Cái gì, trợ cấp lâu dài ư? - Những người khác phản bác. - Nhà nước thì có gì là chắc chắn đâu. Nay thế này mai thế khác.
Matriona đặt đóng một đôi ủng dạ, mua một cái áo khoác mới. Bà còn chữa một cái áo capốt cũ thành một chiếc bành tô. Chiếc áo capốt đó, đồ đồng phục của nhân viên ngành đường sắt, là của chồng Kira, con gái nuôi của bà, tặng cho bà. Anh ta là tài xế xe lửa ở Treruxti.
Ông thợ may gù trong làng đã lót vào chiếc áo dạ đó một lớp bông để có một chiếc bành tô tuyệt hảo mà sáu mươi tuổi đầu bà mới được xỏ tay.
Đến giữa mùa đông Matriona đã khâu vào trong lớp lót bành tô hai trăm rup dành cho tang lễ. Bà vui vẻ nói:
- Từ nay tôi cũng được yên lòng một chút, Ignatitr ạ.
Tháng chạp trôi qua, tháng giêng trôi qua - hai tháng liền bà không bị ốm. Càng ngày bà càng hay sang nhà bà Masa vào buổi tối, ngồi cắn hạt quì với nhau. Bà không rủ ai đến nhà vào buổi tối, sợ ảnh hưởng đến công việc của tôi. Mãi đến Lễ Ba Vua, về đến nhà tôi thấy mọi người đang nhảy múa. Tôi làm quen với ba bà em ruột của Matriona. Thời gian qua ở đây tôi rất ít nghe nói về các bà em của bà, hay họ sợ Matriona nhờ vả họ?
Lễ hội năm đó, có mỗi chuyện không hay làm phiền lòng Matriona: bà đã đi năm dặm (1 verxta (dặm Nga) = 1,06 km) đến nhà thờ để xin nước thánh, đã đặt bình nước xin ban phép của mình giữa những bình nước khác. Lễ ban phép kết thúc, các bà các chị xúm vào tranh nhau lấy nước. Matriona chậm chân tụt lại, cuối cùng chẳng thấy bình nước của mình đâu nữa. Cũng chả thấy bình nước nào để lại. Mất thế này hẳn là ác quỷ đã lấy đi.
- Chị em ơi! - Matriona đi giữa những người đang cầu nguyện. - Có ai lấy nhầm nước thánh của tôi không? Bình nước thánh ấy?
Không ai nhận là đã lấy nhầm. Hay là trẻ con nó nghịch? Trong nhà thờ lúc này cũng có mấy đứa con trai nhỏ tuổi. Matriona về nhà mà lòng buồn rười rượi: năm nào cũng xin được nước thánh, năm nay thì không.
Tuy nhiên cũng không thể nói rằng Matriona là một con chiên ngoan đạo. Thậm chí bà còn mang màu sắc một tín đồ Ngẫu tượng giáo nhiều hơn: bà một mực tin rằng cứ vào lễ Thánh Ivan Poxny mà bước vào nương vườn thì năm sau sẽ bị mất mùa; bão tuyết mà cuộn lên thì ắt là đâu đó có người đã thắt cổ chết; va chân vào cửa là nhà sắp có khách, ở với bà bao nhiêu lâu mà tôi vẫn chưa thấy bà cầu nguyện, làm dấu thánh bao giờ. Nhưng bắt tay vào việc gì bà cũng “Lạy Chúa”, lần nào tôi đi đến trường bà cũng “Cầu Chúa phù hộ cho anh!”.
Có thể là bà vẫn cầu nguyện nhưng không muốn để lộ ra vì ngượng với tôi hoặc không muốn làm tôi mất tự nhiên. Khám thờ thì ở nhà trên, tượng thánh Nikolai Ugotnik đặt trong bếp. Ngày thường thì những nơi đó không để đèn, vào kì lễ nguyện thì có, các ngày lễ thánh thì Matriona bật đèn lên ngay từ sáng.
Tuy nhiên, bà vẫn ít tội hơn con mèo thọt của bà. Nó còn bắt chuột.
Matriona càng ngày càng cố gắng tranh thủ thời gian để chăm chú lắng nghe các chương trình phát thanh qua máy thu thanh của tôi (tôi không quên lắp riêng cho mình một ổ phát hiện - Matriona gọi các ổ cắm điện như thế! Cái máy thu thanh nhỏ bé không quấy rầy tôi được vì tôi có thể đưa tay tắt máy vào bất cứ lúc nào, nhưng quả thật đối với tôi, từ chốn xa xôi hẻo lánh này, nó đã trở thành một dụng cụ thăm dò, phát hiện). Năm ấy, mỗi tuần người ta tiếp đón, tiễn đưa hai ba đoàn đại biểu nước ngoài, đưa đại biểu đến nhiều thành phố, tổ chức meetting. Ngày nào cũng đầy rẫy những thông báo quan trọng về chiêu đãi, tiệc tùng.
Matriona chau mày, thở dài đánh thượt:
- Ăn uống suốt, miệng ăn núi lở thôi mà!
Nghe tin về những loại máy mới vừa được phát minh, Matriona cất tiếng lầu bầu trong bếp:
- Lúc nào cũng máy mới, máy mới, thế máy cũ không làm thì vứt đi đâu?
Người ta còn dự báo trong năm đó vệ tinh nhân tạo của trái đất sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Matriona lắc đầu nhún vai:
- Khiếp thật, thế thì người ta sẽ làm biến đổi mùa đông hay mùa hè mất thôi.
Saliapin hát những bài hát Nga. Matriona đứng nghe một lúc lâu rồi nói dứt khoát:
- Hát kiểu gì ấy, không như dân mình hát.
- Bà nói thế nào ấy chứ, Matriona Vaxilievna, bà nghe lại đi!
Bà lại nghe, mắm chặt môi, rồi nói:
- Không. Không chuẩn. Không phải lối hát của chúng ta. Ca sĩ lại còn khoe giọng nữa.
Bù lại, Matriona cũng đã làm tôi cảm thấy mát ruột. Đài phát lại một chương trình hòa nhạc một số bản tình khúc của Glinka. Đột nhiên sau năm bản tình khúc thính phòng, Matriona co ro đi từ phía sau vách bếp lên, tay giữ chặt tạp dề, cặp mắt mờ rớm lệ:
- Đây này, đây mới là hồn của chúng ta... - bà thì thầm.

Phần 3
Matriona đã quen có tôi, tôi cũng đã quen có bà, và chúng tôi sống với nhau một cách thật thà dung dị. Bà không gây trở ngại gì cho công việc buổi tối kéo dài dằng dặc của tôi, không căn vặn thế này thế khác. Cho đến thời điểm đó, tôi không thấy ở bà cái thói tò mò tọc mạch thường thấy ở phụ nữ, cụ thể là cho đến thời điểm đó, bà tỏ ra tế nhị tới mức chưa hề hỏi thăm tôi đã có vợ hay chưa, lấy vợ từ bao giờ. Các bà các chị ở Talvono cứ xoắn lấy bà mà hỏi thăm về tôi. Bà bảo họ:
- Ai muốn biết thì đi mà hỏi người ta. Tôi chỉ biết anh ấy là người nơi khác đến thôi.
Ít lâu sau, khi tôi thổ lộ với bà rằng tôi đã ở tù khá lâu thì bà chỉ gật đầu, ý như bà đã ngờ ngợ như thế từ trước.
Cũng như bà, tôi chỉ nhìn thấy một Matriona của hôm nay, một bà già lẻ loi cô quạnh. Tôi cũng không khơi dậy quá khứ của bà, cũng không hi vọng tìm được chút gì trong đó.
Tôi biết rằng Matriona lấy chồng từ trước Cách mạng, rồi ở luôn trong ngôi nhà chúng tôi đang ở, bắt tay ngay vào quán xuyến công việc gia đình vì mẹ chồng và người chị gái ở vậy của chồng đều đã mất, và ngay buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, Matriona đã phải đâm đầu vào bếp. Tôi biết rằng bà đã sinh được sáu người con nhưng đều chết yểu nên chưa bao giờ có được hai con còn sống. Về sau bà có một cô con gái nuôi tên là Kira. Chồng Matriona đã ra trận không về. Giấy báo tử cũng không. Các chiến hữu đồng hương cùng đại đội nói rằng ông hoặc đã bị bắt làm tù binh hoặc đã hi sinh nhưng không tìm thấy thi hài. Mười một năm sau chiến tranh, Matriona đã tự nhủ lòng là hãy cứ coi ông như người đã mất. Thà như vậy còn hơn. Chứ giả dụ bây giờ ông vẫn sống thì cũng phải là người có vợ ở đâu đó tận Brazil hoặc Australia. Và làng Talnovo lẫn tiếng Nga ông cũng quên dần...
Một lần ở trường về, tôi thấy trong nhà có khách. Một ông già cao lớn, tóc vẫn còn xanh, mũ lông để trên đầu gối, đang ngồi ở chiếc ghế tựa mà Matriona đẩy ra giữa phòng, về phía chiếc bếp lò Hà Lan, mời khách ngồi chơi. Râu tóc đen dày, hầu như chưa có sợi bạc, trùm kín gương mặt ông: bộ ria mép rậm rạp màu đen nhập làm một với bộ râu cằm to bự cũng màu đen, thành thử mồm miệng chỉ còn hiện ra thấp thoáng; hai vạt râu quai nón rậm rịt màu đen chạy từ dưới lên đón lấy những mớ tóc đen buông từ trên xuống, che gần kín cả hai tai; cặp lông mày sâu róm cong chụm vào nhau. Chỉ có trán là hiện ra như một mái vòm nhẵn thín nối liền với cả khoang đầu hói rộng bên trên. Trước mắt tôi, toàn bộ dung mạo của ông già toát lên vẻ thông minh và đĩnh đạc. Ông ta ngồi với vẻ rụt rè, hai tay đặt trên đốc cây gậy đang chống thẳng xuống sàn, ông ngồi trong tư thế nóng lòng chờ đợi và rõ ràng là không nói chuyện nhiều với Matriona lúc này đang lúi húi bên kia vách bếp.
Khi tôi bước vào nhà, ông nhẹ nhàng quay cái đầu oai vệ về phía tôi và cất tiếng chào, gọi đúng tên tôi:
- Thầy giáo!... Tôi nhìn thầy không được rõ. Thằng con tôi học với thầy đấy. Nó là Grigoriev Antoxka...
Không cần ông phải nói thêm gì nữa. Đang nóng lòng muốn được giúp đỡ ông già đáng kính này, tôi không để ông phải nói những lời vô ích nữa, tôi biết cả rồi. Grigoriev Antoxka là một cậu bé trắng trẻo ục ịch, hai má ửng hồng, học sinh lớp 8G. Nó đến trường như đi nghỉ mát, ngồi trong lớp mỉm cười nhạt nhẽo. Về nhà, nó chẳng bao giờ ngó đến sách vở. Tuy nhiên, với mục tiêu phấn đấu đạt thành tích cao về dạy và học, giữ vững danh hiệu vinh quang mà các trường trong huyện trong tỉnh chúng tôi và các tỉnh bạn đã giành được, hết năm này sang năm khác, nhà trường vẫn cho nó lên lớp. Nó đã hiểu rõ rằng cho dù các thầy có dọa dẫm thế nào đi nữa thì cuối năm nó vẫn được lên lớp như thường, học làm gì cho nhọc xác! Học lớp 8 rồi mà nó vẫn chẳng biết gì về phân số, không phân biệt được các kiểu tam giác. Trong hai quý đầu của năm học nó bị toàn điểm hai ở môn tôi dạy, sang quý ba chắc cũng vậy thôi.
Nhưng với ông già mù dở, người bố, người lại đáng tuổi ông thằng Antoxka, người đang cầu cạnh tôi đây, liệu tôi có thể nói được rằng nhà trường đã lừa dối ông hết năm này sang năm khác, tôi không thể lừa dối ông được nữa, nếu không tôi sẽ làm hỏng hết lớp học, tôi sẽ biến thành kẻ ba hoa và tôi sẽ phải nhổ toẹt vào toàn bộ lao động và danh hiệu của chính mình?
Song tôi lại đành nhẫn nhục giải thích với ông rằng con ông quá xao nhãng học hành, đến trường hay về nhà đều nói dối quanh, phải kiểm tra sổ điểm của nó thường xuyên hơn và cả hai bên phải thực sự nghiêm khắc với nó.
- Còn nghiêm khắc thế nào nữa, thưa thầy, - ông khách đoan chắc với tôi. - Tuần nào tôi cũng đánh đòn nó cả. Đánh đau.
Qua câu chuyện tôi bỗng nhớ ra là có lần Matriona không hiểu vì lý do gì cũng đã đề nghị giải quyết việc gì đó cho thằng Antoxka Grigoriev, nhưng tôi đã không hỏi là nó có họ như thế nào với bà, và tôi đã từ chối. Còn bây giờ Matriona cũng ra đứng trong khung cửa bếp với vẻ khẩn cầu nhưng chẳng nói gì. Và khi Faddeia Mironovitr đã từ biệt tôi với lời đề nghị được gặp lại tôi để được biết tin tức, tôi liền hỏi Matriona:
- Matriona Vaxilievna này, tôi chưa hiểu, Antoxka nó là thế nào với bà nhỉ?
- Con của anh chồng, - Matriona trả lời cụt lủn rồi đi vắt sữa dê.
Hiểu rồi, ông già tóc đen kiên nhẫn đó là anh ruột chồng bà, một quân nhân mất tích.
Suốt buổi tối, Matriona không đề cập gì đến chuyện đó nữa. Mãi tới khuya, khi tôi đã quên bẵng về ông già, đang làm việc trong ngôi nhà yên tĩnh, chỉ còn lạo xạo tiếng gián và tiếng tích tắc của đồng hồ, Matriona bỗng nói vọng ra từ trong góc tối của bà:
- Ignatitr này, ngày xưa tôi suýt lấy ông ấy đấy.
Tôi thậm chí đã quên khuấy đi sự hiện diện của bà, không nghe thấy bà nói gì, nhưng giọng nói của bà vẳng ra từ chỗ tối nghe hồi hộp cứ như ông già kia đang tình tự với bà.
Rõ ràng là cả buổi tối hôm nay Matriona chỉ nghĩ về chuyện đó.
Bà bước ra khỏi chiếc giường lót giẻ tồi tàn, chậm rãi đến bên tôi, chừng như đang nhịp bước với những lời tâm sự. Tôi ngả người vào lưng ghế và lần đầu tiên tôi nhìn thấy Matriona khác hẳn mọi ngày.
Trong căn phòng lớn, um tùm cây cảnh này thì phía trên bị tối. Ngọn đèn bàn chỉ chiếu sáng những quyển vở của tôi, nên khi tôi đưa mắt từ chỗ sáng nhìn ra thì cả căn phòng chìm trong ánh hồng hồng. Matriona từ trong đó hiện ra. Tôi thấy hình như đôi má của bà không còn vàng vọt nữa, mà cũng ửng hồng lên.
- Ông ấy là người đầu tiên dạm hỏi tôi... trước Efim... Ông ấy là anh. Năm ấy tôi mười chín tuổi, Faddeia thì hai mươi ba. Ngày ấy nhà họ ở ngay trong ngôi nhà này đấy. Nhà của họ đấy. Ông cụ thân sinh ra họ cất lên đấy.
Tôi bất giác đưa mắt nhìn quanh. Trước mắt tôi, xuyên qua lớp áo màu xanh nhạt thếch bằng giấy bồi tường, bên trong có chuột chạy, ngôi nhà mục nát xám xịt bỗng hiện ra mới mẻ, thuở ấy vẫn tươi màu, gỗ súc nhẵn nhụi, thơm phức mùi nhựa cây.
- Thế bà với ông ấy thì thế nào?...
- Mùa hè năm ấy... chúng tôi vào rừng ngồi, - bà thì thầm. - Cánh rừng nhỏ ấy bây giờ là khu chuồng ngựa đấy, người ta chặt cây đi... Tôi sắp lấy ông ấy thì chiến tranh chống Đức nổ ra, Ignatitr ạ. Faddeia được lệnh lên đường ra trận.
Matriona bỏ lửng câu chuyện - trước mắt tôi sáng rực lên cái tháng bảy xanh, trắng và vàng của năm một ngàn chín trăm mười bốn: bầu trời vẫn thanh bình, mây nhởn nhơ bay và không khí làm việc sôi nổi trên đồng lúa chín. Tôi mường tượng thấy hai người đang sánh vai nhau: chàng trai vạm vỡ, tóc đen nhánh, vai vác liềm bên cô thôn nữ má hồng, tay ôm bó lúa. Và họ cất lên tiếng hát, hát mãi dưới trời xanh, những bài hát từ lâu làng quê không hát nữa, những bài hát không thể hát cùng máy móc.
- Ông ấy ra trận rồi biệt tăm luôn... Suốt ba năm tôi đã sống khép kín, dốc lòng chờ đợi. Vẫn cứ là bặt vô âm tín...
Trong khoảng mờ tối, đối diện với tôi là gương mặt bầu bầu của Matriona quấn trong tấm khăn trùm bạc phếch. Gương mặt ấy dường như không còn những nếp nhăn, không còn lộ ra giữa tấm khăn xoàng xĩnh thường ngày mà là một gương mặt thanh xuân thảng thốt trước một sự lựa chọn đáng sợ.
Vâng. Vâng... Tôi hiểu... Lá rụng, tuyết rơi, rồi tuyết lại tan. Người ta lại cày, lại gieo, lại gặt. Và lá lại rụng, và tuyết lại rơi. Và một cuộc cách mạng. Và một cuộc cách mạng khác.
Và cả thế giới đảo lộn.
- Mẹ họ mất, thế là Efim đặt vấn đề với tôi. Ông ấy bảo: Trước đây cậu đã muốn đến làm người nhà này, thì bây giờ hãy đến đi! Efim kém tôi một tuổi. Các cụ ở đây thường nói: “Thuận rồi thì cưới cho nhanh, chớ để tròng trành gió giật thuyền nghiêng”. Gia đình họ cũng đang thiếu người trông nom quán xuyến. Tôi đã lấy ông ấy... Chúng tôi làm lễ thành hôn vào ngày lễ Thánh Petrov thì đến ngày lễ Thánh Mikol vào mùa đông... Faddeia trở về... từ trại tù binh ở Hunggari.
Matriona nhắm mắt lại.
Tôi ngồi lặng thinh.
Bà quay người về phía cửa cứ như đó là một nhân chứng sống:
- Ông ấy dừng lại bên ngưỡng cửa. Tôi hét toáng lên. Suýt nữa thì tôi đã nhào ra phủ phục dưới chân ông!... Không thể được... Ông ấy nói: Nó mà không phải là em ruột ta thì ta đã băm chết cả hai đứa rồi!
Tôi rùng mình. Từ sự xúc động hay sợ hãi của bà, tôi đã hình dung ra một cách sống động cái giây phút ông đang đứng giữa những cánh cửa sẫm màu, râu tóc đen nhánh, tay vung chiếc rìu lên trước mặt Matriona.
Nhưng bà đã bình tâm trở lại, đứng tì người vào lưng tựa của chiếc ghế trước mặt và kể bằng một giọng du dương:
- Khổ thân ông ấy! Gái làng có thiếu gì đâu nhưng nhất định ông ấy không lấy. Ông ấy nói: Tôi sẽ đi tìm cái tên em, tìm một Matriona khác. Và ông ấy cũng đã mang từ Lipovka về một Matriona, cất một ngôi nhà riêng mà bây giờ họ vẫn đang ở đấy, hôm nào anh chả đi qua nhà họ để đến trường.
À ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu là tôi đã nhiều lần nhìn thấy bà Matriona thứ hai. Tôi không thích bà ta: bà ta cứ đến với Matriona của tôi để than phiền về việc bị chồng đánh, rồi chồng keo kiệt, hành hạ bà ta. Bà ta khóc đến lâu, lúc nào cũng nghẹn ngào, thổn thức.
Hóa ra Matriona của tôi cũng chẳng bận tâm đến việc Faddeia đánh vợ, ức hiếp cả nhà.
- Ông nhà tôi thì chẳng bao giờ đánh tôi, - bà nói về Efim. - Ra ngoài thì ông ấy vẫn choảng nhau với bọn đàn ông, nhưng với tôi thì quả chưa từng... Riêng cái lần tôi cãi nhau với bà chị ông ấy thì ông ấy có cầm cái thìa cộp một cái vào trán tôi. Đang ăn tôi bỗng đứng phắt dậy, hét toáng mấy câu rồi bỏ vào rừng. Từ đó về sau, ông ấy không bao giờ động đến tôi nữa.
Xem chừng Faddeia cũng có gì đáng hối tiếc đâu: Matriona thứ hai của ông cũng sinh cho ông được sáu đứa (Antoxka là út, một đứa lì lợm), cả sáu đứa đều đậu cả. Còn vợ chồng Matriona - Efim thì tất cả mấy đứa con đều chết yểu hết, không chứng bệnh gì mà chẳng đứa nào đậu được đến ba tháng tuổi.
- Một đứa con gái, nó là Elena, lọt lòng ra vẫn khóc, vậy mà tắm rửa xong là nó đi luôn, không còn phải tắm rửa cho thi hài nữa. Đám cưới của tôi nhằm vào ngày lễ Thánh Petrov thì lễ an táng đứa thứ sáu là thằng Alekxander cũng lại nhằm vào ngày lễ Thánh Petrov.
Và cả làng đều nhất mực cho rằng Matriona đã bị phù phép.
- Tôi bị phù phép đấy! - Đến nay Matriona vẫn gật gù xác nhận. - Người ta chở tôi đến nhà một cựu nữ tu để chữa bệnh, bà ta làm cho tôi phát ho lên, bắt ọc ra bằng được con nhái đang bị yểm trong bụng. Chán! Chẳng ăn thua gì cả!
Năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu... Năm bốn mươi mốt Faddeia không trúng tuyển vì mắt kém, còn Efim trúng tuyển. Và cũng giống người anh trai hồi Thế chiến thứ nhất, người em lại biệt tích vào Thế chiến thứ hai. Nhưng người em thì đã không bao giờ trở lại.
Ngôi nhà trước đây lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp mà nay hoang vắng tiêu điều, và bà Matriona cô quạnh cũng đang héo tàn trong đó.
Và bà đã xin của bà Matriona thứ hai tội nghiệp một khúc ruột của bà ta (hay là một giọt máu của Faddeia?): đứa con gái bé của họ, Kira.
Suốt mười năm, bà đã nuôi dạy cô gái như con đẻ, thay cho những đứa con xấu số của mình.
Trước khi tôi đến đây ít lâu, bà đã gả cô cho một chàng tài xế xe lửa ở Trerusti. Đối với bà, nguồn trợ giúp nhỏ nhoi duy nhất hiện nay là thỉnh thoảng họ mang đường, nếu giết lợn thì mang mỡ cho bà.
Lúc đang khốn khổ vì bệnh tật và nghĩ mình sắp chết, Matriona đã dặn lại rằng sau khi bà mất, Kira sẽ được thừa hưởng căn nhà phụ. Còn nhà chính thì bà không đả động đến. Ba bà em của bà đã nhắm nhe rồi.
Tối hôm đó, Matriona đã bộc bạch với tôi tất cả nỗi lòng. Và, như thường lệ, mối dây ràng buộc và ý nghĩa cuộc đời bà, những điều mà tôi vừa loáng thoáng nhận ra, đã hiện dần ra trong thực tế vào chính những ngày này. Kira đã từ Trerusti về, ông già Faddeia đang lo: muốn xin và giữ được lô đất ở Trerusti thì vợ chồng nhà nó phải cất cho được một căn nhà.
Căn nhà phụ của Matriona hoàn toàn phù hợp. Không còn cách nào khác vì biết đào đâu ra gỗ nữa. Trong việc chiếm lĩnh lô đất ở Trerusti thì chính Kira lẫn chồng cô đều không sốt ruột bằng bố, ông sốt ruột thay cho họ.
Ông Faddeia từ đó thường xuyên đến chỗ chúng tôi, ra công cố sức khuyên bảo rồi ép buộc Matriona phải cho chúng căn nhà ngay bây giờ, ngay lúc bà còn sống. Những lần ông đến, tôi thấy ông không còn là một lão già chống gậy hom hem, chỉ cần một va chạm nhỏ hay một lời nói nặng thôi là đủ để lăn kềnh. Tuy đã hơi còng vì đau ở eo lưng nhưng nom lão vẫn gọn gàng cân đối, ngoài sáu mươi mà râu tóc hãy còn xanh, nhiệt huyết có thừa.
Hai đêm liền Matriona không chợp mắt được. Thật khó nghĩ quá. Bản thân căn nhà để không thì bà không tiếc, cũng như nói chung thì công sức, của cải của mình bà chẳng tiếc xót gì bao giờ. Mà căn nhà phụ thì bà cũng đã cho Kira được thừa kế rồi. Nhưng bảo bây giờ đem tháo dỡ cái căn nhà bà đã ở bốn chục năm nay thì bà cũng hãi. Thậm chí như tôi, một người khách trọ, cũng thấy đau lòng một khi những tấm ván, những súc gỗ kia bị cạy bật, tháo rời. Và như thế thì toàn bộ cuộc đời Matriona cũng coi như hết.
Nhưng những người đang nằng nặc đòi nhà thì vẫn bảo rằng có thể tháo dỡ căn nhà ngay khi bà còn sống.
Thế là vào một sáng tháng hai, Faddeia kéo cả tốp năm tay rìu gồm toàn con trai con rể đến cậy vách ken két, phang nện ầm ầm. Mắt Faddeia lấp lánh vẻ tinh anh của một người thạo việc. Tuy không thẳng lưng lên được, lão vẫn khéo léo đu lên tận vì kèo và làm việc luôn tay, quát gọi người nọ người kia phụ giúp. Căn nhà này do lão cùng với bố lão tự tay cất dựng từ ngày lão còn là một gã thiếu niên. Căn nhà này làm ra chính là dành cho lão, cậu con trai cả, sau này lấy vợ ra riêng. Còn bây giờ lão đang hùng hổ tháo tung ra để chuyển đi nơi khác.
Họ đánh số các súc gỗ vách và ván lát trần rồi tháo dỡ căn nhà phụ với buồng kho, còn nhà chính với các giải nhà cầu vừa bị cắt ngắn thì họ thưng tạm bằng ván mỏng. Họ bỏ qua những khe hở còn lộ ra trên vách, mọi sự đều cho thấy kẻ phá hoại không phải là người xây dựng. Vả chăng họ cũng chẳng nghĩ rằng Matriona còn sống ở đây lâu.
Trong lúc đàn ông dỡ nhà thì đàn bà con gái xúm vào cất rượu cho bữa tiệc khởi hành chứ tiền đâu mà uống vodka. Kira mang từ tỉnh Mátxcơva về cho Matriona một put đường kính, ban đêm bà thường lén lút mang đường và chai đi kiếm rượu ngang.
Gỗ súc đã được mang ra xếp ngay ngắn trước cổng, anh con rể lái tàu đã về Trerusti gọi máy kéo.
Nhưng ngay hôm đó bão tuyết đã tràn về. Bão tuyết quay cuồng suốt hai ngày đêm, đường sá ngập trong những đống tuyết lớn. Rồi khi đường vừa được dọn, xe tải bắt đầu chạy được vài chuyến thì trời bỗng ấm lên, mây mù ẩm ướt kéo đến, và chỉ trong một ngày, tuyết tan chảy thành suối kêu róc rách, nước dây lép nhép cả vào trong ống ủng.

Phần 4
Suốt hai tuần lễ, căn nhà phụ không chịu nộp mình cho máy kéo! Hai tuần lễ ấy Matriona cứ ra ngẩn vào ngơ như kẻ mất hồn. Bà quá đỗi đau lòng về việc ba bà em về thấy sự tình, đã hùa nhau vào mắng chị là ngu ngốc khi đem cho mất căn nhà, đòi từ mặt chị rồi đùng đùng bỏ đi.
Cũng vào những ngày này, con mèo thọt bỏ nhà đi hoang rồi mất hút luôn. Hết chuyện này đến chuyện khác. Càng nẫu ruột thêm.
Cuối cùng, đường sá đang sũng nước không đi lại được đã rắn lại dưới trời băng giá. Một ngày tươi sáng bừng lên, nắng vàng rực rỡ, lòng người nhẹ nhõm lâng lâng. Tối hôm trước, Matriona đã có một giấc mơ đẹp. Ngay từ sáng, bà đã biết rằng tôi đang muốn chụp một bức ảnh có người nào đó đứng bên một cỗ máy dệt kiểu cổ (quanh đây có hai nhà có loại máy dệt này, họ dệt thảm thô). Bà cười ngượng nghịu:
- Mấy hôm nữa, Ignatitr nhé! Để tôi cho cái căn nhà nó đi đi đã. Tôi sẽ gióng cái máy dệt của tôi lên, nó còn nguyên vẹn mà anh, rồi anh chụp nhé! Đúng thế đấy giời ạ!
Bà muốn cho người đời thấy lại hình bóng mình trong quá khứ đây! Ở ngôi nhà đã bị thu ngắn lại, ô cửa sổ lạnh lẽo đã ửng hồng lên trong tiết trời băng giá, dưới ánh sáng đang lan tỏa từ một mặt trời đỏ ối đằng xa. Và ánh sáng dịu dàng này đang sưởi ấm khuôn mặt Matriona. Khuôn mặt của những người lương tâm thanh thản bao giờ cũng đẹp.
Ở trường về khi chiều đã muộn, tôi thấy một cảnh tượng nhốn nháo đang diễn ra trước cổng. Cỗ xe trượt cỡ lớn mới toanh của máy kéo đã chất đầy gỗ súc, nhưng gỗ vẫn còn nhiều - và cả nhà lão Faddeia cùng những người đến làm giúp bèn tự tay đóng thêm một cỗ xe trượt nữa. Mọi người làm việc như điên, đầy vẻ hung hăng thường thấy ở mấy kẻ đã đánh hơi thấy một món hời hay một bữa bét nhè, toái loái. Họ quát hét loạn xà ngầu, cãi nhau ỏm tỏi.
Tranh luận đã nổ ra về việc kéo xe trượt như thế nào, kéo từng cái hay kéo cả hai một lúc.
Gã con trai thọt chân và chàng con rể lái tàu của Faddeia thì cho rằng không thể kéo cả hai một lúc, máy không kéo nổi. Với thân hình lực lưỡng, mặt to phèn phẹt, dáng vẻ tự tin, gã lái máy kéo cất giọng khàn khàn kêu la gã biết hết rồi, lái xe mà lị, gã sẽ kéo tuốt cả hai! Gã đã nhận chở khoán căn nhà chứ không chạy chuyến. Một đêm mà chạy những hai chuyến hai nhăm cây số cộng một chuyến quay về thì có thánh chạy kịp! Sáng mai gã đã phải có mặt ở gara cùng với chiếc máy kéo, không muốn can tội đánh trộm xe đi làm thuê lấy tiền bỏ túi.
Faddeia thì đang nôn nóng muốn chuyển hết căn nhà đi ngay hôm nay nên lão lắc đầu ra hiệu cho các con nhượng bộ gã kia “cho nó xong đi”.
Matriona chạy tới chạy lui giữa đám đàn ông, xăng xái giúp đỡ mọi người chất gỗ lên xe.
Tôi thấy bà mặc chiếc áo bông dã chiến của tôi, hai ống tay áo cứ quệt vào băng bẩn ở gỗ, và tôi đã nhắc bà một câu với vẻ khó chịu. Chiếc áo đó là vật kỷ niệm của tôi, nó đã ấp ủ tôi trong những tháng năm gian khổ.
Lần đầu tiên tôi bực bõ với Matriona Vaxilievna là như vậy đó.
- Giời đất ơi, khổ thân tôi đầu óc thế này này! - Bà luống cuống. - Tôi vơ quàng cái áo, lại không nhớ là áo của anh chứ lị! Xin lỗi anh, Ignatitr nhé. - Và bà cởi áo đem phơi.
Việc bốc xếp đã hoàn thành và tất cả mười người đàn ông vừa làm việc rùng rùng kéo qua chỗ bàn làm việc của tôi, vén mành chui tọt cả vào trong bếp. Từ trong đó vẳng ra tiếng cốc chạm nhau nghe xa xa, thỉnh thoảng có tiếng chai cộp mạnh, riêng giọng nói thì một lúc một to, lời lẽ mỗi lúc một bốc đồng. Gã lái máy kéo huênh hoang một tấc đến giời. Mùi rượu ngang nồng nặc xộc vào mũi tôi. Nhưng họ uống không lâu, tối rồi, phải vội. Họ kéo ra ngoài. Với nét mặt dữ dằn, gã lái máy kéo có vẻ dương dương tự đắc. Áp tải căn nhà về Trerusti có chàng con rể lái tàu, anh con trai thọt chân của Faddeia và một thằng cháu nữa.
Còn nữa thì giải tán. Faddeia vung gậy đuổi theo ai đó để bảo cái gì không biết. Gã thọt chân nán lại bên bàn làm việc của tôi, châm thuốc hút và bỗng nói rằng gã rất quý thím Matriona, gã mới lấy vợ và mới có con trai. Có người quát gọi gã, gã đi ra. Tiếng máy kéo cất lên xình xịch ở ngoài đường. Người cuối cùng từ trong bếp lao ra là Matriona. Bà đưa mắt nhìn theo đoàn xe, lắc đầu với vẻ lo lắng. Bà mặc áo khoác vào, trùm khăn lên đầu. Ra đến cửa bà nói với tôi:
- Thuê lấy hai cái máy kéo thì đã làm sao? Hỏng cái này còn có cái kia. Bây giờ thì cơ sự ra sao có mà giời biết!...
Rồi bà lật đật chạy theo.
Cuộc rượu cùng những tiếng cãi vã om sòm và cảnh nhốn nháo qua đi, ngôi nhà trống trải, buốt giá bỗng trở nên im lặng lạ thường. Bên ngoài trời đã tối mịt. Tôi cũng mặc áo bông vào và ngồi xuống bên bàn. Tiếng máy kéo nhỏ dần rồi mất hút.
Một giờ trôi qua, rồi một giờ nữa. Thêm một giờ thứ ba. Matriona vẫn chưa về nhưng tôi đồ rằng bà đã đến nhà bà bạn Masa sau khi tiễn biệt đoàn xe.
Lại một giờ nữa trôi qua. Lại tiếp. Không chỉ có bóng tối mà một bầu tịnh mịch thâm u đã buông xuống làng quê. Lúc bấy giờ tôi không hiểu được vì sao lại im ắng đến thế - thì ra là suốt buổi tối không có chuyến tàu nào chạy qua tuyến đường sắt cách chỗ chúng tôi nửa dặm. Máy thu thanh tôi đã tắt và tôi nhận thấy đêm nay chuột chạy hỗn chưa từng thấy: dưới những lớp giấy, chuột chạy băng băng, mỗi lúc một ngang tàng, ầm ĩ, vừa chạy vừa kêu chí chóe, giấy kêu soàn soạt liên hồi.
Tôi tỉnh hẳn ra. Đã quá mười hai giờ đêm mà Matriona vẫn chưa về.
Bỗng tôi nghe có tiếng mấy người đang nói khá to. Những tiếng nói còn ở xa, nhưng đúng là người ta đang đi về phía chúng tôi. Đúng, chỉ một lát sau, tiếng đập cửa ầm ầm vang lên ở cổng. Một giọng nói lạ, hách dịch quát lên bắt mở cổng ngay. Tôi bấm đèn sạc bước ra trong bóng tối dày đặc. Cả làng đều đang ngủ, cửa sổ các nhà vẫn tối om, tuyết đã tan đến một tuần nay và cũng không còn ánh phản quang. Tôi xoay cái chốt dưới, mở cửa cho họ vào.
Bốn người mặc áo capốt cùng bước vào nhà. Ai mà chả bực mình khi có người lạ mặc áo capốt xộc vào nhà vào ban đêm mà mồm miệng cứ bô bô.
Dưới ánh đèn tôi thấy có hai người mặc áo capốt của nhân viên đường sắt. Người lớn tuổi hơn, to béo, có khuôn mặt rất giống gã lái máy kéo, cất tiếng hỏi:
- Bà chủ đâu?
- Tôi không biết.
- Thế chiếc máy kéo hai cái xe trượt ra đi từ nhà này phải không?
- Từ nhà này.
- Họ uống rượu ở đây trước khi đi chứ?
Cả bốn người đều nheo mắt nhìn quanh, tất cả chìm trong ánh nhờ nhờ vì không được ngọn đèn bàn chiếu sáng. Tôi hiểu ra rằng người đó đã bắt hoặc đang truy lùng ai đó.
- Có chuyện gì vậy?
- Ông hãy trả lời câu hỏi!
- Nhưng...
- Họ lên đường khi đang say rượu phải không?
- Họ đã uống rượu ở đây chứ?
Có ai đó đã giết người ư? Hay là không được phép chuyển nhà như vậy? Bao nhiêu nghi vấn hiện ra dồn dập trong đầu. Duy có một điều rất rõ: Matriona rất có thể vào tù vì tội nấu rượu lậu.
Tôi lùi về phía cửa bếp và đứng che nó đi.
- Thật tình tôi không để ý. Tôi không thấy.
(Mà tôi không thấy thật, chỉ nghe thấy thôi).
Tôi đưa tay làm một điệu bộ bất lực như chỉ còn biết mời xem khung cảnh căn nhà: ánh đèn dịu nhẹ chiếu xuống sách vở, cả một đám cây cảnh um tùm nép mình vào một góc, chiếc giường gấp khắc khổ của một ẩn sĩ.
Chẳng có dấu vết gì của sự ăn chơi.
Chính họ cũng bực mình khi thấy ở đây chẳng có vết tích rượu chè gì cả. Vừa quay ra cửa họ vừa bảo nhau rằng bọn người kia không uống rượu ở đây nhưng giá mà phát hiện ra bằng chứng ở đây thì đẹp quá. Tôi tiễn họ ra cửa và cố gặng hỏi xem vừa có chuyện gì.
Mãi lúc ra đến cổng, một người trong số bọn họ mới trả lời tôi, giọng lầu bầu:
- Đi tong hết rồi. Thi thể chỗ còn chỗ mất, chết không vẹn xác.
Một người khác nói thêm:
- Đã thấm vào đâu! Tàu tốc hành 21 suýt trật đường ray kia kìa!
Và họ đi luôn.
Ai, họ là ai? Chết hết cả rồi ư? Những ai mà chết hết? Matriona đâu rồi?
Tôi quay ngay vào nhà, vén mành chui xuống bếp. Mùi rượu ngang xộc vào mũi đến phát buồn nôn. Cả một bãi chiến trường: ghế đẩu, ghế dài để ngổn ngang, chai không lăn lóc, một chai rượu còn uống dở, cốc lớn cốc bé, cá trích bỏ thừa, hành, mỡ lợn vụn vặt.
Đúng là một cảnh tang thương. Chỉ có những con gián là vẫn bình thản bò đi bò lại trên chiến địa hoang tàn.
Tôi lao vào dọn dẹp. Tôi súc rửa chai, dọn sạch bàn ăn, chuyển ghế ra ngoài, chỗ rượu ngang còn thừa thì đem giấu xuống căn hầm tối om, tít tận trong góc.
Mãi đến lúc xong việc tôi mới đứng đực ra giữa ngôi nhà trống trải: không biết người ta nói cái gì về tàu tốc hành 21 ấy. Chuyện gì vậy? Có thể là ban nãy mình nên để cho họ thấy hết cảnh tượng này? Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Nhưng sao lại có cái tác phong khốn nạn coi thường quần chúng như thế? Không giải thích gì cho dân hiểu cả.
Cánh cổng bỗng rít lên ken két. Tôi chạy vội ra:
- Matriona Vaxilievna đấy ư?
Bà bạn Masa của Matriona loạng choạng bước vào nhà:
- Matriona... Ôi Matriona của chúng ta, Ignatitr ơi...
Tôi dìu bà ra ghế ngồi và bà bắt đầu kể với giọng sụt sùi.
Đường cái cắt ngang đường sắt trên một mỏm đồi, rất dốc. Không có chắn tàu. Chiếc xe trượt thứ nhất vừa được kéo qua thì tuột cáp, và chiếc xe trượt thứ hai, chiếc xe đóng lấy ấy, rung lên và gẫy răng rắc ngay giữa đường tàu - Faddeia đã không cho gỗ tốt để đóng cái xe này. Gã lái máy kéo và cậu con trai thọt của Faddeia kéo chiếc xe trượt thứ nhất ra ngoài một quãng rồi lùi máy kéo lại để móc cáp vào chiếc xe trượt thứ hai. Matriona không hiểu thế nào cũng lẽo đẽo chạy theo, lọt vào quãng giữa chiếc máy kéo và chiếc xe trượt ấy. Mà bà ấy thì làm được cái quái gì cho bọn đàn ông cơ chứ. Lúc nào bà ấy cũng xen vào công việc của đàn ông. Ngày xưa bà ấy suýt bị ngựa quật xuống hố băng trên hồ rồi ấy chứ. Mà bà ấy mò ra quãng đường tàu khốn nạn ấy làm gì không biết? Căn nhà phụ thì cho rồi, làm hết bổn phận rồi. Thằng tài xế xe lửa đang trố mắt canh chừng chuyến tàu từ Trerusti sang, quyết phát hiện sớm đèn hiệu của tàu, thì từ chiều ngược lại, từ phía nhà ga ấy, có hai cái đầu máy nối nhau chạy giật lùi, không có đèn hiệu. Sao lại không có đèn thì chưa rõ chứ nếu đầu máy chạy giật lùi thì thằng tài xế xe lửa sẽ bị bụi than ở toa than nước bay vào mắt, nhìn không rõ nữa. Thế là cả ba người lúc bấy giờ đang lúi húi giữa chiếc máy kéo và chiếc xe trượt, đều bị hai cái đầu tàu nghiền nát. Máy kéo bị hỏng, xe trượt thành gỗ vụn, đường ray chổng ngược lên, cả hai đầu tàu đều đổ kềnh ra.
- Hai cái đầu máy lao tới mà họ lại không nghe thấy gì ư?
- Máy kéo đang nổ máy ầm ầm mà lị.
- Còn xác ba người thì thế nào?
- Người ta chưa cho tới gần. Còn bảo vệ hiện trường.
- Tôi có nghe nói về chuyến tàu tốc hành... Tàu tốc hành hay sao ấy nhỉ?...
- Còn chuyến tàu tốc hành mười giờ thì xuất phát từ ga, cũng đang trên đường đến đấy.
Nhưng khi hai chiếc đầu máy đổ thì hai gã lái tàu may phúc nhảy ngay ra được, họ chạy ngược trở lại và vẫy tay ra hiệu cho tàu dừng lại và đoàn tàu đã kịp dừng lại ngay trước mấy đoạn đường ray chổng ngược... Thằng cháu ông già cũng bị chấn thương vì gỗ súc. Nó đang trốn ở nhà Klavka, không muốn cho mọi người biết là nó cũng theo ra đó. Lại phải đứng ra làm chứng thì rầy!... Ngu si hưởng thái bình là hơn cả... Còn chồng Kira may mà không hề hấn gì. Hắn thắt cổ tự tử nhưng được mọi người cứu thoát. Hắn nói: Chính vì tôi mà cô tôi chết, anh tôi chết. Hắn ra đầu thú ngay, bị giữ rồi. Nhưng còn trò gì nữa, vào nhà thương điên thì có. Ôi Matriona, Matriona yêu quý... Matriona không còn nữa. Một người thân yêu đã bị giết hại. Vậy mà ngay trong ngày tận thế, tôi đã bực với bà về cái áo bông.
Cô gái được vẽ bằng màu sắc đỏ vàng lòe loẹt trong tờ quảng cáo sách vẫn mỉm cười vui vẻ.
Bà Masa ngồi khóc thêm một lúc. Và khi đã đứng lên để ra về, bà chợt hỏi:
- Ignatitr này! Anh có nhớ... có cái áo len màu xám của Matriona... Bà ấy có dặn là mai kia bà ấy mất thì bé Tanka nhà tôi sẽ được nhận cái áo, đúng không anh?
Trong ánh sáng mờ ảo, bà nhìn tôi với vẻ hi vọng: lẽ nào tôi lại quên?
Nhưng tôi vẫn nhớ:
- Bà ấy có dặn, đúng đấy.
- Thế thì thế này, anh cho tôi cầm luôn nhé? Sáng mai người nhà họ đến thì còn lấy thế nào được nữa.
Và người bạn nửa thế kỷ của Matriona, người duy nhất trong làng chân thành yêu mến bà lại đưa mắt nhìn tôi với vẻ khẩn cầu và hi vọng...
Có lẽ phải thế thôi.
- Tất nhiên... Bà cầm về đi... - tôi đồng ý.
Bà ta mở cái rương con, lấy cái áo ra thu vào vạt áo và ra về.
Lũ chuột lên cơn điên, chạy loạn xạ trên vách, và tệp giấy bồi tường màu xanh lá mạ nhấp nhô dợn sóng trên lưng chuột.
Tôi chẳng biết đi đâu nữa. Tự người ta sẽ còn đến với tôi, lấy lời khai của tôi. Sáng mai tôi vẫn phải đến trường. Đã hơn hai giờ sáng. Tốt nhất là khóa cửa đi nằm.
Phải khóa cửa vì Matriona không còn trở về nữa.
Tôi đi nằm mà không tắt đèn. Lũ chuột vẫn rít lên, gần như rên rỉ và chạy đi chạy lại liên hồi. Đầu óc mệt mỏi, ý nghĩ rời rạc, tôi không thể nào xua đuổi được nỗi sợ đang ám ảnh tôi: dường như Matriona đang cuống cuồng chạy đi chạy lại để nói lời từ biệt với xung quanh, với ngôi nhà của mình.
Và đột nhiên tôi mường tượng thấy Faddeia hiện ra trước cửa ra vào, râu tóc đen nhánh, tay lăm lăm cái rìu: “Nếu nó không phải là em ruột ta thì ta đã băm chết cả hai!”.
Bốn chục năm qua, lời đe dọa của lão vẫn hiện hữu trong nhà như một lưỡi tầm sét treo lơ lửng, và nó đã giáng xuống phũ phàng đến vậy.

Phần 5
Trời vừa rạng sáng, các bà các chị đã đưa từ hiện trường về tất cả những phần thi thể còn lại của Matriona trên một chiếc xe trượt tuyết, bên trên đậy tạm một chiếc bao bẩn thỉu. Người ta bỏ cái bao ra, rửa sạch thi hài. Cả đôi chân, một nửa thân mình và toàn bộ tay trái lẫn hết vào nhau trong một đống bèo nhèo. Một phụ nữ làm dấu thánh giá và nói:
- Chúa đã để lại tay phải cho bà. Lên trên ấy bà cầu tụng Chúa...
Và rồi tất cả đám cây cảnh mà Matriona yêu quý đến nỗi có lần vào ban đêm bị khói làm tỉnh giấc, bà đã không sợ cháy nhà mà lại lao ra bê hết chậu cảnh xuống sàn nhà vì sợ cây chết ngạt, tất cả các chậu cây được mọi người bỏ hết ra ngoài. Tấm gương đã mờ của Matriona được phủ kín bằng một chiếc khăn dệt bằng máy gia đình cổ lỗ. Những tấm áp phích hội hè dán trên vách được gỡ ra. Chiếc bàn của tôi được đẩy gọn vào trong. Bên dãy cửa sổ, dưới ảnh thánh, cỗ áo quan đóng sơ sài đã được đặt lên những chiếc ghế đẩu.
Trong cỗ áo là Matriona. Thi thể hao khuyết và đầy thương tích của bà được đậy bằng một tấm ga sạch, đầu phủ một vuông khăn trắng, còn khuôn mặt vẫn gọn gàng, bình thản, cứ như mặt người còn sống.
Người làng lần lượt đến bên linh cữu để vĩnh biệt bà. Chị em dắt cả con thơ đến vĩnh biệt bà.
Và nếu có tiếng khóc cất lên thì tất cả đàn bà con gái, kể cả những người chỉ ghé qua vì tò mò, đều nhất thiết khóc theo như hát đồng ca. Nam giới thì bỏ mũ đứng im.
Bản thân việc khóc, người nhà cũng phải canh chừng. Tôi nhận ra trong chuyện khóc than này một tập tục lâu đời, nghiêm ngặt. Người họ xa thì chỉ đến bên linh cữu trong chốc lát, lầm rầm khấn nguyện đôi câu. Người tự cho mình là họ hàng ruột thịt thì khóc ngay từ ngưỡng cửa, rồi cúi sát mặt người quá cố để kêu than.
Nhạc điệu khúc bi ca thì tùy ý mỗi người, tự biên tự diễn. Miễn sao giãi bày được hết khúc nhôi.
Có dịp này tôi mới biết việc khóc trong đám ma không hề đơn giản, nó là một hoạt động chính trị đặc biệt. Ba bà em của Matriona kéo nhau về chiếm lĩnh ngôi nhà, con dê và cái bếp lò, khóa trái cái rương của bà chị lại, lôi trong lớp lót áo bành tô ra hai trăm rup tiền tang lễ, chỉ có họ là người gần gũi của Matriona. Và họ khóc trên linh cữu:
- Ối chị ơi, chị yêu quý ơi! Chúng em chỉ có chị thôi, còn ai đâu hở chị! Chị hiền lành như thế mà lại bỏ mà đi! Chị ở lại với đời bao giờ chả có chúng em bên chị! Căn nhà phụ của chị nó giết chị rồi! Căn nhà phụ khốn nạn kia nó hại chị rồi! Chị dỡ nó ra làm gì cơ chứ? Mà sao chị lại không nghe lời chúng em hở chị?
Lời than khóc của ba bà là bản luận tội cánh họ hàng nhà chồng Matriona: họ ép buộc Matriona tháo dỡ căn nhà mới nên nông nỗi này đây! Và còn ngụ ý: nhà phụ có lấy thì lấy chứ nhà chính thì đừng hòng!
Họ hàng nhà chồng gồm các chị em gái của Efim và Faddeia cùng các cháu gái cũng kéo đến khóc:
- Mợ ơi! Thím ơi! Bác ơi! Mợ thật là không biết giữ lấy thân! Bây giờ thế nào người ta chả oán chúng tôi! Mợ thân yêu ơi, việc này chỉ tại mợ thôi! Chứ căn nhà nó có tội tình gì đâu hở mợ! Mà sao mợ lại mò ra đúng cái nơi thần chết đang rình rập mợ? Có ai khiến mợ ra đấy đâu cơ chứ! Sao lại chết oan chết uổng thế này! Sao mợ lại không nghe lời chúng tôi hở mợ?
(Bài khóc đã toát lên lời giải đáp: chúng tôi không có lỗi gì trong cái chết của bà ấy cả, còn việc ngôi nhà sẽ nói chuyện sau!)
Nhưng Matriona “thứ hai”, một phụ nữ cục mịch, mặt to bự, người từng được Faddeia rước về làm vợ chỉ vì mỗi cái tên, thì đã đi chệch hướng, chỉ biết gào lên đau đớn, thật thà:
- Chị gái ơi là chị gái ơi! Chị giận gì em mà đến nông nỗi này hả chị? Ối giời đất ôi!... Chị em mình đã phơi bày hết ruột gan ra với nhau rồi! Chị thứ lỗi cho em, đứa em khốn khổ này! Ối giời đất ôi! Chị đã về với mẹ chị rồi... nhưng rồi cũng có ngày quay lại đón em! Ối giời đất ôi!
Mỗi lần “ối giời” là bà lại rũ ra và hẩy ngực thình thình vào vách áo quan. Và khi sự khóc than đã vượt qua giới hạn nghi lễ thì các bà các chị đồng thanh lên tiếng như cùng nhất trí công nhận việc khóc than đã đạt yêu cầu:
- Thôi! Thôi!
Matriona lui ra nhưng sau đó lại quay lại và còn kêu khóc dữ hơn. Một bà già lụ khụ từ trong góc nhà bước ra, đặt tay lên vai Matriona, nói với giọng nghiêm khắc:
- Chuyện sinh tử trên đời là bí hiểm lắm thay, biết làm sao được!
Matriona nín ngay và mọi người đều lặng phắc.
Nhưng chỉ một lát sau, chính bà già lụ khụ này cũng khóc. Cụ là người cao tuổi hơn nhiều so với tất cả các bà già có mặt ở đây và dường như chẳng có quan hệ gì với Matriona. Cụ than:
- Ôi em ơi, đau lòng chị lắm em ơi! Vaxilievna của chị ơi! Tao chán tiễn đưa chúng mày lắm rồi!
Và hoàn toàn không còn mang tính nghi thức nữa, mà bằng tiếng khóc thực lòng của thời đại chúng ta, một thời đại không thiếu gì tiếng khóc, người con gái nuôi bất hạnh của Matriona đã khóc thương bà, cô chính là Kira ở Trerusti, người có căn nhà được mọi người vận chuyển và phá hủy như ta đã biết. Đầu bù tóc rối, cặp mắt đỏ hoe. Cô chẳng còn biết khăn quàng trên cổ đã rơi mất lúc nào giữa tiết trời lạnh giá, mặc bành tô thì quên cả xỏ tay. Cô đi như người mất hồn từ linh cữu mẹ nuôi ở bên này sang linh cữu anh trai ở bên kia, mọi người còn sợ cô không khéo loạn thần kinh mất vì chồng cô chắc chắn phải ra tòa.
Chồng cô đã phạm hai tội cùng một lúc: anh không những đã vận chuyển căn nhà, mà còn là một tài xế xe lửa, nắm được quy tắc chạy tàu khi vượt qua những giao điểm không có cảnh giới, lẽ ra anh phải đến nhà ga để báo trước về chuyến máy kéo. Đêm đó, trên chuyến tàu tốc hành từ Ural, một ngàn mạng sống đang yên giấc trên hai tầng giường dưới ánh đèn êm dịu ấy có thể đã tiêu vong, chỉ vì lòng tham của mấy người muốn kiếm một mảnh đất, hoặc không muốn mất thêm một chuyến máy kéo.
Duyên do là ở căn nhà đã bị nguyền rủa từ khi Faddeia ra tay tháo dỡ nó.
Tuy nhiên, gã lái máy kéo thì đã thoát tội chốn trần gian. Còn chính Cục giao thông thì vừa có lỗi ở chỗ một giao điểm giữa đường sắt và đường bộ nhộn nhịp như thế mà không có cảnh giới, vừa có lỗi trong việc hai cái đầu máy lôi nhau chạy không đèn. Chính vì thế mà lúc đầu người ta đã tìm cách đổ vạ cho rượu, còn bây giờ thì không muốn đưa vụ việc ra tòa.
Đường bị hư hại nặng đến nỗi ba ngày liền, khi các linh cữu đang quàn tại nhà, xe lửa phải vòng theo nhánh khác. Trong suốt mấy ngày thứ sáu, thứ bẩy và chủ nhật, từ lúc kết thúc điều tra cho đến lúc cử hành mai táng, đoạn đường được sửa chữa suốt ngày đêm. Thợ sửa đường bị rét cóng; để sưởi ấm và thắp sáng vào ban đêm, họ cứ việc lấy không chỗ gỗ ván mà chiếc xe trượt thứ hai trút ra ngang đường, đốt vô tội vạ.
Còn chiếc xe trượt thứ nhất vẫn ăm ắp gỗ, nguyên lành, đứng lù lù cách đó không xa.
Suốt hai ngày thứ sáu và thứ bảy, lão râu đen Faddeia cứ lấy làm bứt rứt về nỗi một chiếc xe trượt tuyết thì cứ như cố ì ra đấy để trêu ngươi, còn chiếc kia thì vẫn còn có cách giải cứu khỏi ngọn lửa. Con gái lão đã bắt đầu lẩn thẩn, con rể có nguy cơ phải ra tòa, con trai bị chính lão đưa đến chỗ chết đang nằm trong nhà, người đàn bà mà lão đã từng yêu và vừa bị sát hại cũng đang nằm đó, ngay trong xóm phố này thôi, vậy nhưng Faddeia chỉ đến đứng chốc lát bên các linh cữu, tay giữ chòm râu. Vầng trán cao của lão như trĩu nặng buồn thương nhưng đầu óc lão lúc này thì chỉ chăm chăm vào việc giải cứu những súc gỗ khỏi ngọn lửa hung tàn và những mưu mô của bọn em gái Matriona.
Quan sát dân làng Talnovo, tôi hiểu ra rằng ở nông thôn không phải chỉ có duy nhất một Faddeia.
Người ta hay dùng chữ của chúng tôi hay của tôi một cách lạ lùng. Và trước mắt mọi người, cứ mất của là đáng xấu hổ, là ngu.
Faddeia cứ thế chạy long sòng sọc, hết lên khu lại lên cục, hết ban nọ đến phòng kia. Với tấm lưng còng và cây gậy chống, lão khẩn khoản van xin từng cán bộ chiếu cố cho tuổi già của lão mà cho lão xin lại căn nhà gỗ.
Cuối cùng lão cũng được cấp giấp phép. Lão tập hợp đám con trai, con rể, cháu trai vẫn còn may mắn lại, mượn mấy con ngựa của nông trang về, và rồi từ phía bên kia đoạn đường tàu đang được thi công bừa bộn, bằng đường vòng xuyên qua ba làng, lão áp tải phần còn lại của căn nhà phụ về nhà. Lão hoàn thành việc đó vào đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật.
Lễ an táng cử hành vào chủ nhật. Hai linh cữu gặp nhau đúng giữa làng. Họ hàng bàn tính nên để cái nào đi trước. Rồi người ta đặt hai cô cháu nằm cạnh nhau trên một cái xe trượt lớn. Dưới trời u ám, trên mặt băng ẩm ướt của tháng hai, người ta đưa hai kẻ xấu số vào nghĩa địa nhà thờ cách làng chúng tôi hai làng. Thời tiết xấu, lộng gió nên linh mục và thầy trợ tế chờ trong nhà thờ chứ không sang Talnovo đón.
Từ ngoài vào đến cổng, đoàn người đi chậm và hát thánh ca. Rồi dừng lại.
Đêm hôm trước, các bà các chị còn bận tíu tít trong ngôi nhà của chúng tôi: một bà già lầm rầm khẽ hát thánh ca bên linh cữu, các bà em của Matriona loay hoay nấu nướng bên chiếc bếp lò Nga hừng hực hơi nóng tỏa ra từ khối than bùn đỏ rực, đây là than do Matriona vác từng bao tải từ một đầm than cách xa làng. Họ làm những chiếc bánh nướng nhạt nhẽo bằng loại bột xấu.
Sang ngày chủ nhật, từ lúc đi đưa đám về cho đến tối, mọi người tập trung vào dự tiệc tưởng niệm. Bàn kê một dãy dài đúng vào chỗ kê linh cữu lúc sáng. Thoạt tiên mọi người đứng xung quanh bàn và ông anh rể ông Efim đọc kinh “Lạy Cha”. Rồi mỗi người được một tẹo nước mật pha rót vào đáy bát. Để tưởng niệm vong linh, chúng tôi dùng thìa vét nước mật uống không. Rồi chúng tôi ăn các thứ và uống vodca, chuyện trò rôm rả dần lên. Trước khi uống nước trái cây, tất cả đứng lên hát “Kỷ niệm muôn đời” (mọi người cho biết là nhất thiết phải hát bài này trước khi uống nước trái cây). Rồi lại uống rượu. Mọi người nói mỗi lúc một to, không đả động gì đến Matriona nữa. Ông anh rể ông Efim ba hoa:
- Thưa chư vị tín đồ Chính thống giáo, chư vị có thấy hôm nay chúng ta hát kinh Cầu Siêu từ tốn không nào? Được như vậy là vì cha Mikhail đã để mắt đến tôi. Cha biết là tôi biết việc kinh bổn mà. Không thì cũng đến nhao nhao một lúc là chuồn, kính lạy các thánh!
Cuối cùng tiệc cũng đã tàn.
Mọi người nhất loạt đứng lên hát bài “Tâm khúc tôn vinh”. Rồi hô vang ba lần để ghi sâu:
- Kỷ niệm muôn đời! Kỷ niệm muôn đời! Kỷ niệm muôn đời!
Nhưng ai nấy giọng cũng đã khàn, lạc điệu mỗi người một phách, mặt đần ra vì rượu, và chẳng ai còn vấn vương gì đến những kỷ niệm muôn đời đó nữa.
Các vị khách quý lần lượt ra về, chỉ còn lại người nhà, thế là cả bọn thoải mái dỡ thuốc lá ra đốt, cười đùa ầm ĩ. Câu chuyện bỗng lái sang việc ông chồng bà Matriona mất tích, ông anh rể nói trên liền đấm ngực thùm thụp, quả quyết với tôi và bác thợ giày, chồng của một bà em của Matriona:
- Chết rồi, ông Efim ấy, ông ấy chết rồi! Không chết sao lại không về? Cứ như tôi thì dù có biết mười mươi là về quê sẽ bị treo cổ, tôi cũng cứ về!
Ông thợ giày gật đầu tán thưởng. Thì ông vốn là lính đào ngũ và quả thật chưa bao giờ rời bỏ quê hương: suốt mấy năm chiến tranh ông được mẹ giấu kĩ dưới nhà hầm.
Bà lão già nhất làng, nghiêm nghị, ít nói, đêm nay nghỉ lại đây, đang ngồi ở một chỗ cao, trên bệ lò sưởi. Bà lẳng lặng nhìn xuống đám người ít tuổi toàn năm sáu chục xuân xanh đang nhao nhao hết cả lên, nom rõ ngứa mắt.
Chỉ có người con gái nuôi bất hạnh, người đã lớn lên ở chính nơi này, là lủi thủi bỏ ra sau dãy hàng rào, đứng khóc.
Faddeia không đến dự tiệc tưởng niệm Matriona, có thể vì lão cũng đang phải ở nhà tưởng niệm con trai. Nhưng ngay những ngày sau đó, với thái độ thù địch, lão đã hai lần đến ngôi nhà đó để thương lượng với ba người em gái của Matriona và gã thợ giày, quân nhân đào ngũ.
Họ tranh cãi về việc ai là người được quyền thừa kế căn nhà: em gái hay con nuôi. Việc đáng lý phải đưa ra tòa, nhưng họ đành đấu dịu với nhau vì đã ngộ ra rằng tòa sẽ không xử cho ai cả, mà sẽ sung vào quỹ của Xô viết xã. Họ kí giao ước với nhau. Con dê thuộc về một người em gái, ngôi nhà thuộc về vợ chồng ông thợ giày, còn phần của Faddeia, “người đã tự tay đẽo từng súc gỗ”, là căn nhà phụ đã lấy rồi, nhưng mấy chị em còn nhường nốt cho lão cái chuồng dê và toàn bộ dãy rào trong, ngăn sân với nương vườn.
Một lần nữa, vượt qua bệnh tật cùng những cơn nhức mỏi, lão già tham lam lại hoạt bát hẳn lên và trẻ hẳn ra. Lão lại tập hợp những đứa con trai con rể vẫn còn may mắn lại, bắt tháo dỡ chuồng dê và hàng rào, còn lão thì tự tay vận chuyển những súc gỗ bằng chiếc xe trượt tuyết con con, hết chuyến này đến chuyến khác, mãi gần xong việc thằng Antoxca lớp 8G của lão mới sang phụ giúp, hăng say đáo để.
Ngôi nhà Matriona được khóa trái lại cho đến tận mùa xuân. Tôi chuyển sang nhà một bà chị gái Efim, cách đấy không xa. Về sau, vào những dịp khác nhau, bà chị chồng có hồi tưởng lại ít nhiều về Matriona và dường như từ một góc độ khác đã giúp tôi nhận rõ được chân dung của người quá cố.
- Efim không yêu cô ấy. Cậu ấy nói: Em thích ăn mặc một cách văn minh, còn cô ấy độc một lối quê mùa. Một lần tôi với cậu ấy ra thành phố làm thuê, cậu ấy bắt được một em, thế là không muốn về với Matriona nữa.
Mọi lời bình phẩm của bà về Matriona đều có ý chê bai: nào là người ngợm bẩn thỉu, nào là không lo mua sắm, nào là không biết dành dụm, thậm chí lợn cũng không nuôi, (không thích chăn nuôi chứ lị!) Rồi thì ngu ngốc, độc đi làm đầy tớ không công cho thiên hạ (bà nhắc chuyện này vào dịp không gọi được người cày nương). Ngay cả sự tốt bụng và tính thật thà chất phác của Matriona mà bà không phủ nhận, bà cũng nói đến với vẻ thương hại mà thôi.
Và mãi đến lúc này, từ những ý chê bai của bà chị chồng, tôi mới thấy hiện rõ trước mắt mình một Matriona mà tôi chưa từng thấu hiểu, dù vẫn ở ngay bên bà.
Người ta nói không sai! Nhà nào cũng nuôi lợn cả. Nhưng bà lại không nuôi. Còn gì dễ bằng nuôi một chú lợn con háu ăn, chỉ biết có ăn! Ngày ba lần nấu bữa cho nó, sống vì nó để rồi giết thịt và lấy mỡ.
Vậy mà bà không có...
Không lo sắm sửa trong nhà... Không lăn lộn kiếm tiền để tậu đồ đạc và giữ cho nó được bền lâu hơn cả cuộc đời mình.
Không chạy theo quần nọ áo kia. Không chạy theo những bộ cánh vẫn tô vẽ cho cái vỏ bề ngoài của những kẻ xấu xa, độc ác.
Không được chính chồng mình hiểu, bị chồng ruồng bỏ, từng chôn sáu đứa con nhưng không chôn vùi đức hạnh - lòng vị tha hào hiệp của mình, xa lạ với chị em ruột, chị em chồng, ngớ ngẩn đến buồn cười, độc đi làm đầy tớ không công cho thiên hạ một cách ngu ngốc, bà đã không dành dụm được gì cho cái ngày nhắm mắt xuôi tay.
Con dê có bộ lông màu trắng đục, con mèo thọt chân, những chậu cây cảnh...
Tất cả chúng tôi đều đã sống bên cạnh bà mà không hiểu rằng bà là một tín đồ mộ đạo trang nghiêm mà không có họ, nói như tục ngữ Nga là:
Không có thôn làng.
Không có thành phố.
Không có cả trái đất này của chúng ta.

Hết
1959-1960, Ac-Metset - Riazan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét