Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Cái thùng con - Guy de Maupassant


Chủ quán Sicô, bán hàng ăn ở Êprơvin, dừng xe trước trại của mụ Magloarơ. Đó là  một gã cao lớn trạc bốn mươi tuổi, đỏ đắn, bụng phệ, nghe đồn là ranh ma.
Gã buộc ngựa vào cọc hàng rào, rồi vào trong sân. Gã có chút tài sản giáp với mảnh đất của bà lão, mà gã thèm muốn từ lâu. Có đến hai chục lần gã dạm mua, nhưng mụ Magloarơ khăng khăng từ chối. Mụ bảo:
- Tôi sinh ra ở đấy, tôi chết ở đấy.
Gã thấy mụ đang gọt khoai trước cửa nhà. Bảy mươi tuổi, mụ khô đét, răn reo, lưng còng, nhưng làm lụng dẻo dai như con gái. Sicô thân thiện vỗ vào lưng mụ, rồi ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh mụ.
- Thế nào? Bà lão, vẫn khỏe chứ?
- Không đến nỗi, còn bác, bác Prôxpê?
- Ầy! Ầy! Đau nhì nhằng, không thì cũng khá.
- À, tốt đấy!
Rồi mụ chẳng nói gì nữa. Sicô nhìn mụ làm. Những ngón tay khoằm khoằm, khẳng khiu, cứng tựa càng cua, nhặt như quắp lấy các củ màu xám nhờ trong giỏ, và xoay xoay rất nhanh, gọt ra từng khoanh vỏ dài bằng con dao cũ mụ cầm trong bàn tay kia. Rồi khi khoai đã vàng nõn, mụ liền ném vào xô nước. Ba con gà mái dạn người, từng con xán vào tận bên váy mụ nhặt vỏ, rồi cun cút chạy đi, mỏ ngậm mồi.
Sicô ra vẻ bứt rứt, ngần ngại, lo lắng, có cái gì ở cửa miệng mà không thốt ra được. Cuối cùng, gã quyết định:
- Này, mụ Magloarơ…
- Bác cần gì hử?
- Cái trại này ấy mà, mụ vẫn không muốn bán cho tôi hả?
- Chuyện ấy thì không. Không được đâu. Dứt khoát rồi, dứt khoát, bác đừng nói lại nữa.
- Chả là tôi tìm được cách thu xếp ổn thỏa cho cả hai đằng.
- Gì vậy?
- Thế này nhé. Mụ bán nó cho tôi, ấy rồi mà mụ vẫn cứ giữ lấy nó. Mụ không hiểu à? Mụ nghe tôi bảo đây.
Bà lão ngừng gọt khoai, cặp mắt tinh nhanh dưới đôi mi nhăn nheo nhìn gã chủ quán chằm chằm.
Gã tiếp:
- Tôi nói rõ nhé. Tôi cho mụ, mỗi tháng trăm rưởi quan. Mụ nghe rành chứ: mỗi tháng tôi đi xe ngựa, đem đến đây cho mụ ba chục đồng êquy loại năm quan. Và rồi chẳng có gì khác cả, chẳng có gì hết, mụ vẫn ở nhà mụ, mụ không bận tâm gì về tôi, mụ chả nợ nần gì tôi sất. Mụ chỉ có việc lấy tiền của tôi thôi. Mụ thấy thế được không?
Gã nhìn mụ với bộ dạng tươi cười, với bộ dạng vui vẻ.
Bà lão ngắm gã một cách nghi ngại, tìm xem cái bẫy ở chỗ nào. Mụ hỏi:
- Thế món ấy, là phần tôi; nhưng phần bác, cái trại này, món ấy không đem trại cho bác chứ?
Gã tiếp:
- Mụ đừng lo chuyện ấy. Trời cho mụ sống được chừng nào thì mụ vẫn ở đây. Đây là nhà mụ. Có điều mụ làm cho tôi cái giấy ở chỗ ông công chứng để rồi sau này tôi được hưởng. Mụ không con cái, chỉ có cháu họ mà mụ chả thiết mấy. Mụ thấy thế được không? Mụ còn sống thì mụ cứ giữ gìn lấy tài sản của mụ, còn tôi cho mụ mỗi tháng ba chục đồng năm quan. Phần mụ rất có lợi thôi.
Bà lão vẫn ngạc nhiên, lo ngại, nhưng bị hấp dẫn. Mụ đáp:
- Tôi chả bảo là không. Có điều, tôi muốn ngẫm xem thế nào đã. Tuần sau bác đến bàn lại. Ý tôi sao tôi sẽ bảo bác.
Thế là chủ quan Sicô ra về, hài lòng như ông vua vừa chinh phục được một vương quốc.
Mụ Magloarơ đâm nghĩ ngợi. Đêm sau mụ không ngủ. Bốn ngày trời mụ như bị sốt vì băn khoăn do dự. Mụ cảm thấy rõ trong ấy có cái gì không hay cho mình, nhưng nghĩ đến ba chục êquy hàng tháng, đến những đồng bạc thật cứ dốc vào tạp dề của mình, từ trên trời rơi xuống cho mình như thế, chẳng phải làm gì, mụ bồn chồn thèm muốn.
Mụ bèn đến gặp ông công chứng và kể lại câu chuyện. Ông ta khuyên mụ nhận lời Sicô, nhưng đòi năm mươi đồng êquy chứ không phải ba mươi, vì trại của mụ rẻ ra cũng đáng sáu mươi ngàn quan. Viên công chứng bảo:
- Nếu bà sống mười lăm năm nữa, thì như thế gã cũng chỉ phải trả có bốn mươi lăm ngàn quan.
Bà lão run lên khi nghĩ đến năm chục đồng êquy hàng tháng, nhưng vẫn còn nghi ngại, sợ trăm ngàn điều bất ngờ, sợ những mưu ngầm, và mụ ngồi lại hỏi han đến tối, không dứt ra về được. Cuối cùng, mụ bảo viên công chứng thảo giấy tờ, rồi ra về bồi hồi rối loạn như thể vừa uống bốn bình rượu táo mới.
Khi Sicô đến xem mụ trả lời ra sao, mụ để cho gã nài nỉ thật lâu, tuyên bố mình không ưng, song rất sợ gã không thuận đưa năm chục êquy. Cuối cùng, thấy gã nằn nì, mụ nói ra ý mụ.
Gã giật nảy mình vì thất vọng và gã không chịu.
Thế là, để thuyết phục gã, mụ bèn bàn luận về tuổi thọ của mình:
- Chắc tôi chỉ dăm sáu năm nữa là cùng. Bảy mươi ba rồi, mà có khỏe khoắn gì cho cam. Tối hôm nọ, tôi đã tưởng mình đứt. Người cứ như rỗng ra, họ phải khiêng tôi vào giường đấy.
Nhưng Sicô không mắc mưu.
- Thôi, thôi, bà lão, bà vững như gác chuông nhà thờ ấy. Xoàng ra bà cũng sống đến trăm linh mười tuổi. Bà sẽ đưa ma tôi, dám chắc như thế.
Mất cả một ngày bàn cãi. Song vì bà lão không nhượng bộ, gã chủ quán, cuối cùng thuận đưa năm mươi êquy.
Hôm sau họ kí giấy. Và mụ Magloarơ đòi mười êquy lót tay.
Ba năm trôi qua. Bà cụ khỏe mạnh như có bùa phép. Dường như mụ không già đi lấy một ngày, và Sicô tuyệt vọng. Gã tưởng chừng gã đã trả món phụ cấp ấy từ nửa thế kỷ nay, gã đã bị lừa, bị bịp, bị phá sản. Thỉnh thoảng gã lại đến thăm mụ chủ trại, như người ta thăm đồng vào tháng bảy, xem lúa đã chín hay chưa, cho lưỡi hái. Mụ tiếp gã với cái nhìn ranh mãnh. Cứ như thể mụ khoái chí vì đã chơi cho gã một vố; và gã leo ngay lên xe, mồm lẩm bẩm:
- Thế là mày chẳng ngoẻo đâu, của nợ!
Gã không biết làm thế nào. Nhìn mụ, gã những muốn bóp chết mụ. Gã ghét mụ với niềm căm ghét dữ tợn, nham hiểm, niềm căm ghét của anh nông dân bị mất cắp.
Gã bèn tìm kế.
Thế rồi, một hôm, gã đến thăm mụ, xoa xoa hai bàn tay như cái lần đầu tiên, khi gã ướm chuyện mua bán với mụ.
Và sau khi đã trò chuyện vài phút:
- Này, bà già, sao mụ không đến nhà tôi dùng bữa, khi mụ đi qua Êprơvin? Họ bàn tán đấy, họ bảo thế là mình không bạn bè với nhau, chuyện ấy làm tôi buồn lắm. Mụ biết đấy, ở nhà tôi, mụ không phải trả tiền đâu. Tôi chẳng so sẻn gì một bữa ăn. Mụ ưng thì mụ cứ đến tự nhiên, cho tôi vui lòng.
Mụ Magloarơ chẳng để phải được mời lại, và ngày hôm sau nữa, nhân đi chợ bằng xe ngựa do anh đầy tớ Xêlêxtanh cầm cương, mụ không nề hà gì, cho luôn ngựa vào chuồng nhà Sicô, và đòi bữa ăn gã hứa.
Tay chủ quán tươi roi rói, tiếp đãi mụ như bà lớn, thết mụ gà giò, đùi cừu quay, thịt mỡ nấu bắp cải. Nhưng mụ hầu như chẳng ăn gì, quen thanh đạm từ thuở bé, suốt đời chỉ dùng ít súp với một mẩu bánh mì phết bơ.
Sicô nài nỉ, thất vọng. Mụ cũng chẳng uống gì. Mụ từ chối cà phê. Gã bảo:
- Thế bà dùng tí rượu nhé!
- À! Cái ấy thì được.
Thế là gã gọi váng lên, từ đầu này đến đầu kia quán:
- Rôdali, đem rượu đây, loại cực ngon, thượng hảo hạng ấy.
Và chị hầu gái bước ra, tay cầm cái chai thon dài có trang trí một lá nho bằng giấy. Gã rót đầy hai cốc.
- Bà lão, nếm thử này, loại trứ danh đấy.
Bà già uống từ từ, nhấm nháp, kéo dài niềm thích thú. Khi cốc đã cạn, mụ dốc cho hết rồi tuyên bố:
- Ừ phải, rượu ngon thật!
Mụ chưa nói xong, Sicô đã rót luôn cho mụ đợt nữa. Mụ toan từ chối, nhưng không kịp, và mụ lại nếm náp rất lâu, như cốc trước.
Thế là gã muốn mời cốc thứ ba, nhưng mụ không chịu.
Gã nài nỉ:
- Cái này, như sữa ấy mà, mụ thấy đấy; tôi à, tôi uống mươi, mười hai cốc êm ru. Nó trôi tuột đi như đường. Bụng chả sao hết, đầu chả sao hết; như thể vào đến lưỡi là bốc hơi luôn. Lợi cho sức khỏe nhất hạng đấy!
Bởi muốn uống quá nên mụ nhận lời, nhưng chỉ nửa cốc thôi.
Thế là Sicô, trong cơn hào hiệp, reo lên:
- Này, vì mụ thích, tôi sẽ cho mụ một thùng con để mụ thấy rằng chúng ta bao giờ cũng là bạn bè với nhau.
Bà lão không từ chối và ra về, hơi chếnh choáng.
Hôm sau, gã chủ quán vào sân nhà mụ Magloarơ rồi lôi trong đáy xe ra một cái thùng con có đai sắt. Rồi gã muốn mụ nếm thử để chứng tỏ là đúng thứ rượu ấy, và sau khi mỗi người đã uống ba cốc, gã tuyên bố lúc ra về:
- Mụ biết đấy, khi nào không còn, thì lại có nữa. Mụ đừng ngại, tôi không so sẻn đâu. Càng hết mau tôi càng vui bụng.
Rồi gã trèo lên xe.
Bốn ngày sau gã trở lại. Bà già ngồi trước cửa đang cắt bánh để nấu súp.
Gã đến gần, chào mụ, nói sát vào mặt mụ cốt để ngửi hơi thở mụ. Và gã thoảng thấy mùi rượu. Thế là mặt gã rạng lên. Gã bảo:
- Mụ mời tôi một cốc chứ?
Và họ chạm cốc hai hay ba lượt.
Nhưng chẳng bao lâu sau trong vùng có tiếng đồn là mụ Magloarơ nghiện ngập say sưa một mình. Người ta nhặt được mụ khi ở trong bếp, khi trong sân, khi trên những nẻo đường quanh đấy, và phải khiêng mụ về, sõng sượt như xác chết.
Sicô không đến nhà mụ nữa, và khi người ta nói với gã về bà già, thì gã khẽ bảo với bộ mặt buồn rầu:
- Vào tuổi mụ mà mắc chứng ấy thì cũng gay đấy nhỉ? Già rồi thì vô phương cứu chữa. Rồi ra chẳng hay cho mụ đâu!
Quả là chẳng hay cho mụ thật. Mùa đông năm sau mụ chết, quãng gần lễ Nôen, vì quá say, ngã trong tuyết.
Còn Sicô thừa hưởng trại, và bảo rằng:
- Cái nhà mụ này mà không rượu chè ấy à, còn là đậu được chục năm nữa.

                                                             Hết

Lê Hồng Sâm dịch - Tuyển tập truyên ngắn Pháp thế kỷ 19. T2 - nxb Giáo Dục năm 1987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét